banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tài liệu lịch sử nầy được đăng lên trang web ĐHSPSG với hoài bão các thế hệ Hải Quân Việt Nam hiện tại và tương lai sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc đàn anh: giữ vững lãnh hải quê nhà để giang sơn Việt Nam muôn đời là của dân Việt.


CHƯƠNG IX

Phỏng vấn những nhân vật liên hệ đến

chuyến ra khơi cuối cùng của HQ VNCH

Để làm sáng tỏ vài ngộ nhận và cũng để bổ túc cho chương VIII của cuốn tài liệu này, sau đây là những cuộc phỏng vấn * ngắn dành riêng cho những nhân vật liên quan đến những ngày cuối cùng của chính thể Việt-Nam Cộng-Hòa.

* Sắp theo mẫu tự tên của nhân vật được phỏng vấn.

 

Ông CHUNG TẤN CANG

Nguyên Phó-Đô-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết lý do Đô-Đốc trở lại Hải-Quân lần thứ nhì?
- Lý do tôi trở lại Hải-Quân lần thứ hai bao gồm cả quân sự lẫn chính trị.
Lý do chính trị là lúc đó có tin đồn ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ đảo chánh ông Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian này tình hình thủ đô lộn xộn vì những sự chống đối của Liên-Đoàn Ký-Giả, Ni-Sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Cha Trần Hữu Thanh, v. v…Uy thế chính trị của ông Thiệu suy giảm. Ông Thiệu nghĩ rằng tôi sẽ chỉ huy Lực-Lượng Hải-Quân chặt chẽ hơn và có thể là một hậu thuẫn đáng tin cậy để chống cuộc đảo chánh – nếu có.
Tôi nghĩ rằng hiện tình đất nước lúc bấy giờ ông Thiệu còn là nguyên thủ sẽ có lợi hơn cho quốc gia, vì giữ được sự liên tục của thế hợp hiến, hợp pháp của nền Đệ II Cộng-Hòa. Tôi hậu thuẫn ông Thiệu vì lý do đó chứ không phải vì cá nhân. Nếu nói về vấn đề cá nhân thì tôi thân cận với Thủ Tướng Khiêm nhiều hơn.

Thưa, lúc đó Đô-Đốc đang tòng sự tại đâu?
- Lúc đó tôi là Tư-Lệnh Biệt-Khu Thủ-Đô.

Thưa, từ khi về nhậm chức Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, Đô-Đốc có những thay đổi quan trọng nào trong nội bộ Hải-Quân hay không?
-Tuy có tin ông Kỳ muốn đảo chánh và một số sĩ quan Hải-Quân thân tín của ông Kỳ đang chỉ huy các Lực-Lượng Đặc-Nhiệm, nhưng khi về lại Hải-Quân tôi không thuyên chuyển ai cả.
Sau khi tôi về lại Hải-Quân, chỉ có ba sự thay đổi là:

  • Thành lập Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99, giao cho Đại-Tá Lê Hữu Dõng chỉ huy; với mục đích là, nếu có đảo chánh, lực lượng này sẽ hỗ trợ cho những lực lượng khác chống đảo chánh.
  • Giao hệ thống chỉ huy tiếp vận cho các Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng trực tiếp điều động.
  • Sĩ quan an ninh Vùng chịu sự chỉ huy trực tiếp của các Tư-Lệnh Vùng.

Có nguồn tin nói rằng vào cuối tháng 4-1975, Đô-Đốc có ý định đưa Lực-Lượng Hải-Quân về Phú-Quốc, biến Phú-Quốc thành một “Đài-Loan Việt-Nam”, có đúng không, thưa Đô-Đốc?
- Lúc đó tôi có ý định đưa gia đình binh sĩ Hải-Quân ra tạm trú tại Phú-Quốc để binh sĩ yên lòng trở lại miền Tây chiến đấu chứ tôi không có ý biến Phú-Quốc thành một “Đài-Loan Việt-Nam”.
Lý do tôi không nghĩ đến điều đó là vì địa thế Phú-Quốc đối với Việt-Nam hoàn toàn khác hẳn Đài-Loan đối với Trung-Hoa lục địa.

Thưa, có một tướng lãnh nào hay một nhân vật chính trị nào đề bạt lên Đô-Đốc ý kiến đó hay không?
- Không. Chỉ có ông Lê Quốc Túy đưa ra một giải pháp chính trị, nhưng không thành.

Có nguồn tin cho rằng tối 27 tháng 4, Đô-Đốc họp với chính phủ của Tướng Dương Văn Minh; và chính phủ này yêu cầu Hải-Quân ở lại làm hậu thuẫn cho một chính phủ hòa giải đang được thành lập. Đúng như vậy không, thưa Đô-Đốc?
- Không. Tôi đề nghị ông Minh đưa nội các về Cần-Thơ; ông ấy không chịu. Vậy thôi.

Một nguồn tin khác nói rằng, lúc 5 giờ chiều 28 tháng 4, Tướng Dương Văn Minh gọi Đô-Đốc đi họp. Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân ngại Tướng Minh sẽ giữ Đô-Đốc luôn để làm áp lực, buộc Hải-Quân phải ở lại, cho nên Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy được cử đi thế. Có đúng không, thưa Đô-Đốc?
- Không. Chính tôi hỏi ông Minh cần gì, tôi sẽ lên. Ông Minh bảo thôi, để ông Thủy lên cũng được.

