PHƯỢNG THÀNH VỚI
THĂNG LONG THÀNH
Trần Khánh
Có người cho rằng nước Việt Nam không có những công trình kiến trúc vĩ đại trong lịch sử, đừng so sánh với Trung Quốc mà phải so sánh với các dân tộc nhỏ hơn như Campuchia và Lào. Nước ta không may ở gần một dân tộc khổng lồ luôn luôn lăm le lấn chiếm, nên phải dùng chiến tranh tiêu thổ, dù có xây đền đài cũng bị phá hủy. Mặc dù vậy ta hãy đọc bài khảo cứu của ông Biệt Lam Trần Huy Bá nói về tháp Bình Sơn ở chùa Vĩnh Khánh xã Bình Sơn tỉnh Vĩnh Yên, là một ngọn tháp tối cổ và rất là đẹp với lối kiến trúc đặc sắc và mỹ thuật thời Lý.
Bài này với chủ đề thành Thăng Long được ông vua đầu triều Lý xây dựng, đánh dấu một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng cho nền tiến hóa của dân tộc 70 năm sau khi thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của Bắc phương. Cũng đánh dấu rằng đời sống tinh thần dân tộc dưới đời Lý đã thấm nhuần triết lý sâu xa của hai tôn giáo lớn, Phật giáo và Đạo giáo. Và tự tín tự cường đối với các lân quốc về mọi mặt nhất là chánh trị.
Đức tin tưởng, lòng quật cường đã xây dựng cho dân tộc một thế đoàn kết chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân và một nền chánh trị hiền hoà giữa các nhà lãnh đạo với dân chúng, nhờ thế mới được các chiến công oanh liệt bắc phạt tràn qua đất Tống đánh phá đất Khâm, Liêm và Ung Châu, bình Chiêm.
So sánh hai bản đồ Phượng Thành hay Đại La thành do người Tàu xây dựng trong thời bắc thuộc trước đó mấy thế kỷ, được in trong sách Càn Khôn Nhật lãm của Đông Dã Tiên. Và Thăng Long thành in trong sách Thiên Nam tứ chí của Ty đệ Chính triều Tự Đức, chúng ta thấy qua qui mô của thành Thăng Long biểu hiện một tinh thần dân tộc đời Lý rất khóang đạt, tế nhị và dũng mãnh.
Đại La Phượng thành bị phá hủy trong thời kỳ ông cha chúng ta tranh thủ độc lập hoặc do vua Lý Thái Tổ khi xây dựng kinh đô Thăng Long. Phượng Thành dựng lên dựa lưng vào sông Tô Lịch và xa hẳn sông Nhị Hà, không tiện việc thương mại trong thời bình và khó giữ an toàn trong thời chiến. Đường đi trong thành nội thì chằng chịt ngoằn ngoèo chỉ giữ thế thủ mà không có thế công.
Thăng Long thành đổi hẳn cách kiến trúc cũ, bày ra lối xây dựng mới, như mạng nhện, giăng ra từ giữa thành nội tỏa ra khắp mọi nơi. Chung quanh thành là một đường vòng, đầu nối tiếp giáp với tất cả các ngã đường (giống như Petite ceinture hay Périphérique ra các portes của thành phố Paris), một mặt quay ra sát bờ sông Nhị Hà mặt kia quay ra các phủ huyện kế cận Từ Liêm, Thanh Trì. Vòng đai thành ngoại với các cửa ô: Lương Yên, Kim Liên, Thanh Hào, Cầu Giấy, Thụy Chương, Yên Phụ. Vòng đai chót là sông Tô Lịch với những chiếc cầu bắc ngang qua sông, trong thời bình thì dùng cầu để làm phương tiện di chuyển, thời loạn thì phá hủy để bảo vệ thành trì.
Thành Thăng Long ngày nay
Vua ở nội thành, dân ở ngoại thành. Nội thành kiến trúc đúng phương vị theo đồ hình bát quái. Các cửa đông, tây, nam, bắc sắp đặt hợp lý, đúng hướng chứ không giống như Phượng Thành cũ. Ngoại thành có trường nuôi voi ngựa, trường thi, xưởng đúc tiền, sở dưỡng tế, văn miếu, đền đài và chùa chiền.
Các thành trì cũ như điện Nam Giao, các phủ lỵ của Phượng Thành bị phá hủy hết, chỉ giữ lại đền chùa, còn cất chùa đền thêm nữa. Nhất là trường thi từ phía tây phá bỏ dời về phía đông nam. Dựng đền Ngọc Sơn, mở trường đúc tiền và sở dưỡng tế. Nếu quan niệm sinh hoạt và kiến thức đời Lý không cao thì không bao giờ dám phá hủy điện Nam Giao với tòa Tư Thiên Giám, phủ Phụng Thiên và không ý thức được về tôn giáo thì không giữ lại các đền, chùa, miếu.
Nhìn kỹ bản đồ ta thấy rõ:
Tàu thì đặt quốc tử giám một nơi, trường thi một ngả. Ta thì đặt văn miếu trong quốc tử giám và trường thi kế cận, văn học bao giờ cũng liên quan mật thiết để tiện việc liên lạc, khảo cứu.
Tàu thì không thấy vết tích đền thờ Hai bà Trưng. Ta đã xây đền thờ Nhị Trưng ở thành ngoại.
