Chương 10
Sòng đời trắng tay
1.
Hồng tiếp tục gởi cho Quang những gói quà “cứu đói” 5 kí-lô mỗi ba tháng theo quy định của Nhà Nước, có kèm những lá thư vừa "hô khẩu hiệu" vừa nói lóng. Quang không nói gì trong thư hồi âm nên Hồng nghĩ bọn cai tù không hiểu những gì nàng ám chỉ trong thư và vì thế nàng "đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm" cho đến một ngày Hồng nhận thư của Quang được gởi từ một đơn vị bộ đội mà tên người gởi ghi ở bì thư hoàn toàn xa lạ với nàng. Trong thư Quang báo tin anh đã được chuyển trại về Nam và anh sẽ ném bức thư này ở một ga xe lửa với hi vọng đồng bào nhặt được gởi giùm. Hồng nghĩ có lẽ một cậu nghĩa vụ quân sự nào đó nhặt được và gởi lá thư này đi. Qua sự kiện này, tấm lòng người dân Miền Nam vẫn còn đầy ắp tình thương mến những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Lá thư này chứng tỏ Hồng vẫn còn một chỗ đứng không nhỏ nhoi chút nào trong tim Quang.
Vì các trại tù trong Nam không có quy chế gởi quà, Hồng mất đi dịp giúp đỡ Quang nhưng nàng an tâm vì trong Nam đường đi không nhiêu khê cách trở như núi rừng Miền Bắc. Gia đình người tù thăm nuôi dễ dàng, có thể tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho thân nhân nhiều hơn ở ngoài Bắc. Hồng không có tư cách gì để làm công việc đi thăm nuôi Quang nên nàng dừng lại, để việc đó cho gia đình anh lo. Thêm nữa, khí hậu trong Nam không khắc nghiệt như Miền Bắc, dân tình lại thương mến các chiến sĩ VNCH, do đó sự an toàn và sức khỏe của Quang sẽ khả quan hơn khi ở ngoài Bắc. Hồng cũng mừng cho Quang khi biết vợ anh đã vượt biển thành công qua những lá thư nói lóng anh gởi cho nàng. Chút nghĩa cũ dành cho Quang, nàng tự coi như đã làm xong. Viết thư "hô khẩu hiệu" hoài cũng đâm ra chán, không còn biết phải nói gì nữa nên từ đó thư Hồng cũng thưa dần. Cơn bão tình cảm bộc phát dữ dội rồi cũng từ từ tàn phai.
Tuy nhiên, cơn bão ấy sắp tàn một cơn giông khác nổi lên, đánh cơn bão cũ tan rất mau. Một người quen của Hồng tình cờ biết được Xuân có người đàn bà khác và đã sanh một đứa con nên tức tốc viết thư cho nàng biết. Chuyện này Xuân giấu mọi người và lẽ dĩ nhiên luôn cả nàng. Hồng đã làm một kịch sĩ tài tình đến nỗi con cái, người thân, và bạn bè ai ai cũng tưởng nàng đang hạnh phúc chờ ngày gia đình đoàn tụ. Hồng không muốn con cái chịu ảnh hưởng không đẹp do người lớn làm ra và nàng cũng muốn con mình rời khỏi Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa này. Nàng giả vờ không biết và khéo léo viết thư cho Xuân nói rằng nếu anh muốn cưới người khác thì nàng sẵn sàng chia tay một cách êm đẹp chỉ với một điều kiện Xuân phải bảo lãnh mẹ con nàng qua Mỹ. Nhưng Xuân vẫn một mực nói yêu vợ con. Hồng nghĩ một phần cũng do lỗi của nàng chết nhát không dám ôm con vượt biển. Thời gian vợ chồng xa nhau quá lâu trong khi hai chánh phủ Mỹ - Việt chưa đạt được thỏa hiệp chung về chuyện đoàn tụ gia đình, việc chính thức ra đi giậm chân tại chỗ. Trách mình chớ dám trách ai!
Khi Nhà Nước nhận đơn xin đoàn tụ, Sở Giáo Dục Thành Phố lại chỉ thị rằng các thầy cô giáo nạp đơn xin đi nước ngoài sẽ không đủ tư cách để đứng lớp. Hồng đành phải từ giã nghề dạy học, chuyên tâm ra chợ trời “phe phẩy," nhập bọn với nhóm của Cẩm Vân.
Hằng ngày Hồng lên xe buýt ra chợ trời Tân Định, chợ Bà Chiểu, hoặc chợ Huỳnh Thúc Kháng, có khi xa hơn như chợ Kim Biên... Hôm ấy nàng vừa xuống trạm chợ Tân Định liền gặp Cẩm Vân bước tới tươi cười nói:
- Này Hồng, có người giới thiệu mình một mối làm ăn khá lớn, buôn bán một số mặt hàng y tế. Ngày mai đi gặp người ta. Mi muốn không, mai theo ta.
Hồng đáp:
- Em thấy buôn bán như vầy cũng đủ sống rồi. "Tri túc tiện túc" chị à. Vả lại em cũng được chồng "chi viện" chút đỉnh để nuôi con.
