banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

TRUNG THU VỚI THI SĨ MÊ TRĂNG


Trần Khánh

Bên Tàu thời Tây Hán (206 trước Tây lịch đến 23 sau Tây lịch) Vương Mãng soán ngôi vua. Lưu Tú thuộc dòng Tôn Thất nhà Hán nổi lên chống lại, chiếm đoạt thành trì nhưng lực lượng còn yếu bị binh Vương Mãng bao vây ngặt nghèo, trong thành chờ binh cứu viện, binh sĩ hết lương thực, phải đào củ chuối, nhổ cỏ xanh mà ăn.

Lưu Tú mới lập bàn hương án cầu trời, nếu nhà Hán còn khôi phục lại được thì xin Thượng đế ban cho vật chi ăn đỡ lòng chờ cứu binh tới. Quả nhiên, sáng hôm sau quân lính đào xới thức ăn, họ tìm thấy nhiều củ khoai môn trong đất, mừng quá họ ăn và cảm thấy thơm ngon, bùi béo. Vì đói, họ ăn quá nhiều nên bị sình bụng không tiêu. Lưu Tú lo âu lại cầu trời nữa, lời cầu linh ứng, ngày sau mọc lên nhiều cây bưởi đầy trái, ăn ngon nhiều nước lại trị chứng sình ruột. Viện binh tới, nội công ngoại kích, quân Lưu Tú được giải vây.
Hai năm sau, trừ xong bọn Vương Mãng, Lưu Tú lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Vũ nhà Hậu Hán, đóng đô ở Lạc Dương miền đông nước Tàu nên gọi là Đông Hán.

Để tưởng nhớ đến ngày cầu trời được thức ăn nuôi sống binh sĩ là ngày rằm tháng 8, nhà vua làm lễ tạ ơn trời đất bằng hai vật: bưởi và khoai môn. Rồi truyền ra khắp dân gian, dần dần người ta bày thêm một thứ bánh có đề chữ: "Trung thu nguyệt bĩnh", tổ chức thành một lễ lớn.

Theo luật tuần hoàn, một năm chia ra làm 4 thời kỳ: xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Rằm tháng 8 nhằm thu phân (giữa thu) nên gọi là tiết Trung thu, đọc trại ra là tết Trung thu. Hễ nói đến tết Trung thu là nói đến trăng tròn, trăng trong, trăng sáng, trăng đẹp. Nên người ta còn gọi là "lễ trông trăng".
Trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), trăng thuộc về thủy mà thủy là nước, một yếu tố quyết định cho nghề trồng trọt. Cho nên rằm Trung thu người ta ra sân quan sát mặt trăng để tiên đoán: trăng vàng là năm được mùa, trăng màu xanh, màu lục sẽ bị thiên tai lụt lội, hạn hán. Trăng màu cam, trong sáng là được cảnh thái bình.

Rồi dần dà tới đầu thế kỷ thứ 8 (713-755), vua Đường Minh Hoàng (Huyền Tông) nhân tết Trung thu cùng các quan uống rượu thưởng trăng, rượu ngà say, nhà vua ước ao được lên cung trăng một lần. Được pháp sư Diệu Pháp làm phép đưa vua lên cung trăng, lên tới Thiên đình nhà vua được tiếp hậu hĩ, hàng trăm tiên nữ xiêm y rực rỡ lồ lộ thân hình tuyệt mỹ múa hát với "Khúc nghê thường vũ". Huyền Tông thích thú, say mê, cố nhớ để học thuộc các điệu múa lời ca mang về trần dạy lại cho các cung nữ.
Năm đó, xứ ngoài đem vào một đoàn vũ nữ với điệu Bà la môn khúc. Nhà vua xem thấy có nhiều điểm giống Khúc nghê thường, liền ghép lại hai khúc hát làm một, gọi là "Nghê thường vũ y khúc".