Thưa, Đô-Đốc có thể cho biết sự liên hệ giữa Đô-Đốc và ông Lê Quốc Túy – Cố Chủ-Tịch ủy ban vận động hải ngoại thuộc Mặt-Trận Thống-Nhất các Lực-Lượng Yêu Nước Giải-Phóng Việt-Nam – như thế nào không ạ?
- Khi tôi là Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang, từ năm 1955 đến năm 1958, thì ông Mai Văn Hạnh là huấn luyện viên tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Không-Quân Nha-Trang. Chúng tôi quen nhau từ đó.
Khoảng cuối tháng 4-1975, ông Mai Văn Hạnh đưa ông Lê Quốc Túy đến giới thiệu với tôi. Trong lần tiếp xúc đó, ông Túy trình bày về ông Trần Văn Hữu. Theo ông Túy thì ông Hữu là một nhân vật có nhiều hy vọng để giàn xếp cho một cuộc ngưng bắn. Ông Túy nhờ tôi giúp ông ấy liên lạc với ông Dương Văn Minh để đem ông Hữu về, nhưng ông Minh không thuận.
Mặc dù ông Minh không hưởng ứng giải pháp của ông Hữu, ông Túy cũng cậy tôi nhờ Tòa Đại Sứ Pháp chuyển công điện gọi ông Hữu qua. Nhưng, lúc đó tại Tòa Đại Sứ Pháp chỉ còn một điện thoại viên chứ không còn ai có thẩm quyền cả.

Thưa, xin Đô-Đốc cho biết sự thân tình giữa Đô-Đốc và Đại-Sứ Pháp, Jean-Marie Mérillon?
- Cũng không thân tình gì lắm. Nhưng lúc đó ai nhờ tôi điều gì tôi cũng giúp, chỉ mong đem đến sự thuận lợi cho miền Nam thôi.

Thưa, sau 1975 ông Túy còn liên lạc với Đô-Đốc nữa hay không?
- Có. Khi gặp lại, ông Túy cho biết, đêm 29 tháng 4, sau khi Hạm-Đội rút khỏi Saigon, Tổng Thống Dương Văn Minh nói với ông Túy là làm thế nào để ông Minh gặp lại tôi. Ông Túy cho ông Minh biết rằng tôi đã đi, nếu muốn liên lạc phải dùng phương tiện quân đội.

Nếu vậy thì đêm 29 tháng 4 năm 1975 Tướng Minh có liên lạc được với Đô-Đốc hay không?
-Tôi không nghe ông Minh gọi gì trên hệ thống truyền tin cả. Tôi chỉ nghe Đại-Tá Nguyễn Văn Tấn gọi Hạm-Đội, nhưng Đại-Tá Tấn không nói lý do tại sao gọi Hạm-Đội trở về.

Xin Đô-Đốc cho biết ý kiến về lực lượng kháng chiến do ông Lê Quốc Túy thành lập.
- Khi thành lập Mặt-Trận Thống-Nhất các Lực-Lượng Yêu Nước Giải-Phóng Việt-Nam, ông Túy có liên lạc với tôi. Tôi đồng ý hợp tác và phái hai cựu sĩ quan cao cấp sang Thái-Lan để phối kiểm. Nếu sự việc đúng như những điều ông Túy đã trình bày thì tôi sẽ sang Thái-Lan.
Sau khi được hai sĩ quan trở về báo cáo, tôi nhận thấy việc làm của ông Túy không được nghiêm chỉnh lắm; vì ông Túy thường hành động theo ý kiến cá nhân, thiếu tinh thần tập thể.
Ông Túy xác nhận với tôi rằng Lực-Lượng Kháng-Chiến của ông ấy được Trung-Cộng yểm trợ. Tôi không chấp nhận. Mình đã chống Cộng-Sản Hà-Nội, nay không vì bất cứ một lý do gì mình lại kết hợp với một chế độ Cộng Sản khác.

Xin cảm ơn Đô-Đốc.

* Theo truyền thống Hải-Quân quốc tế, khi tiếp chuyện với cấp Tướng Hải-Quân mọi người đều dùng danh từ Đô-Đốc, dù vị Tướng ấy là Phó-Đề-Đốc hoặc Đề-Đốc.

_______________

Ông TRẦN VĂN CHƠN

Nguyên Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân
Năm 1990, khi cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 được xuất bản tại Hoa-Kỳ thì Cựu Đề-Đốc Trần-Văn-Chơn vẫn còn bị Cộng-Sản Việt-Nam cầm tù.
Bài phỏng vấn này được thực hiện vào năm 1992, chỉ hai tuần lễ sau khi Cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn đến Hoa-Kỳ theo diện H.O.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết một cách khái lược về tiểu sử của Đô-Đốc.
-Tôi được sinh ra trong một gia đình Nho Giáo, lớn lên tại Vũng-Tàu. Lúc thiếu thời tôi đã quen tiếng sóng vỗ đầu ghềnh, mắt đã quen với cảnh trời nước mênh mông. Tôi thường nô đùa trên bãi cát trắng, đồi dương xanh, rượt còng lúc đêm trăng, bắt óc khi ngày nắng, hoặc lên núi cao nhìn ra biển rộng, theo dõi những cánh buồm lặng lẽ tận chân trời.
Tôi thích viễn du từ thuở bé. Lớn lên tôi học trường Hàng-Hải Saigon và làm sĩ quan, theo tàu lướt sóng vượt trùng dương từ tuổi hai mươi. Ba mươi hai tuổi tôi theo học khóa I sĩ quan Hải-Quân – Khóa Đệ Nhất Thiên Dương. Ba mươi bảy tuổi tôi đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân. Ba mươi chín tuổi tôi theo học trường Hải-Chiến Hoa-Kỳ - U.S. Naval War College. Sau khi mãn khóa, tôi về Việt-Nam, làm việc tại Ban Nghiên-Cứu, Bộ-Quốc-Phòng; Trung Tâm Trắc-Nghiệm Khả-Năng Tác-Chiến, Bộ-Tổng-Tham-Mưu; và Lực-Lượng Tuần-Giang, Bộ-Tư-Lệnh Địa-Phương-Quân. Bốn mươi sáu tuổi tôi trở lại Hải-Quân đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, ngày 31-10-1966. Năm mươi bốn tuổi tôi hồi hưu vì quá hạn tuổi. Tôi bàn giao chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân cho Đề-Đốc Lâm-Ngươn-Tánh.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng, vào thời điểm sôi sục nhất của cuộc chiến, Đại Tướng Dương Văn Minh có ý mời Đô-Đốc tham gia vào nội các của Đại-Tướng. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?
-Tôi không thích chính trị, không hiểu biết nhiều về chính trị và tôi cũng không nghe ai nói với tôi về việc Đại-Tướng Dương-Văn-Minh mời tôi tham dự nội các của Ông ấy.
Khoảng năm 1955 tôi tham dự cuộc hành quân Đinh-Tiên-Hoàng tại miền Tây và cuộc hành quân Hoàng-Diệu tại Rừng-Sát với chức vụ Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Lực, dưới sự chỉ huy hành quân của Đại-Tướng Minh; lúc đó Đại-Tướng Minh mang cấp bậc Đại-Tá Lục-Quân. Chúng tôi quen nhau từ đó và được Đại-Tướng đối xử trong tình chiến hữu thân thiết. Từ khi Ông làm Quốc-Trưởng cho đến lúc Ông nhận chức Tổng Thống, chúng tôi chỉ gặp nhau vào những cuộc họp, nhưng tình chiến hữu giữa chúng tôi không lúc nào bị sứt mẻ.