- Đừng ỷ lại vào chồng, Hồng ơi. Theo mình biết, hồ sơ đoàn tụ đang bị đình chỉ vì Mỹ - Việt đang cò kè bớt một thêm hai, không biết chừng nào mới thỏa thuận xong. Những trại tị nạn ở các nước láng giềng đã đóng cửa. Thuyền nhân biểu tình rần rần, nghe phát rầu. Bây giờ muốn đi được chỉ còn nước "chạy" diện xuất ngoại trị bệnh, đương nhiên là tốn "cây." Mình đang làm hồ sơ đây, để xem có được không. Nếu được, mình giới thiệu “đường dây” cho Hồng. Lẽ dĩ nhiên là cần tiền đó, ráng mà kiếm để cho... người khác hưởng, nếu muốn đoàn tụ với chồng.
Nghe chị nói vậy, Hồng thấy sao cay đắng trong lòng nhưng không nói ra. Nàng chỉ cần đem con ra khỏi cái "Thiên Đàng" khắc nghiệt này, chứ không cần chồng nữa. Nàng sẽ đứng trên đôi chân mình, không cần dựa vào ai cả. Nghĩ đến đó, Hồng gật đầu nhận lời.
Chị Cẩm Vân nói tiếp:
- À, còn một chuyện này nữa suýt chút xíu mình quên. Báo tin "hồ hỡi phấn khởi" cho "cưng" đây. Sáng, đứa em Thiếu Tá "Giặc Lái" của mình, sau mười năm học tập đã "tốt nghiệp" Đại Hộc Máu với cấp bằng "Hậu Tiến Sĩ" vừa "vinh quy bái tổ" ngày hôm qua. Như vậy cũng mừng, có lẽ Mỹ - Việt thỏa hiệp được điều gì đó rồi. Hi vọng những "xanh (xao) viên" của trường "Đại Học" này từ từ sẽ được ra trường hết ráo, trong đó có anh chàng Quang của mi.
- Em xin chia vui với chị, cho em gởi lời chúc mừng tới anh Sáng , nghen.
- Thôi mình đi chạy hàng đây, tới giờ hẹn rồi. Nhớ đúng hẹn ngày mai, 9 giờ sáng tại chỗ này.
Hồng ngẩn ngơ bước vào chợ Tân Định. Tin Sáng được về khiến Hồng chạnh lòng nhớ tới Vũ, người bạn hàng xóm của nàng, một Sĩ Quan Báo Chí xuất thân trường Thiếu Sinh Quân và Võ Bị Đà Lạt. Anh bất khuất, không chịu cảnh bó thân vào rọ, đã can đảm vượt ngục nhưng đau đớn thay chuyện bất thành!
Hồng nghe được tin buồn này từ một người bạn tù của Vũ. Sau khi được thả về anh ta đến thăm và cho gia đình Vũ hay rằng, ngay hôm bắt được Vũ chúng nó đóng vội vàng một trụ gỗ ở sân trại, bắt tất cả tù trong trại ngồi chứng kiến cảnh xử tử để răn đe họ. Chúng còn bố trí sẵn vợ con anh em của chúng giả danh “nhân dân” làm cò mồi. Vũ can đảm nhận mình là người tổ chức cuộc vượt ngục và đi đoạn hậu để hai người bạn tù được thoát. Anh đã bị chúng “đánh hội đồng” bầm giập đến nỗi chân đứng không vững. Cuộc tra khảo dã man của thời Trung Cổ được thực hiện ở cuối Thế Kỷ Hai Mươi tại nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các “Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người!” Sau khi không khai thác được gì, chúng mang anh ra pháp trường trong lúc bọn giả danh nhân dân vung tay hò hét: “Giết!… giết tên phản động… giết!… giết chết nó!” Chúng trói chân Vũ, bẻ quặt hai tay anh ra sau trụ gỗ hành quyết trói lại. Sợ Vũ chửi “Cách Mạng,” chúng nhét một trái chanh vào miệng anh và lấy vải bịt chặt lại. Tuy không nói được nhưng anh vẫn biểu lộ sự can trường và lòng uất hận của mình qua những âm thanh tắt nghẹn trong cổ họng. Mắt anh tóe lửa nhìn trừng trừng vào mặt kẻ thù. Chúng lấy mảnh vải đen che kín đôi mắt căm hờn đó lại mặc tình cho Vũ lắc đầu, mạnh mẽ phản đối. Chúng nả những viên đạn oan nghiệt thẳng vào tim anh, thân anh khuỵu xuống, đầu gục về phía trước, máu trào ra ướt đẫm tấm thân tù đày gầy guộc của anh. Ôi! Máu anh đã tô thắm màu cờ sắc áo binh chủng của anh và đã góp phần viết nên trang Quân Sử oai hùng của Quân Lực VNCH. Thân anh đã trở về lòng Đất Mẹ, nhưng tình yêu nước của anh, tinh thần dũng cảm, nhân ái của anh vẫn ngời sáng, bất diệt ...
Tội nghiệp! Bác Mười, mẹ của Vũ, nằm liệt giường cả tháng trời sau khi hay hung tin này. Mỗi khi Hồng đến thăm, bác luôn ôm lấy nàng và khóc làm nàng cũng không tránh khỏi xót xa rơi lệ. Hình ảnh cái chết bất khuất, oai hùng của Vũ và cảnh tre già khóc măng non của mẹ anh đã theo nàng một thời gian dài...