Tàu thì dùng sông Tô Lịch làm hào sâu để dựa lưng làm thế thủ. Ta thì dùng sông Tô Lịch nối liền vào cửa đông bắc và cửa tây bắc tiện việc giao thông thủy bộ, khi có biến loạn việc điều binh dễ dàng.
Trường nuôi voi ngựa ở về hướng bắc sẵn có đường bộ chạy dọc theo sông Nhị Hà mà tiến lên, lệnh từ trung ương cho thuỷ lục quân phối hợp thật là chặt chẽ.
Theo lối kiến trúc đó, phơi bày rõ ý muốn định cư lâu dài và xây dựng một nước có quy mô và bề thế. Cho nên, vua nhà Tống nhiều lần muốn nhờ ta đưa quân sang dẹp giặc Nùng. Và Tống triều còn theo học binh chế của ta, có thể nói rằng vào hạ bán thế kỷ thứ 11 nước ta mạnh bậc nhất về quân sự ở Đông nam Á châu (theo Vân đài loại ngữ của Lê Quí Đôn, Thái Diên Khánh, quan tri châu ở Hoạt Châu có dâng lên Tống Thần Tôn (1068-1085) cuốn An Nam Hành quân Binh pháp triều Lý).
Cho tới ngày nay, người ta vẫn để cho các nước mạnh đông dân, có nền văn minh cao lèo lái một cách lầm lạc về sự thật của nước như một thí dụ trên. Nếu ta chịu để ý giá trị một nền văn minh bằng tinh thần khoa học thì phải hiểu rằng các sách vở xưa của tổ tiên ta chép trên lá, trên vỏ cây không thể giữ lâu dài được, nhất là bị giặc phương bắc xâm lăng nhiều lần, vì muốn diệt cả một dân tộc thì làm mất văn hóa trước nên sách vở bị thiêu huỷ cả, phần tinh tuý trở về trước hễ cái gì hay và quý cho là của mình.
Với thời gian, biết bao nhiêu sự thay ngôi đổi chủ, thành Thăng Long xưa cũng mất hết dấu vết rồi.
Ta nhìn rõ hơn càng khâm phục kiến thức quảng bác của người kiến trúc thành Thăng Long. Đường vòng chung quanh nội thành là biểu tượng cho thái cực. Hai nhánh sông Tô Lịch: bên hữu có hồ Lãng Bạc là Úng Thủy, bên tả thông ra lưu thủy là sông Nhị Hà biểu tượng cho lưỡng nghi. Cung điện nhà vua ở giữa có bốn mặt đều nhau, ấy là tứ tượng. Cộng thêm bốn kiến trúc bốn cổng đó là bát quái. Tất cả các đường bắt đầu từ vòng thái cực chia ra chi chít chẳng biết bao nhiêu đó là biến hoá vô cùng vậy.
Sau thành nội, từ trường nuôi voi ngựa là đường thẳng tắp theo trung tâm đi ra gặp thành ngoại, gặp con đê, đó là nở hậu, ý nghĩa được thịnh và tồn tại lâu dài. Trước thành nội có một đường thẳng chạy lệch sang một bên để tránh mũi tên (xuyên tâm) đâm thẳng vào nội điện. Nhưng đường thẳng ấy đi đến ô Kim Liên thì kỳ diệu thay cửa ô ấy chiếu thẳng đúng vào chánh điện. Nếu kẻ một đường thẳng từ sau trường nuôi ngựa voi đến ô Kim Liên thì trung tâm vòng thái cực nằm trên đường thẳng ấy.
Hai cửa ô Lương Yên và Thịnh Hào ở trên hai cạnh cửa hình góc nhọn từ trung tâm vòng thái cực ra mà đường thẳng vừa nói là đường phân giác. Bốn cửa ô Thịnh Hào, Cầu Giấy, Thụy Chương, Yên Phụ ở trên những cạnh của những góc đều nhau đi từ trung tâm của vùng thái cực ra.
Bên hữu là Giảng Võ, đền Trấn Võ, miếu Thánh Hoàng, chùa Trấn Bắc. Bên tả là Ngọc sơn, trường thi, Văn miếu. Ở phía trước cung điện có hồ bảy mẫu trồng sen có hương thơm để ướp trà.
Về địa lý của thành Thăng Long: Nội thành đặt đúng trên núi Nùng, sau lưng là cái ao Thủy Tây Hồ, bên tả là Tam Đảo, bên hữu là Ba Vì. Tay hổ (bên hữu) bắt đầu từ chùa Bát Mẫu chạy vòng tới dãy núi Ninh Bình, Thanh Hóa và ra đến cửa bể Thần Phù. Tay long (bên tả) bắt đầu từ cửa ô Yên Phụ chạy tới dãy núi Yên Tử, Đông Triều và Hòn Gay. Thẳng mặt chính nam là hồ bảy mẫu đầm sen đi suốt qua hồ Linh Đường tới chùa Bầu Hà Nam. Tay long dài, tay hổ ngắn. Theo địa lý là đất hiền lương, long hổ tương nhượng có nghĩa là vợ chồng hòa thuận, anh em nhường nhịn nhau, không kình chống nhau, kính trên nhường dưới (ngụ ý nhớ lại Lạc Long Quân chia con).