Thưa Đô-Đốc, sáng 25 tháng 4-1975, nhân lúc ghé tư dinh của Đô-Đốc để thăm Bà, tôi hân hạnh được gặp cả Đô-Đốc nữa. Hôm đó tôi có hỏi Bà và Đô-Đốc về ý định di tản. Cả Bà và Đô-Đốc đều khẳng định là Đô-Đốc và gia đình sẽ không đi đâu cả.
Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết lý do nào Đô-Đốc không muốn di tản?
- Khoảng 20 tháng 4 năm 1975, khi được tin Đô-Đốc Elmo Zumwalt nhờ tùy viên Hải-Quân dành máy bay cho tôi và gia đình tôi di tản sang Mỹ, tôi tức tốc về Vũng-Tàu rước Ba Má tôi vào Saigon để chuẩn bị rời Việt-Nam.
Lên đến Saigon, Ba Má tôi quá xúc cảm trước cảnh bi đát trong cuộc lui quân và di tản dân chúng từ miền Trung vào, Ba Má tôi rất buồn rầu và khổ tâm. Ba Má tôi không khuyên chúng tôi nên ra đi hay ở lại. Nhưng, qua sắc thái của Ba Má tôi, tôi thấy được rằng Ba Má tôi rất đau khổ khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Qua nhiều ngày đêm suy nghĩ, lưỡng lự và cầu nguyện, tôi quyết định cùng vợ con ở lại với Ba Má tôi. Tôi hy vọng rằng đức hạnh tu hành của Ba Má tôi có thể che chở cho gia đình tôi bất cứ trong trường hợp nào.
Ngoài lý do Cha Mẹ già yếu, tôi vẫn nhớ tôi đã từng là Hạm-Trưởng và vẫn giữ tinh thần Hạm-Trưởng mặc dù tôi đã về hưu. Truyền thống cao quý của Hải-Quân là Hạm-Trưởng không bỏ tàu. Vả lại, người ta thường nói “Sinh vi tướng, tử vi thần”, thì trường hợp tôi không di tản cũng là chuyện bình thường.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng Đại-Úy Trần Văn Chánh, con của Đô-Đốc, đưa chiến hạm trở về để đón Đô-Đốc mà Đô-Đốc và gia đình cũng vẫn không chịu di tản. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?
- Vâng. Đúng. Thời gian đó, Đại-Úy Chánh là Hạm-Trưởng HQ 601. Hôm 29 tháng 4 Chánh đưa Đô-Đốc Chung Tấn Cang, Đô-Đốc Diệp Quang Thủy cùng gia đình của hai vị này từ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân ra chiến hạm lớn đang hoạt động ngoài khơi Vũng-Tàu. Hôm sau, Chánh đưa chiến hạm xuyên qua vùng bị địch chiếm, trở về Saigon, với ý định rước tôi và gia đình ra khơi. Nhưng vì gia đình tôi và tôi đã đồng ý ở lại với Ba Má tôi cho nên Chánh trở lại chiến hạm, họp thủy thủ đoàn và quyết định tháo ống cho chìm tàu rồi chia tay.
Lòng trung hiếu của Chánh làm tôi hãnh diện vô cùng. Và hành động của thủy thủ đoàn HQ 601 đã chứng tỏ Hải-Quân V.N.C.H. đã rèn luyện được tinh thần Vô Úy mãnh liệt trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ.

Thưa, nếu Đô-Đốc vẫn còn là Tư-Lệnh Hải-Quân vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, Đô-Đốc sẽ có những quyết định nào khác với những quyết định của Đô-Đốc Chung Tấn Cang hay không?
- Nếu tôi vẫn còn giữ nhiệm vụ điều khiển Hải-Quân có lẽ tôi cũng lui quân về miền Tây cố thủ, để củng cố lực lượng và rước gia đình binh sĩ. Nếu quân V.N.C.H. lâm vào cảnh thế cùng lực tận thì rút dần ra Phú-Quốc để chờ đợi sự can thiệp của Liên-Hiệp-Quốc. Nếu đồng minh của mình cũng vẫn không giúp mình trong cảnh khốn cùng thì đành phải ra đi để bảo toàn lực lượng như các anh em Hải-Quân đã làm mà thôi.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết những sự việc đã xẩy ra cho Đô-Đốc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- Sau khi chiếm được Saigon, Cộng-Sản kêu gọi sĩ quan Quân-Lực V.N.C.H. ra trình diện. Vì đã giải ngũ, tôi không trình diện. Tôi lẫn tránh. Đến cuối tháng 6, Cộng-Sản lại ra thông cáo, buộc những sĩ quan đã giải ngũ cũng phải trình diện để đi học tập, đem theo tiền cơm một tháng.
Tôi trình diện tại ký túc xá Minh-Mạng. Tại đây tôi gặp Trung Tướng Dương Văn Đức và một số đông sĩ quan đã giải ngũ.
Hai ngày sau, Cộng-Sản chuyển Trung Tướng Đức và tôi đến Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung cũ, do quân đội Bộ-Quốc-Phòng quản lý. Nơi đây tôi gặp lại tất cả Tướng Lãnh đã tập trung từ đợt trước. Chúng tôi ở đây gần một năm rồi bị chuyển bằng máy bay ra trại Yên-Bái, miền núi rừng Bắc Việt. Tại Yên-Bái, chúng tôi lao động khổ sai, không được gia đình thăm nuôi.
Hai năm sau, chúng tôi bị chuyển đến trại Hà-Tây (Hà-Sơn-Bình), do công an Bộ-Nội-Vụ quản lý. Thời gian này chúng tôi được gia đình tiếp tế bằng bưu kiện. Nếu không có sự tiếp tế của gia đình thì người tù cải tạo của Cộng-Sản Bắc-Việt không thể sống được!
Sau 5 năm tại trại Hà-Tây, một số sĩ quan cấp Tướng – trong đó có tôi – được thả về Saigon, sau cuộc hội nghị đầu tiên giữa Tướng Vessy và Cộng-Sản Việt-Nam.
Sau khi nhận và đọc giấy ra trại tôi mới biết “cáo trạng” của tôi:

  • Bị can tội: Thiếu Tướng Đề-Đốc.
  • Bị bắt ngày: 23-6-1975.
  • Bị án: Phạt tập trung cải tạo.
  • Tư tưởng: Chưa biểu hiện gì xấu.
  • Tham gia học tập: Khai báo còn chung chung.
  • Chấp hành nội quy: Chưa sai phạm gì lớn.
  • Xếp loại cải tạo: Trung bình.


Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết, với bí quyết nào mà sau thời gian dài bị tù đày trong nhiều trại cải tạo, Đô-Đốc vẫn giữ được phong thái ung dung, thanh thản và một cơ thể khỏe mạnh như vậy?
-Nhờ Trời ban phước cho nên sức khỏe của tôi cũng bình thường, da dẻ hồng hào, lưng còn thẳng, nhưng tóc đã bạc trắng. Con người không thể nào chống lại được sự tàn phá của thời gian; nhất là thời gian dài trong chốn lao tù Cộng-Sản. Nhiều người hỏi tôi thiền theo phương pháp nào mà được sắc thái đạo cốt tiên phong. Tôi không thiền theo phương pháp nào cả. Tôi thường nghe nói: “Tướng chuyển do tâm. Tâm trung xuất hình ư ngoại”. Có lẽ tâm mình thoải mái nên vẻ mặt thấy vui tươi, hớn hở chứ không có bí quyết gì đâu.

Thưa, sau khi Đô-Đốc ra tù và sau khi Đô-Đốc đến Hoa-Kỳ, thân tình giữa đại gia đình Hải-Quân đối với Đô-Đốc có khác xưa hay không?
-Sau khi tôi ra tù, rất nhiều bạn bè cũ trong nước đến thăm; nhất là anh em Hải-Quân, Tuần-Giang, Hàng-Hải Thương-Thuyền. Ở nước ngoài có các bạn Hải-Quân như Đào, Thăng, Quỳnh, Dõng, Thơ, Minh, Hưng, Tươi, v. v… viết thư thăm hỏi và gửi quà cho tôi. Thư của các bạn đầy tình thân.
em>Khi đến Mỹ, các bạn Hải-Quân ở San Jose đến đón tôi tại phi trường San Francisco và mở tiệc liên hoan mừng tôi thoát khỏi gông cùm Cộng-Sản. Những bạn Hải-Quân ở Los Angeles, San Diego, Virginia, Houston, Seattle, Chicago, v. v…cũng mở tiệc mừng tôi đã đến được xứ tự do.
Sau ba tháng tái ngộ cùng các chiến hữu Hải-Quân, tôi nhận thấy, mặc dù Hải-Quân V.N.C.H. đã “tan hàng” gần 17 năm, nhưng Tinh Thần Hải-Quân vẫn còn vững trong mỗi người lính Hải-Quân V.N.C.H.. Tình thân thiết “huynh đệ chi binh” khiến cho Hải-Quân kết đoàn với nhau rất chặt chẻ trong hệ thống tôn ti trật tự của một đại gia đình. Trước tinh thần này, trước tâm tư, nguyện vọng này, tôi tin tưởng rằng không sớm thì muộn con cháu của chúng ta sẽ hợp lực cùng chúng ta hoặc thay thế chúng ta khôi phục lại quân chủng Hải-Quân.

Thưa, Đô-Đốc có ý định viết hồi ký hay không?
-Nếu viết hồi ký về Hải-Quân V.N.C.H. thì, tôi nhận thấy, cuốn Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh và những bài trong đặc san Lướt Sóng, nhiều anh em Hải-Quân đã ghi lại những hoạt động của Hải-Quân một cách trung thực. Những quyển sách này có thể dùng làm tài liệu để bổ sung cho quyển Lịch Sử Hải-Quân V.N.C.H., trong đó Ban Lịch Sử của Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đã ghi rõ những hoạt động hằng ngày của Hải-Quân, từ tổ chức cho đến hành quân.
Nếu viết hồi ký cho riêng tôi, tôi nghĩ từ trước đến nay công việc của tôi làm không có gì đặc sắc. Mọi việc đều do các chiến hữu đảm đương và hoàn thành. Tôi chỉ có ý kiến, xem xét, kiểm tra, đôn đốc. Thêm nữa, trí nhớ của tôi không được minh mẫn lắm. Hồi tưởng lại những sự kiện đã trải qua hằng hai ba mươi năm là một việc khó nhọc đối với tuổi già này. Viết hồi ký cũng cần có tài liệu chính xác để chứng minh những dữ kiện. Tôi chưa có phương tiện để làm việc này.

Thưa, Đô-Đốc nghĩ như thế nào về cuốn Chân Dung Tướng Ngụy?
-Tác giả quyển Chân Dung Tướng Ngụy là một người Cộng-Sản. Mà người Cộng-Sản thì không bao giờ nói tốt cho một người không Cộng-Sản. Đó là nguyên tắc của họ. Vì vậy, trong cuốn Chân Dung Tướng Ngụy, tác giả dùng những lời lẽ không chính đáng để bôi nhọ bất cứ nhân vật nào thuộc chính quyền và Quân-Đội V.N.C.H.

Xin cảm ơn Đô-Đốc.