Nhìn dáng Cẩm Vân quay đi với niềm vui người em được thả về, Hồng thầm nói với Vũ: “Vũ ơi, em khâm phục anh, em ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của anh. Tuy không “Thành Công” nhưng anh đã “Thành Nhân.” Bà con xóm làng và cả em nữa, tự hào về anh, nhưng sao em vẫn muốn anh sống, vẫn muốn có anh trong xóm làng mình, muốn có anh săn sóc bác Mười, và em mơ một ngày nào đó em được hãnh diện cùng anh nghiêm trang chào lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay phất phới trở lại trên bầu trời trong xanh thanh bình của quê hương chúng ta.”
2.
Hôm sau Hồng theo Cẩm Vân đến một ngôi nhà không lớn lắm, tầm cỡ bậc trung, nằm cuối con hẽm, trước sân có hàng cây hoa hồng đủ màu đang ra hoa khoe sắc thắm. Bên cạnh là một chậu cây kiểng cắt tỉa kỹ lưỡng đẹp mắt. Giữa thời buổi cơm áo gạo tiền khó khăn như thế này mà chủ nhân còn để tâm tới cây cảnh hoa lá... chắc hẳn là một người có tinh thần nghệ sĩ, ngày xưa rất sính thơ văn. Bước vào nhà, Hồng đứng khựng trước chủ nhân trong khi Cẩm Vân mừng rỡ, ríu rít nói:
- Chào sư huynh Lữ. Thật không ngờ quả đất quá ư là tròn! Đồng môn chúng ta còn được gặp lại nhau ở đây. Không ai ngờ bao nhiêu thương hải tang điền mà còn gặp lại nhau.
Chủ nhân ngẩn người một lúc mới lấy lại bình tĩnh và mời khách ngồi, lăng xăng vừa rót nước vừa nói:
- Không ngờ! Không ngờ! Cám ơn Trời Đất.
Hồng reo vui:
- Bấy lâu em không biết anh ở nơi đâu, nay gặp lại thấy anh khỏe mạnh và toàn vẹn thân thể, ra tù có công ăn việc làm khá như thế này, em mừng lắm.
Nói tới đó, Hồng thoáng thấy nét xúc động trên gương mặt anh liền hỏi thăm:
- Chị đâu, anh? Cho em chào một tiếng.
Lữ vào trong, mời bà xã ra giới thiệu. Trong khi quí bà chuyện trò xoay quanh việc thăm hỏi gia đình, con cái, cặp mắt của Lữ thỉnh thoảng nhìn Hồng, ánh lên vẻ vui mừng nhưng không giấu được nét buồn làm nàng chợt nhớ mấy câu thơ của anh gởi năm xưa. "Tình ta là một con sông, Vì em nghiêng bóng nghẽn dòng nước trôi." Vì nàng xuất hiện nên cuộc đời anh không còn bình an và hạnh phúc? Hơn hai mươi năm trời mà anh vẫn không quên được nàng? "Đời anh là cánh chim Trời, Nhớ ngàn Mây ấy biết đời nào quên." Tình yêu đem đến vạn lần sầu là đúng hay sao đây! Hồng chợt nhớ đến một bài hát mà lời ca có lẽ nói lên tình cảnh này:
Em mặc ai sầu đuổi bắt mây,
Mây của em cũng xa tầm tay.
Mây trôi xa tít chân trời ấy,
Héo hắt em nhìn Mây Trắng bay
Lỡ đuổi theo sau một bóng mờ,
Tình lỡ trao thầm một bến mơ,
Lỡ buộc dây tơ, tơ lỡ đứt,
Lỡ mang sầu nhớ kết thành thơ..."
(Trích Đuổi Bắt Mây
Nhac: Huỳnh Trọng Tâm
Thơ: vhp.Hải Vân)
Sau một lúc dao động về cuộc hội ngộ tình cờ ngày hôm nay, Hồng quyết định không tham gia vào việc làm ăn. Nàng liền gợi chuyện mua bán là phần chuyên môn của Cẩm Vân để cho chị bàn với Lữ, nàng chỉ đóng vai người bàng thính. Khi hai nàng kiếu từ ra về, Lữ hứa:
- Chúng mình là đồng môn thân tình, tôi sẽ mang hàng đến nhà hai cô, không lấy tiền đặt cọc, chừng nào tiêu thụ xong đưa tiền cũng được. Món nào không bán được, hai cô đưa lại cho tôi, đừng ngại ngùng gì hết.
Hồng từ chối khéo:
- Cám ơn anh đã giúp đỡ. Em nghĩ em không có khả năng buôn bán mấy mặt hàng này. Chị Cẩm Vân rành việc hơn, anh giao cho chị ấy đi. Cho phép em rút lui.
Lữ đùa:
- Chưa ra quân mà đã tháo chạy rồi.
- Thật mà! Em biết khả năng của em.
Hôm sau, Lữ đột ngột đến nhà trong khi Hồng đang chuẩn bị ra chợ trời. Anh tâm sự, giọng buồn buồn:
- Đầu óc anh sao quá chậm. Mãi đến đêm, trằn trọc không ngủ được, anh mới hiểu ra lý do em từ chối làm ăn với anh. Em muốn xa lánh anh chứ gì? Xin em cho anh một góc đứng thật nhỏ trong trái tim em cũng đủ rồi. Đừng lánh mặt anh, hãy coi anh như các sư huynh đồng môn khác, và cho phép thỉnh thoảng anh đến thăm em, có được không?
