banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tài liệu lịch sử nầy được đăng lên trang web ĐHSPSG với hoài bão các thế hệ Hải Quân Việt Nam hiện tại và tương lai sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc đàn anh: giữ vững lãnh hải quê nhà để giang sơn Việt Nam muôn đời là của dân Việt.


CHƯƠNG VI

NHỮNG ĐỘT BIẾN TẠI CÁC VÙNG SÔNG NGÒI

VÙNG III SÔNG NGÒI

Tình hình quân sự thuộc lãnh thổ Vùng III Sông-Ngòi không đáng đề cập nếu không có những cuộc đụng độ quyết liệt giữa các Lực-Lượng Đặc-Nhiệm, Lực-Lượng 99 và Lực-Lượng cơ hữu của Hải-Quân Vùng III Sông-Ngòi với những Lực-Lượng chính quy Việt-Cộng.
Với ý đồ đánh thốc vào Long-An, cắt quốc lộ 4, cô lập Saigon, Việt-Cộng mở mặt trận lớn với các đơn vị sau đây:

  • Công Trường 8, từ kinh Chợ Gạo, đi phía quận Bình-Phước, bức Rạch-Kiến, tuôn về Bình-Chánh, vào Saigon.
  • Công Trường 9, từ Cái-Bè tiến quân đến Bến-Tranh, đánh vào Long-An, mục đích hiệp với Công Trường 7, cắt quốc lộ 4.
  • Công Trường 7, từ Đồng-Tháp đánh vào Thủ-Thừa.
  • Công Trường 5, từ Tây-Ninh; một phần đánh vào Hậu-Nghĩa, một phần đánh vào Bến-Lức.

