banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

TRƯNG NỮ VƯƠNG

Trần Khánh

Vào những thập niên cuối của thiên niên kỷ này, có một hiện tượng lớn là thế giới, từ Á sang Âu, đã thấy xuất hiện ra nhiều nữ bộ trưởng, thủ tướng hay tổng thống…
Bà Indira Gandhi giữ chức thủ tướng Ấn Độ 11 năm (1966-1977), bà Golda Meir thủ tướng Do Thái 5 năm (1969-1974), kế đến bà Margaret Thatcher nước Anh, bà Benazir Bhutto của Pakistan, bà Edith Cresson của Pháp…
Còn nữ tổng thống ở Islande là bà Mary Robinson, Phi Luật Tân là bà Cory Aquino…
Nhưng có ai biết chăng, cách đây gần hai ngàn năm, trong thời kỳ Bắc thuộc, nước Việt Nam chúng ta có hai vị nữ vương đã đứng lên đánh đuổi quân Tàu, giành lại nền độc lập cho dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng.
Theo thần tích làng Hạ Lôi, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, hai Bà là chị em sanh đôi nhằm ngày mồng một tháng 8 năm Giáp Tuất. Chị tên là Chắc, em tên là Nhì. Vì nghề nuôi tằm là nghề cổ truyền của ta thời đó - kén được chia ra làm hai loại: kén chắc là kén không lép, kén nhì là kén mỏng - hai chị em có tên là Chắc và Nhì là do ý nghĩa trên.
Là con quan Lạc tướng họ Trưng ở huyện Mê Linh, mẹ là bà Man Thiện, cháu ngoại của Lạc vương. Chồng chết sớm, bà Man Thiện ở goá nuôi con cho tới tuổi trưởng thành, rèn luyện hai chị em trở thành người mưu lược, sức mạnh hơn người.
Khi Trưng Chắc lớn lên, bà gả cho vị tù trưởng có nhiều thế lực, làm quan ở huyện Châu Diên tên là Đặng Thi Sách.
Lúc bấy giờ, bà Man Thiện ý thức được họa diệt vong của nòi giống Việt nên đứng lên làm đại biểu cho toàn thể bộ Giao Chỉ chống lại văn hoá Trung Quốc.
Buổi đầu, Thi Sách và hai chị em họ Trưng chỉ giữ vai phụ thuộc mà thôi.
Theo thần tích làng Nam Nguyên, cho là bà Chắc hơn bà Nhì 5 tuổi, chứ không phải song sanh.
Khi ngọn cờ khởi nghĩa của Giao Chỉ phất phới tung cao, bà Man Thiện nhường vai chủ động cho các con.
Năm Giáp Ngọ 34, Hán Quang Vũ phái Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Họ Tô là người tham tàn, độc ác, hiếu sát nên lòng người oán giận. Trong khi chế độ nhà Hán bóc lột, hành hạ dân chúng hết sức cùng khổ, sự oán giận của người dân bị trị đã tích lũy từ lâu đang âm ỉ cháy, chỉ cần một que diêm là bắt lửa cháy phừng.
Sau bài hịch của hai Bà gởi đến các trấn, động, châu, huyện thì các hào kiệt bốn phương tụ về hết lòng phù trợ. Nghĩa quân lên đến sáu vạn, lập bản doanh ở bến Nam Nguyễn.
Trước khi dấy binh, Thi Sách có gởi một bức thơ đến Tô Định để giải thích lẽ phải trái, hy vọng y sẽ hối cải và bãi bỏ chánh sách tàn bạo. Ở đoạn kết, ông có lời hăm dọa: "Nhi bất lễ chi dĩ khoan, tất nguy vong cập chí hỉ" (Nếu không sửa đổi chánh sách cho rộng rãi thì sẽ bị nguy vong đến nơi đấy).
Qua các sự kiện trên, cho biết chủ trương đánh đuổi bọn thực dân Hán tộc bấy giờ của gia đình họ Trưng là chủ trương của toàn thể quý tộc và nguyện vọng của nhân dân Giao Chỉ.
Khi lệnh xuất quân ban hành, Thi Sách bày trận thế sơ sài nên bị Tô Định bắt được và đem giết để thị uy và trấn áp nhân dân.
Không để mất nhuệ khí, hai Bà liền cầm quân tiến thẳng vào Liên Lâu (Luy Lâu) là thủ phủ nước ta thời ấy (bây giờ là Bắc Ninh). Hai Bà trang sức rực rỡ, uy nghi khi xuất trận cỡi voi, mặc áo giáp vàng, che lọng vàng. Hai Bà quan niệm và giải thích rằng tinh thần không vì việc tang tóc mà làm mất nhuệ khí của quân dân, việc nước mới là hệ trọng. Nếu dung nhan kém thì thần khí mất đi, quân sắc y phục lộng lẫy để xúc động lòng quân địch thì sức chiến đấu của họ cũng giảm đi.
Quân Hán có sức vóc to lớn, khỏe mạnh, khí giới sắc bén, giáp trụ vững chắc, tiến lui có trật tự theo phương pháp và kỷ luật, thông thạo chiến trường.
Còn Nam quân chỉ là đoàn quân ô hợp, thiếu đội ngũ, không được luyện tập nên không biết kỹ thuật chiến đấu và kinh nghiệm chiến trường. Võ khí chỉ có giáo mác tầm thường, lợi hại nhất là chiếc nỏ bắn tên có tẩm thuốc độc.