Trong nội thành, cung điện sắp đặt theo đúng tám hướng: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Đó là cái thế giữ tứ thời hợp kỳ tự (cùng bốn mùa giao hợp mà sắp đặt trật tự), giữ qủy thần hợp kỳ linh (cùng qủy thần giao hợp mà linh thiêng).
Chấn với đoài (đông và tây) là giữ nhật nguyệt hợp kỳ minh (mặt trời mặt trăng hoà hợp nhau cùng sáng). Khôn và càn (tây nam và tây bắc) là giữ thiên địa hợp kỳ đức (cùng trời đất hợp với cái điều mình).
Xây dựng theo ý nghĩa cho mỗi hướng:
Càn (tây bắc) dĩ quân chi (chỉ vào việc quân cứng rắn, cương quyết) thì có Giảng Võ đường, chùa Trấn Bắc, Trấn Võ, miếu Thánh Hoàng, làng Hữu Tiệp (tin thắng trận báo về). Đối với càn là tốn (đông nam), tốn dĩ thuận chi (chỉ vào sự thuận thảo, mềm dẻo) thì có Văn miếu, trường thi, Quốc tử giám, làng văn chương, chùa Long Hoa.
Khảm (chính bắc) dĩ hãm chi (chỉ việc mưu mẹo để thắng địch vì địch ở phương bắc) thì có não Thủy Tây Hồ. Đối với khảm là ly (chính nam), ly dĩ lệ chi (chỉ sự sáng sủa đẹp đẽ) thì có ô Kim Liên, làng Kim Liên (bông sen vàng rực rỡ).
Khôn (tây nam) dĩ tái chi (chỉ lấy sự chịu đựng, kiên nhẫn để thủ thắng) thì có làng Thịnh Hào. Đối với khôn là cấn (đông bắc), cấn dĩ chi (chỉ việc nên ngưng thì phải ngưng ngay chớ có tham) thì có làng Nhật Tân, Quảng Bá.
Đoài (chính tây) dĩ duyệt chi (lấy mềm dẻo mà thuyết phục để theo) thì có chùa Nhất Trụ. Đối với đoài là chấn (chính đông), chấn dĩ cổ chi (lo việc cổ động) thì có chùa Thanh Cổ (trống bằng đá).
Đây là một tác phẩm kiến trúc vĩ đại, nhà sáng lập lấy lý đạo làm nguyên tắc. Theo sử ghi thì kinh đô Thăng Long đã rập theo mẫu thành Tràng An đời Đinh. Nhà Đinh mất nghiệp năm 980, thành Thăng Long dựng năm 1010 chỉ cách 30 năm thôi thì chắc là cùng một kiến trúc sư.
Thành Tràng An đời Đinh và Tiền Lê là thủ phủ chiến lược bởi vì mới vừa thoát vòng lệ thuộc bắc phương nên lúc nào cũng lo sợ họa xâm lăng. Nhưng đến thời Lý Thái Tổ nước ta đã đủ sức mạnh tiến ra đồng bằng nên Thăng Long thành là kinh đô chánh trị lẫn quân sự.
Xét ra xã hội Việt Nam thời Lý chỉ có 70 năm khỏi ách đô hộ ngàn năm, mà trong 70 năm ngắn ngủi qua ba đời Ngô, Đinh, Lê có 12 năm loạn thập nhị sứ quân, Lê Hoàn đẩy lui quân Tống ở Chi Lăng. Có bao nhiêu di sản văn hóa tiền nhân để lại bị kẻ đô hộ cướp mất, lại sống trong cảnh loạn ly, sợ hãi ách đô hộ lại tròng vào cổ. Cho nên tinh thần vua quan dân phải liệu trước, lo xa mà theo định luật sống còn của lịch sử cho thấy: "Chỉ một dân tộc yếu hơn dân tộc khác về nhân số, võ lực thì tinh thần phải vươn cao hơn để chiến thắng địch thủ". Bằng ngược lại lịch sử cũng cho thấy một dãy đất phía nam Dương Tử Giang nào hồ Động Đính, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… đều bị đồng hóa cả.
Cho nên ta có thể tự hào là thành Thăng Long có một giá trị hết sức hoàn hảo về mọi phương diện, chỉ tiếc rằng người sáng tạo làm nên thành là ai?
SÀI GÒN CỰU SỰ
Từ lâu, địa danh Sài Gòn làm cho các nhà nghiên cứu tốn biết bao tâm trí và giấy mực, nhưng chưa có luận cứ nào được chấp thuận hoàn toàn.
Theo Đại Nam Quốc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì Sài là củi, Gòn là loại cây có bông nhẹ, xốp thường dùng để dồn gối, nệm mà người Bắc gọi là cây bông gạo.
Jean Bouchot cho rằng Saigon là Kaigon. Theo cách đố của dân gian, hỏi: "Còn gây" là gì? Đáp là: "Cây gòn" hay "Con gầy" cũng được.
Khi xưa chúa Nguyễn đến Sài Gòn đã thấy rừng cây gòn mọc chung quanh các ụ của các đồn lũy người Chân Lạp. Tác giả của "La Cochinchine et ses habitants - Saigon 1894" là bác sĩ J. C. Bourec cũng nói cây gòn trồng nhiều ở chùa Cây Mai và vùng phụ cận.