Từ đó, tết Trung thu lan rộng ra các nước lân bang. Người ta chỉ biết tết Trung thu ở Việt Nam có từ nhiều thế kỷ nay.
Hàng năm vào đầu tháng 8 âm lịch, các chợ Việt Nam đều có màu sắc Trung thu: bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn ngôi sao, bươm bướm, cá chép… bày bán đầy chợ.

Thời kỳ Pháp thuộc, chánh quyền thực dân không muốn dân chúng tụ tập đông đảo, ngăn ngừa các âm mưu làm loạn, nên ra lệnh cấm người lớn tụ tập múa lân. Chỉ cho phép trẻ em vui chơi. Từ đó, tết Trung thu trở thành tết Nhi đồng.
Trong nền văn học thế giới có nhiều thi sĩ nói về trăng và mùa thu. Nhân mùa Trung thu chúng ta cùng ngắm trăng với thi nhân qua các vần thơ:
Từ lúc vào thu đến nay,
Gió thu hiu hắt, sương thu lạnh,
Trăng thu bạch, khói thu xây thành.
Tản Đà

Giờ chúng ta lướt qua hai thi sĩ đại biểu mê trăng là Lý Bạch (Tàu) và Hàn Mặc Tử (Việt Nam).
Lý Bạch là nhà thơ nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa, ra đời và lớn lên ở thời thịnh Đường. Được vua Minh Hoàng trọng đãi, xem như tình bằng hữu. Ngoài tài làm thơ ra, Lý Bạch còn thêm tội ngông và tật uống rượu. Ở Trường An, Lý kết giao với 8 tên nổi tiếng hũ chìm, xưng là "Tửu trung Bát tiên", Lý và Huyền Tông thường hay đối ẩm, có khi say khướt nằm gác chân lên bụng nhà vua mà ngủ. Trên đường trở về lại nhậm chức, Lý rong thuyền trên sông Thái Thạch, huyện Đang Đồ, đang đêm trăng sáng, rượu nhập tâm nhảy xuống nước ôm vồ lấy ánh trăng mà chết. Về cái chết của Lý, theo Đỗ Phủ, Lý chết đuối chứ không phải chết vì bệnh.

Sau khi qua đời, Lý Dương Đăng có thu nhập được 2000 bài thơ, trong đó có đến một phần ba cảm hứng về trăng. Người ta gọi Lý Bạch là nhà thơ của trăng, thu.

Nhân mùa Trung thu, ánh trăng vằng vặt, tiết trời xanh ngắt, mát mẻ, theo gót người xưa chúng ta đọc lại vài vần thơ trăng của Lý Bạch cũng là thú vui tao nhã.

Tình dạ tứ
Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vòng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Lý Bạch

Sự tưởng nghĩ trong đêm vắng
Trước giường trông trăng sáng
Cứ ngỡ ánh sương sa
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê nhà.
Trần Trọng San dịch

Nguyệt hạ độc chước
Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân
Nguyệt ký bất giải ẩm
Ánh đồ tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu lập xuân
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tình thời đồng giao hoan
Túy hậu các phân tán
Vĩnh kết vô tình du
Tương kỳ mạc Vân Hán.
Lý Bạch

Dưới trăng uống rượu một mình
Trong hoa một bầu rượu
Mình ta lúy túy say
Cất chén mời trăng sáng
Với bóng thành ba người
Trăng không hay thú rượu
Bóng theo thân ta hoài
Tạm cùng trăng với bóng
Xuân đến cứ vui tươi
Ta ca: trăng bồi hồi
Ta múa: bóng linh loạn
Lúc tỉnh cùng sum vui
Say rồi đều phân tán
Vô tình kết bạn chơi
Hẹn gặp nơi Vân Hán.
Trần Trọng San dịch

Tử Dạ Thu ca
Trường An nhất phiến nguyệt
Vạn hộ đảo y thanh
Thu phong xuy bất tận
Tống thị Ngọc quan tình
Hà nhật hình Hồ lỗ
Lương nhân bãi viễn chinh
Lý Bạch

