Có nên ăn chay không?
Trước khi quyết định, cũng cần biết qua kỹ nghệ thịt
Nguyễn thị Cỏ May
Ăn chay, theo Từ điển An nam-Bồ đào nha-La tinh của Alexandre de Rhodes, có nghĩa là "Kiêng thịt và cá". Nhưng ăn chay của người Công giáo có nghĩa là “giảm phần ăn hay nhịn ăn do lương thực không được phong phú (jejunium/le jeun). Còn kiêng cử (abstinentia/abstinence) là từ bỏ thức ăn quen thuộc".
Với tôn giáo, mục đích ăn chay không giống nhau. Phật giáo và các tôn giáo lấy Phật giáo làm gốc dạy ăn chay là để tránh sát sanh. Tuy nhiên với ông Phật, không có vấn đề chay/mặn vì ông Phật chỉ dạy sát sanh là cái nghiệp nặng. Mà người tu Phật, căn bản là phải tránh sát sanh vì lòng từ bi đối với muôn loài chúng sanh. Trong lúc đó, người Công giáo ăn chay để thể hiện lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến khổ nạn của Chúa Ki-tô. Việc ăn chay còn được ấn định cho suốt mùa chay nhưng qua thời gian, có nhiều thay đổi để ngày nay, chỉ còn lại 2 ngày chay: ngày lễ Tro, thứ tư và ngày Thứ Sáu trong tuần (Giáo luật 1251).
Ăn chay
Ăn chay theo cách không sát sanh không chỉ dành riêng cho người tu Phật mà cả nhà bác học và nghệ sĩ phương Tây chũng chủ trương ăn chay vì vấn đề sức khỏe và lòng thương súc vật.
Nhà khoa học Albert Einstein (1879 – 1955) từng nói "Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay".
Nhà danh họa và điêu khắc gia người Ý, Léonard Da Vinci (1452 - 1519) đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng trên thế giới, quan niệm ăn chay là đạo đức của con người. Sự ăn chay sẽ tránh được những tội ác về sát sanh. Trong nhật ký ông thường viết những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn có những hành động thương quí các loài sinh vật khác.
Qua phương Đông cổ thời, Mạnh Tử dạy «Khi chúng ta thấy động vật lúc còn sống thì chúng ta không thể nào nhẫn tâm mà giết chúng, khi nghe tiếng kêu thảm thiết của chúng thì chúng ta càng không nhẫn tâm ăn thịt chúng, nếu là quân tử hãy tránh xa nhà bếp».
Thiền sư người Pháp, ông Mathieu Ricard, giảng giải rằng «Sự đau đớn của một con vật quan trọng hơn rất nhiều cái thú vị của chúng ta khi ăn miếng thịt».
Cũng trong buổi thảo luận về môi trường hồi tháng 2/2016 tại Paris, ông so sánh đời sống của con người với đời sống của sinh vật «Chúng ta là tất cả còn loài vật là không có giá trị gì hết. Giá trị đời sống con người là vô tận. Phải chăng vì vậy mà đời sống loài vật là con số không? Chúng ta thương yêu chó, mèo nhưng chúng ta lại ăn thịt heo, thịt bò… Nên nhớ giá trị sự sống là điều không thể trả giá được».
Trước đại hội, để kết thúc phần phát biểu, ông đặt câu hỏi «Phải chăng quí vị đồng ý chọn sự công bằng và đạo đức?» Mọi người đều giơ tay lên đồng ý. Ông hỏi tiếp «Vậy có công bằng và đạo đức không khi chúng ta làm cho sinh vật biết cảm giác phải chịu sự đau đớn không cần thiết?». Cả hội trường im lặng!
Ngày nay, ở Tây phương, có lẽ vì ảnh hưởng việc bảo vệ môi trường, và cả ảnh hưởng từ nhà trường, mà có khá đông lớp trẻ từ chối ăn thịt, chọn ăn thực vật. Có một cô bé mươi tuổi, học lớp Nhì (CM1) trường Pháp ở Vienne, Áo, một hôm nói với mẹ «Mẹ ơi, con không ăn thịt nữa. Con thú dễ thương quá, ăn thịt nó tội nghiệp lắm». Thế là từ hôm đó, cô bé chỉ ăn rau cải, trứng.