Một cách giải thích khác, tên Sài Gòn bắt nguồn từ cách gọi theo tiếng Miên Prei-Nokor hay gãy gọn hơn là Prei-Kor, Prei có nghĩa là rừng, Nokor là thành thị, Kor là con bò hay cây gòn. Vậy Prei-Kor là rừng bò hay rừng gòn, vì ngày trước ở Sài Gòn có nhiều bò rừng ở và cũng có nhiều cây gòn.
Lý giải khác theo biến chuyển lịch sử cho rằng lúc quân Tây Sơn rượt đuổi Nguyễn Ánh vào năm 1778, các thương nhân Hoa kiều sinh sống ở cù lao Phố (Biên Hòa) sợ hãi quân Tây Sơn nên kéo nhau lánh nạn về Chợ Lớn mà họ gọi là "Thầy Ngồn" (tiếng Quảng Đông) hoặc "Đề Ngạn" (tên chữ), có người cho giải thích này có lý vì người Tàu phát âm tiếng Việt ngọng nghịu, chữ Sài Gòn có sẵn từ trước thành chữ "Thầy Ngồn".
Nếu ta về miền tây nghe nhiều ông già bà cả nói đi "Thầy Gòn", có khi "Sè Gòn" thì giải thích sao đây? Các con cháu có sửa thì ông bà nói: "Ối! Sài Gòn, "Thầy Gòn" hay "Sè Gòn" gì cũng được, miễn là có chữ Gòn thì thôi, mà nói người khác biết là được rồi". Vậy nói một cách dễ tính thì không cần thắc mắc: Sài Gòn là Sài Gòn!
Cách nay gần 20 năm (1998), người Sài Gòn ăn mừng 300 năm. Có lẽ người ta lấy cái mốc thời gian 1698 lúc Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, Đồng Nai thành huyện Phước Long, Sài Gòn làm huyện Tân Bình và đặt các quan chức hành chánh, quân sự. Từ đấy Sài Gòn đã chánh thức trở thành địa danh của lãnh thổ Đại Việt.
Nhưng tên Sài Gòn đã có trước mốc lịch sử 300 năm này. Trong Gia Định thành Thông chí, Trịnh Hoài Đức có ghi rõ, vào năm 1674 quân chúa Nguyễn đã phá vỡ ba lũy của người Chân Lạp là Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Vậy từ "Sài Gòn" có trước đó ít nhứt 24 năm.
Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1686) sai tướng vào khai thác, xây đồn dinh cư trú ở chợ Điều Khiển trong vòng đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Hồng Thập Tự.
Năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát lên tước vương, đúc ấn Quốc vương thay thế Quốc công, chia Đàng Trong ra 12 dinh, hai trấn, đặt huyện Tân Bình làm Phiên Trấn dinh, huyện Phước Long làm Trấn Biên dinh. Chức quan võ cao nhứt tại Gia Định là chức điều khiển, thiết lập đầu tiên vào năm 1731 thời chúa Nguyễn Phước Trụ, lúc đó Trương Phúc Vĩnh giữ chức điều khiển, chịu trách nhiệm điều hành các dinh phía nam. Đến thế kỷ 19, trước dinh cũ có lập một cái chợ tên là chợ Điều Khiển. Năm 1753 quan Bố chánh Nguyễn Cư Trinh được cử giữ chức tham mưu coi cả năm dinh: Bình Khánh, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, kinh lược đất Chân Lạp, lập dinh trại huấn luyện quân ngũ, khai thác đất đai, căn cứ tại dinh Điều Khiển gọi là Đồn Dinh. Từ đó danh xưng "Đồn Dinh" được ghi vào sử Đại Việt, là cơ sở chỉ huy trọng yếu của các chúa Nguyễn tại Sài Gòn.
Năm 1772 chúa Nguyễn Phúc Thuần cử con trai của Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân là Đàm ân hầu Nguyễn Cửu Đàm tức anh ruột của bà Nguyễn Thị Khánh, người lập cây cầu có tên Thị Nghè bắc ngang qua sông Bình Trị. Nguyễn Cửu Đàm giữ chức điều khiển Gia Định đã thực hiện một công trình lớn đầu tiên ở Sài Gòn là đắp lũy đất bao quanh Đồn Dinh chạy theo sông Thị Nghè băng qua đường Thiên Lý đến chùa Cây Mai, dừng lại ở kinh Tàu Hủ. Lũy này có tên là Bán Bích, nửa bức thành kia là sông Bến Nghé và sông Bình Trị (Thị Nghè).
Năm 1776 Tiết chế Tây Sơn Nguyễn Lữ vào đánh Sài Gòn. Chúa Nguyễn chạy về Trấn Biên. Nguyễn Lữ chiếm đóng Đồn Dinh 10 năm suốt từ 1777 đến 1787. Sài Gòn liên tục rơi vào tay hai thế lực đối kháng giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Đến tháng 8 năm 1788 Nguyễn Ánh mới chiếm lại Sài Gòn.
Năm 1789 họa đồ thành Sài Gòn được Olivier thiết lập theo ý của Nguyễn Ánh. Tháng 3 năm 1790 khởi công kiến trúc theo kiểu Tây phương Vauban theo các hướng âm dương ngũ hành bát quái trong dịch lý Á Đông. Thành ở vị trí các đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng; khu trung tâm thành là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện bây giờ...