____________

Ông VĨNH LỘC

Nguyên Trung Tướng Tổng-Tham-Mưu-Trưởng
Cuối Cùng của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

Xin Trung Tướng vui lòng cho biết: Tháng 4 năm 1975, Trung Tướng nhậm chức Tổng-Tham-Mưu-Trưởng ngày nào và sắc lệnh ấy do ai ký?
-Sắc lệnh cử tôi vào chức vụ Tổng-Tham-Mưu-Trưởng chỉ được văn phòng Phủ Tổng Thống thông báo cho tôi – vị sĩ quan thâm niên nhất còn tại ngũ – vào chiều 29 tháng 4 -1975 chứ tôi chưa hề thấy cho nên không biết ai đã ký sắc lệnh đó.

Thưa, sau đó có phải Trung Tướng chỉ định hoặc bổ nhiệm Đại-Tá Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân, vào chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân hay không?
- Theo quân luật, bất cứ thời bình hay thời chiến, sĩ quan nào cấp bậc cao nhất hay thâm niên nhất, đương nhiên tạm quyền chỉ huy đơn vị mà đơn vị trưởng của đơn vị đó tử trận, đào nhiệm hay vắng mặt. Đại-Tá Tấn ở vào trường hợp này.

Thưa, “nắm” chức Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H. vào giờ phút nguy ngập nhất của cuộc chiến, Trung Tướng có kỳ vọng nhiều vào Hải-Quân hay không?
- Lúc đó Không-Quân đã bỏ đi hết rồi; chỉ còn Hải-Quân là có đủ phương tiện để làm được một cái gì cho đất nước. Tôi ước mơ được bàn bạc với Đô-Đốc Cang để Lực-Lượng Hải-Quân tập trung tại Phú-Quốc và Côn-Sơn, làm thành hai đầu cầu, cùng với Cần-Thơ, tạo thành một tam-giác-sắt có thể đón nhận làn sóng di tản để khởi đầu một cuộc kháng chiến hữu hiệu và lâu dài.

Thưa, lúc đó Trung Tướng có liên lạc với Đô-Đốc Cang hay không?
- Chiều 29 tháng 4, tôi muốn gặp Đô-Đốc Cang để bàn về phương cách đưa chính phủ hoặc những nhân vật đầu não của chính phủ về miền Tây; nhưng không hiểu tại sao cuộc gặp gỡ đó không thực hiện được.

Thưa, lúc đó Trung Tướng có nghĩ đến phương cách khác hay không?
-Tối 29 tháng 4, tôi gọi Không-Quân, xin phi cơ chuyển chính phủ xuống miền Tây, với hy vọng là mình có thể cầm cự để thương thuyết với Việt-Cộng. Nhưng…(Trung Tướng Vĩnh Lộc lắc đầu, không nói tiếp!)

Khi có ý định đưa chính phủ xuống miền Tây, Trung Tướng có liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam không ạ?
-Khoảng 7 giờ 30 hay 8 giờ tối 29, tôi điện thoại cho Tướng Nam. Tôi mong được trao danh dự Quân-Đội vào tay Tướng Nam; vì, với tư cách Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Đội, nhưng tôi không còn bất cứ phương tiện nào trong tay để xử dụng cả. Giọng Tướng Nam rất bình thản: “Đàn anh đã giao cho thì đàn em xin nhận. Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm được công việc đó.”
Theo tôi, với ba Sư-Đoàn Bộ-Binh – Sư-Đoàn 21, Sư-Đoàn 7 và Sư-Đoàn 9 – cùng với Không-Lực tại Bình-Thủy và Lực- Lượng Hải-Quân, Tướng Nam có thể giữ vững Vùng IV trong một thời gian, chờ chính phủ xuống…(Trung Tướng Vĩnh Lộc lại lắc đầu, tiếp) Tướng Nam là nạn nhân của kỷ luật Quân-Đội!

