banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chương 4

Ước một bờ vai

1.

Năm ấy, mức độ chiến cuộc Việt Nam ngày càng gia tăng. Phương tiện đi lại bằng xe lửa và xe đò không còn an toàn nữa. Đầy dẫy trong báo chí tin tức xe lửa, xe đò bị giựt mìn, đường sá bị đắp mô, pháo kích, dân lành chết oan nhan nhản diễn ra hàng ngày. Nơi chiến trường, chiến sĩ VNCH gian nan chiến đấu bất chấp hiểm nguy; ở hậu phương các nhóm tướng lãnh chỉnh lý, đảo chính giành quyền lực, tín đồ Phật giáo vẫn tiếp tục xuống đường. Xã hội vô cùng bất ổn. Đường về quê nghỉ hè của đám sinh viên Miền Nam chỉ an toàn bằng phương tiện hàng không. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền để mua vé máy bay dân sự, trong số ấy có Minh Tuyết, chị Hai, và Hồng. Nhìn các bạn ra về mà Hồng sốt ruột. Chị Hai lúc nào cũng đáng mặt đàn chị, đưa ý kiến:
- Để tao tìm cách cho ba đứa mình về an toàn.
Nghe chị nói vậy, Minh Tuyết im lặng, Hồng rụt rè hỏi:
- Anh kỹ sư đâu, không tặng chị một vé máy bay?
- Thôi bỏ đi, tao đã khước từ lời cầu hôn của anh ấy rồi. Đừng nhắc tới nữa.
- Còn anh Cả?
- Ba má tao phản đối quyết liệt quá, chắc không xong! Cũng xin tụi bây đừng nhắc tới nữa.

Hai ngày sau, chị Hai mang về ba tờ Sự Vụ Lệnh cho phép đi khứ hồi Huế - Sài Gòn bằng máy bay quân sự với danh nghĩa là thân nhân của các Tử Sĩ Quân Lực VNCH. Sự Vụ Lệnh ghi Hồng được phép đi tảo mộ thân nhân là Tử sĩ Trần Tạo, Trung Sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Hồng thầm cám ơn anh Trần Tạo, một người không quen biết, đã hi sinh để cho dân sống bình yên, và để nàng về Sài Gòn an toàn. Thế là ba nàng dẹp bút nghiên sang một bên, đi về nghỉ hè vui vẻ đầm ấm với gia đình suốt ba tháng. Những ngày hè năm ấy, Hồng có nhiều thì giờ để viết thư cho Đông, ông anh "người dưng khác họ," bỏ rơi mất ông anh Quân "mai dong" của mình vì biết rằng anh ấy đã có bạn mình chăm sóc về mặt tinh thần lẫn tình cảm rồi.

Chớp mắt đã đến ngày tựu trường, ba cô lục đục thu xếp quần áo, thức ăn khô cho mình, và ghi tên đi máy bay quân sự trở lại Huế. Năm ấy là năm học cuối cùng. Mới đó mà Hồng và các bạn sắp tốt nghiệp rồi. Thời gian sao quá nhanh! Đêm cuối cùng ở Sài gòn, Hồng lên giường sớm để chuẩn bị ngày mai lên đường, nhưng nàng chập chờn khó ngủ, mãi đến quá nửa đêm mới chợp được mắt. Sáng hôm sau, khi thức dậy nhìn đồng hồ Hồng thấy còn sớm, định nằm thêm năm mười phút nữa thì nàng nghe giọng chị Hai Cẩm Vân inh ỏi réo lên:
- Hồng! Mi đâu rồi? Lẹ lên! Hôm nay Chúa Nhật, coi chừng kẹt xe, trễ chuyến bay.
Hồng lật đật ngồi dậy, làm vệ sinh, mặc vội chiếc áo lụa Hà Đông. Khi nàng vói tay lấy hộp phấn hồng, định thoa lên má thì chị Cẩm Vân gạt ra:
- Thôi! Còn chưng với diện! Đi máy bay quân sự toàn cô nhi quả phụ, có ai ngắm đâu mà xí xọn!
Chị xách túi hành lý của Hồng để sẵn ở góc phòng, vội vã ra chiếc taxi đang neo, có Minh Tuyết ngồi chờ trong xe. Hồng vừa chào tạm biệt cha mẹ, vừa lật đật chạy theo.
Từ ngày quen biết Đông, Hồng bắt đầu làm đẹp, đi đâu nàng thường điểm tí má hồng, thế thôi. Tuy nàng là sinh viên nhưng vào thời điểm đó đa số con gái còn ngồi ghế nhà trường thường không son phấn.