Ăn chay không ăn thịt cũng khá phức tạp. Có người không ăn thịt nhưng ăn trứng, sữa và các sản phẩm làm ra từ sữa và trứng. Người khác lại tuyệt đối tránh tất cả thịt cá, sữa, trứng, cả những thứ làm ra từ sữa, trứng như yaourt, fromage, bơ, bánh ngọt có trứng… Họ còn không xài những phụ tùng như áo da, áo lông thú, giây nịt da, giày da, son phấn…
Ở Nam kỳ, lúc đánh Tây giành độc lập và đánh cả Việt Minh cộng sản, quân đội Cao Đài ăn chay nhưng được phép ăn trứng vịt, tôm cua vì, theo lời giảng giải của các vị chức sắc Cao Đài, mấy thứ này «không có máu». Trong lúc đó, quân đội Phật Giáo Hòa Hảo, vì tu theo đạo Phật nên ăn chay đúng theo nhà Phật, cử sát sanh. Phần đông là nông dân, không làm việc vì gia nhập quân đội, không có thu nhập, nên nhiều lúc ăn cơm chỉ có rau với nước muối qua ngày. Mà vẫn đánh Tây và Việt Minh giữ được vùng Hòa Hảo an ninh khá tốt.
Ăn thịt hay ăn rau cải, cũng nên biết qua
Hội L214 ở Pháp, lấy tên từ điều luật của Luật về nông nghìệp, trang bị máy quay phim, lẻn vào các lò thịt vùng Paris, thâu lại hình ảnh các đồ tể tàn ác với thú vật trong lúc giết chúng, đem tố cáo trước dư luận. Các hội bảo vệ súc vật, cả Quốc Hội Pháp đã phải thành lập ủy ban điều tra, vì những hình ảnh của kỹ nghệ thịt cho thấy đúng là cơn ác mộng rùng rợn. Những con gà mái đẻ nhốt trong lồng tối, người ta xì hơi ngạt, lông rụng sạch rồi chết, hằng ngàn ngàn gà con, lựa riêng ra vì không đúng tiêu chuẩn nuôi lớn, cho máy nghiến nát thành bột, những bào thai bò với bộ đồ lòng của bò mẹ vứt vào thùng rác, sau đó xay nhuyễn làm thức ăn chăn nuôi…
Bò Charolaise hay Limousine hay Normande là giống bò tiêu biểu cho di sản thực phẩm của Pháp và nhắc lại cho dân Pháp thời hoàng kim của ngành thịt của mình. Còn heo là biểu tượng của nghệ thuật ẩm thực Pháp. Một miếng thịt heo là một giá trị của cải. Sự giàu dinh dưỡng mà giá rẻ nên hợp với đời sống của đại đa số dân chúng bình dân.
Ngành chăn nuôi của Pháp đã một thời trở thành quan trọng, có thể đứng ngang hàng với kỹ nghệ xe hơi của Đức. Tiêu thụ thịt của Pháp đem lại lợi tức không thua dầu hỏa của Á-rập Sa-u-đít. Nhưng nay đã có nhiều thay đổi. Lò thịt bị đóng cửa do làm việc thiếu tiêu chuẩn theo qui định. Nhiều nước trong Liên hiệp Âu châu như Đức, Ba-lan… đưa thịt qua chiếm thị trường Pháp. Các siêu thị lớn làm giá, ép nhà nông Pháp nín thở.
Thời mà làm chủ một cửa hàng thịt đồng nghĩa với một gia tài lớn, được ăn miếng thịt là kẻ có tiền, nay đã qua rồi. Giờ đây, Pháp phải đối diện với thực tế «Thôi, vĩnh biệt bò, heo… !». Người Pháp hiện nay không được uống sữa của Pháp, ăn miếng thịt của Pháp nữa.
Nhiều nhà nông đã phải treo cổ hàng loạt vì mang nợ. Số người tự tử trong năm rồi 2016 lên tới 170 người, tức cứ 2 ngày có một người tự tử vì sạt nghiệp.
Xã hội không muốn trông thấy nghề sát sanh
Đúng vậy. Nếu tường thuật đầy đủ chi tiết hoạt động của lò thịt, có thêm hình ảnh nữa thì càng dễ gây cảm xúc mạnh, thì chắc chắn sẽ làm cho mọi người «nổi da gà» ngay. Cho nên, lò thịt bị cấm ngặt người ngoài vào trong lúc làm việc.
Một công nhơn lò thịt kể chuyện mỗi khi gặp trẻ con hoặc vài phụ nữ cư ngụ gần lò thịt, họ gọi chúng tôi là «kẻ sát nhơn» (assassins). Một Giám đốc lò thịt – anh này leo đủ các nấc thang qua suốt 45 năm lặn ngụp trong vũng máu thú vật - phản ứng «Người ta khi ăn mìếng beefteak trong dĩa, khen ngon, thế mà không ai thấy miếng beefteak đó xuất hiện từ nơi chúng tôi làm việc, và công việc của chúng tôi là giết, tức «sát nhơn» đó!»