NHỮNG TRẬN CHIẾN TRÊN VÀM-CỎ-TÂY

vnhq_ch6

Ngay khi mặt trận Long-An vừa bùng nổ, Lực-Lượng 99, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng, được đưa vào chiến trận.
Đại-Tá Dõng là vị sĩ quan đầu tiên của khóa 8 sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang được thăng Đại-Tá. Về hải vụ, có thể nói Đại-Tá Dõng không thua bất cứ một vị đàn anh nào cả. Về chỉ huy những đơn vị chiến đấu trong sông rạch, Đại-Tá Dõng và người bạn cùng khóa, Hải-Quân Trung-Tá Hồ Quang Minh, là hai sĩ quan được các đại đơn vị Việt-Cộng tại Vùng III và Vùng IV Sông-Ngòi lên án nặng nề!
Ngày 17 tháng 4, Lực-Lượng 99 khởi hành từ Nhà Bè, trực chỉ Long-An.
Thời gian này, với mục đích cắt quốc lộ IV, ngăn chận sự tiếp viện của quân V.N.C.H. từ Vùng IV Chiến-Thuật, Công-Trường 7 Việt-Cộng kéo quân từ Cái-Bè đến Bến-Tranh thì “đụng” nặng với một Trung-Đoàn của Sư-Đoàn 7 Bộ-Binh. Khi địch đến rạch Cần-Đốt lại gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Địa-Phương-Quân.
Cánh quân Công Trường 8 Việt-Cộng đánh vào Rạch-Kiến chạm phải sức kháng cự vũ bão của Lực-Lượng Địa-Phương-Quân, khựng lại đó.
Cánh quân Việt-Cộng tấn công quận Tân-Trụ đang tràn ngập trong Chi-Khu vừa lúc Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 đang giang hành ngang Tân-Trụ để tiến về Long-An. Lúc này Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận cũng vừa đưa một Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân từ Long-An lên tiếp viện quận Tân-Trụ.
Sau khi “đổ” quân, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận cùng Lực-Lượng 99 nhập trận, yểm trợ Địa-Phương-Quân.
Bất ngờ đụng nặng với hai đơn vị tác chiến Hải-Quân, quân của Công-Trường 8 Việt-Cộng, sau nhiều đợt chống trả dữ dội, đành “chém vè”! Quận Tân-Trụ được giải tỏa cùng ngày.
Ngày 18 tháng 4, khoảng 8 giờ sáng, Lực-Lượng 99 đến Long-An. Tình hình kinh Thủ-Thừa nguy ngập. Trên giang trình tiến đến giải tỏa kinh Thủ-Thừa, khi vừa qua khỏi cầu Long-An khoảng hai trăm thước, Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 thấy rất đông người đang tắm, nô đùa dưới sông, bên bờ đối diện rạch Cần-Đốt. Đặt ống dòm quan sát, Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng, Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng 99, phát giác ra đó là một đại đơn vị Việt-Cộng. Lập tức, Đại-Tá Dõng ra lệnh toàn Lực-Lượng ủi thẳng sang, tấn công.
Khi thấy đoàn chiến đỉnh ủi ngay vào điểm dừng quân của mình, một đơn vị của Công Trường 7 Việt-Cộng, chấp nhận đánh nhau, không chạy. Hai bên cách nhau khoảng mười thước, có thể thấy nhau bằng mắt thường, cho nên, mọi người trên đoàn giang đỉnh đều thấy Việt-Cộng nhốn nháo, tán loạn. Tuy vậy, sức phản công của địch từ bờ bắn ra cũng dữ dội với đủ loại súng, có cả 82 ly không giật và 12 ly 8. Phía Lực-Lượng 99, mọi vũ khí nặng trên chiến đỉnh đều được xử dụng tối đa.
Trong khi trận chiến đang diễn ra dữ dội, Thủy Thủ Đức bị thương trên mặt và đầu, máu tuôn xối xả. Nhưng Thủy Thủ Đức chỉ đưa tay vuốt máu trên mặt rồi đứng thẳng trên chiếc Tango, ôm MK19, nã thẳng vào địch quân.
Đến 5 giờ chiều, sức kháng cự của Việt-Cộng yếu dần. Bộ-Binh và Địa-Phương-Quân được điều động đến, đổ bộ. Lúc này chỉ còn nghe rời rạc vài tiếng B40.
Trong trận này, tổn thất về phía Hải-Quân và quân bạn không đáng kể. Việt-Cộng thiệt hại không dưới một Tiểu-Đoàn. Vũ khí tịch thu gồm: 4 khẩu 82 ly không giật, 2 khẩu 12 ly 8, 12 khẩu B40, rất nhiều AK và súng trường Nga.
Sáng 19 tháng 4, Lực-Lượng 99 và Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận trở lại địa điểm đã đụng độ với Việt-Cộng ngày hôm trước. Đoàn giang đỉnh vừa đến nơi, hai giang đỉnh bị bắn. Một Monitor của Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận bị 82 ly không giật bắn trực xạ. Ba nhân viên và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận, Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Ngọc Lộ, bị thương. Nhưng cả bốn thương binh đều không chịu tản thương, chỉ vuốt máu, tiếp tục chiến đấu!
Kể từ ngày 19 tháng 4, hễ Lực-Lượng 99 và Địa-Phương-Quân giải tỏa xong điểm chạm địch đối diện với rạch Cần-Đốt ngày hôm trước thì ngày hôm sau Việt-Cộng lại chuyển vận súng lớn trở lại địa điểm này.
Trong thời gian này, mỗi ngày, tiểu đoàn pháo của Công-Trường 7 Việt-Cộng nã vào Long-An từ 40 đến 60 quả 122 ly!
Bằng mọi giá, Việt-Cộng quyết tiêu diệt Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99; vì Lực Lượng này là trở ngại lớn cho cuộc kéo quân của các Công-Trường Việt-Cộng về Long-An.
Đêm 20 tháng 4, trong khi Lực-Lượng 99 đang “nằm” gần cầu Long-An thì người nhái Việt-Cộng lội ra giang đỉnh, bám vào thành tàu, leo lên ngay chiến đỉnh của người nhái Hải-Quân V.N.C.H. Tất cả người nhái Việt-Cộng đều bị hạ trước khi hành động!
Đêm 21 tháng 4, Lực-Lượng 99 “đổ” toán Hải-Kích – do Đại-Úy Hiền chỉ huy – lên bờ đối diện rạch Cần-Đốt. Khi còn cách bờ khoảng 30 thước, Hải-Quân phát hiện Việt-Cộng đông quá! Thấy Đại-Úy Hiền tỏ vẻ ngần ngại, Đại-Tá Dõng ra lệnh rút lui; vì Ông nghĩ rằng khi Hải-Kích không chấp nhận trận chiến thì không thể nào quân ta vào được.
Cánh quân của Công-Trường 9 Việt-Cộng từ Cái-Bè tiến đến Bến-Tranh thì gặp sự kháng cự của một Trung-Đoàn thuộc Sư-Đoàn 7 Bộ-Binh. Lúc địch kéo về đến rạch Cần-Đốt lại “đụng” lực lượng Địa-Phương-Quân phòng thủ tại đây.
Cũng thời điểm này, Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, từ Qui-Nhơn về Bến-Lức, đang tái trang bị, không xuất trận. Nhưng khi Cầu Voi bị tấn công, Tướng Niệm chỉ thị một Trung-Đoàn thuộc Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh đến giải tỏa, nhưng không giải tỏa được.
Nhận thấy áp lực địch đè nặng trên vùng trách nhiệm của Đại-Tá Lê Hữu Dõng, Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư-Lệnh Lực-Lượng Tuần-Thám, đem toàn Bộ-Tham-Mưu đến Long-An hỗ trợ Đại-Tá Dõng. (Trước khi trở thành Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng 99, Đại-Tá Dõng đã là Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Tuần-Thám). Tháp tùng Bộ-Tham-Mưu Lực-Lượng Tuần-Thám là bác sĩ Trần Quốc Dũng, vị y-sĩ được tất cả đơn vị Hải-Quân cũng như đồng bào và quân bạn tại bệnh viện Long-An mến phục.
Từ giữa tháng 4, hầu như tất cả bác sĩ trong tỉnh Long-An đều di tản. Mỗi ngày số thương vong do đại bác của địch và thương binh từ các mặt trận đưa về nườm nượp, nhưng khó tìm ra được một vị y-sĩ!
Ngoài những lúc hành quân với Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 để săn sóc thương binh tại trận địa, vị y-sĩ tốt nghiệp khóa 16 Trưng Tập, Trần Quốc Dũng, cùng với trung sĩ y-tá tên Thông, chưa kịp cất áo giáp, nón sắt, đã vội vàng đến ngay bệnh viện Long-An để cấp cứu nạn nhân chiến tranh.
Lúc này xác thường dân chết vì hỏa tiễn Việt-Cộng nằm rải rác ven đường. Vô số người bị thương được đưa đến bệnh viện Long-An. Tại phòng nhận bệnh, nạn nhân chiến tranh nằm la liệt mà chỉ có hai y-tá phụ trách! Trong số những nạn nhân, một người bị mảnh pháo kích ghim nơi ngực, thở không được.
Biết rằng nạn nhân này cần phải được giải phẫu cấp kỳ, bác sĩ Dũng và y-tá Thông đẩy ngay người này vào phòng mổ. Dụng cụ giải phẫu và thuốc men đều bị khóa kín trong tủ. Trong khi bác sĩ Dũng và y-tá Thông đập bể tủ, thực hiện cuộc “giải phẫu dã chiến” cứu sống nạn nhân thì Việt-Cộng pháo nặng hơn. Kho dầu và kho đạn Long-An trúng đại pháo. Và, ít nhất, có hai hỏa tiễn rơi ngay bệnh viện, gây thêm rất nhiều tử vong!
Nghe bệnh viện trúng đạn pháo kích, thân nhân dùng đủ mọi phương tiện để di chuyển người thân của họ ra khỏi bệnh viện. Bác sĩ Dũng và y-tá Thông vẫn tiếp tục băng bó, săn sóc, cấp cứu nạn nhân trong những tiếng nổ rền trời của từng đợt hỏa tiễn do Việt-Cộng nã vào thành phố Long-An.
Trưa 29 tháng 4, lưu thông trên quốc lộ 4 bị gián đoạn. Vì cảm mến đức tính can cường của Thiếu-Tá Phạm Ngọc Lộ trong những lần chạm địch suốt mấy ngày qua, Đại-Tá Dõng hỏi Thiếu-Tá Lộ có muốn đưa tàu về Saigon đón gia đình hay không? Nếu muốn, cứ lấy hai ASPB – trợ chiến đỉnh trang bị súng phun lửa – mà đi. Thiếu-Tá Lộ cho hai ASPB rời vùng hành quân về Saigon đón gia đình, còn Ông ở lại với đơn vị.
Không hiểu tại sao câu chuyện giữa Đại-Tá Dõng và Thiếu-Tá Lộ đến tai Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú.
Từ khi đến Long-An, Phó-Đề-Đốc Phú là vị sĩ quan thâm niên hiện diện, được tất cả đơn vị Hải-Quân trong vùng xem như Tư-Lệnh hành-quân. Đối với Hải-Quân, không ai lạ gì cá tính nghiêm khắc, độc đoán của vị sĩ quan tốt nghiệp khóa II sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang này. Nhưng, bù lại, Phó-Đề-Đốc Phú rất xuề xòa và thường âm thầm lo lắng cho thuộc cấp; vì vậy Ông được thuộc cấp đặt danh hiệu là Bố-Già.
Chiều 29 tháng 4, khoảng 6 giờ 30, Phó-Đề-Đốc Phú cho tập họp tất cả thuyền trưởng của Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận, Đại-Tá Dõng, Thiếu-Tá Lộ và Thiếu-Tá Chiến Binh Vĩnh Đính, Tham-Mưu-Phó Hành Quân Lực-Lượng Tuần-Thám. Trước mặt mọi người, Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư-Lệnh Lực-Lượng Tuần-Thám, kiêm Tư-Lệnh Đặc-Nhiệm 212, tuyên bố truất quyền chỉ huy của Thiếu-Tá Lộ và chỉ định Thiếu-Tá Vĩnh Đính làm Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận, thay thế Thiếu-Tá Lộ! Mọi người, kể cả Đại-Tá Dõng, đều sửng sốt đến không nói được một lời! Sau này, Đại-Tá Dõng mạnh dạng xác nhận sự im lặng của Ông vào chiều hôm đó là một lầm lẫn!
Sở dĩ cho đến chiều 29 tháng 4 mà toàn tỉnh Long-An vẫn chưa có phần đất nào bị Việt-Cộng kiểm soát là nhờ hai yếu tố sau đây:

  • Liên-Đoàn Địa-Phương-Quân của Tiểu-Khu Long-An là một lực lượng tinh nhuệ. Nếu so sánh Liên-Đoàn Địa-Phương-Quân này với những lực lượng chính quy của V.N.C.H. như Nhảy-Dù, Thủy-Quân-Lục-Chiến, Biệt-Động-Quân, v. v… thì sức chiến đấu dai dẳng và can cường của Liên-Đoàn Địa-Phương-Quân này sẽ ngang ngửa chứ không kém. Chính Liên-Đoàn Địa-Phương-Quân này đã “chôn chân” Công-Trường 7 Việt-Cộng bên kia kinh Thủ-Thừa.
  • Sự quyết định nhanh chóng của Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, Tư-Lệnh Hải-Quân V.N.C.H. khi đưa Lực-Lượng 99 vào trận địa đúng thời điểm.

Tối 29 tháng 4, đích thân Phó-Đô-Đốc Cang gọi máy, chỉ thị Đại-Tá Lê-Hữu-Dõng đưa toàn Lực-Lượng 99 ra sông Soài-Rạp. Nhưng Đại-Tá Dõng xin ở lại 24 giờ đồng hồ nữa; vì Long-An “chưa hề hấn gì” và tinh thần chiến đấu của binh sĩ còn hăng.
Cũng thời điểm này, Đại-Úy Trưởng Phòng An-Ninh Lực-Lượng Tuần-Thám – theo lệnh của Phó-Đề-Đốc Phú – vào bệnh viện đưa bác sĩ Dũng di tản. Bác sĩ Dũng bảo: “Đại-Úy thưa với Tư-Lệnh, nếu Tư-Lệnh muốn chạy thì cứ chạy đi. Tôi ở lại với anh em.”
Sáng 30 tháng 4, Việt-Cộng vẫn tiếp tục pháo hỏa tiễn vào Long-An. Đại-Tá Dõng gặp Đại-Tá Huyến, Tỉnh Trưởng Long-An. Đại-Tá Huyến tỏ vẻ thất vọng vì không liên lạc được với thẩm quyền nào cả. Đại-Tá Dõng hỏi dò Đại-Tá Huyến về ý định di tản. Đại-Tá Huyến Lắc đầu: “Anh em còn đang chiến đấu, tôi đi không đành. Bao giờ đem được anh em về hết tôi sẽ đi.”
Khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, Đại-Tá Dõng cho một chiếc Jeep đi tìm bác sĩ Dũng. Sau đó, Đại-Tá Dõng đưa Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99, Giang-Cảnh, Cảnh Sát, Đại-Đội Tuần-Giang, v.v…theo Vàm-Cỏ-Tây, ra sông Soài Rạp. Điểm hẹn là Bắc-Cầu-Nổi. Lúc này, cờ Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam cắm đầy hai bên bờ sông.
4 giờ chiều, mấy trăm chiến đỉnh của nhiều đơn vị Hải-Quân tụ tập tại Bắc-Cầu-Nổi. Cũng lúc đó, mọi người thấy Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú – người trở lại từ HQ 502 để đón những đơn vị của Ông ra trễ – trên một PBR đơn độc ngay chỗ phao đỏ cuối cùng trước khi dòng Soài Rạp tuôn ra biển.
Đại-Tá Dõng kiểm soát tất cả đơn vị xong, trình lên Phó-Đề-Đốc Phú rằng các đơn vị đã đến điểm hẹn gần đầy đủ. Phó-Đề-Đốc Phú đáp: “Tốt”.
4 giờ 20 chiều, tại Bắc-Cầu-Nổi, Đại-Tá Dõng được xem như vị đại diện Hải-Quân trong vùng, tuyên bố giải tán những đơn vị Hải-Quân!
Sau đó, người nào đi thì dồn lên những LCM hoặc PBR để ra đi. Người nào muốn về thì dồn lên mấy PBR trở về. Số giang đỉnh còn lại được tháo ống, cho chìm từ từ.
Nhìn những chiến đỉnh không người lái, cứ quay vòng vòng rồi chìm từ từ, hầu như mọi người đều nén ngậm ngùi. Thượng sĩ D., thuộc Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, không nén được xúc động, đã bật khóc và gào lên: “Chính phủ ơi! Con tàu ơi!”
Cũng trong tình huống đó, Hải-Quân Đại-Úy H., Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 59 Tuần-Thám, từ LCM8 nhảy xuống một PBR rồi nhắn nhủ: “Thôi, Commandant đi đi. Tôi ở lại điều động đàn em của tôi, rồi…một là tôi sẽ tự tử chết; hai là tôi sẽ về Bến-Tre tu với Mẹ tôi!”