- Thì em vẫn coi anh là một trong các sư huynh đấy mà. Nhưng .... xin lỗi anh, cho em rút lui việc làm ăn này.
- Anh hiểu ý của em muốn chúng ta ít liên lạc với nhau. Em ngại vợ anh ghen à? Bà ấy không ghen bậy đâu, vì biết công việc làm ăn của anh cần phải tiếp xúc với nhiều cô, nhiều bà. Anh yêu em và anh cất kỹ tình yêu này trong lòng. Bà ấy biết từ lâu. Bà cũng biết anh không làm điều gì bậy, và bổn phận người chồng người cha anh lo tròn. Trách anh sao được.
- Chị ở bên cạnh anh nên chị biết, còn ông xã em ở xa. Ông mà nghe phong thanh điều tiếng về em thì kẹt cho em anh ạ. Tránh trước vẫn hay hơn.
- Mình có làm điều gì đi quá ranh giới cấm đâu, chỉ liên lạc với nhau trong việc buôn bán thôi mà. Yêu em, anh để trong lòng, em cũng không cho sao?
- Em không rộng lượng được như chị. Em ích kỷ lắm. Với em, tình yêu phải trọn vẹn cả hồn và xác. Thiếu một trong hai, hạnh phúc khập khễnh, em sẽ buồn chết đi thôi.
- Em đã nói vậy thì anh phải chịu, chỉ xin em cho phép anh thỉnh thoảng ghé thăm là anh vui rồi.
- Anh cứ ghé nếu anh vẫn giữ được tình cảm đồng môn. Quá khứ, mình hãy cho qua đi.
Hồng nói xong câu này, chợt nhận thấy mình đòi hỏi một điều vô lý. Nàng có bỏ qua quá khứ của mình được không mà bảo người khác bỏ? Quá khứ làm nền cho hiện tại. Phải có quá khứ đó mới có hiện tại này mà!
Lữ đáp:
- Cho anh hơn tình đồng môn một chút: được xem em như một hồng nhan tri kỷ.
Nói xong, anh lặng im một lúc rồi tiếp:
- Anh trông em gầy và hốc hác lắm. Hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe. Anh có chai thuốc bổ Multi-Vitamin vừa mua được của một người lãnh quà nước ngoài, xin làm quà nhân gặp lại em. Một ngày uống một viên, nhớ nghe em. Chỉ mất một phút cho một viên thôi, đừng quên. Khi thuốc hết, anh sẽ nhờ người mang đến chai khác nếu em không muốn gặp anh.
Thấy Lữ tuy không phải là chồng của Hồng nhưng quan tâm và săn sóc nàng trong khi chồng nàng đang vui vầy với người đàn bà khác, bỏ quên nàng, Hồng cảm động nhìn Lữ và đáp:
- Cám ơn anh. Em sẽ uống.
Lữ chào ra về, trước khi ra cửa anh nói thêm một câu làm nàng cảm thấy mắt mình cay cay:
- Một ngày xin em cho anh chỉ một phút thôi.
Hồng thẩn thờ nhìn theo Lữ cho đến khi bóng anh khuất dạng. Nàng thầm nghĩ, anh đã khéo léo đưa hình ảnh của anh vào viên thuốc bổ hằng ngày này. Liệu nàng có thể quên được món nợ ân tình này chăng?
3.
Sau hơn nửa năm "chạy" giấy tờ, Cẩm Vân được xuất cảnh và chị ra đi cũng được cả năm rồi. Trước khi đi, Cẩm Vân đã giới thiệu "đường dây" cho Hồng, nhưng vì không có tiền nàng đành an phận chờ như phần đông các gia đình có nạp hồ sơ xin đoàn tụ với thân nhân ở Mỹ. Phương, người bạn thân của Hồng, từ ngày đi du lịch Úc cũng mất tăm hơi mấy năm rồi. Vậy là hai người bạn tri kỷ của Hồng đã vỗ cánh bay xa khiến nàng cô đơn, không còn ai để tâm sự. Trong lá thư cuối, Quang báo tin vui đã có nhiều người được thả và anh hi vọng đợt tiếp theo anh sẽ được về nhà. Từ đó đến giờ đã hơn nửa năm mà không có thêm thư nào của Quang nữa. Có lẽ anh đã về và quên mất nàng rồi. "Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi." (Thơ của Phạm Thiên Thư)
Vào một sáng Thứ Bảy các con đi học, Hồng đi chợ về, dự tính ra chợ trời trễ một chút để có thời giờ đổ bánh xèo cho các con một bữa ăn thỏa thích vì hôm sau Chúa Nhật nàng phải mất cả ngày bên ngoài. Đang lăng xăng làm bếp bỗng nghe tiếng gõ cửa, nàng thầm nói: “Ôi chao! Sư huynh kỳ này cho người đến tặng thuốc bổ hơi sớm.” Những viên thuốc này, nàng không uống mà nhường cho hai con, nhưng mỗi lần nhắc con uống thuốc nàng lại nhớ tới Lữ. Anh chơi "chiêu" này cao cường thật! Nhưng em xin lỗi anh, trái tim em đã trao cho người khác lâu rồi.
