DÒNG SÔNG CỬU

 

Trần Khánh

Đem so sánh với những dòng sông dài nhất của Âu Châu thì dòng sông Cửu Long dài hơn sông Volga ở Nga (3690 km) và sông Danube (2850 km). Dòng Danube tuy ngắn hơn Cửu Long nhưng chảy băng qua đến 8 nước: Đức, Áo, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Nam Tư cũ (Serbie), Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi và Nga. Cửu Long chảy xuyên qua 6 nước: Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodge và Việt Nam.

Sông Cửu Long (Mékong) phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, cao độ 4875 m, chiều dài trên 4300 km, chảy băng qua Trung Hoa, Miến Điện rồi vào nội địa nước Lào. Sông Cửu Long làm ranh giới thiên nhiên cho hai nước Lào và Thái Lan, qua Cambodge tạo ra Biển Hồ ở Tông Lê Sáp rồi đến miền Nam Việt Nam để đổ ra biển. Trước khi chảy ra biển, sông Cửu Long chia ra làm 2 nhánh lớn: Tiền Giang và Hậu Giang.
Tiền Giang là một phụ lưu của sông Cửu Long, dòng sông rộng, giữa dòng có nhiều cù lao, lớn nhỏ. Đổ ra biển bằng 6 cửa: một nhánh chánh chảy qua Tân Châu, Cao Lãnh, Sa Đéc theo hướng tây bắc - đông nam, đoạn từ Vĩnh Long chảy qua vùng Mỹ Tho đổ ra biển ở Cửa Đại, hướng bắc sông Cửa Đại có một thoát lưu gọi là Cửa Tiểu.
Từ Chợ Lách Vĩnh Long có một thoát lưu nhỏ chảy qua Bến Tre là sông Ba Lai và một thoát lưu nữa qua cửa Hàm Luông.
Một thoát lưu khác cũng từ Vĩnh Long là sông Cổ Chiên, gần tới biển sông này lại tách ra một phụ lưu nữa là sông Cung Hầu.
Vậy sông Tiền đổ ra biển bằng 6 cửa có tên: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, còn Hậu Giang chảy vào miền tây nam Việt Nam qua ngã Châu Đốc đến Long Xuyên rồi qua Cần Thơ.
Từ Cần Thơ sông Hậu phân ra nhiều nhánh, tạo ra nhiều cù lao. Ra gần tới biển, sông Hậu lại tách ra 3 thoát lưu để đưa ra biển bằng 3 cửa: Định An, Bassac (Ba Thắc) và Thanh Đế (Tranh Đế).
Đúng ra Cửu Long chỉ có 8 cửa vì cửa Thanh Đế là một thoát lưu nhỏ, nhưng theo dịch lý, tiền nhân đặt số 9 để phù hợp với quẻ Hào dương, là quẻ cao nhất. Chẳng hạn như vùng Thất Sơn, thật ra có hơn 7 ngọn núi. Ca dao miền Nam có câu:
Sông Cửu Long chín cửa hai dòng
Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em.

Sông Cửu Long dài lại chảy qua các vùng mưa nhiều nên lưu lượng rất lớn. Lưu lượng trung bình là 90.000 m3 trong một giây. Về mùa khô, lưu lượng chừng 60.000 m3; còn về mùa mưa thì lưu lượng lên đến 120.000 m3. Mỗi m3 chứa được ½ kg phù sa về mùa khô, còn về mùa mưa, chứa thêm 1 kg phù sa.
Sức nước chảy mạnh về mùa mưa chuyên chở nhiều trọng lượng phù sa. Sức nước này mang so sánh với sức nước sông Nil ở Ai Cập thì bằng nhau, trọng lượng phù sa là 15/10.000 về mùa mưa và 5/10.000 về mùa khô.
Nhờ phù sa bồi đắp hàng năm nên đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, đất cát phì nhiêu, nên nghề trồng tỉa dư thừa.