Trong vòng 45 năm (1790-1835) thành Sài Gòn có nhiều biến đổi. Năm 1809 Nguyễn Ánh cho dỡ nhà Thái Miếu trong thành chở cây gỗ quý về Huế. Cùng năm 1809, Tổng trấn Nguyễn Văn Nhàn xây thêm tòa Vọng Đài trong thành để làm lễ Tết.
Năm 1832, Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho đổi tên "trấn" Phiên An ra "thành" Phiên An vì trước đó thành Sài Gòn có tên là Phiên An.
Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835), lực lượng trong thành cố thủ hai năm mới bị hạ, Minh Mạng cho san phẳng thành bình địa và cho xây thành mới về phía bắc thành cũ, từ đó thành cũ (Phiên An) được gọi là Gia Định phế thành. Thành mới này là mục tiêu tấn công của Pháp quân năm 1859. Cuối năm 1935 trong lúc đào một gốc cây to trong vòng thành bệnh viện Grall người ta phát hiện được một kiến trúc xây bằng đá Biên Hòa là tường thành cũ thời Gia Long. Đó là lý do tại sao bệnh viện Grall thời Pháp còn có tên là bệnh viện Đồn Đất.
Ngày 17-2-1859 quân Pháp chiếm thành Sài Gòn (lần thứ nhứt) nhưng không để quân đóng trấn giữ mà rút về Đà Nẵng để uy hiếp kinh thành Huế. Hai năm sau (1861) cuộc đụng độ tái diễn ở thành Sài Gòn giữa quân của Phó đề đốc Charner và quân của Nguyễn Tri Phương, thành Chí Hòa thất thủ ngày 25-2-1861. Ngày 14-4-1861 Charner ban hành nghị định, định ranh giới thành phố Sài Gòn nằm trong khu vực giới hạn bởi con rạch Thị Nghè và Bến Nghé, đường nối liền sông Sài Gòn tới chùa Cây Mai và những phòng tuyến của đồn Chí Hòa.
Ngày 7-8-1869, Thống đốc Olivier ký nghị định 131 của Ủy ban thành phố (Conseil municipal) gồm 13 ủy viên và một chủ tịch là Đốc lý Sài Gòn (Maire de Saigon). Trong nghị định 210 ngày 27-9-1869 của Thống đốc Olivier có Pétrus Trương Vĩnh Ký, giám đốc tờ Gia Định báo là người Việt Nam đầu tiên tham gia vào Hội đồng thành phố Sài Gòn thời Pháp sang. Về sau, ngày 8-1-1877 Tổng thống Pháp Mac-Mahon lại ký một sắc lệnh nữa về tổ chức thành phố Sài Gòn.
Hai cơ sở thiết yếu được đặt ra sớm nhất ở Sài Gòn là Thương cảng và Bưu điện viễn thông năm 1860.
Con tem đầu tiên do Bưu chính Sài Gòn phát hành vào năm 1863 hình vuông, in hình con diều hâu giá 0,01 F, 0,05 F, 0,10 F và 0,40 F, giám đốc tên Gouhaux. Năm 1907 có con tem thiếu nữ Nam Kỳ và năm 1919 có tem Cô Ba (hình con thầy thông Chánh).
Dinh thượng thơ còn gọi là đổng lý nội vụ được dựng lên vào năm 1861 ở đường Catinat (Tự Do ngày nay). Nghị định ký ngày 23-3-1864 của Thống đốc De La Grandière thành lập vườn Bách thảo (Thảo cầm viên) do bác sĩ thú y Germain điều hành. Đến ngày 28-3-1865 nhà thực vật học Pierre trách nhiệm cơ sở này. Vườn Bách thảo là nơi ương và cung cấp các giống cây để trồng trong thành phố. Năm 1870 bắt đầu trồng cây hai bên đường. Một con đường thuộc loại xưa nhất trước có tên là Miss Cauwel đến năm 1955 đổi tên thành đường Huyền Trân Công chúa vì là khu vực gần dinh Norodom (dinh Độc Lập), cần giữ an ninh không cho xe lưu thông nên giữ được cây cao bóng cả thời xưa, đặc biệt là nhà không có số. Sài Gòn có nhiều cây me trồng bên đường vì đặc tính sống dai của nó, được trồng thời đó, về sau không trồng nữa vì lá me giữ nước mưa, gây không khí ẩm ướt dễ sinh ra nhiều muỗi, gây bệnh sốt rét. Lại nữa cây me dân miền Nam chê tượng trưng cho kẻ tiểu nhân, không ai trồng làm cảnh, nhưng chuộng trái me để nấu canh chua thì trồng ở sau hè. Lê Quang Chiểu có bài vịnh cây me:
Xưa mọc ngoài ranh với xó hè
Nay trồng giữa chợ rạng danh me (me Tây).
Chương trình lớn nhất là xây dinh Thống đốc. De La Grandière đặt viên đá hoa cương đầu tiên mỗi cạnh 50 cm lấy từ Biên Hòa ngày 23-2-1868. Về sau dinh này dành cho toàn quyền Đông Dương và là dinh Độc Lập sau này. Một cơ sở tôn giáo (nhà thờ Đức Bà), lễ đặt viên đá đầu tiên là ngày 7-10-1877 thời Thống đốc Duperré... và kế tiếp là các cơ sở văn hóa, báo chí đầu tiên ở Sài Gòn.