Trong chuyến trở lại Huế cho niên học cuối này, vì không có chuyến bay quân sự nào bay thẳng đến phi trường Phú Bài (Huế), ba cô đành chấp nhận đi Đà Nẵng, rồi sau đó sẽ lấy vé xe đò đi Huế trong ngày nếu còn sớm; nếu trễ, ba cô sẽ bắt chuyến xe lửa chiều để kịp hôm sau dự lễ khai giảng. Đây là lần thứ hai các cô đi máy bay mà Hồng vẫn không biết thắt dây an toàn. Lần trước có người thắt giùm, lần này thì... nàng cầm sợi dây ngắm nghía lật qua lật lại, xỏ tới xỏ lui... cho vui. Nàng liếc qua chị Hai và Minh Tuyết thì thấy cũng giống mình. Cả ba tủm tỉm cười cho cảnh nhà quê lên tỉnh của mình. Chị Hai thầm thì: "Đừng cho người ta biết mình nhà quê, cứ làm bộ mình không cần thắt dây này." Cả ba bèn bỏ, không thèm thắt. Đi phi cơ quân sự, đâu có tiếp viên hàng không để giúp mình hay nhắc nhở mình thắt dây an toàn. Liếc nhìn chung quanh, mấy người thuộc gia đình quân nhân tử sĩ có người thắt, có người không. Thế là cũng có "đồng minh," không cô đơn!

Ở một góc phi cơ, Hồng để ý thấy một anh Trung Sĩ già theo dõi các cô, miệng tủm tỉm cười, nhưng khi các cô ngước mắt lên, anh ta liền quay mặt hướng khác. Gọi là già chứ thật ra anh ta khoảng tuổi trung niên, nước da sạm nắng, trông còn phong độ lắm! Ngón tay áp út của anh sáng chói chiếc nhẫn vàng. Minh Tuyết nói nhỏ:
- Cười thì cười. Nhằm nhò gì. Anh ta dư tuổi tác và dư chiếc nhẫn vàng. Còn lại, toàn là vợ con và thân nhân của quân nhân tử sĩ. Ba đứa mình cũng là thân nhân của tử sĩ đây, tuy dởm nhưng có giấy tờ xác nhận. Không ngại.
Chị Hai thêm vào:
- Máy bay quân sự mà không có anh chàng Không Quân hào hoa nào trong chuyến bay này cả!
Minh Tuyết cười cười, đùa một câu:
- Chuyến bay âm thịnh dương suy mà chị!
Hồng xen vào:
- Ơ... ơ...Đừng nói bậy, xui xẻo, mậy, ủa quên..."bà chị." Bà chị ngắm nghía cũng giỏi dữ đa. Bỏ ông anh tui đâu rồi mà ngắm tìm người khác vậy?
- Cả năm rồi mà anh mày không tiến được một bước, coi bộ bị đầm Mỹ hớp hồn rồi. Còn anh chàng "hướng Đông" của mày tới đâu rồi?
- Cũng giậm chân tại chỗ.
Chị Hai Cẩm Vân nghe đến đây, liền xen vào:
- Tao đã cảnh cáo tụi bây rồi. Mấy anh chàng Không Quân hào hoa, đào hoa nên không có anh nào chung thủy hết, chỉ là những cánh bướm lượn vành mà chơi. Ai ngu thì chết!