So sánh lực lượng hai bên thấy ngay Nam quân thua hẳn Bắc quân. Nhưng nhờ sự căm hờn, phẫn uất tiềm ẩn lâu ngày, nên buổi đầu Nam quân thắng luôn mấy trận dễ dàng, quân ta hăng hái tiến lên như bão táp. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và từng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, nên chẳng bao lâu Nam quân hạ tất cả thành trì của giặc, giang san Việt trở về với người Việt.
Tô Định cùng bè lũ tháo thân chạy về quận Nam Hải khi thành Luy Lâu tràn ngập quân Giao Chỉ.
Dẹp xong quân nhà Hán, hai Bà xưng vương, lập kinh đô tại quê nhà Mê Linh, lập nên nền tự chủ.
Vào đầu đông năm 41 Tân Sửu, Hán Quang Vũ sai Phục ba Tướng quân Mã Viện (Mã văn Uyên) cùng Trung lang tướng Lưu Long và Lâu thuyền Tướng quân Đoàn Chí xuất quân Nam chinh. Y lấy quân chánh qui ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô và phụ binh ở các quận thuộc Quảng Đông. Y cho quân mở đường, phá núi, triệt hạ cây cối chướng ngại cả ngàn dặm để đi đánh Trưng Nữ vương.
Ta thấy cách chọn tướng lãnh của vua Hán và sự chuẩn bị của Mã Viện thì biết địa vị và uy thế của Trưng Nữ vương lớn như thế nào. Mã Viện là một danh tướng nhà Hán đã từng xông pha biết bao trận mạc và bách chiến bách thắng, tuy đã 70 tuổi mà vẫn còn dũng mãnh.
Mã Viện tiến vào nội địa Giao Chỉ qua vùng Ô Hứa Lạng Sơn theo một con đường một bên là núi, một bên là nhánh bắc của sông Thái Bình. Đi đường này để tránh các đầm lầy bởi nước thủy triều thuở đó còn tràn vào đất Trung Châu. Mặt khác, Mã Viện hành quân dọc theo bờ sông để thủy bộ liên lạc chặt chẽ với nhau để tiến tới Mê Linh và Tây Lý (Tây Du) là một căn cứ lớn của Nam quân giữa Hà Nội và Sơn Tây. Buổi đầu quân ta hăng sức, đánh bật quân Mã Viện, y cho lui binh về Lãng Bạc gần Tiên Du Sơn.
Mùa hạ đã sang, vì khí hậu oi ả nóng bức quá nên binh sĩ Hán bị bịnh nhiều, Lâu thuyền Tướng quân Đoàn Chí cũng bị bịnh chết. Có lần Mã Viện viết thơ về nhà kể rằng: "Cái nắng Giao Chỉ là cái nắng hun mây cháy đá và khí độc bốc tự dưới sình lên đã khiến quạ đang bay phải rớt xuống mà chết".
Phía Nam quân, được tin quân Hán ồ ạt kéo sang, một nữ tướng của Trưng Vương là Thánh Thiên Công chúa đem quân giao chiến thắng liền mấy trận giết hơn cả ngàn giặc. Hán binh phải lui về Trùng Bắc Giang; Mã Viện biểu tấu về triều để xin Hán đế cho binh tiếp viện. Vua Hán mật truyền lịnh là phải dùng mưu hơn là dùng vũ lực.
Mã Viện đóng quân ở Mã giang giữ thế cố thủ giả sai một đạo quân từ Bảo Lạc Cao Bằng đến đóng ở vùng Tháp Lục Châu (Tuyên Quang) hư truyền là sắp tấn công vùng này. Bị trúng kế "dương đông kích tây", Trưng vương liền phái Thánh Thiên Công chúa hỏa tốc đem binh lên cứu ứng vùng thượng du. Mã Viện liền tấn công ngay vào bộ chỉ huy Trưng vương, ở đây thực lực không đầy đủ và không vững chắc. Tuy vậy hai bên quần thảo dữ dội suốt ngày đêm. Quân Hán tràn tới mỗi phút một đông bao vây trùng điệp. Thánh Thiên tới thượng du nghe tin Trưng vương bị nguy kịch ở Trung Châu vội vàng quay về giải vây nhưng không còn kịp nữa. Hai Bà túng thế phải chạy đến xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Bước đường cùng nhảy xuống sông Hát (nơi sông Đáy chảy vào sông Nhị Hà) trầm mình, nhằm ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43). Ngọc thể hai Bà trôi vào bãi Đồng Nhân gần Hà Nội, nên ở đó có đền thờ hai Bà, hàng năm vào ngày mồng 6 tháng 2 quốc dân làm lễ kỷ niệm rất long trọng.
Cái chết oanh liệt của hai Bà làm rạng rỡ giống nòi, nêu gương uy dũng cho hậu thế.