Xin Trung Tướng vui lòng cho biết những diễn tiến chung quanh Trung Tướng kể từ khi Trung Tướng nhậm chức Tổng-Tham-Mưu-Trưởng cho đến khi Trung Tướng đến Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân để được di tản.
-Tôi đến tòa nhà chính Bộ-Tổng-Tham-Mưu vào trưa 29. Tòa nhà trống trơn, không một bóng người. Những phương tiện liên lạc và chỉ huy không còn nguyên vẹn.
Lúc đó tôi không điên rồ đến độ nghĩ rằng mình sẽ lật được thế cờ. Nhưng tôi đã cố gắng hết sức mình, vận dụng mọi khả năng và phương tiện để mong một biến chuyển mới lạ thuận lợi cho Quân-Đội V.N.C.H. và Quê Hương.
Sau khi hay tin Bộ-Tổng-Tham-Mưu có người phụ trách, những sĩ quan cấp nhỏ thuộc Đại-Đội ứng chiến tại Bộ-Quốc-Phòng, các đơn vị quanh vùng quân khu thủ đô như Dĩ-An, Gò-Vấp, v. v…đã liên lạc về Tổng-Tham-Mưu, xin chỉ thị nhập vào đơn vị tác chiến nào gần nhất để tiếp tục chiến đấu. Một đơn vị Biệt-Kích Dù xin tăng cường chiến xa. Vài đơn vị Biệt-Động-Quân xin thêm đạn và mìn chống chiến xa, v. v…Một pháo đội 105 ly, không biết thuộc đơn vị nào, “trôi dạt” vào sân cờ Bộ-Tổng-Tham-Mưu cho nên được giao trách nhiệm phản pháo quanh phi trường Tân-Sơn-Nhất. Giọng nói của họ rất cương quyết và tinh thần chiến đấu rất cao, khiến tôi nghĩ rằng đó là sự báo hiệu của một phép lạ!
Với mục đích khơi động và kêu gọi tinh thần ái quốc, tinh thần kỷ luật của binh sĩ thuộc tất cả quân, binh chủng, tôi liên lạc với Tư-Lệnh Không-Quân và Tư-Lệnh Hải-Quân để hai vị đó cùng tôi lên đài truyền hình. Nhưng hai vị ấy không còn tại nhiệm sở nữa cho nên tôi phải đơn độc ra nhật lệnh kêu gọi binh sĩ!
Tôi phải dùng đến khí giới cuối cùng là Tâm-Lý-Chiến, mong những quân nhân còn đang chiến đấu hãy cố ngăn bước tiến của địch để chính phủ đủ thời gian tìm một lối thoát bằng đường lối chính trị.
Khoảng 9 giờ tối, Đại Tướng Vanuxem, thuộc quân đội Pháp, điện thoại trực tiếp cho tôi, xin tự đặt dưới quyền chỉ huy của Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H. và tình nguyện làm tất cả những gì mà Quân-Đội V.N.C.H. muốn Ông làm trong giờ phút đó.
Yếu khu Tân-Sơn-Nhất xin phi cơ không yểm để ngăn chận một đoàn quân xa Việt-Cộng từ phía Tây Bắc. Căn cứ Bình-Thủy gửi lên một phi tuần. Nhưng sau mười phút phi tuần ấy bay trên tòa nhà chính mà Bộ Tổng-Tham-Mưu vẫn không thể tìm được sĩ quan điều không, đành cho lệnh phi tuần đó trở về Bình-Thủy. Tuy nhiên, sự hiện diện của các khu trục cơ V.N.C.H. trên vòm trời Saigon lúc đó như đã tẩy sạch bầu không khí ô nhiểm và hoen ố do năm phi cơ Việt-Cộng lấy cắp tại Phan-Rang, rồi do Trung-Úy Không-Quân V.N.C.H. Nguyễn Thành Trung huấn luyện và hướng dẫn, về đại náo phi trường Tân-Sơn-Nhất vào chiều hôm trước. Lúc đó, Không-Quân V.N.C.H. đã bỏ lỡ cơ hội nghìn năm, gửi phi cơ săn giặc F5 lên nghênh chiến.
Sau đó, nhờ tìm được vài sĩ quan truyền tin, Bộ-Tổng-Tham-Mưu liên lạc với Tướng Nguyễn Khoa Nam. Sau khi biết rõ tình hình thủ đô, Tướng Nam rất bình tĩnh, nhận trọng trách trước Quân-Đội và lịch sử.
Sáng 30 tháng 4, Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung báo cáo không ngăn chận nổi đoàn quân xa Bắc Việt từ hướng Tây Bắc lấn sang. Dĩ-An cũng cho biết một đơn vị đã bị địch xâm nhập. Những đơn vị khác cũng lần lượt báo cáo là không còn chống đỡ được nữa!
Đại Tướng Vanuxem vào tận tòa nhà chính báo tin rằng Tổng Thống Dương Văn Minh đang soạn bản văn đầu hàng! Đại Tướng Vanuxem nhờ tôi liên lạc để Ông được gặp Tướng Minh, tìm cách ngăn chận hành động này. (1)
Sau khi nghe Đại Tướng Vanuxem cho biết Tổng Thống Minh sẽ đầu hàng, tôi thấy tôi không được Tổng Thống Dương-Văn-Minh hỏi ý kiến về quyết định này và như vậy có nghĩa là nhiệm vụ chiến đấu của tôi xem như không còn! Tôi cùng với Trung Tướng Trần Văn Trung, Tổng-Giám-Đốc Nha Chiến-Tranh Chính-Trị và Đại-Tá Nguyễn Ngọc Nhận đến Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân tìm phương tiện di tản!

Xin Trung Tướng vui lòng cho biết lý do nào Trung Tướng gợi ý và khuyến khích tôi thực hiện cuốn tài liệu về Hải-Quân?
-Từ năm 1987, trong dịp ra mắt tác phẩm Bước Chân Non của chị tại San Jose, tôi đã đề cập đến các mặt trận của những nhà văn Đông-Âu – tiêu biểu là nhà văn Milan Kundura. Từ đó đến nay, Hung-Gia-Lợi, Tiệp-Khắc, Đông Đức, Ba-Lan, Lỗ, Bảo và ngay cả Nga-Sô nữa, đã đứng lên phá tan xiềng xích gông cùm. Sau bao nhiêu năm mất lòng tin vào Cha Cố hay Thượng Tọa, giờ đây, mỗi khi nhắc đến quốc gia, cộng đồng chỉ còn hướng về những nhà văn, nhà báo như nhân dân Tiệp-Khắc đã thân thương trao hết cho Havel vậy.
Tướng Đôn nói đến ngày 1 tháng 11, Tướng Mậu nói đến ông Diệm và gia đình họ Ngô, ông Nguyễn Xuân Vinh nói đến đời phi công… Tôi nghĩ không ai du nhập vào hồn Thánh-Tổ Trần-Hưng-Đạo cho bằng chị, vì chị là vợ một hậu duệ của Ngài. Chị có thể nói tất cả những gì liên quan đến Hải-Quân mà không ai có thể trách cứ rằng chị lơ lửng, ở vào một lập trường “passe partout”; bởi vì ai cũng thấy những gì chị viết đều có hương vị sóng nước, biển khơi.
Nếu Dương Thu Hương kết tội những cán bộ thụ hưởng nhưng vẫn đề cao đảng tịch thì ai cũng thấy rằng bao lần chị lên án những bê bối, nhũng lạm của người thừa hành “phe ta” mà tuyệt nhiên chị không nghi ngờ hay yếu lòng tin vào chính nghĩa sáng ngời của Người Quốc-Gia. Người Quốc-Gia chiến đấu mà không man rợ.

