banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tài liệu lịch sử nầy được đăng lên trang web ĐHSPSG với hoài bão các thế hệ Hải Quân Việt Nam hiện tại và tương lai sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc đàn anh: giữ vững lãnh hải quê nhà để giang sơn Việt Nam muôn đời là của dân Việt.


CHƯƠNG VII


KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN

& HẢI-QUÂN CÔNG XƯỞNG

Đầu tháng 3 năm 1975, các sĩ quan cao cấp Việt-Cộng họp tại 33 Phạm-Ngũ-Lão, Hà-Nội, với mục đích đẩy mạnh chiến dịch tấn công Nam Việt-Nam kể từ mùa Xuân Ất-Mão cho đến mùa Hè 1975. Quyết định của những bộ óc hiếu chiến trong cuộc họp này tạo nên những biến động dồn dập tại Cao-Nguyên Trung-Phần. Ban-Mê-Thuột là một “thí điểm” của địch, nhưng lại là một nguyên nhân sâu xa đưa đến “quyết định Cam-Ranh”, ngày 14 tháng 3 năm 1975, của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu!
Theo “quyết định Cam-Ranh”, Quân-Đoàn II âm thầm rút đi, cắt đất, nhường dân cho Việt-Cộng để thực hiện kế hoạch “Đầu bé đít to” (Light at the top, heavy at the bottom) của Tổng Thống Thiệu!
Trong khi Quân-Đoàn II và đồng bào từ Cao-Nguyên ngụp lặn trên tỉnh lộ máu Pleiku – Phú-Yên thì...
…Tại Saigon, một số sĩ quan trung cấp và giới chức các quân, binh chủng được triệu tập về Bộ-Tổng-Tham-Mưu Quân-Lực V.N.C.H. để nghe Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham-Mưu-Trưởng Liên-Quân, giải thích về quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng-Tư-Lệnh Tối Cao Quân-Đội, về việc triệt thoái Quân-Đoàn II khỏi Cao-Nguyên.
Tất cả đều hiểu và tin tưởng vào kế hoạch đã được vạch ra. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên cũng cho biết tình hình Quân-Đoàn I yên ổn và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vẫn nắm vững tình hình miền Trung. Không ai nghe Tướng Khuyên đề cập đến vấn đề di tản Quân-Đoàn I!
Khi chiến trường miền Trung trở nên nguy ngập, Tư-Lệnh Hạm-Đội, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn, cùng Bộ-Chỉ-Huy nhẹ được phái ra miền Trung. Hải-Quân Trung-Tá Trịnh Tiến Hùng, xuất thân khóa 8 sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang, được chỉ định lo phần soạn thảo kế sách cho Đại-Tá Sơn.
Ban tham mưu Hạm-Đội gồm: Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó, Tham-Mưu-Trưởng và 5 Hải-Đội-Trưởng. Những vị dưới quyền Tư-Lệnh Hạm-Đội đều thực hiện kế hoạch do Trung-Tá Hùng soạn ra.
Theo kế hoạch do Trung-Tá Hùng soạn thảo, tất cả Hạm- Trưởng được yêu cầu giữ gìn máy tàu và tránh tối đa những sửa chữa, tu bổ lớn trong thời gian hành quân. Để chiến hạm được khiển dụng tối đa, các chu kỳ tiểu kỳ và đại kỳ cũng đều ngưng.
Phương thức điều hành: Cứ hai chiến hạm này đi công tác thì hai chiến hạm khác trở về. Chu kỳ công tác ngắn hơn thường lệ.
Vì quan niệm phải bảo vệ người thân của binh sĩ để binh sĩ có tinh thần chiến đấu, gia đình Hải-Quân được gián tiếp khuyến khích vào tạm trú tại cư xá Hải-Quân, trong vòng đai Hải-Quân Công-Xưởng và Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.
Cũng trong kế hoạch này, nếu Vùng III Chiến-Thuật phải rút xuống Vùng IV, thì Hải-Quân nên rút trước khi Việt-Cộng đủ thời gian và phương tiện bế sông Saigon.
Sông Saigon tuy hẹp nhưng sâu. Hải trình này tốt hơn sông Soài Rạp, nơi dễ bị mìn và những hàng đáy. Để đánh lạc hướng Việt-Cộng, Hạm-Đội sẽ yêu cầu hàng hải thương thuyền có những điểm neo trên sông Soài Rạp.
Dự trù một cuộc chiến lâu dài, Hải-Quân dự định sẽ tạo kho chứa đạn lộ thiên tại hai đảo Poulo Obi và Poulo Dama. Nhưng vì phương tiện bốc và dở hàng không có, Hạm-Đội ra lệnh tất cả Hạm-Trưởng phải nhận đạn tối đa. Một số chiến hạm không thực hiện được việc chở đạn, nhưng thực phẩm và nước ngọt đều được tất cả chiến hạm mang theo.
Điểm dự trù cho Hạm-Đội tập trung, trong trường hợp Saigon bị thất thủ, là đảo Poulo Dama. Lý do Hạm-Đội chọn đảo này vì Poulo Dama, cũng như An-Thới, là hai nơi Hạm-Đội có thể lấy nước ngọt được.
Kế sách này được giữ kín, ngay chính nhiều Hạm-Trưởng cũng không biết. Nhưng sau khi thực hiện được vài tuần lễ thì tin “bảo vệ Hạm-Đội khỏi bị pháo kích” “bay” ra, khiến nhiều người, nhất là Hạm-Trưởng, hoang mang.
Để trấn an, Tư-Lệnh Hạm-Đội có nhiều cuộc họp riêng rẽ với các Hạm-Trưởng, vào những lúc các Hạm-Trưởng đến báo cáo sau mỗi chuyến công tác. Ngoài ra, Tư-Lệnh Hạm-Đội cũng chỉ thị Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn Văn Nhựt (Noel), Tham-Mưu-Trưởng Hạm-Đội, lập danh sách gia đình của tất cả nhân viên Hạm-Đội đang thi hành công tác xa và chọn một Dương-Vận-Hạm để đưa những gia đình này ra biển, trong trường hợp Hạm-Đội di tản.
Cũng trong thời điểm này, đài Truyền Tin Nhà-Bè – mà tổng đài điện thoại đặt trong hầm xi-măng của Pháp để lại – được Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đặc biệt lưu ý và cho tân trang những hầm đó, với dự tính sẽ dời Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân về đó để điều động phản công, trong trường hợp Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân bị tấn công.
Ngoài những kế hoạch kể trên, Hải-Quân còn thực hiện hệ thống phòng thủ vòng đai Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công-Xưởng. Vòng đai này chạy từ công trường Mê-Linh, theo Hai-Bà-Trưng, vòng xuống Lê-Thánh-Tôn, đến Cường-Để.
Hệ thống phòng thủ gồm có hai phần:

  • Góc Hai-Bà-Trưng và bến Bạch-Đằng cũng như góc Cường-Để, Lê-Thánh-Tôn hoặc Cường-Để và Thống-Nhất, Hải-Quân sẽ xử dụng Trợ-Chiến-Hạm và Giang-Pháo-Hạm với hải pháo 76 ly và 40 ly. Súng 40 ly bắn nhanh nhất. Nếu chiến xa bắn một trái đạn thì chiến hạm có thể bắn đến 10 viên 40 ly. Nếu bắn trực xạ, hỏa lực mạnh của súng 40 ly rất hữu hiệu trong việc chống chiến xa. Chống Bộ-Binh tùng thiết có 12 ly 7 và 7 ly 62. Chỉ cần ba chiến hạm, một tại cầu A, một tại cầu Tự-Do và một ở cầu C hoặc câu-lạc-bộ-nổi là không một lực lượng nào có thể xâm nhập mặt đó được.
  • Mặt hông Hải-Quân Công-Xưởng là điều lo ngại nhất cho Hải-Quân; vì mặt này chỉ được chắn bằng một bức tường gạch. Để phòng thủ, Đại-Đội Kinh-Phòng của Hải-Quân Công-Xưởng được tăng cường và Người Nhái đặt mìn chống chiến xa ngay bên trong tường gạch và tiếp theo là hai lớp mìn claymore.  Người Nhái và Đại-Đội Kinh-Phòng bố trí dọc theo bức tường. Người Nhái sẽ dùng M72 trong trường hợp bị tấn công. Ngoài ra, nhiều giàn đại bác 20 ly đặt trên những ụ cao trong Hải-Quân Công-Xưởng thuộc hệ thống phòng không, nhưng cũng rất hữu hiệu để chống Bộ-Binh tùng thiết Việt-Cộng.

Mặt sông của Hải-Quân Công-Xưởng vẫn do Người Nhái canh phòng để chống đặc-công-thủy Việt-Cộng như từ trước đến nay. Và, với hỏa lực của những chiến hạm -- kể cả chiến hạm đại kỳ -- không thể nào Việt-Cộng có thể đột nhập được.
Vòng đai phòng thủ cũng được nới rộng tới Thảo-Cầm-Viên, do sinh viên sĩ quan Hải-Quân cùng Thủy-Quân Lục-Chiến án ngữ những yếu điểm bên này cầu Thị-Nghè. Số sinh viên sĩ quan Hải-Quân còn lại bố phòng trại Yên-Thế, nơi trung tâm hành chánh, sau Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.
Ngoài ra, Hải-Quân cũng thực hiện những lớp rào sắt kiên cố chung quanh Bộ-Tư-Lệnh và Hải-Quân Công-Xưởng để nếu Việt-Cộng vào Saigon mà Hải-Quân chưa rút lui kịp thì những bức rào đó sẽ làm chậm bước tiến của địch quân.
Hải-Quân cũng chú trọng đến biện pháp chận địch vượt sông Đồng-Nai. Trong trường hợp cần thiết, Người Nhái sẽ phá sập các cầu.
Kế hoạch phòng thủ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công-Xưởng đồng thời cũng yểm trợ công cuộc phòng thủ Biệt-Khu Thủ-Đô được đặt dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Đại-Tá Bùi Kim Nguyệt, Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Quân Biệt-Khu Thủ-Đô.