Dẹp yên được Giao Chỉ, Mã Viện kiêu hãnh, đắc chí cho rằng hạ nổi hai Bà là một kỳ công, nên muốn lưu lại cái gì để ghi sự nghiệp của y với ngàn thu và cũng để dọa nạt người Giao Chỉ. Y thu các trống đồng của các bộ lạc đem đúc thành một con ngựa và một cây cột rất lớn cắm ở biên giới Việt Hoa có khắc 6 chữ: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" nghĩa là cột đồng gãy thì giống Giao Chỉ không còn. Cái ước mơ của y là nền đô hộ phương bắc sẽ muôn năm trường cửu. Người Giao Chỉ với phản ứng thụ động, sợ giống mình bị tiêu diệt nên ai đi ngang qua cũng lượm một hòn đá quăng vào chỗ cột đồng. Lâu dần cột đồng bị vùi lấp, nên có câu thơ mỉa mai:
Cột đồng Mã Viện tìm đâu thấy
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.
Câu chuyện cột đồng còn được nhắc nhở qua các cuộc du thuyết của sứ ta qua Tàu trong khi ứng đáp :
- Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
(Cột đồng đến nay đã phủ rêu xanh)
Mạc Đỉnh Chi đáp lại :
- Đằng giang tự cổ huyết lưu hồng
(Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)
Cột đồng đó chẳng biết có hay không? Người ta tự hỏi, ý Mã Viện là vừa để biểu dương thành tích vừa là để dọa nạt dân thì cột đồng ấy nhất định phải cắm ở chỗ thị tứ nhiều người qua lại, chứ đem cắm ở vùng biên giới thì chỉ có ma quỷ đến. Vậy còn cột đồng nếu quả có thật thì đặt tại thủ phủ Mê Linh.
Về sau Mã Viện chết, người Tàu làm đền thờ có tượng lớn bên trong ở thị trấn Đông Hưng trông sang đất Mong Cái. Ở thủy khẩu đối mặt với Lào Cay vùng biên giới cũng có tấm biển đề chữ "Phục Ba Nhai". Một người Việt qua thăm cảm khái đề thơ rằng:
Trèo non vượt bể biết bao trùng
Một trận Hồ Tây chút vẫy vùng
Quốc thước khoe chi mình tóc trắng
Cân đai đọ với khách quần hồng
Gièm chê luống những đầy xe ngọc
Công cán ra chi dựng tượng đồng
Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung.
Viết về Nhị Trưng mà không kể Thánh Thiên Công chúa là điều thiếu sót. Mưu lược vũ dũng đi vào giặc như chỗ không người.
Ở đỉnh Ngọc Lâm tỉnh Bắc Giang có đôi liễn:
Đông Hải chung anh, thiên vị Trưng triều sinh nữ tướng (Linh khí Bể Đông, Trời giúp nhà Trưng nữ tướng),
Bắc nhung chỉ phách, nhân ư ngọc chữ ngưỡng thần uy (Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến ngọc ngưỡng thần uy).
Đại hào kiệt, đại anh hùng, tận lực Trưng vương, cổ kim hàn ngưng xương thủy nguyệt, Vi huấn cao, vi thê thãng, hồn tiêu Hán tộc, kim hoàn hướng dẫn Ngọc Lâm Hoa (Thực hào kiệt, thực anh hùng những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương, gươm báu trăng lồng còn lấp lánh, còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán, cánh hoa bên Ngọc, vòng tay thơm nức hàng đâu đây).
Cái họa bắc phương, khiếp thật, tượng trưng là Mã Viện, sau khi thắng hai Bà, hắn cho truy lùng bắt giữ các tù trưởng, quý tộc nào theo hai Bà, tước đoạt hết trống đồng là vật linh thiêng để đúc ngựa kiểu và cột đồng. Y cho lịnh giết hết cho tới sau này không còn thấy nhân vật lịch sử nào mang họ Thục, họ Trưng, họ Chữ.
Một nữ anh kiệt vô tiền khoáng hậu của thế giới từ cổ chí kim. Về sau có nhiều bài thơ ca tụng công đức hai Bà của nhiều nam nữ tác giả. Ta thử :
Hôm nay ôn lại chuyện non sông
Tiếng sóng nghìn xưa ngập bến lòng
Đọc bài thơ hay nhứt của nữ sĩ Ngân Giang Đỗ thị Quế "Trưng Nữ Vương":
Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch nợ trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngất mấy trời.
Ải Bắc quân thù kinh gió ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
Hồi trước năm 1975 thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong khi đọc đến mấy câu thơ chót về lời than của Trưng Nữ, thù nước thù nhà đã trả xong lên ngôi trên ngai rồi nhớ đến chồng cũng cảm thấy bơ vơ:
Ải Bắc quân thù kinh gió ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
Lời ngâm não ruột của thi sĩ nhỏ dần rồi thi sĩ té ngã trên bục giảng, lịm đi cho tới khi tới bệnh viện thì tắt thở. Một cái chết phi thường trong sự thường.

Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

 

Đăng ngày 15 tháng 09.2016