Nghe chị nói, Hồng đâm bâng khuâng. Đông chưa hề có một lời nói yêu nàng, chưa có một lời hẹn ước gắn kết đời nhau. Còn nàng, nàng có yêu anh không? Nàng không biết, chỉ biết rằng nàng rất mong đọc thư anh vì chuyện anh kể vui vui và rất có duyên. Giá mà anh là nhà văn, hay nhà giáo dạy văn chương thì hợp hơn. Tuy nhiên, anh không chiếm hết thì giờ của nàng. Nàng vẫn còn thì giờ để học, để ngủ, để đi chơi, sinh hoạt với bạn bè. Nghĩ đến đó, nàng bỗng thắc mắc: Vậy thì tại sao người ta tự tử vì tình? Nàng có thật sự yêu anh không?
Hồng còn đang tự vấn lòng mình thì máy bay đáp xuống phi trường Liên Khương (Đà Lạt). Mỗi lần máy bay cất cánh hay hạ cánh, Hồng luôn bị khó chịu, cứ nhộn nhạo trong người. Khi Hồng vẫn còn nhăn nhó, bỗng có sáu anh pilots vận áo liền quần bước vào cửa. À... thì ra đây là "máy bay xe đò,” trên đường đi tấp chỗ này một chút, tấp chỗ kia một chút để rước thêm khách cho đầy.

Minh Tuyết tinh nghịch thì thầm bên tai Hồng:
- Dương thịnh âm suy rồi mầy ơi! Không có tí vàng bạc nào lấp lánh cả.
Không chịu thua, Hồng đáp trả:
- Giỏi! “Khen cho con mắt tinh đời!” Quan sát kỹ dữ đa!
Rồi nàng nhìn sang chị Cẩm Vân, thấy chị đang sửa dáng ngồi. À... thì ra ngoài miệng chị cảnh cáo các chàng Không Quân là những cánh bướm chỉ biết lượn vành mà chơi, chứ thật ra chị cũng dành phần tình cảm đặc biệt với mấy "cánh bướm" này. Nàng cũng bắt chước chị sửa dáng ngồi và tạo bộ mặt dễ thương thay vào bộ mặt khó ưa vì đang chóng mặt. Nàng cằn nhằn chị nhưng vẫn giữ mắt-mũi-miệng tươi cười:
- Chị không cho em một phút để “sơn phết” tí màu hồng lên má.
- Xin lỗi. Tao có biết chuyện xảy ra như thế này đâu. Tao và Minh Tuyết đâu hơn gì mày. Thôi, lỡ rồi. Đừng cằn nhằn nữa!

Các chàng pilots vừa lên máy bay, thấy ba cô gái không giống ai trong đám đông hành khách thuộc gia đình quân nhân tử sĩ, liền ném những ánh mắt lém lỉnh về phía các cô và to nhỏ với nhau. Thấy các anh thắt giây an toàn, Hồng lại có dịp cười thầm: "Dân Không Quân mà sợ té trong máy bay! Ta đâu cần thắt mà có té đâu?"

Quang và các bạn là những Sĩ Quan Không Quân, đơn vị ở Đà Nẵng, cùng với các phi công khác được nghỉ dưỡng sức hằng năm ở Trung Tâm Phi Vân (Đà Lạt) hai tuần lễ. Đến nơi đây, tiếng là nghỉ dưỡng sức chứ thật ra là dịp các Sĩ Quan Không Quân độc thân ăn chơi thả giàn từ sáng sớm đến khuya để bù cho cả năm đùa giỡn với tử thần. Tối về có người còn kết bạn với "bác thằng bần." Trung tâm vắng như chùa Bà Đanh lúc ban ngày, còn người thì... phí sức nên được gọi đùa là "Trung Tâm Phí Sức" hoặc "Phi Vân Tự". Quang dự định ở chơi một tuần rồi vọt về Sài Gòn tiếp tục cuộc vui chơi, sau đó từ Tân Sơn Nhất bay thẳng về nhiệm sở Đà Nẵng. Không ngờ anh vung tay quá đà nên hết tiền, đành cùng với năm chiến hữu đồng cảnh cháy túi ở lại "tu" cho hết ngày phép tại “chùa Phi Vân” này.
Từ giã những ngày vui phung phí sức khỏe, Quang mệt mỏi cùng các bạn trở về Không Đoàn tiếp tục công việc chiến đấu căng thẳng và nguy hiểm ở chiến trường, nơi có các chiến hữu đang chờ đợi sự yểm trợ của Không Quân từng phút từng giây. Vừa bước vào cửa phi cơ, hình ảnh ba cô gái không phấn son, đơn giản trong những chiếc áo dài đập vào mắt Quang và các bạn: cô áo vàng hoa cúc, cô áo tím hoa sim, cô áo lụa trắng mây trời. Hoa đồng nội lạc giữa rừng gươm biển giáo! Mấy chàng Không Quân bắt đầu chộn rộn, xầm xì nhỏ to.