Đồng bằng sông Cửu Long không có chướng ngại vật nào. Miền trung ương Nam phần và miền Tây thuộc miền đất thấp do các phù sa cấu tạo, mực nước trung bình chỉ cao hơn vài thước so với mặt biển. Vì vậy miền này hay bị ngập lụt về mùa mưa.
Mực nước sông Cửu Long và các phụ lưu dâng cao từ tháng 6 đến tháng 10, tràn qua bờ vào các trũng nằm sâu sau đất giồng. Chính vùng đất trũng giữ được phù sa vào mùa nước lũ và trải đều trên mặt đất.
Những đất trũng chưa được bồi đắp đầy đủ như cánh đồng Chim ở bán đảo mũi Cà Mau, tạo ra nhiều hồ đầm lầy.
Sự bồi đắp của sông Cửu Long tiếp tục nới rộng đồng bằng châu thổ Nam phần về hướng Cà Mau. Tính trung bình hàng năm mũi Cà Mau rộng thêm chừng 60 m, so bằng sự bồi đắp của sông Mississipi ở tại châu thổ vùng vịnh Mễ Tây Cơ.
Bởi hai dòng hải lưu chảy dọc theo bờ biển Việt Nam và vịnh Thái Lan với sông Cửu Long nên dòng hải lưu đông bắc-tây nam mạnh tương ứng với chiều hướng gió mùa hạ.
Ngoài ra đồng bằng sông Cửu Long còn có địa thế đất giồng, là một dãy đất cát pha lẫn đất sét nằm dọc hai bên bờ sông hay gần miền duyên hải. Do sự bồi đắp của sông ngòi, khi nước sông dâng cao tràn qua hai bên bờ, nước rút để lại một lớp phù sa trải dài hai bên bờ, nhân theo vị thế đất giồng người ta thiết lập làng mạc.

Sông Cửu Long là sông mẹ chung cho 4 nước. Ở Lào gọi là Nậm Khoang, Thái gọi là Mạc Khong, Pháp dịch ra là Mékong, sang ta có tên vừa nên thơ vừa cao cả: Cửu Long. Nhờ dòng sông này, nuôi sống được hàng triệu đồng bào được ấm no sung túc, là miền gạo trắng nước trong, tôm cá đầy đồng, cây trái ăn không hết. Nghề nông có câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Hai yếu tố đầu nước và phân thì đã có dòng sông Cửu Long cung cấp, chỉ cần siêng năng, cần mẫn và khéo lựa giống là có cuộc sống thoải mái.

Theo tài liệu cũ vào thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền vừa lập nền tự chủ ở nước ta thì sông Cửu Long ở gần vùng núi Thái Sơn, khu vực phía dưới còn ngập nước. Đó là thời kỳ hồng hoàng của đất đai Nam Kỳ. Thế kỷ thứ 13, sứ thần nhà Nguyên là Châu Đạt Quan có viết lại trong cuốn Chân Lạp phong thổ lý đã mô tả phong cảnh hai bên bờ sông Tiền như sau: "Những con sông lớn dài hàng trăm dặm, chảy ra các cửa sông rộng. Hai bên bờ có nhiều cây cổ thụ với những dây mọc chằng chịt, rợp bóng mát. Đi nửa độ đường ngược theo dòng sông, vài cánh đồng hoang ngập nước, xa xa là một rừng cây dầy đặc, hàng trăm, hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy".
Đó là buổi bình minh của lịch sử sông Tiền, sông Hậu, nguyên là đất của vương quốc Phù Nam, đến thế kỷ thứ 6 bị người Chân Lạp (Khờ Me) thôn tính. Cho đến thế kỷ thứ 17, dưới triều chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), vua Miên tên Chey Chetta II cưới công chúa Ngọc Vạn để dựa vào thế lực của chúa Nguyễn để bảo vệ đất đai khi quân Xiêm La tràn qua, vua Miên mới cho người Việt Nam vào định cư ở Mô Xoài (Bà Rịa). Người Việt dùng chánh sách tẩm thực (tằm ăn dâu) để mở rộng bờ cõi.