Stéphane Geffroy vừa cho xuất bản một quyển sách như hồi ký nghề nghiệp, tựa là «A l’abattoir» (Ở lò thịt) do Seuil, Paris, xuất bản, trong đó ông kể ra những điều mà ông chưa hề dám nói ra bên ngoài, cả với gia đình:
«Chúng tôi giết những con thú to lớn, mổ bụng chúng, cắt sừng, lưỡi, gan, móc bộ đồ lòng, lột da, lóc thịt chúng để chúng chỉ còn lại bộ xương… ».
Ông tiếp, với vẻ mặt tươi tỉnh: «Nhưng khi người ta suy nghĩ sẽ thấy chúng tôi ở trong lòng thế giới loài người vì nơi nào cũng có dấu vết sự hiện diện của chúng tôi. Miếng thịt bày bán, miếng thịt trong dĩa trên bàn ăn của nhà hàng, tất cả nhắc nhở sự hiện diện của chúng tôi. Việc làm của chúng tôi… ».
Điều kìện làm việc của công nhơn lò sát sanh vô cùng khắc nghiệt. Việc làm nặng nhọc, nhịp độ mau và liên tục không ngừng nghỉ, những động tác xoay trở thường ở tư thế trái ngược dễ gây tai nạn hoặc trật khớp xương, tiếng động inh tai, mùi thúi và hôi tanh làm bưng đầu óc.
Nhiều con thú to lớn khi đưa vào hành lang tử thần, chúng gầm thét, quay đầu lại, vụt bỏ chạy đi. Rùng rợn nhứt là khi giết những con bò con, bò mẹ đang có chửa. Người làm viêc nhiều năm trong lò thịt, đôi lúc cũng phải rởn tóc gáy, đổ mồ hôi, lạnh xương sống.
Nhiều người mới vào làm, không ít người, chỉ sau ngày đầu, đã bỏ việc. Những người vì hoàn cảnh khó kiếm được việc làm khác mà lương cao hơn mức tối thiểu nên phải cắn răng tiếp tục. Công việc vừa làm cho thân thể rả rời do mức độ cứ mỗi phút xong một con thịt - trước đây mất 60 phút - vừa làm tổn hại tâm lý nghìêm trọng. Thời gian đầu, mỗi tối, họ phải uống thuốc an thần mới có thể ngủ được. Đêm thường bị những cơn ác mộng đánh thức.
Có chọn ăn chay hay không thì tới năm 2050 con người cũng sẽ phải tìm ăn thêm những thực phẩm khác hơn thịt cá quen thuộc để giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm trước đà gia tăng nhơn số trên trái đất. Và còn để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường.
Vả lại, theo những nhà khoa học, con người vốn thuộc loài ăn thực vật chớ không phải ăn động vật vì không có bộ răng của sư tử. Ăn thịt là sống trái với bản gốc của mình chỉ vì thói quen xã hội.
Nguyễn thị Cỏ May
* Danh từ mới “spécisme” (speciesism) tạm dịch là “kỳ thị giống loài” xuất hiện năm 1985 trong quyển Oxford English Dictionary cập nhật năm 1994 định nghĩa đây là sự phân biệt giữa giống người và các giống thú khác còn lại. Nó là gì? Là sự từ chối tôn trọng sinh mạng của loài vật, là cư xử bạo hành, là kẻ mạnh giết loài yếu hơn mà thôi. Là sự phân biệt đối xử giữa các loài thú với nhau, như trong bài đầu tiên có nhắc tới mèo chó được bảo vệ vì là bạn thân thiết của người; còn lại như heo, bò, trâu, ngựa vì xa mặt nên cách lòng chẳng ai thèm bảo vệ chúng nó thoát khỏi lò thịt và vì pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, nước Đức lại là nước văn minh đầu tiên trong khối châu Âu khẳng định năm 2002 trong hiến pháp là nhà nước có bổn phận “bảo vệ nhân phẩm và thú phẩm”, phần cuối câu được thêm vào cho loài thú yếu đuối như trẻ con và người già hay người bị bệnh tâm thần khờ ngốc. Nhiều nước khác theo chân họ ngay, chẳng hạn như Anh quốc ra luật năm 2006 Animal Welfare Act (luật bảo vệ thú sống hạnh phúc). Nước Pháp chậm trễ hơn, mãi đến năm 2014, họ mới chịu công nhận thú vật cũng là loài có tình cảm hay điều kiện sinh sống như người chứ không phải là “món hàng” như gỗ đá.
Đăng ngày 22 tháng 01.2017