Xin cảm ơn Trung Tướng đã có lời khen. Xin Trung Tướng cho biết nhận xét của Trung Tướng về vai trò của Hải-Quân Việt-Nam trong cuộc chiến và những ngày cuối của cuộc chiến?
- Nói đến Hải-Quân V.N.C.H. là nói đến một quân chủng mà cho đến thời gian cuối cùng của cuộc chiến vẫn còn là một phương tiện quốc tế để có thể tính được chuyện lâu dài cho đại cuộc.
Trong sử liệu nước ta, đời Lê xuôi Nam, bình Chiêm với một đôi chiến thuyền; Chúa Nguyễn Ánh bôn ba nay Phú-Quốc, Cần-Thơ, mai Xiêm-La, Côn-Sơn, mốt Qui-Nhơn, Thị-Nại trên những chiếc thuyền mong manh…Rồi từ cuối thập niên 50 đến giữa thập niên 60, thay vì được thả dù hoạt động trên đất Bắc mà địa thế hiểm trở và ngặt nghèo quá xa, khó được cơ duyên trở về lại căn cứ dưới vỹ tuyến 17, những đơn vị “Nhất khứ hề bất phục phản” này có thể hoạt động hiệu quả hơn nếu những cuộc hành quân đó được thực hiện bằng tiềm thủy đỉnh Hoa-Kỳ hoặc PT của Hải-Quân V.N.C.H.
Từ năm 1964 trở đi, sự leo thang tuần tự với những phi vụ không tập chừng mực cho ta thấy vô hiệu, vì không thay đổi được chiều hướng chiến tranh. Tư-Lệnh Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ được chỉ định thống lĩnh cuộc chiến, không phải chỉ phối hợp khơi khơi như vậy. Có lẽ cuộc phong tỏa Hải-Phòng và Sihanoukville vào thời điểm đó là một quyết định hợp lý. Nếu trọng tâm cuộc chiến Việt-Nam được đặt vào các chiến thuyền đổ bộ để những đơn vị thiện chiến của ta tấn công miền Bắc thì hình thái của chiến trận nhất định sẽ hoàn toàn thay đổi. Số thương vong có thể giảm thiểu đến sáu, bảy mươi phần trăm và cải thiện được bộ mặt tệ hại của thập niên 70!
Đó, cái duyên sóng nước gắn liền với vận mệnh nước ta. Sử của ta quả thật do những chiến sĩ Hải-Quân viết nên mà tồn tại.

Xin cảm ơn Trung Tướng.


(1)- Chi tiết này được chính Đại Tướng Vanuxem nhắc lại trong cuốn
“L’Agonie du Vietnam” do Ông viết, năm 1977.

_____________

Ông LÊ QUANG MỸ

Nguyên Đại-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Đầu Tiên
(Hai tuần trước khi Ông lâm chung)

Xin Đại-Tá vui lòng cho biết Đại-Tá nghĩ như thế nào về cuộc di tản của Hải-Quân V.N.C.H.?
- Vào thời điểm đó, Hải-Quân không thể nào làm khác, vì theo tổ chức quốc phòng, Hải-Quân là một lực lượng trừ bị! Đã là lưc lượng trừ bị thì không thể nào Hải-Quân ở lại đương đầu với Việt-Cộng được trong khi những lực lượng khác đã tan rã hoặc rút đi.
Tôi chỉ tiếc một điều là từ lâu Bộ-Quốc-Phòng đã không khai thác tiềm năng của Hải-Quân, không xử dụng đúng mức một lực lượng tinh nhuệ và hùng hậu nhất nhì trong vùng biển Thái-Bình-Dương.

Xin cảm ơn Đại-Tá.

____________

Ông RICHARD LEE ARMITAGE

Nguyên Phụ-Tá Tổng-Trưởng Quốc-Phòng Hoa-Kỳ

Xin Ông vui lòng cho biết nhiệm vụ của Ông tại Việt-Nam vào khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975.
-Tháng 3 năm 1975, tôi sang Việt-Nam với tư cách riêng. Tháng 4, theo yêu cầu của Phụ-Tá Tổng-Trưởng Quốc-Phòng Hoa-Kỳ, ông Erich Von Marbod, tôi tháp tùng Ông, trở lại Việt-Nam để di chuyển quân cụ và dân chúng trong trường hợp Bắc Việt tiếp tục tấn công.

Ngày 28 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng cùng Ông bay lên cầu Bình-Lợi, Biên-Hòa. Xin Ông vui lòng cho biết nhiệm vụ của Ông và tình hình lúc ấy như thế nào?
- Phó-Đề-Đốc Hùng rủ tôi cùng đi với Ông đến căn cứ Hải-Quân Long-Bình để thị sát và cũng để khích lệ tinh thần binh sĩ ở đó.
Áp lực của Bắc quân rất nặng. Căn-Cứ Hải-Quân đã bị tấn công lúc sáng sớm và đang chờ đợi một cuộc tấn công khác có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chứng tích xâm lăng của Bắc quân còn trên đường, ngay cổng trại.
Tôi cũng thấy từng suối người tuôn về Saigon. Điều đó cho thấy Việt-Cộng về rất gần cho nên đồng bào hoảng sợ, đi tìm sự bảo vệ từ phía Việt-Nam Cộng-Hòa.
Sau đó Đô-Đốc Hùng và tôi trở về Saigon bằng xe Jeep và tôi đã phúc trình tất cả lên ông Von Marbod.

Xin Ông vui lòng cho biết khái quát về kế hoạch của Hoa-Kỳ nhằm giúp Hải-Quân Việt-Nam và gia đình di tản vào thời gian cuối cuộc chiến?
-Tôi nghĩ kế hoạch Hoa-Kỳ giúp Hải-Quân Việt-Nam di tản rất hạn hẹp. Hoa-Kỳ chỉ chuẩn bị một cách tổng quát cho một cuộc di tản với nhân số phỏng định chứ không có kế hoạch tỉ mỉ. Chương trình giúp Hải-Quân Việt-Nam được phát họa vào giờ phút chót.
Chúng tôi khuyên Hải-Quân Việt-Nam đưa gia đình vào tạm trú tại các Căn-Cứ Hải-Quân. Nếu một biến động nào xảy đến, gia đình và người thân của Hải-Quân sẽ được đưa ra biển để bảo toàn sinh mạng.
Lúc đó, vì chính phủ Hoa-Kỳ chưa dự trù một phương kế nào cho Hải-Quân Việt-Nam cả, cho nên tôi chỉ thông báo với Hải-Quân Việt-Nam rằng: Nếu tình thế bắt buộc hãy cố gắng đến Côn-Sơn, tôi sẽ gặp tất cả ở đó.
Mọi quyết định liên quan đến Hạm-Đội Việt-Nam từ Côn-Sơn đến Phi-Luật-Tân đều do những biến chuyển tình hình lúc đó tạo nên chứ không hề có một sự chuẩn bị nào cả.