Sử chép rằng thời nhà Hán, Vũ Đế sai Trương Khiên đi tìm nguồn sông Hoàng Hà. Ông Trương Khiên cùng phái đoàn đi nhiều năm trở về tâu lên vua: "Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai" nghĩa là nguồn sông Hoàng Hà là từ trên trời đổ xuống. Thật ra, ngày xưa thiếu phương tiện, nhiều chướng ngại vật, ghềnh thác, nhiều thú dữ - có lẽ ông Trương Khiên này đi tìm nơi lẩn trốn, nhậu nhẹt rồi về báo cáo láo.
Vào giữa thế kỷ 19 (1866-1868), vào thời người Pháp ở Việt Nam, người Pháp có cho một phái đoàn đi khảo sát sông Cửu Long với mục đích là muốn bành trướng thế lực và cạnh tranh với người Anh, Bồ, Hoà Lan. Tìm kiếm con đường tắt sang Trung Hoa mà không đi vòng qua đường biển.
Chương trình đầu do Jean Dupuis gợi ý và E. Simon phát triển gởi cho Thượng thơ Canh nông và Thương mại giữa năm 1862. Năm sau, một sĩ quan Hải quân tên Francis Garnier xin phép Thống đốc Nam Kỳ đi ngược dòng sông Cửu Long để nghiên cứu. Lúc đó Francis Garnier quá trẻ (24 tuổi) nên Thống đốc Nam Kỳ de La Grandière từ chối đề nghị.
Tháng 11-1864, Đô đốc Bonard viết tập "Mémoire sur le besoin urgent d’explorer le fleuve Mékong” trình bày các dữ kiện về con sông nổi tiếng này để kêu gọi khẩn thiết du khảo sông Cửu Long hầu biến Sài Gòn thành kho hàng của miền tây Trung Hoa.
Lời đề nghị của Bonard làm cho Thượng thơ Hải quân Chasseloup Laubat lưu ý. Chasseloup Laubat đã 2 lần trình lên Hội địa lý Paris (Société de Géographie) mà ông cũng là hội trưởng vào tháng 12-1864 và 4-1865 dự tính cho thám hiểm Cửu Long.
Thời gian de La Grandière ở Paris từ tháng 4 đến tháng 10-1865 chương trình thám hiểm được xúc tiến mạnh. Ngày 24-10-1865 Chasseloup Laubat ký bảng tường trình đệ lên Pháp hoàng xin thực hiện cuộc thám hiểm sông Cửu Long.
Đô đốc Nam Kỳ de La Grandière chọn một sĩ quan hải quân có tài và có óc nhận xét tên Doudart de Lagrée, làm trưởng đoàn cùng với 23 người có nhiệm vụ nghiên cứu địa lý, lãnh thổ và chánh trị các xứ đi qua.
Phó trưởng đoàn: Hải quân Đại úy Francis Garnier.
Các nhân viên phái đoàn:
- Louis de Carné, nhiệm vụ ghi lại cuộc thám hiểm, khảo sát nền thương mại các xứ đi qua.
- Lucien Joubert, bác sĩ Hải quân, nhiệm vụ khảo sát địa thế, ghi nhận loại hầm mỏ tìm thấy dọc đường.
- Clovis Thorel, bác sĩ Hải quân, nhiệm vụ khảo sát thực vật, thảo mộc hữu dụng, lâm sản quan trọng.
- Louis Delaporte, nhiệm vụ minh họa các chi tiết đặc biệt mà phái đoàn bắt gặp như phong cảnh, đền đài, y phục…
Đoàn tùy tùng gồm có:
- Trung sĩ Charbonnier, binh sĩ Raude, hai thủy thủ Raynaud và Mouello.
- Thông ngôn: Alexis On, Alévy, Luys và Pédro.
- Nhiếp ảnh viên: Gsell.
- Một viên đội trưởng và sáu người lính Việt Nam.
De La Grandière chỉ thị cho phái đoàn: Xác định về phương diện địa lý dòng sông Cửu Long, nối kết về phương diện thương mại các thung lũng từ nguồn sông xuống đến Cao Miên và Nam Kỳ, thu hút phần lớn các sản phẩm của miền trung Trung Hoa.