Tháng 5-1899 mở rạp chiếu bóng đầu tiên, đó là một ngôi nhà lá mà Thống đốc Sài Gòn Léopold Bernard cho cất trên đường Charner (Nguyễn Huệ sau này) để làm rạp chiếu bóng. Còn buổi chiếu phim đầu tiên là buổi chiếu phim trước nhà quan tổng đốc Chợ Lớn vào 9 giờ tối ngày 6-10-1898 gọi là "hát hình máy". Như vậy chỉ có ba năm sau ngày anh em Lumière thực hiện chiếu phim đầu tiên ở Paris ngày 28-12-1895 thì Sài Gòn đã làm quen với "hát hình" rồi. Đến ngày 19-9-1925 phim truyện Việt Nam ra đời tựa là Kim Vân Kiều, chiếu ở rạp Casino do các diễn viên hát tuồng thời đó thủ diễn.
Ngày 23-10-1906 tờ Nông cổ Mín đàm số 262 công bố mở cuộc thi sáng tác tiểu thuyết bằng Quốc ngữ nhằm khuyến khích người Việt viết chuyện nước mình cho người mình đọc. Ông Nguyễn Chánh Chiếu làm chủ bút, giải thưởng có các hạng: 100 đồng, 30 đồng và một năm báo Nông cổ Mín đàm. Đó là cuộc thi đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, tiếc rằng còn quá sớm nên ít người tham dự. Kết quả có một tác phẩm "Lương Hoa" là truyện của Nguyễn Khánh Nhương được đăng trên báo Nông cổ Mín đàm.
Ngày 12-10-1910 chiếc phi cơ đầu tiên xuất hiện trên nền trời Sài Gòn, đó là phi cơ kiểu Farman của Pháp do phi công Derbong lái.
Năm 1915 ban nhạc tài tử của nhạc sĩ Nguyễn Tống Triều từ Mỹ Tho lên Sài Gòn trình diễn ở nhà hàng Cửu Long. Đó là lần đầu tiên nhạc tài tử được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp.
Ngày 11-9-1917 vở kịch "Vì nghĩa quên nhà" phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh diễn tại rạp Eden Sài Gòn, hôm sau diễn tại rạp Cô Tám ở Chợ Lớn. Đây là vở kịch đầu tiên ở Sài Gòn.
Ngân hàng đầu tiên do người Việt điều khiển tại Sài Gòn vào năm 1927 mang tên "Ngân hàng Việt Nam Công ty hữu hạn" với số vốn 250 ngàn đồng, do ông Hùynh Đình Khiêm, nghiệp chủ ở Gò Công làm Hội viên danh dự, ông Trần Trinh Trạch Chánh hội trưởng, ông Nguyễn Văn Tân Phó hội trưởng và ông Nguyễn Văn Của làm Quản lý.
Ngày 23-9-1928, Tổng cục thể thao Sài Gòn mang chuông đi đánh xứ người với một đội túc cầu và các tuyển thủ quần vợt sang tranh tài ở Singapore.
Năm 1929 đài phát thanh Sài Gòn phát thử đến ngày 1-9-1939 mới thực sự hoạt động. Mỗi ngày phát thanh hai buổi sáng chiều.
Năm 1862 Đại tá công binh Pháp Coffyn đặt tên đường phố Sài Gòn bằng số, từ số 1 đến số 26. Ngày 1-2-1865, các tên đường mang số đổi thành tên các nhân vật sĩ quan có công với Pháp, đường số 1 là đường Lefèvre, dân đọc là "lòi phèo", ngày nay là đường Nguyễn Công Trứ.
Con đường xưa nhất là đường mé sông Quai du Cambodge nay là đường Kim Biên, Kim Biên phiên âm từ chữ Phnom Penh. Ở đây có chợ Kim Biên thịnh hành từ năm 1776 vì có nhiều người gốc Hoa ở vùng cù lao Phố và ở Mỹ Tho kéo về đây lập nghiệp. Tại đây năm 1930 hảng xà bông Việt Nam ra đời cạnh tranh với xà bông Marseille, hiệu là xà bông Cô Ba, giám đốc hảng là ông Trương Văn Bền.
Ngày 2-12-1938 Sài Gòn thành lập hảng hàng không dân dụng, khai trương đường bay Sài Gòn - Hà Nội, hành trình phải mất một ngày một đêm, thời đó là phương tiện nhanh nhất. Trong khi đó đi tàu biển Sài Gòn - Hải Phòng mất 40 ngày. Đi kiệu từ Sài Gòn ra Hà Nội không dưới hai tháng.
Năm 1865 tờ Gia Định báo ra đời được xem là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam do người Pháp tên là Ernest Porteau trách nhiệm. Đến ngày 16-9-1869 Đô đốc Olivier ký nghị định giao tờ báo cho ông Trương Vĩnh Ký. Pétrus Ký là người Việt Nam đầu tiên làm báo Quốc ngữ. Ngày 1-2-1918 bà Sương Nguyệt Ánh đứng ra thành lập tờ "Nữ giới chung" để gióng lên tiếng chuông binh vực phụ nữ, đây là tờ báo đầu tiên ở nước ta đặt vấn đề nam nữ bình quyền và là đầu tiên một phụ nữ Sài Gòn làm chủ bút một tờ báo trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Năm 1878, Sài Gòn có bốn máy điện thoại đầu tiên, mua từ Singapore, đặt đường dây từ dinh thống đốc đến sở Bưu điện. Đến ngày 1-7-1894 hệ thống điện thoại công cộng mới được sử dụng.