Lấy tay mở cửa, nàng sững sờ nhìn người khách, lập bập không nói được lời nào. Quang xuất hiện. Sau hơn hai mươi năm gặp lại, Quang ngày nay khác hơn Quang ngày xưa quá đổi. Nước da anh đen đúa và thân hình gầy rộc. Tù đày đã bào mòn thể xác của anh đến thế này sao! Tự dưng mắt Hồng rớm lệ. Quang giơ tay toan ôm lấy nàng, nhưng rồi anh dừng lại, nói đùa:
- Chủ nhà không mời khách vào sao? Bộ không hoan nghinh hả, bà chủ?
Hồng mời anh vào nhà, rồi lật đật vào trong rót nước để lấy lại bình tĩnh. Nàng biết Quang đùa để cố tự thắng lấy mình, riêng nàng sao vô cùng bối rối khi đối diện với anh, nhất là khi anh nhìn nàng bằng đôi mắt ngày xưa nơi chợ Đông Ba vào buổi tối chia tay. Đôi mắt toát ra tình cảm tha thiết trong một hoàn cảnh ngang trái, phải tự kềm chế mình không cho thốt ra lời yêu đương. Hồng cố gắng thoát khỏi tình cảnh này nên quên mất lời thăm hỏi thường tình, bối rối hỏi anh:
- Em nghe đồn Mỹ sẽ nhận cho định cư những cựu tù cải tạo. Không biết thực hư thế nào nhưng trên này đã có nhiều người làm hồ sơ xin đi. Ở dưới quê tụi "Cách Mạng" có làm khó gì anh không? Có cho anh nộp đơn không?
- Thì cũng giống như mọi nơi, nhưng có điều Miền Nam mình đỡ khắc nghiệt hơn Miền Trung. Vả lại, sau mười mấy năm sống trong chế độ Cộng Sản, người dân Việt Nam sáng mắt, sáng lòng lắm rồi nên tuy anh còn bị địa phương quản chế mà vẫn xin được giấy phép lên thăm em nè. Ngày trước em viết trong thư nền nhà của em bị thủng. Chỗ nào đâu, sao anh không thấy?
- Em tức anh vì có phương tiện dư thừa trong tay mà rơi vào hoàn cảnh của Từ Hải, nghe lời ngon ngọt hứa lèo của mấy thằng Giải Phóng Miền Nam để phải "ngậm một mối căm hờn trong củi sắt" ( Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ), may mà anh không ra pháp trường, nên em nói cường điệu vậy mà.
- Tình trạng của em bây giờ ra sao?
- Em đang chờ Nhà Nước chấp thuận hồ sơ xin xuất cảnh của em.
- Chồng em thật đàng hoàng, tử tế. Xa cách bấy lâu vẫn chung tình với em. Em đã chọn không lầm người. Bây giờ anh được an ủi là quyết định năm xưa của mình có kết quả khả quan tuy nó làm anh rất đau lòng. Trong tù anh cứ khắc khoải, thắc mắc không biết em có vui vẻ hạnh phúc không. Giờ thì anh an tâm lắm rồi.
Nghe anh nói, Hồng bối rối giấu nỗi buồn, hỏi trớ:
- Lúc trước anh cho biết chị nhà vượt biển thành công. Bây giờ có lẽ chị đã ổn định và gởi giấy tờ bảo lãnh cho anh đi đoàn tụ rồi, phải không? Anh cứ nộp đơn trước đi, hồ sơ được chấp thuận hay không, hạ hồi phân giải.
Quang ngồi lặng im, không trả lời. Một lúc sau anh thở dài, trầm ngâm nói:
- Anh đâu có được điều may mắn như em nghĩ. Vợ anh đi vượt biên một mình, bỏ lại hai đứa con cho ba anh nuôi. Từ đó tới giờ biệt tăm. Một vài người đi chung chuyến ấy, may mắn sống sót cho biết ghe gặp bão, chìm, chết gần hết. May vì thiếu "cây" nên hai đứa con anh còn sống đó!
Nhìn gương mặt buồn thảm của Quang, Hồng chỉ ngồi im lặng, nàng không biết nói lời nào để an ủi anh. Biết bao nhiêu người Việt đã bỏ thây trên biển, trong rừng sâu nước độc chỉ vì hai chữ “Tự Do.” Nghĩ đến đó, nàng thấy mình quyết định không đi vượt biên là đúng, nhưng bù lại nàng cũng đã phải trả một giá rất đắt. Như để phá tan bầu không khí trầm buồn giữa hai người, Quang lên tiếng:
- Cám ơn em đã gởi quà cho anh trong tù. Mấy viên thuốc xổ Decaris của em đến thật đúng lúc. Không có thuốc đó, anh khổ sở không biết đến bao giờ. Thuốc trụ sinh của em gởi, anh lấy một vài viên đổi thực phẩm với người dân cũng đỡ đói. Mắm ruốc của em, anh vừa ăn vừa chảy nước mắt đó em!
Hồng cười gượng, cố gắng nói đùa:
- Em thấy anh có vợ người Huế, nên bỏ nhiều ớt vào để anh ăn cho đỡ nhớ vợ mà lị!
- Chứ không phải em trả thù anh à?... Đùa thôi. Thật ra vì thịt bò trong mắm làm anh cảm động. Anh biết thời gian đó, em rất khó khăn trong cuộc sống, mẹ con em ăn uống thiếu thịt, thiếu cá, vậy mà tiếp tế cho anh. May mà anh không chết vì mắc nghẹn.