NHỮNG TRẬN CHIẾN TRÊN VÀM-CỎ-ĐÔNG

vnhq_ch6

Vào hạ tuần tháng 2 năm 1975, trong trận phục kích vào khoảng sông giữa Gò-Dầu-Hạ và Tây-Ninh, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận tịch thu được tài liệu quan trọng sau khi bắn chết hai sĩ quan cao cấp Việt-Cộng từ cục R đi ghe ra. Tiểu-Khu Tây-Ninh muốn giữ tài liệu này; nhưng Quân-Đoàn III phái một Đại-Tá xuống lấy về. Theo tài liệu này, Việt-Cộng sẽ mở mặt trận lớn tại Long-An và Hậu-Nghĩa.
Bên bờ Tây sông Vàm-Cỏ-Đông – đối diện với tỉnh Hậu-Nghĩa – trên kinh Thủ-Thừa khoảng hơn 20 cây số là đồn Trà-Cú, một miếng mồi khó nuốt cho tất cả Lực-Lượng Việt-Cộng lăm le muốn đánh Hậu-Nghĩa.
Lý do Việt-Cộng không thể xâm nhập mặt sông này hoặc tiến chiếm đồn Trà-Cú là vì hàng rào điện tử được gài dọc theo bờ sông. Những điện toán của hàng rào điện tử này ghi nhận chính xác tất cả hoạt động và mọi cuộc di chuyển của Việt-Cộng phía trục đó.
Khoảng tháng 3 năm 1975, đồn Trà-Cú là nơi đóng quân của Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, một Giang-Đoàn Ngăn-Chận và một Tiểu-Đội Pháo-Binh tăng phái cùng hai khẩu đại bác để yểm trợ Chi-Khu và đồn bót dọc sông Vàm-Cỏ-Đông. Nếu có những cuộc xâm nhập quy mô của Việt-Cộng, Tỉnh Trưởng Hậu-Nghĩa sẽ tăng phái vài đơn vị biệt lập như Địa-Phương-Quân.
Kể từ khi đơn vị trưởng tiền nhiệm đồn Trà-Cú dời dân từ vùng xôi đậu về lập một làng nho nhỏ chỗ khúc cua, cạnh đồn, Hải-Quân kiêm luôn trách nhiệm bảo vệ làng này và giúp dân làng phương tiện sang sông.
Giữa tháng 3, mặc dù Cao-Nguyên bỏ ngõ và miền Trung “co” lại, tình hình quân sự vùng Hậu-Nghĩa, Trà-Cú vẫn tương đối bình yên; ngoại trừ vài vụ phá hoại không đáng kể của đặc công, nhưng bị phát giác kịp thời.
Hạ tuần tháng 3, những hoạt động của Việt-Cộng quanh vùng Gò-Dầu-Hạ, Hậu-Nghĩa, Trà-Cú, được ghi nhận gia tăng với mức độ đáng ngại. Bằng cớ là khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, được điều động từ Gò-Dầu-Hạ theo sông Vàm-Cỏ-Đông về Nhà-Bè để yểm trợ tàu đạn và tàu dầu ra sông Lòng Tào, đã bị Việt-Cộng tấn công tất cả bảy lần, gây thương tích cho vài nhân viên và làm tử thương Thiếu-Úy C.
Khi đến khúc cua ngặt, chỗ ngôi làng gần đồn Trà-Cú, giang đỉnh chở xác Thiếu-Úy C. lại bị mìn! Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, một giang đỉnh khác lại trúng mìn! Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông-Ngòi, ra lệnh Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận dừng lại để vớt xác và vớt tàu. Khi nhân viên đang thi hành công tác thì Việt-Cộng từ bờ bắn ra tới tấp, vớt không được. Đến mờ sáng, xác nhân viên Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận nổi lờ đờ dọc bờ sông!
Ngày 17 tháng 4, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận được lệnh trở lại sông Vàm-Cỏ-Đông, hiệp cùng Giang-Đoàn 57 Tuần-Thám, Giang-Đoàn 24 Xung-Phong, một giang đoàn Giang-Cảnh và một đơn vị thuộc Sư-Đoàn Nhảy-Dù để bảo vệ Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh, vừa rút về từ Qui-Nhơn và tạm trú tại Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức.
Đêm 18 tháng 4, Việt-Cộng bắn hỏa tiễn 130 ly vào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức. Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh rời Căn-Cứ Hải-Quân và phân tán mỏng ngay cho nên không bị thiệt hại; chỉ có kho dầu Bến-Lức bị trúng đạn pháo kích, cháy.
Sáng 19 tháng 4, Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, vị sĩ quan tốt nghiệp khóa II Brest, thị sát mặt trận dọc theo sông Vàm-Cỏ-Đông. Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, chỉ cho Đại-Tá Xuân biết chỗ Hải-Quân thường bị phục kích.
Tối 19 tháng 4, Đại-Tá Xuân tháp tùng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đi tuần tiễu. Ngay chỗ Thiếu-Tá Đề chỉ cho Đại-Tá Xuân lúc sáng, Việt-Cộng bắn thẳng vào Soái-Đỉnh. Đại-Tá Xuân ra lệnh rút về.
Trong thời gian này, hoạt động của các Giang-Đoàn bị giới hạn; vì chỉ rời điểm đóng quân khoảng 500 thước là chạm địch. Ngày nào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức cũng bị hỏa tiễn 130 ly. Phó-Đề-Đốc Nghiêm-Văn-Phú ra lệnh cho tất cả Giang-Đoàn rời Căn-Cứ, giàn dọc bờ sông để tránh pháo kích. Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh cũng ra đồng hoặc “nằm” dưới những gầm cầu. Đơn vị Dù của Thiếu-Tá Tâm quần thảo liên miên với các đơn vị của Công-Trường 9 Việt-Cộng.
Ngày 21 tháng 4, sáu PBR thuộc Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám biệt phái cho quận Hiếu-Thiện, phía Bắc đồn Trà-Cú, bị tấn công nặng nề. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn, đem toàn lực lượng từ đồn Trà-Cú lên tiếp cứu, cố đưa sáu chiến đỉnh về, nhưng Việt-Cộng từ bờ bắn ra dữ dội. Trung-Úy trưởng toán PBR biệt phái báo cáo rằng Việt-Cộng đã giăng giây cáp, bên dưới có lưới sắt, từ bên này bờ sang bên kia bờ!
Được báo cáo, Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân hành quân Lưu-Động-Sông, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng, ra lệnh Trung-Úy trưởng toán phải mở đường máu, đưa sáu PBR về! Đồng thời Phó-Đề-Đốc Hùng cũng chỉ thị Thiếu-Tá Đề đưa Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận từ Bến-Lức lên tiếp tay với Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, đem sáu PBR biệt phái về. Điểm “bắt tay” là khúc quanh, nơi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận thường bị phục kích.
Để hỗ trợ cho cuộc hành quân này, Tiểu-Khu Long-An tăng phái một tiểu đoàn Địa-Phương-Quân giữ an ninh bên bờ sông để đoàn chiến đỉnh xuống.
Khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đưa tiểu-đoàn Địa-Phương-Quân tăng phái và Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông Ngòi, đến gần điểm thường hay bị phục kích, tất cả đều vắng vẻ, không có gì khả nghi. Ngôi làng nhỏ cạnh đó cũng yên tĩnh và treo cờ Việt-Nam Cộng-Hòa.
Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, Thiếu-Tá Đề, liên lạc với Thiếu-Tá Sơn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, cho biết hai Giang-Đoàn chỉ còn cách nhau khoảng hai cây số. Vừa lúc đó, đủ mọi loại súng từ bờ bắn xối xả vào Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Liên lạc truyền tin giữa hai Giang-Đoàn bị gián đoạn.
Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng lại ra lệnh: Bằng mọi giá, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận phải yểm trợ để đưa Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám về! Đại-Tá Huyến, Tỉnh Trưởng Long-An, yêu cầu Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận “thả” Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân xuống để bảo vệ an ninh trên bờ cho Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám xuống.
Mười chín giang đỉnh thuộc Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa ủi bãi, Địa-Phương-Quân đang đổ bộ thì từng loạt pháo kích của Việt-Cộng rơi ngay bãi! Từng lớp, từng lớp Địa-Phương-Quân gục ngã trên bãi lầy!
Trong tình cảnh như vậy, Thiếu-Tá Đề vẫn không nhận được lệnh từ ai cả; vì Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông Ngòi và Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, Tư-Lệnh Vùng III Sông Ngòi, đang tranh cãi nhau trên máy truyền tin! Thiếu-Tá Đề tự động ra lệnh rút lui để bảo vệ đơn vị. Tiểu-Đoàn-Trưởng Địa-Phương-Quân không đồng ý, nói với Thiếu-Tá Đề: “Hải-Quân rút, tôi bắn!” Sau đó, Việt-Cộng pháo dồn dập, Thiếu-Tá Đề quyết định rút!
Trên đường trở về Bến-Lức, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận lại nghe tiếng kêu cứu của Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Thiếu-Tá Đề lại được lệnh đưa Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận trở lên tiếp cứu Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám.
Khi trở lên, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa đi ngang ngôi làng nhỏ treo cờ V.N.C.H. thì Việt-Cộng khai hỏa bằng đủ loại súng lớn. Xin pháo binh và phi cơ yểm trợ không được, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa tiến vừa chống trả mãnh liệt.
Tối 22 tháng 4, khoảng 9 giờ 30, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận “bắt tay” Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Sáu PBR biệt phái cho quận Hiếu-Thiện vẫn còn kẹt tại đó. Lời cuối cùng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám nhận được từ Trung-Úy trưởng toán PBR biệt phái là: “Kiến nhiều quá! Cắn đau lắm! Phải đổi màu, theo đàn bò”.
Khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám về gần tới kinh Thủ-Thừa thì thấy cờ trắng phất bên bờ sông. Vì trời tối và cũng vì bị tấn công nặng nề, nhân viên hai Giang-Đoàn hoảng hốt, bắn xối xả vào bờ! Tiểu-Khu Long-An liên lạc cấp kỳ với Hải-Quân và xác nhận đơn vị bên bờ sông là thành phần còn lại của Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân mà Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đã “thả” lúc đầu hôm!
Sáng 23 tháng 4, nhiều xác Địa-Phương-Quân nổi lềnh bềnh dọc sông Vàm-Cỏ-Đông!
Cùng ngày, tất cả đơn vị trưởng Hải-Quân về Bến-Lức họp. Cuộc họp gồm những sĩ quan sau đây:

  • Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng, Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành Quân Lưu-Động-Sông.
  • Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư-Lệnh Lực-Lượng Tuần-Thám.
  • Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng, Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99.
  • Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng III Sông-Ngòi.
  • Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Hải-Quân Vùng III Sông-Ngòi.
  • Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư-Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
  • Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận.
  • Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám.
  • Đại-Tá Luận, thuộc Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.

Trong phiên họp, giới chức thẩm quyền gián tiếp chỉ thị các đơn vị trưởng phải lo cho anh em và gia đình binh sĩ; ưu tiên là gia đình Hải-Quân. Điểm hẹn là sông Soài Rạp.
Tối 23 tháng 4, Tướng Phan Đình Niệm rời Bến-Lức bằng trực thăng.
Ngày 24 tháng 4, Việt-Cộng tăng mức độ pháo vào những nơi đóng quân của V.N.C.H. Hoạt động của Hải-Quân trên Vàm-Cỏ-Đông giảm thiểu tối đa. Đồn Trà-Cú bị cô lập hoàn toàn.
Tối 29 tháng 4, tại đồn Trà-Cú, Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn cho nhân viên đưa gia đình xuống các chiến đỉnh. Chỉ-Huy-Phó Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám đưa đoàn PBR ra sông lớn, chờ. Thiếu-Tá Sơn, những sĩ quan trong bộ chỉ huy và ít nhân viên liên hệ cùng một số chuyên viên ngòi nổ ở lại Trà-Cú để thiêu hủy tài liệu, đặt chất nổ phá hủy những nơi quan trọng trước khi rút lui.
Mối lo ngại lớn nhất của nhóm người ở lại là “pông-tông” dầu khá lớn, nằm ngay trước đồn Trà-Cú. Vào lúc nhóm người ở lại đang thực hiện kế hoạch phá hủy thì Việt-Cộng pháo kích ngay vào đồn Trà-Cú! Pháo liên tục! Pháo dày đặc! Pháo dai dẳng! Pháo rơi trúng hầm mà nhóm người ở lại đang trú ẩn khiến một sĩ quan tử thương!
Thiếu-Tá Sơn cho chặt giây “pông-tông” dầu. “Pông-tông” dầu trôi ra, Thiếu-Tá Sơn cho bắn theo, với mục đích gây hỏa hoạn, thiêu hủy số lượng dầu. Khi “pông-tông” phực cháy, gặp gió ngược, trôi lên hướng ngôi làng nhỏ, tức thì muôn họng súng trong làng đều nhả đạn vào khối lửa di động.
Lợi dụng thời cơ đó, nhóm người ở lại rút lên PBR cuối cùng, rồi nhấn ngòi nổ, sang bằng đồn Trà-Cú. Sau đó, PBR của nhóm người ở lại nhập với đoàn PBR chở binh sĩ và gia đình chờ ngoài sông lớn, xuôi về Bến-Lức.
Trên đường về Bến-Lức, khoảng cách chỉ hơn 50 cây số, đoàn PBR bị tấn công ba lần.
Lần thứ nhất, xe tăng Việt-Cộng từ bên bờ Hậu-Nghĩa bắn trực xạ ra đoàn PBR.
Lần thứ hai, khi vừa xả hết tốc lực chạy khỏi tầm đạn xe tăng, đoàn PBR lại bị Việt-Cộng từ hai bên bờ tấn công bằng bazooca 57 và 75 không giật.
Lần thứ ba, lúc gần sáng 30 tháng 4, đoàn PBR lại bị chận đánh một lần nữa khi về gần tới Bến-Lức. Sở dĩ Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám không phản công được là vì trên mỗi PBR đều đầy nghẹt binh sĩ và gia đình!
Sáng 30 tháng 4, tình hình Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức vô cùng bi đát. Hầu hết những đại đơn vị đều đã rút ra sông Soài-Rạp; chỉ còn lại sĩ quan cấp nhỏ và lính. Mọi người nhốn nháo tìm phương tiện về với gia đình; nhưng Quân-Cảnh gác cổng vẫn giữ đúng kỷ luật, không cho bất cứ ai xuất trại. Binh sĩ lấy vũ khí, tấn công Quân-Cảnh! Hai bên bắn nhau!
Mười giờ 30 cùng ngày, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, Việt-Cộng ùa vào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức. Việt-Cộng tin rằng V.N.C.H. đang chuẩn bị bàn giao Căn-Cứ này cho họ, vì vậy, họ vui đùa, săm soi, táy máy hết cái này đến cái kia. Phía quân nhân V.N.C.H. thì thấy Việt-Cộng đông quá, lại vừa nghe lệnh đầu hàng cho nên không ai dám làm gì cả. Cả hai bên đều giả lơ như là chẳng thấy nhau!