Ngày 05-06-1866, phái đoàn rời Sài Gòn đến Nam Vang mang theo 178 rương đồ đạc. Đến 13-07-1866 mới bắt đầu thực hiện cuộc thám hiểm. Đường đi suông sẻ cho tới tháng 8 gặp tháp Khon cao 15 m là một dãy đá vân ban (porphire). Phái đoàn phải đổ bộ người và hành trang, thời tiết quá xấu, trời mưa tầm tã, nên Francis Garnier bị cảm nặng và Clovis Thorel bị kiết lỵ.
Ngày 10-09, phái đoàn đến Bassac nghỉ ngơi đến cuối năm. Dịp này Doudart de Lagrée đi khảo sát sông Don và Kong là hai nhánh của sông Cửu Long, đến tận Attopeu rồi bị sốt, đến 04-12 mới trở lại Bassac.
Đầu năm 1867, phái đoàn tiếp tục lên đường, đến 06-01 tới Ubôn. Ở đây trưởng phái đoàn ra lịnh giảm bớt phương tiện và nhân số nên cho trung sĩ Charbonnier và hai binh sĩ Raude và Raynaud trở về.
Ngày 18-6 đoàn tới thác Tang Ho gần Muong Lim, đoạn đường từ đây đến biên giới Tàu hết sức gian khổ.
Từ sườn lên đỉnh núi, qua các rừng hoang đầy vắt, rệp cây (pucerons), nơi cọp thường qua lại, giữa ruộng ngập bùn, bãi sông đầy muỗi. Các con đường vượt qua không để lại dấu vết dưới làn nước đọng, hố trũng. Tất cả đều ra thân tàn ma dại bởi muỗi, đỉa cắn lở loét và cảm sốt. Thuyền bè không thể sử dụng, hành trang phải dùng bò tải, thuê người bản xứ khuân vác, tất cả đều lội bộ, yếu được đi võng, bác sĩ Lucien Joubert bị cảm nặng, lại bỏ bớt hành trang thêm nữa.
Cuối cùng đến được biên giới Trung Hoa ngày 18-10-1867, con đường này người da trắng chưa lần nào đặt chân tới. Từ trên sườn núi, phái đoàn vui mừng nhìn thấy thành phố Sze Mao, thuộc tỉnh Vân Nam.
Mục tiêu chính của cuộc thám hiểm là tìm hiểu sông Cửu Long có thể lưu thông được không, thực tế cho biết có những trở ngại không thể khắc phục được để lưu thông suông sẻ trên đoạn sông này.
Ngày 29-10-1867 tới Pou Eul, thành phố nổi tiếng về trà, nằm trên đỉnh cao, ngăn sông Cửu Long với sông Nhị. Tiếp tục đi xa hơn, đến ngày 20-11 tới bờ sông Ho Ti, là một nhánh sông chính của thượng lưu, một biến cố ngoài sự tiên liệu của phái đoàn, ở đây khí hậu nóng bức tạo sự khác biệt với thực vật khí hậu cao nguyên. Họ nhìn từ trên cao xuống thung lũng, họ cảm thấy con sông này có thể lưu thông được. Họ còn đặt vấn đề, con sông Nhị có thể lưu thông bắt đầu từ đâu, có thể sử dụng thông thương từ Bắc Kỳ và Vân Nam không?
Phái đoàn đi đến thủ phủ Vân Nam là Liu Ngang ngày 23-12-1867, được viên quan cai trị là Song Ta Jeu tiếp đãi tử tế, nơi đây gặp hai linh mục Pháp đón là Protteau và Fenouil.
Ngày 08-01-1868, phái đoàn rời Liu Ngang cho tới 90 ngày sau, tới Toung Tchouen. Đoạn đường này nhiều nhân viên đi cáng, Doudart de Lagrée bị sốt nặng, đau một bên mình, phải giao cho Francis Garnier chỉ huy.
Nhằm mục đích nghiên cứu sông Dương Tử, Francis Garnier dẫn đoàn tùy tùng tới thành phố Taly, cuộc hành trình dài 2 tháng. Khi trở lại Toung Tchouen thì vị trưởng đoàn đã vĩnh viễn ra đi từ ngày 12-03-1868.
Phái đoàn tìm cách đưa quan tài Doudart de Lagrée về tới Sài Gòn ngày 29-06-1868. Tính ra cuộc thám hiểm dài 2 năm 23 ngày, phải trải qua 7800 cây số kể luôn đoạn từ Sài Gòn đến Angkor.