- Thì anh cứ coi như em trả nợ mấy vé máy bay đi Huế - Đà Nẵng ngày xưa vậy đi. Sòng phẳng rồi, đừng nhắc tới ân nghĩa nữa. Thôi, bây giờ ở lại ăn bánh xèo với mẹ con em, cho vui. Không phải bánh khoái đâu nghe, em là người Nam Kỳ nên không biết làm bánh khoái của người Huế mô. Anh ngồi chờ, đọc tạm mấy tờ báo này.
Quang đùa:
- Em nở lòng nào tra khảo tư tưởng của anh thêm nữa hay sao? Hơn mười một năm trong tù, anh đã nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lê và chính sách của các Đỉnh Cao Trí Tuệ lắm rồi, đâu cần đọc báo Xã Hội Chủ Nghĩa nữa. Cho anh phụ em một tay.
Quang theo Hồng xuống bếp. Nàng lặt rau, anh đứng bên cạnh làm tim nàng đập rộn rã, hai bàn tay nàng cứ run lập cập, nhặt lên bỏ xuống mấy cọng rau. Nàng tìm cách tránh xa anh, lòng lúng túng nói lung tung:
- Ở đây thiếu bông điên điển, thiếu đi hương vị của quê anh... Anh lặt giùm em mớ rau này, em làm nhân bánh... Ờ... không, anh không cần làm gì hết... anh lên nhà trên ngồi chơi.
Quang chợt nắm lấy bàn tay đang run rẩy của nàng, nhẹ xoay người, nhìn đắm đuối vào đôi mắt bối rối của Hồng. Nàng muốn bước đi để thoát khỏi đôi tay của anh, nhưng dường như nền nhà có nam châm hút cứng đôi chân làm nàng không nhúc nhích được. Quang đặt những nụ hôn tới tấp trên mắt, trên môi nàng. Toàn thân nàng tê dại, mềm nhũn trong vòng tay và những nụ hôn nóng bỏng của anh... Tuy nhiên trí óc nàng chưa u mê đến nỗi quên thực tại. Hai đứa con của nàng cần đi Mỹ và chúng không biết rằng cha chúng nó đã có người đàn bà khác. Nếu bắt gặp cảnh này, chúng sẽ trách nàng và sẽ cảm thấy xấu hỗ vì có một người mẹ không được... đoan chính. Nàng thầm thì trong hơi thở đứt đoạn:
- Anh... anh… đủ rồi... đủ rồi...
Quang chừng như cũng vừa qua cơn mê, vội buông nàng ra, ấp úng nói:
- Anh ... anh xin lỗi em. Anh ... anh không sao kềm chế được... Anh yêu em… mãi mãi.
Thế rồi Quang vội vã cáo từ ra về, Hồng cũng không giữ anh ở lại. Cả hai đều biết rằng nếu tiếp tục gần bên nhau họ sẽ không tự thắng được. Nàng nhìn theo bước chân anh càng lúc càng xa mà cay đắng thương thân tủi phận, tự hỏi tại sao nàng phải thủ tiết với người chồng phản bội? Vài ngày sau, Hồng nhận được thư Quang. Anh xin lỗi Hồng, vì quyết định năm xưa của anh mà di hận đến ngày nay. Anh bắt buộc anh phải xa Hồng mãi mãi kể từ đây, vì anh sợ nếu cứ đến thăm nàng e có ngày anh sẽ phạm sai lầm thêm một lần nữa. Anh yêu Hồng nên không muốn làm cho nàng rơi vào hoàn cảnh oan trái, không tháo gỡ nỗi. Anh chúc nàng đem được con qua Mỹ, sống hạnh phúc bên chồng con, và quên anh đi. Lá thư không ghi địa chỉ người gởi. Hồng biết tìm anh nơi nao? Hồng sống trong sự mâu thuẫn, vừa cám ơn vừa giận anh. Cám ơn anh đã dừng đúng lúc để nàng còn là một bà mẹ đáng kính của các con, vừa giận anh sao đành bỏ nàng bơ vơ không ngó ngàng tới.
Đã rõ sòng đời thua trắng tay,
Sao trăn trở mãi áng mây bay!
Sao hồn hoài tưởng duyên và nợ!
Sao để ngọt ngào trộn đắng cay!
Sao đem mơ ước đi vào mộng!
Vàng đá phai rồi sao cứ say!"
(Trích Những Vần Thơ Gởi Cố Nhân vhp. Hải Vân)
4.
Cuối cùng hai bên Mỹ - Việt cũng đi đến thỏa thuận chương trình Ra Đi Trật Tự, gọi là HO cho những người tù cải tạo ba năm trở lên, chương trình Đoàn Tụ cho vợ con và cha mẹ của những người vượt biển đơn lẻ, và những chương trình nhân đạo khác. Hồ sơ của Hồng được nhà nước hai bên chấp thuận. Xuân vẫn còn tốt bụng, lo giấy tờ và mua vé máy bay cho ba mẹ con nàng lên đường.