Năm 1894 xe đạp mới nhập vô Sài Gòn, giá quá cao nên ít người sử dụng. Năm 1917 ở Gò Công có 10 chiếc xe đạp, dành cho nhân viên Bưu điện sáu chiếc, phải đưa chuyên viên từ Sài Gòn xuống Gò Công tập lái xe. Khoảng 1940 con gái ông chủ chợ Mỹ Tho cởi xe đạp, bà con cho là "đàn bà cởi cọp".
Khoảng năm 1882 Đốc lý Bonnal mua hai chiếc xe tay (xe kéo) từ bên Nhật, tặng quan thống đốc một chiếc, còn một chiếc để dùng. Năm 1884 tham tá nhà douane là Ulysse Leneveu hưu trí nhưng vẫn ở Hà Nội để kinh doanh, y sang Hongkong mua sáu chiếc xe tay về cho thuê và mướn thợ Việt Nam nhái kiểu sản xuất, đến ngày 24-3-1887 ông Leneveu có 100 chiếc xe cho thuê. Ở Sài Gòn năm 1888 xã trưởng Chợ Lớn cho phép một người Tàu độc quyền khai thác xe tay, năm 1892 một người Nhật tên Tokamath xin chánh quyền Sài Gòn cho thầu khai thác xe kéo độc quyền. Năm 1900 Sài Gòn có 395 xe kéo, người phu kéo xe đi chân không kéo xe chạy bon bon.
Năm 1873 Sài Gòn xây vỉa hè, năm 1879 cho ghi số nhà, số nhỏ bắt đầu từ rạch Thị Nghè hay sông Sài Gòn, bên phải số chẵn, bên trái số lẻ. Mỹ danh "Hòn ngọc Viễn đông" (La perle de l'Extrême-Orient) có từ sau Thế chiến thứ nhứt (1914-1918).
Có vài địa danh cần biết xuất xứ:
Bến Nghé: Dân Sài Gòn sống cạnh các kinh rạch, nhất là rạch Bến Nghé. Theo sách của Trịnh Hoài Đức, khi xưa có một bầy trâu rừng kéo đến vùng này, trâu mẹ lạc mất trâu con (nghé) nên kêu rống tìm con vang dội cả vùng, do vậy con rạch này được dân địa phương đặt tên là Kompong Krabei (Vũng Trâu), người Việt đến sau gọi là Vàm Bến Nghé. Một lối giải thích khác của Đốc phủ sứ Trần Quang Tuất cho rằng xưa Sài Gòn có nhiều cá sấu, tiếng kêu của cá sấu tựa như tiếng kêu của nghé (trâu con) kêu mẹ nên dân cư đặt cho con rạch này là rạch Bến Nghé.
Cầu Ông Lãnh: Cầu Ông Lãnh nằm trên đường Nguyễn Thái Học, cạnh cầu có chợ Cầu Muối, trước muốn qua Khánh Hội phải dùng ghe để tiện việc giao thông mua bán. Năm 1874 Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, một vị tướng có tài triều Nguyễn trấn thủ các đồn Cây Mai, Thủ Thiêm chống Pháp, bỏ tiền ra xây cây cầu này bằng gỗ. Năm 1929 người Pháp cho xây lại bằng xi măng cốt sắt dài 120 thước. Sở dĩ người dân gọi tắt "cầu Ông Lãnh" vì sự húy kỵ (cữ) tên ân nhân.
Hiện nay đình Nhơn Hòa đường Cô Bắc (đình Cầu Muối) còn thờ thần Nguyễn Ngọc Thăng. Đình có hơn 150 năm, được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Có ban hát bội Tấn Thành Ban hát thường trực trong võ ca đình này.
Cầu Bông: Theo bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1825 có tên là cầu Cao Mên. Năm 1833 Trương Minh Giảng ra lịnh đốt cầu khi đánh nhau với Lê Văn Khôi. Sau đổi tên là Cầu Hoa, nhưng vì húy kỵ tên bà Hoa một bà phi của vua Minh Mạng nên đổi là Cầu Bông.
Thuyết khác là tại khu vực cầu là nơi trồng nhiều bông nên gọi là Cầu Bông cho tiện, dễ nhớ. Lại một thuyết nữa, khi xây cầu người Pháp gọi là Pont, dân ta nghe vậy gọi theo thành Bông, lâu ngày chữ Tây Pont biến thành chữ ta Bông.
Ông Tạ: Sài Gòn có chợ Ông Tạ, Ngã ba Ông Tạ, cầu Ông Tạ. Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bi sanh năm 1928 ở làng Tân Lý Tây (Mỹ Tho) là một thầy thuốc lấy hiệu là Tạ Thủ, Thủ Tạ hay Ông Tạ. Ông có lập ngôi chùa trong vùng tên Thánh Thơ, ông lấy pháp danh là Thích Thiên Thới.
Thủ Đức: Địa danh Thủ Đức là tên hiệu ông Tạ Huy, tiền hiền ở Linh Chiểu Đông, có mộ ở Linh Đông Thủ Đức, bia đề "Đại Nam Linh Chiểu Đông thôn Tiền hiền, húy Huy, hiệu Thủ Đức, Tạ Phủ Quân chi mộ" chết ngày 19-6 không ghi năm, hương chức dựng bia tháng 2 năm 1890.