VÙNG IV SÔNG-NGÒI

Khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975, Việt-Cộng đưa nhiều đơn vị về chung quanh Cần-Thơ, cố tạo áp lực ngay “trung tâm não bộ” của Vùng IV Chiến-Thuật.
Lúc bấy giờ, những Lực-Lượng Hải-Quân, một phần phải yểm trợ sông Đại-Ngãi – dòng sông huyết mạch từ Cần-Thơ xuống Cà-Mau, đi qua Bạc-Liêu – để hộ tống các ghe lúa gạo từ Bạc-Liêu về; phần còn lại rút về phòng thủ Cần-Thơ.
Tuy có nhiều đụng độ giữa Lực-Lượng Hải-Quân V.N.C.H. và Lực-Lượng Việt-Cộng chung quanh Cần-Thơ; nhưng vì Việt-Cộng dồn mọi nỗ lực lớn để tấn công Saigon, cho nên, tương đối áp lực địch tại Cần-Thơ không đủ làm bận tâm những giới chức thẩm quyền V.N.C.H. Bằng cớ là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư-Lệnh Quân-Đoàn IV, đã tăng phái cho mặt trận Vùng III một số lực lượng của Vùng IV. Và, theo chỉ thị của Tư-Lệnh Hải-Quân V.N.C.H., Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi kiêm Tư-Lệnh Hạm-Đội Đặc-Nhiệm 21, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng, đã cho di chuyển một số đơn vị về yểm trợ Vùng III Sông-Ngòi.
Tình hình Vùng IV Sông-Ngòi còn rất yên tĩnh; nhưng Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ, Francis Terry McNamara, cũng đặt kế hoạch di tản nhân viên Việt và Mỹ của Tòa Tổng-Lãnh-Sự.
Ngày 21 tháng 4, trong dịp về Saigon nhận tiền phát cho nhân viên, Tổng-Lãnh-Sự Francis T. McNamara trình bày với Đại-Tá George Jacobson về kế hoặch di tản nhân viên. Theo Tổng-Lãnh-Sự McNamara, di tản bằng trực thăng sẽ gặp trở ngại về vấn đề tiếp tế nhiên liệu; vì vậy, Tổng-Lãnh-Sự McNamara yêu cầu được di tản bằng đường thủy. Đại-Tá Jacobson đồng ý. Nhờ ngoại giao khéo, Tổng-Lãnh-Sự McNamara được một nhân viên USAID, Cliff Frink, cung cấp hai LCM8.
Sau khi Phan-Thiết thất thủ, Vũng-Tàu bị đe dọa trầm trọng và các mặt trận Long-An, Tuyên-Nhơn, Trà-Cú, v. v… bùng nổ, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng triệu tập đơn vị trưởng của những đại đơn vị Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi, đặt kế hoạch di tản để bảo vệ lực lượng trong trường hợp Vùng IV Chiến-Thuật bị tấn công. Trong phiên họp này, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang, Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ, kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211, tỏ vẻ không đồng ý với giải pháp di tản.
Ngày 27 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Thăng gặp Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Tư-Lệnh-Phó Quân-Đoàn IV. Hai vị sĩ quan cao cấp trao đổi tình hình chiến sự. Tướng Hưng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết rằng Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư-Lệnh Vùng IV Chiến-Thuật, đã liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu Saigon, nhưng không có một kế hoạch nào từ Bộ-Tổng-Tham-Mưu về việc rút xuống Vùng IV cả. Phó-Đề-Đốc Thăng hỏi dò Tướng Hưng về việc di tản. Tướng Tư-Lệnh-Phó Vùng IV Chiến-Thuật đáp: “Tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ ở lại, bắn đến viên đạn cuối cùng rồi tôi sẽ tự sát!”
Ngày 28 tháng 4, lúc 3 giờ chiều, Phó-Đề-Đốc Thăng liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn-Khoa-Nam, trình bày những biến chuyển quân sự mới nhất. Tướng Nam bảo có vài chính trị gia và tướng lãnh đã bàn kế hoạch rút về Vùng IV, cố thủ. Nhưng dường như đó là những ý kiến cá nhân, chưa có sự đồng thuận nào của chính phủ trung ương. Tướng Nam cũng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết là Ông vừa liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu, có thể, với vị Tổng-Tham-Mưu-Trưởng mới, chính phủ sẽ cố thủ để điều đình.
Chiều 28 tháng 4, một chiếc phà và hai LCM8 chở khoảng 30 người Mỹ, một số đông nhân viên Việt-Nam và Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ, Francis T. McNamara, trên đường ra biển, bị Giang-Đoàn 25 Xung-Phong chận lại.
Được thông báo về sự việc này, Thiếu Tướng Hưng yêu cầu Phó-Đề-Đốc Thăng đến nơi, tăng phái vài giang đỉnh để kéo chiếc phà và hai LCM8 chở số người Việt Mỹ đó về lại Cần-Thơ.
Khi đến nơi, Phó-Đề-Đốc Thăng chỉ hỏi: “Có quân nhân Việt-Nam nào đào ngũ, trốn trên đó không?” Sau khi được xác nhận là “Không”, Phó-Đề-Đốc Thăng cho phép chiếc phà và hai LCM8 ra đi. Quyết định này của Phó-Đề-Đốc Thăng không có sự tham khảo ý kiến của Tướng Lê Văn Hưng hoặc Tướng Nguyễn Khoa Nam; vì hai vị Tướng này đang bay chỉ huy hành quân.
Chiều 29 tháng 4, một Thiếu-Tá tòng sự tại phòng hành quân Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon gọi cho Phó-Đề-Đốc Thăng, thông báo rằng Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon đã chuẩn bị rút! Tối, vị Thiếu-Tá này gọi lại và cho hay: Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon và nhiều chiến hạm đã rời Saigon!
Vì sự liên lạc từ trung ương đến các Vùng không còn chặt chẽ nữa, cho nên, đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng vẫn chưa biết Trung Tướng Vĩnh Lộc đã được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H.!
Tối 29 tháng 4, khoảng 8 giờ, Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân, Đại-Tá Chiến-Binh Nguyễn Văn Tấn, gọi điện thoại mời Phó-Đề-Đốc Thăng về Saigon; nhưng Đại-Tá Tấn không cho biết lý do. Phó-Đề-Đốc Thăng bảo để Ông suy nghĩ, 11 giờ đêm gọi lại, Ông sẽ trả lời.
Ngay sau đó, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi, ra lệnh “tự do vận chuyển”! Lệnh này được chuyển sang Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông, Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương kiêm Tư-Lệnh Đặc-Nhiệm 214, chứ không chuyển cho Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang, Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211.
11 giờ đêm, Phó-Đề-Đốc Thăng cho tập họp tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ, rồi thông báo quyết định của Ông là sẽ ra đi. Ai muốn đi, về đem gia đình vào; ai không muốn đi, xin giữ an ninh giùm cho những người đi.
Đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng cũng vẫn chưa nghe Đại-Tá Tấn gọi lại.
Khuya 29 rạng ngày 30 tháng 4, trong khi các LCM đưa Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng và Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi đang chạy trên sông Cửa Tiểu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam liên lạc truyền tin, muốn nói chuyện với Phó-Đề-Đốc Thăng; nhưng Phó-Đề-Đốc Thăng không trả lời.
Trong khi những sự việc kể trên xảy ra tại Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi thì tại Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy, tình thế vẫn yên, cho đến…
…Sáng 30 tháng 4, sau khi nghe lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy trở nên rối loạn.
10 giờ sáng, Đại-Tá Cơ-Khí Nguyễn Ngọc Xuân, Chỉ-Huy-Trưởng Căn-Cứ Tiếp-Vận, tập họp nhân viên và tuyên bố tan hàng!
12 giờ trưa, Đại-Tá Xuân lấy một LCM đi ra hướng biển cùng với khoảng 20 PBR của Lực-Lượng Thủy-Bộ.
Sau đó, Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang, từ một PBR đang chạy song song với LCM chở Đại-Tá Xuân, hỏi: “Đi làm chi, Xuân? Ở lại đi.” Đại-Tá Xuân im lặng. LCM vẫn tiến. Một lúc sau, Đại-Tá Trang cho lệnh PBR quay về.
Tại Bộ-Tư-Lệnh Trung-Ương, sau khi nhận lệnh “tự do vận chuyển” từ Phó-Đề-Đốc Thăng, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông, Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương, truyền lệnh này đến những đơn vị ở xa và thông báo một cách hạn chế cho nhân viên tại Đồng-Tâm. Đại-Tá Thông nhắn nhủ: “Ai không muốn đi thì cố giữ an ninh, trật tự giùm cho những người muốn đi.”
Sau đó, Đại-Tá Nguyễn-Văn-Thông cùng một số người xuống ba chiếc LCM8, đi ra sông Cửa Tiểu.

MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN

NHỮNG ĐỤNG ĐỘ NHỎ TẠI VÙNG IV SÔNG-NGÒI

Trong khi những biến cố trọng đại xảy ra tại Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi và tại Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương thì những Lực-Lượng Hải-Quân đóng rải rác trong lãnh thổ Vùng IV Sông-Ngòi phải đương đầu với các đơn vị chủ lực của Việt-Cộng tại những mặt trận sau đây:

Xã Hòa-Thành, thuộc địa phận Cà-Mau
Tin tình báo của Tiểu-Khu An-Xuyên và Trung-Đoàn 32 Bộ-Binh tại Cà-Mau cho hay: Sau khi viên Phó-Xã-Trưởng xã Hòa-Thành bỏ hàng ngũ Quốc-Gia sang đầu thú với Việt-Cộng, Việt-Cộng đưa quân cấp tiểu đoàn về tấn công xã Hòa-Thành.
Xã Hòa-Thành cạnh bờ sông, cách Tiền-Doanh Yểm-Trợ khoảng ba cây số. Xã này là vị trí chiến lược của Tiểu-Khu An-Xuyên và cũng là nơi Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cùng nhiều Giang-Đoàn Thủy-Bộ khác trú đóng.
Ngày 16 tháng 4, sau khi được yêu cầu, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 72 Thủy-Bộ, Đại-Úy Khai, đưa đoàn chiến đỉnh về xã Hòa-Thành. Sau khoảng 15 phút khởi hành, đoàn giang đỉnh bị Việt-Cộng xử dụng B40, B41 và các loại súng nhỏ tấn công.
Đoàn giang đỉnh phản công nhưng rất hạn chế vì hai bên bờ sông là nhà dân. Khi phát hiện Bộ-Chỉ-Huy Việt-Cộng đóng ngay cạnh bờ sông, đầu con rạch dẫn nước ra sông, đoàn chiến đỉnh phải xử dụng M79 và súng cối 81 ly bắn trực xạ.
Khoảng nửa giờ giao tranh, Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cho tăng cường thêm vài chiến đỉnh nữa. Sau đó không lâu, quân V.N.C.H. làm chủ tình hình.

Rạch Sỏi, thuộc tỉnh Kiên-Giang
Lực lượng Hải-Quân vùng Kiên-Giang trong tháng 4 năm 1975 gồm những đơn vị sau đây:

  • Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An, đóng tại Xẻo-Rô.
  • Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi, đóng tại Rạch-Sỏi.
  • Toán Sưu-Tập 5, đóng trong Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
  • Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ

Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân – ThiếuTá Phan Hữu Niệm, gồm có:

  • Bộ-Chỉ-Huy lưu động, đóng tại Rạch-Sỏi vào thời điểm này.
  • Giang-Đoàn 70 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Thiếu-Tá Thùy Trinh Bạch chỉ huy.
  • Giang-Đoàn 71 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Đại-Úy Dương Văn Tèo chỉ huy.
  • Một Monitor, một LCM6 và một Fom do Giang-Đoàn 29 Xung-Phong biệt phái.
  • Bốn PBR do Giang-Đoàn 53 Tuần-Thám tăng phái.

Ngoài nhiệm vụ phòng thủ an ninh những khu vực kể trên, Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ còn phối hợp hành quân với Tiểu-Khu Kiên-Giang, hai Chi-Khu Kiên-Thành, Kiên-An và hai Trung-Đoàn 32 - 33 Bộ-Binh.
Vì tình hình quân sự trong vùng trách nhiệm của Hải-Quân trong tháng 4 hơi sôi động hơn những tháng trước, cho nên, công tác của Hải-Quân lúc bấy giờ hơi nặng về:

  • An ninh Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An.
  • An ninh Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
  • An ninh những tiền đồn vòng đai Tiểu-Khu Kiên-Giang.

30 tháng 4, lúc 4 giờ sáng, Việt-Cộng tấn công Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi bằng B40, B41, súng cối và đại liên. Chỉ-Huy-Trưởng Tiền-Doanh Yểm-Trợ và nhiều nhân viên bị thương. Lập tức, các giang đỉnh tại bến được phái đến chận tuyến Bắc và tuyến Nam kinh Cái Sắn. Những giang đỉnh hoạt động xa được điều động về yểm trợ Căn-Cứ Hải-Quân Xẻo-Rô, đề phòng địch “dương Đông, kích Tây”.
Khi trận chiến đang tiếp diễn, Tiểu-Khu Kiên-Giang thông báo cho Hải-Quân biết rằng Việt-Cộng đột kích vào phi trường Rạch-Sỏi, lấy hai thiết giáp M113 và đang chạy về hướng Kiên-Tân.
Hai Alpha trang bị M72 được lệnh án ngữ đầu cầu phía Bắc Tiền-Doanh để ngăn hai chiến xa. Không có Pháo-Binh yểm trợ, vì Tiền-Doanh Yểm-Trợ tọa lạc ngay khu thị tứ.
Khoảng 7 giờ sáng, Hải-Quân đưa từng toán quân ra ngoài, đẩy lui địch. Địch rút lui khoảng một cây số, nhưng vẫn tiếp tục pháo kích vào đơn vị Hải-Quân.
10 giờ 30 cùng ngày, nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ, Hải-Quân Thiếu-Tá Phan Hữu Niệm, liên lạc Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ và được chỉ thị theo lệnh địa phương – nghĩa là theo lệnh Bộ-Binh! Thiếu-Tá Niệm rất ngạc nhiên, nhưng vẫn liên lạc Tiểu-Khu. Tiểu-Khu cho biết lệnh Quân-Đoàn: Tử thủ!
Lúc này Việt-Cộng lại pháo kích nặng hơn. Ban tham mưu Hải-Quân đặt kế hoạch rút khỏi Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi vào lúc 6 giờ chiều. Nhưng sau đó, Việt-Cộng pháo kích dữ dội hơn, Hải-Quân quyết định rút sớm hơn dự dịnh.
Ba giờ chiều cùng ngày, tất cả đơn vị Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang thực hiện kế hoạch di tản rất chu đáo.
Ngày 1 tháng 5, lúc 3 giờ chiều, Lực-Lượng Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang đến Hòn Tre, neo phía Bắc Hòn Tre. Thiếu-Tá Niệm triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Kết quả cuộc họp là không ai muốn tiếp tục đi. Ban tham mưu đi đến quyết định: Vào Hòn Tre – nơi Duyên-Đoàn 43 trú đóng – giao tất cả chiến đỉnh cho ban tiếp thu Việt-Cộng!