Của cải tiền bạc của Hồng là con số không nên hành lý ra đi của nàng rất gọn nhẹ. Nhưng những vật kỷ niệm mang theo làm nàng rơi nước mắt nhiều đêm. Những tấm ảnh kỷ niệm của nàng và gia đình, Hồng mang theo không sót. Còn thư từ thì đốt hay mang theo? Nàng nhủ lòng: đốt đi, đốt quá khứ đi, để không còn vương vấn mà làm lại mới cuộc đời mình. Nàng vẫn còn thời gian cho một tương lai tươi đẹp trước mắt. Hằng đêm Hồng đem thư ra đọc lần cuối trước khi đốt. Nàng đã khóc cười theo từng kỷ niệm của quá khứ. Đầu tiên nàng đốt những lá thư của Xuân, tiếp theo là thư bạn bè, thư của Hưng, Đông, Vũ. Đợt cuối cùng là thư của Quang. Mất mấy đêm để đọc và khóc với mấy lá thư của Quang mà nàng vẫn không nỡ xuống tay.
Hồng giận Quang sao anh không quay lại thăm nàng dù một lần, để giờ đây nàng ra đi mà không thể nói một lời từ biệt với anh. Rồi đây ở nước Mỹ rộng lớn, làm sao có một lần gặp mặt hay vuốt mắt cho nhau lúc cuối đời? Thật xa nhau vĩnh viễn rồi sao! Hồng tần ngần cầm lá thư cuối cùng anh viết từ biệt và cay đắng với lời chúc nàng đoàn tụ, sống hạnh phúc trọn đời với chồng con. Nàng đã nhiều lần phân vân tự hỏi không biết mình làm đúng hay sai khi giấu anh chuyện bất hạnh trong hôn nhân của nàng. Từ khi có chương trình HO cho những tù nhân chính trị qua Mỹ, nàng thật sự tự giận mình. Nàng ân hận lúc trước đã không cho anh biết để anh khỏi phải chạy trốn nàng, trốn chính anh thì biết đâu khi sang Mỹ nàng và anh sẽ có cơ hội cùng nhau làm lại cuộc đời.
Trách người trách mình cho lắm để rồi nhận thấy mình không thể xoay ngược lại tình thế, nàng quay sang trách Ông Trời, trách Số Phận, trách mình kiếp trước vụng tu... Cuối cùng Hồng cương quyết dứt khoát không vướng bận quá khứ, mạnh dạn bước vào một tương lai đầy hi vọng tốt đẹp nơi xứ người. Nàng xuống bếp, mang chồng thư của Quang ra đốt. Tự nhủ lòng không khóc, nhưng sao khi đưa mỗi lá thư vào lửa nàng cảm thấy nhói đau và nước mắt cứ ứa ra. Cuối cùng là vật kỷ niệm của Quang trao cho nàng lúc chia tay ở Huế. Đó là quyển Chỉ Dẫn Cấp Cứu (Medic First Aid - Wallet Skill Guide) mà ngày xưa nàng đã đọc đi đọc lại, ngắm tới ngắm lui mỗi khi nhớ anh đến độ sờn nơi nếp gấp. Ngắm nghía quyển sách nhỏ này một lúc nàng cất nó vào hồ sơ cá nhân của mình để mang đi. Đó là hành trang nàng mang theo qua xứ người. Nó quá mỏng mảnh nhưng sao có một uy lực rất lớn, rất mạnh để đủ sức kéo tay nàng lại?
5.
Ngày Hồng rời xứ, nàng hoan hỉ từ giã Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng đau lòng vì bỏ lại những vùng trời kỷ niệm, bỏ lại cha mẹ già sẽ mỏi mắt trông chờ tin nàng từng ngày từng tháng, bỏ lại những bạn bè, người thân kẻ thuộc, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau... Lúc phi cơ cất cánh nàng không kềm được dòng lệ khi nhìn qua cửa sổ thấy Thủ Đô Sài Gòn yêu dấu xa dần... xa dần... và mất hút. Suốt thời gian dài trên máy bay, nàng vừa buồn vì nỗi mất mát lớn trong đời, vừa hoang mang thắc mắc không biết cuộc đời nàng nơi xứ lạ quê người như thế nào? Nàng sẽ làm gì để sinh tồn trong xã hội xa lạ đó mà không có một người thân dẫn dắt bước đầu? Nàng vạch sẵn cách đối xử khi đứng trước người đàn bà trẻ của chồng nàng. Nàng tự nhủ thầm mình là kẻ thua cuộc, hãy an phận chấp nhận thực tế không đẹp này. Nhưng liệu bà ta có đối xử lịch sự với mẹ con nàng hay không? Bao nhiêu là câu hỏi lởn vởn trong đầu làm nàng không thể chợp mắt. Xen kẽ với những lo âu là hình ảnh đẹp của chuyến bay định mệnh năm xưa làm nàng xao xuyến, buồn vui lẫn lộn. Cuối cùng nàng lòng nhủ lòng: "Ta hãy vất hết mọi sự, tới đâu thì tới, đừng bận tâm nữa."