Bài ca mùa thu của nàng Tử Dạ
Trường An trăng một mảnh
Tiếng nhà vang muôn nhà
Gió thu thổi không dứt
Ngọc quan tình bao la
Ngày nào yên giặc Bắc
Chàng khỏi chiến chinh xa.
Trần Trọng San dịch

Trở về với nhà thơ mê trăng, thích mùa thu của chúng ta là Hàn Mặc Tử, mà cuộc đời bệnh tật và tình ái ai cũng đều biết cả. Mùa thu tới, trăng thu đẹp, chúng ta lần giở lại vài trang thưởng thức cũng thú vị lắm.
Thu đến với thi nhân một cách e ấp, âm thầm lẫn sầu thảm:
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Lúc mơ màng qua giấc ngủ như có chị Hằng len lén leo qua cửa và nàng thu gởi gió hắt vào chân:
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chân.
Chỉ trong tập đau thương thôi, thi sĩ đã có hai phần ba nói về trăng. Trăng quý như vàng như ngọc:
Trăng vàng ngọc trắng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Hay:
Ai mua trăng ta bán trăng cho
Không bán đoàn viên ước hẹn hò…
Không, không tôi chẳng bán hòn trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng…
Trăng vàng trăng ngọc bán sao đang.
Đôi lúc, thi nhân cũng thấy ánh trăng yếu ớt quá:
Ánh trăng mỏng quá che không nổi
Những vẻ xanh sao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô
Có lúc tưởng mình ngủ với trăng
Khát khao trăng gió mà không hay…
Và thi nhân nghĩ có nhiều gái đẹp và cả trăng nằm trong miệng mình:
Cả miệng ta trăng là trăng!
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng.
Trăng của thi nhân với nhiều hình dạng, có một hôm thi nhân tưởng:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Có ai lãng mạn mà nghĩ đến dùng thuyền chở trăng :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay.
Và từ trời đất đến con người toàn là trăng:
Không gian dầy đặc toàn trăng cả,
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
Để rồi kết luận chẳng có gì cả ngoài trăng sao:
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua.

Những ý nghĩ mới lạ, so sánh, tưởng tượng tân kỳ của thi nhân qua các vần thơ về trăng, thi sĩ Hàn Mặc Tử còn viết văn xuôi nữa. Trần Thanh Mại cho là bài "Chơi giữa mùa trăng" là một trong những bài hay nhứt thế giới từ Âu sang Á, vì xưa nay trong văn giới hoàn cầu cũng chưa thi nhân nào nghĩ đến bài văn vô cùng mới lạ.

Chúng ta thử đọc vài đoạn cũng thấy mê hồn. Chỉ có thi nhân và người chị tên Lệ bơi thuyền trên sông vào một đêm trăng:
Chị tôi và tôi đồng cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng lùa những đống vàng (trăng) trôi trên mặt nước…
Này chị đố em nhé: "Trăng mọc dưới nước hay trăng mọc trên trời và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước?". Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước và cũng cười đáp: "Cả hai chị ạ!"…
Mỗi phút trăng lên mỗi cao… và trí tuệ và mộng và thơ và nước và thuyền dâng lên như khói… Chị tôi bỗng reo lên: "Đã gần tới sông Ngân rồi, chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn Giang…". Đi trong thuyền, chúng tôi có cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền…
Bây giờ chúng tôi đang ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương Trời, mười phương Phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiến diện đến nỗi đôi mắt của chị tôi lờ đi vì chói lói. Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chỗ chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác…
Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi chị tôi một câu hết sức tức cười làm sao: "Có phải chị không hở chị?". Tôi run run khi có cái nghĩ: "Chị tôi là một nàng ngọc nữ, một hồn ma hay một yêu tinh". Nhưng tôi vội phì cười và vội reo lên: "A ha, chị Lệ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa". Ngó lại, chị và tôi, thì quả là trăng thiệt.

Tỉnh dậy đừng mộng mê nữa vì mùa thu trăng lặn rồi các bạn ơi!

Trần Khánh

(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")