Kinh Chợ Gạo
Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Võ Văn Bảy, gồm Giang-Đoàn 21 Xung-Phong và Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận.
Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 có nhiệm vụ tuần tiễu, phục kích ngăn chận địch vượt sông, yểm trợ hải pháo cho các đồn, phối hợp hành quân với Tiểu-Khu và Chi-Khu, thuộc lãnh thổ Định-Tường và Kiến-Hòa.
Từ cuối tháng 3, đơn vị du kích 232 của Việt-Cộng tạo áp lực nặng trên quốc lộ 4, với mục đích cầm chân Sư-Đoàn 7, Sư-Đoàn 9 và Sư-Đoàn 22 – từ Qui-Nhơn vào, đang dưỡng quân – của Quân-Lực V.N.C.H.
Ngày 1 tháng 4, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2, Bộ-Chỉ-Huy đặt tại Chi-Khu Chợ Gạo, được chỉ định phối hợp hoạt động trực tiếp với Chi-Khu Chợ Gạo để bảo vệ thủy lộ huyết mạch từ miền Tây về Saigon.
Ngày cũng như đêm, trong những cuộc hành quân giải tỏa chướng ngại vật do Việt-Cộng đặt trên kinh Chợ Gạo, hoặc tuần tiễu bảo vệ ghe thuyền, hay hành quân hộ tống những đoàn ghe, v. v… các đơn vị của Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 lúc nào cũng bị địch phục kích và tấn công bằng đủ loại vũ khí.
Ngày 14 tháng 4, Giang-Đoàn 21 Xung-Phong đang biệt phái cho Biệt-Khu Thủ-Đô, được Giang-Đoàn 45 Ngăn-Chận, do Hải-Quân Đại-Úy Nguyễn Văn S. chỉ huy, đến thay thế.
Đêm 26 tháng 4, Việt-Cộng pháo kích vào Chi-Khu Chợ Gạo.
30 tháng 4, lúc 2 giờ sáng, sĩ quan trực trung tâm hành quân Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương – tức là Lực Lượng Đặc-Nhiệm 214 – thông báo Lực-Lượng chấm dứt chỉ huy, các đơn vị tùy nghi định liệu!

MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, dưới sự chỉ huy cùa Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ, đóng cạnh Chi-Khu Tuyên-Nhơn, gồm hai đơn vị sau đây:

  • Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn.
  • Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Ttương Minh Hoàng.

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm những vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến-Tường (Mộc-Hóa) và Định-Tường.
Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị Việt-Cộng lâm le muốn đưa quân vào Long-An bằng đường thủy, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng. Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô của Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng vào Tuyên-Nhơn vào cuối năm 1974.
Đêm 6 tháng 12 năm 1974, Việt-Cộng tấn công dữ dội và chiếm được chợ Tuyên-Nhơn và nhiều đồn. Nhưng Việt-Cộng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn; vì Chi-Khu đóng cạnh Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân.
Trong thời điểm này, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám đều về Đồng-Tâm hội. Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo, phải túc trực tại Bộ-Chỉ-Huy Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.
Thiếu-Tá Tuấn điều động và chỉ huy phản công. Việt-Cộng rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!
Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, Việt-Cộng lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải-Quân để tiến chiếm Chi-Khu Tuyên-Nhơn; nhưng vẫn bị Hải-Quân chống trả mãnh liệt. Việt-Cộng lại rút lui, bỏ lại 11 xác!
Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Việt-Cộng vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn.
Không-Quân Việt-Nam được điều động đến và Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.
Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh-Sát thuộc Sư-Đoàn 9 bị Việt-Cộng dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!
Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.
Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Việt-Cộng lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi-Khu Tuyên-Nhơn. Hải-Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, Việt-Cộng phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.
Sau chiến thắng tại Tuyên-Nhơn, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn được đề nghị thăng Trung-Tá tại mặt trận.
Ngày 23 tháng 4, Thiếu-Tá Tuấn về Saigon họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai-Lậy vào Mộc-Hóa để vào Tuyên-Nhơn, Thiếu-Tá Tuấn xử dụng GMC và bị Việt-Cộng pháo kích liên tục. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, xin tiếp viện. Nhưng ăng-ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.
Tối 24 tháng 4 Thiếu-Tá Tuấn về đến Tuyên-Nhơn.
Ngày 26 tháng 4, Việt-Cộng dốc toàn lực tấn công Tuyên-Nhơn. Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 đi phép. Lực-Lượng Hải-Quân tại Tuyên-Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu-Tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cho Thiếu-Tá Tuấn biết rằng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu-Tá Tuấn: “Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi!” Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng. Cùng lúc đó, Việt-Cộng đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân V.N.C.H. vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!
Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên-Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính V.N.C.H.
Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên-Nhơn, Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng phong tỏa Tuyên-Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên-Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi-Khu và Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.
Tối 29 tháng 4, Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Trung-Ương, Hải-Quân Đại-Tá Vũ Xuân An, từ Đồng-Tâm, liên lạc được với Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu-Tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên-Nhơn.
Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu-Tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì Việt-Cộng tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải-Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại-Tá An:”Có đi được không, Commandant?” Đến lúc đó Đại-Tá An mới cho Thiếu-Tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu-Tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo, để được xác nhận.
Hiểu rõ tình hình, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn – em ruột của Trung Tướng Lê Nguyên Khang Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến – nhân danh Tư-Lệnh Hải-Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải-Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến-Lức.
Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị Việt-Cộng tấn công. Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm-Cỏ.
Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ-Thừa, Việt-Cộng bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại. Để tránh đổ máu, Thiếu-Tá Tuấn ra lệnh đoàn tàu cứ tiến, không được bắn trả, trừ trường hợp Việt-Cộng cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.
Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa Việt-Cộng hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang-Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.
Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải-Quân, Việt-Cộng kêu gọi Thiếu-Tá Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện. Quá phẫn uất, Thiếu-Tá Tuấn đưa nòng súng ru-lô lên…
Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm-Cỏ-Tây, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn, đi vào lịch sử!