Sau những giờ mệt mỏi trên máy bay, Hồng và hai con đến phi trường Los Angeles. Đón tiếp ở cửa ra là Xuân và một cháu bé khoảng sáu bảy tuổi. Sao không thấy người mẹ? Hồng thầm nghĩ, có lẽ cô ta lánh mặt, không muốn chạm trán với hoàn cảnh bẽ bàng này. Hai đứa con của Hồng chạy tới ôm cha, mừng ríu rít. Nàng làm kẻ ngoại cuộc quan sát cảnh đoàn tụ mà rưng rức trong lòng. Xuân đến bên cạnh giơ tay toan quàng lấy vai nàng, Hồng vội né tránh. Còn tình chi nữa, không hận là may lắm rồi! Xuân giới thiệu cháu bé với hai con, nói nó là con nuôi của anh, và bảo bé gọi Hồng bằng mẹ. Ôi chao ơi! Anh đang đóng một màn kịch với hai con lớn của anh. Hồng im lặng để xem vở kịch đến bao giờ hạ màn. Thấy đứa bé dễ thương, con gái nàng nắm tay lăng xăng thăm hỏi. Suốt đoạn đường về nhà, ba đứa trẻ líu lo thân ái. Hồng và chồng im lặng, một sự im lặng khó thở.
Bước vào căn chung cư hai cha con Xuân đang sinh sống, Hồng tưởng chừng như bước vào một căn nhà sau khi kẻ trộm vào lục tung đồ đạc tìm kiếm tiền vàng cất giấu. Không có người đàn bà nào khác ngoài chồng nàng và đứa bé. Thoáng một chút ân hận len vào lòng. Nàng đã sai lầm và kẻ cho tin cũng sai lầm bấy lâu nay? Quả thật anh đã nhận nuôi đứa bé này? Trong trường hợp nào? Hồng lấy lại bình tĩnh, cùng con thu dọn nhà cửa cho ngăn nắp, chờ Xuân giải thích sau. Xong việc, ba mẹ con nàng vì quá mỏi mệt và mất ngủ suốt chặng đường dài nên lăn ra ngủ, không biết trời trăng mây nước gì cả. Đến đêm Hồng lại lục đục thức và lau chùi dọn dẹp. Xuân cũng không ngủ được, đến bên tâm sự với nàng, thú nhận cháu bé chính là con của anh. Mẹ nó là một cô gái trẻ vượt biển cùng chung một chuyến ghe với anh. Cô ta bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp. Nhục nhã và bi phẫn, cô ấy đã vài lần tự tử nhưng lần nào anh cũng hay kịp nên ngăn chận được. Anh đã an ủi, cứu giúp cô ấy vượt qua được nỗi đau thể xác và tinh thần. Khi qua đến Mỹ, hai kẻ cô đơn nhưng lại có mối quan hệ thân tình, nương tựa với nhau để sinh tồn. Lâu ngày nảy sinh tình cảm, anh và cô ấy sống với nhau như vợ chồng và có một đứa con với nhau. Đó là thằng bé anh đặt tên là Đông để kỷ niệm trại tị nạn ở Pulau Bidông, nơi anh và cô ấy đến tạm cư. Cách đây ba năm, cô ấy bị ung thư tử cung và đã qua đời. Xuân xin lỗi Hồng và mong nàng tha thứ. Hồng bàng hoàng, nghe Xuân kể xong nàng mới trải tâm tư mình:
- Em biết anh sống chung với người phụ nữ này từ lâu nhưng vì anh không nói nên em không hỏi. Người đàn ông sống xa vợ thời gian dài nên có người đàn bà khác là điều không lạ. Người đàn bà vượt biên bỏ chồng trong tù cũng không hiếm. Chuyện vợ chồng xa nhau rồi bỏ nhau đầy dẫy ra đó. Em đã chết nhát, không dám mang con vượt biên, cũng góp phần vào việc đổ vỡ này. Thật lòng mà nói em thông cảm với anh và không trách anh, nhưng bảo em coi như không có chuyện gì là việc không thể. Thằng Đông còn quá nhỏ, nó cần một người mẹ. Em sẽ làm người mẹ ruột thịt của nó, em hứa với anh như vậy. Nó không có tội gì cả, chỉ là một đứa trẻ đáng tội nghiệp. Các con chúng ta cần có một mái ấm gia đình, cần một người cha dẫn dắt bước đầu vào đời. Với tất cả lý do đó, bước đầu này chúng ta hi sinh “sống như” không phải “sống là” một gia đình hạnh phúc. Nếu có một người đàn bà nào khác đi vào đời anh, anh cứ việc tiến hành, nhưng xin anh thương mà giấu kỹ các con, đừng làm chúng nó bị "sốc" khi còn nhỏ. Sau khi thằng Đông đến tuổi trưởng thành, anh có thể công khai hóa, và ra đi bất cứ lúc nào anh muốn.
- Em nói như vậy là em không tha thứ cho anh.
Hồng cương quyết:
- Anh à, tha thứ khác với quên. Anh cũng nên thật lòng mà nhìn nhận rằng tấm gương đã vỡ dù có khéo hàn gắn cách mấy cũng không làm sao xóa được vết hàn. Chừng nào em quên được thì tính sau. Bây giờ còn mới quá.
Với sự cương quyết của Hồng, Xuân đành chịu thua. Hồng và hai con vừa đi học, vừa làm việc bán thời gian để sống và hòa nhập vào xã hội mới này. Nàng thật sự không còn tâm trí và thì giờ để quay nhìn quá khứ. Cuộc sống càng ngày càng được ổn định. Nàng vui với những thành công lớn lẫn nhỏ của hai con, của cả Đông. Hình bóng Quang cũng nhạt phai theo năm tháng...