Lưu vực sông Cửu Long được nghiên cứu kỹ cho đến vĩ tuyến 22. Lòng sông cũng được khảo sát từ Kratieh (Cao Miên) tới Chiêng Hung (Lào) chạy dài tới Miến Điện. Nguồn con sông này được xác định là trên vùng cao nguyên Tây Tạng. Ngoài ra các con sông khác như Mé Nam, Dương Tử, Nhị (thượng lưu) cũng được phái đoàn nghiên cứu thêm nhiều chi tiết mới lạ.

Về mặt chánh trị, phái đoàn được biết các tiểu quốc ở Nam Lào bên hữu ngạn sông Cửu Long đều đặt dưới sự kềm kẹp của người Thái và ước muốn của họ là thoát khỏi ách thống trị này, còn bên tả ngạn thì chịu ảnh hưởng của người Việt. Và vùng Bắc Lào bị chi phối bởi Miến Điện. Tại Vân Nam Trung Hoa có sự nổi loạn của người Hồi giáo bị quan quân đánh dẹp, tàn quân chạy qua Bắc Kỳ đánh phá.

Về kinh tế, phái đoàn xác định có nguồn mậu dịch Miến Điện với Vân Nam, Vân Nam với Bắc Kỳ, Trung Kỳ với Ai Lao mà các bất ổn chánh trị nhất thời làm gián đoạn. Họ thẩm định rằng nước Pháp có thể hành động theo lợi ích của mình ở Lào, "cái trung tâm thương mại tuyệt diệu, xứ sở phì nhiêu đầy sản phẩm nhiệt đới, tuy là dân tình có ù lì".

Vùng Vân Nam không thể nghi ngờ sự giàu có ở đây. Họ đã gặp trên đường đi sự khai thác các mỏ với dụng cụ thô sơ, nào mỏ sắt, đồng, chì, thủy ngân, nào mỏ vàng, bạc, đá quý và cả phèn chua. Với tất cả một rừng trà có danh. Những sản phẩm quý ấy cần con đường vận chuyển ngắn, nhanh, đỡ tốn hơn con đường Dương Tử. Bấy giờ con đường sông Nhị Hà biến ra là con đường lý tưởng.
Một bí mật lịch sử của cuộc thám hiểm cho đến khi sắp chết, Doudart de Lagrée còn nhấn mạnh điểm quan trọng nhất là sự lưu thông trên sông Nhị.
Năm năm sau, Đô đốc Nam Kỳ Dupré tìm cách phái quân ra Hà Nội đánh phá để ép triều đình Huế ký hoà ước 15-03-1874, theo đó "sự thông thương trên sông Nhị từ Vân Nam ra đến cửa biển được tự do". Ba thương khẩu Hà Nội, Thị Nại (Qui Nhơn) và Hải Phòng được mở cửa cho mậu dịch quốc tế.
Những mưu đồ bất chánh được trả giá: Francis Garnier bị quân cờ đen giết chết ở Cầu Giấy một cách thê thảm ngày 21-12-1873. Sau được cải táng mang về nghĩa địa Sài Gòn chôn cùng hàng lô với Doudart de Lagrée.

Hơn trăm năm dâu bể, vật đổi sao dời, thi thể ấy rã tan, xương tàn cốt rụi đi về đâu? Thấm nhập vào lòng đất để làm phân nuôi dưỡng cây trái hay theo dòng Cửu Long đổ ra biển để trở về đất mẹ...

Trần Khánh

(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")