Xin Ông làm ơn cho biết Ông có những liên hệ mật thiết nào với Hải-Quân Việt-Nam hay không?
-Có. Nhiều lắm. Khi còn phục vụ trong quân chủng Hải-Quân Hoa-Kỳ, tôi được dịp sát cánh với Hải-Quân Việt-Nam tại những đơn vị chiến đấu như Duyên-Đoàn 35 ở Vĩnh-Bình, Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám ở Tây-Ninh, Duyên-Đoàn 21 ở Tam-Quan. Tôi cũng là cố vấn huấn luyện các khóa sĩ quan đặc biệt Hải-Quân (Naval OPS Adviser). Các khóa đặc biệt này dành cho tất cả sĩ quan thuộc các quân, binh chủng khác được biệt phái sang Hải-Quân.

Thưa, có bao nhiêu chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ trợ giúp Hạm-Đội Hải-Quân Việt-Nam trong hải phận quốc tế?
-Hai chiến hạm Hoa-Kỳ đã hộ tống Hải-Quân Việt-Nam đến Phi-Luật-Tân; đó là không kể những tiếp-liệu-hạm đã tiếp tế nhiên liệu. Một trong hai chiếm hạm đó là USS Kirk.

Thưa Ông, sau cuộc chiến, Hải-Quân Việt-Nam trao trả lại cho Hải-Quân Hoa-Kỳ bao nhiêu chiến hạm? Bây giờ những chiến hạm đó được xử dụng như thế nào?
-Tôi nghĩ rằng khoảng 31 chiến hạm, kể cả những chiến hạm bị đánh chìm. Những chiến hạm khiển dụng được trao cho Hải-Quân Phi-Luật-Tân.

Nhiều người thuộc Hải-Quân Việt-Nam cho tôi hay rằng Ông nói tiếng Việt rất lưu loát và Ông có tên Việt-Nam là Phú, đúng không, thưa Ông?
-Hồi đó tôi nói được tiếng Việt. Bây giờ, sau 15 năm không xử dụng, tôi không biết vốn liếng tiếng Việt của tôi còn được bao nhiêu nữa.
Những người bạn Việt-Nam đặt tên Việt cho tôi là Trần Văn Phú.
Trần: Họ của Đức Thánh-Tổ Hải-Quân, Trần Hưng Đạo.
Văn: Chữ đệm cho tên đàn ông.
Phú: Giàu sang, do dịch nghĩa từ tên thật của tôi, Richard, cũng đọc là Rich.

Xin Ông cho biết, Ông nghĩ như thế nào về Hải-Quân V.N.C.H. trong cuộc chiến và những ngày cuối của cuộc chiến?
Tôi nghĩ về Hải-Quân V.N.C.H. như thế nào hẳn mọi người đều biết rồi. Tôi tin tưởng và ngưỡng phục họ. Tôi ao ước được tiếp tục chiến đấu bên cạnh họ.

Xin cảm ơn Ông.

___________

Ông ĐẶNG CAO THĂNG

Nguyên Phó-Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân
Vùng IV Sông-Ngòi

Thưa. đêm 29 tháng 4, trên đường từ Cần-Thơ ra biển, Đô-Đốc nghe Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi trên máy truyền tin, nhưng Đô-Đốc không trả lời. Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết Đô-Đốc nghĩ như thế nào về quyết định đó?
-Tôi nghĩ quyết định đó là một sự nông nổi ngay lúc đó. Trước đó một phút hoặc sau đó một phút có thể tôi đã quyết định một cách khác.

Xin cảm ơn Đô-Đốc.

___________

Ông LÂM QUANG THI

Nguyên Trung Tướng Tư-Lệnh
Mặt-Trận Tiền-Phương Quân-Đoàn I

Xin Trung Tướng vui lòng cho biết nhận xét của Trung Tướng về quân chủng Hải-Quân trong cuộc chiến và những ngày cuối của cuộc chiến?
-Trước tháng 3 năm 1975 tôi xem thường Hải-Quân lắm, ngoại trừ những Giang-Đoàn Xung-Phong thuộc Vùng IV Sông Ngòi.
Thời gian làm Tư-Lệnh Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh, từ năm 1965 đến 1968, một lần, chính tôi điều động thiết vận xa, Bộ-Binh và các Giang-Đoàn Xung-Phong mở mặt trận lớn tại Vĩnh-Bình. Trận đó mình đánh hay, đánh đẹp vô cùng. Cũng từ trận đó, tôi nhận thấy các Giang-Đoàn Xung-Phong là những đơn vị thiện chiến, không thể thiếu được ở sông rạch.
Khi mặt trận miền Trung bột phát tôi mới thấy vai trò của Hải-Quân là quan trọng. Hải-Quân nặng về truyền thống. Truyền thống Hải-Quân rất đẹp và tinh thần kỷ luật của Hải-Quân rất cao. Tôi kính phục Hải-Quân từ đó.

Xin cảm ơn Trung Tướng.

____________

Ông HỒ VĂN KỲ THOẠI

Nguyên Phó-Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân
Vùng I Duyên Hải

Qua cuộc di tản miền Trung, xin Đô-Đốc vui lòng cho biết vài kinh nghiệm bản thân.
- Qua cuộc di tản đó ai cũng rút tỉa được nhiều kinh nghiệm. Nhưng về kinh nghiệm bản thân, tôi thấy khi lâm chiến, một cấp Tướng Hải-Quân không bao giờ nên chỉ huy từ trên bờ mà phải từ một chiến hạm hay chiến đỉnh. Một điều quan trọng nữa là không bao giờ cho phép sĩ quan tùy viên rời xa mình.
Thật ra không phải sau cuộc chiến tôi mới nhận thấy được những điều đó. Nhưng, lúc ở Đà-Nẵng, thấy những vị Tướng khác còn ở trên bờ và tới lui họp hành liên miên tại Bộ-Chỉ-Huy Vùng I Duyên-Hải, tôi không đành bỏ họ để ra tàu!

Xin cảm ơn Đô-Đốc.

* * *

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/