Chùa Khải Tường: Ở Sài Gòn có ngôi chùa Khải Tường là một di tích lịch sử, nhưng nay không còn nữa, vì thời Pháp, Barbé biến chùa thành trại đóng quân. Nơi đây bà Thuận Thiên hoàng phi vua Gia Long sanh Hoàng tử Đởm, về sau là vua Minh Mạng. Năm 1832 vua Minh Mạng xuống chiếu cho bộ Lễ: "Làng Tân Lộc phía hữu thành Gia Định khi trước Hoàng thái hậu ta vào Nam từng đồn trú tại nơi ấy. Thực là hợp với điềm tốt 'Cầu vòng trôi ở bến hoa'". Vậy nên dựng ngôi chùa ở ngay chỗ đất ấy, gọi là chùa Khải Tường.
Nhà vua xuất kho 300 lạng bạc để xây chùa, lúc khánh thành vua Minh Mạng cúng một tượng Phật cao 1 mét 96, ngồi trên tòa sen, đưa từ Huế vào. Chùa bị phá năm 1880, tọa lạc tại số 28 đường Trần Quý Cáp trong khu Đại học Y dược Sài Gòn. Còn tượng Phật hiện bảo tồn trong Viện bảo tàng Sài Gòn.
Sài Gòn có nhiều di tích lịch sử, nhưng vì khuôn khổ bài viết hạn hẹp, tác giả xin vắn tắt kể về chùa Bà Thiên Hậu và đình Chí Hòa.
Chùa Bà: Là cách gọi của người Việt, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi. Người Tàu gọi là Phò miếu, tên chữ là Thiên Hậu miếu. Thiên Hậu là nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Hoa dưới triều Tống. Bà sinh ngày 23-5-960 âm lịch và mất ngày 19-2-987 âm lịch, thọ 27 tuổi, là con của một gia đình buôn bán, cha và anh thường đi lại trên biển. Bà có phép thuật biết trước tai nạn thuyền bè. Nhờ vậy có lần bà dùng thần thông cứu sống được người anh đắm tàu ngoài khơi. Sau khi mất bà thường hiện ra cứu giúp những người bị đắm thuyền, trong đó có cả các sứ bộ và thuyền của nhà vua. Cho nên các hoàng đế Trung Hoa từ thời Tống về sau đã phong tặng cho bà nhiều danh vị cao quý. Đời Thanh phong bà là "Thiên Hậu Thánh mẫu". Một số người Hoa đi tìm đất sống đến Việt Nam bằng thuyền rất gian nan, cập được bến họ tin là có sự phù hộ của bà nên lập miếu thờ cúng gọi là "A Phò" (Đức bà). Chùa xây từ năm 1760 do một nhóm người Quảng Đông chung sức và đã được trùng tu bốn lần vào các năm 1800, 1842, 1890 và 1910.
Đình Chí Hòa: Là một công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn. Đình Chí Hòa hay Hòa Hưng hàng năm đáo lệ kỳ yên đình khởi cúng từ ngày 17 đến 19 tháng 2 âm lịch, nhưng khu Hòa Hưng đã nhộn nhịp chuẩn bị từ rằm tháng 2 âm lịch. Trong võ ca có hai bức tranh đặc biệt vẽ ngôi trường và lớp học của danh sĩ Võ Trường Toản. Theo lịch sử, năm 1783-1785 trong khuôn viên đình bên cạnh võ ca có một lớp học được mở ra, người thầy dạy học là cụ Võ Trường Toản, nơi đây cụ đã đào tạo một số học trò nổi tiếng về sau.
Cuối bài "Sài Gòn Cựu Sự" xin mượn lời Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), một ông quan nổi tiếng hay chữ và là một nhà văn hóa lớn của đất Gia Định. Ông viết trong Gia Định thành Thông chí như sau:
"Đất Gia Định rộng lớn phì nhiêu, sản xuất đủ mọi sản phẩm, cư dân phong phú không bao giờ lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Người Gia Định quen ăn tiêu phung phí, trong miền Gia Định ít có người giàu có vì không ai chịu dành dụm để làm giàu cả. Dân ở đây khinh rẻ tiền của nhưng rất mộ công lý. Đàn bà thì yểu điệu và phần nhiều có nhan sắc. Từ Bắc chí Nam họ có tiếng là đẹp hơn cả. Họ phần nhiều thọ hơn đàn ông. Người Gia Định rất thuần hậu với khách lạ. Khi có khách lạ tới nhà, chủ lúc nào cũng mời ăn trầu, uống trà và sau cùng dùng cơm, mà bữa ăn đãi khách bao giờ cũng thịnh soạn, bất luận khách thân hay sơ hay chỉ là một người lạ mặt. Miễn là khách đến chơi nhà là chủ nhà ân cần tiếp đãi. Vì thế một người viễn phương tới đây ít khi phải lo ăn. Tuy nhiên phong tục thuần túy này vẫn có một điểm không hay, bọn vô lại, bất lương vô gia cư hầu như được mọi người ủng hộ khuyến khích, thành ra chúng càng ngày càng tệ nhũng. Các nhà Nho Gia Định có tiếng là hay chữ".
Đó là lời phê bình của cụ Trịnh Hoài Đức về người Sài Gòn.
Trần Khánh
(Trích "Bài học lịch sử ")
Đăng ngày 07 tháng 06.2018