Quang không quan tâm đến ba cô gái "nhà quê" đang ngồi chung một nhóm. Anh đang tự trách mình vì một lúc bốc đồng, thiếu tự chủ, đã vung tay quá trán, vốn không phải là bản tánh của mình. Anh đeo kính mát lên, tìm một chỗ khuất, ngồi lim dim ngủ bù đêm rồi thức trắng. Cặp kính này không rời mắt anh mỗi khi ra đường từ ngày chia tay với Trang, người yêu đầu đời của anh, thuở cùng nàng đèn sách ở Đại Học Dược. Đây là quà tặng của Trang nhân ngày sinh nhật của anh. Ngày Trang lên xe hoa, anh bỏ học, ghi tên vào Không Quân. Anh muốn đi xa, thật xa ngôi trường đầy ắp kỷ niệm. Anh vùi đầu vào việc tập huấn gian khổ, rồi dấn thân vào chiến trường nguy hiểm để tìm quên. Nhờ vậy vết thương lòng của anh dần dần lành lại. Tuy nhiên, vết sẹo vẫn còn hằn nên anh không để bất cứ bóng dáng một người con gái nào lọt vào mắt mình. Quang đang chập chờn, chợt bị Hưng thúc nhẹ vào hông và bỏ nhỏ vào tai anh:
- Đố mày biết ba em này con cái nhà ai? Có đúng là con em của quân nhân tử sĩ không?
Bị phá giấc ngủ, Quang trả lời cộc lốc:
-Tới mà hỏi.
-Chém chết cũng không phải. Nếu phải, thì lúc này lo kiếm sống phờ phạc cả người, làm sao mướt mát mượt mà được. Làm sao có "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc," làm sao có "áo luạ Hà Đông" để "anh đi mà chợt mát" như thế này! Còn nếu là con em của các ông lớn thì không đi máy bay hạng cá kèo, "air Ka-ki" của bọn mình đâu!
Sang đang đánh bài giết thì giờ với mấy người bạn nhưng tai thính mắt tinh, bèn xen vào:
- Con cái nhà ai, mặc kệ đi, biết tới cha mẹ làm gì. Chỉ cần biết tới “em” là đủ rồi. Đây là ba em "nữ sanh" trường trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), đi nghỉ hè ở Sài Gòn, Vũng Tàu. Bây giờ trở về nhập học để “lên đường, xuống đường” làm khổ thêm bọn chúng ta mà thôi.
Tiên đang đánh bài nhưng cặp mắt không quên theo dõi các em, nghe thế anh liền cảnh cáo:
-Coi chừng "bảng cấm." Biết đâu các em này là đào của mấy cha vận tải đang ngồi lái ở phía trước. Rớ vô mang họa!
Hưng lì lợm tiếp:
-Mặc kệ! Ba chục ngón tay không có chiếc nhẫn nào cả, tao có quyền.
Tiếp theo, Hưng nói một câu đã vô tình đưa hồn Quang "lỡ sa vào đôi mắt em":
- Cô bé mặc áo lụa Hà Đông màu mây trời, có mái tóc ngắn uốn úp kiểu ca sĩ Phương Hoài Tâm, và cặp mắt to đen, tao chấm rồi đó. Không đứa nào được léng phéng nghen...
Nghe Hưng nói, Quang mới nhìn kỹ lại cô gái áo lụa trắng. Đúng rồi! Đúng là cặp mắt của Trang! Cặp mắt này đã bắn những mũi tên xuyên thấu giữa tim anh, đánh thức trái tim đã ngủ vùi mấy năm nay.
Hưng lại tiếp tục châm thêm dầu:
- Trông kìa, tay em mân mê tà áo. Em đang tìm bùa bỏ cho tao đó. Trông em e thẹn, lúng túng thật dễ thương làm sao!
Hưng càng nói, dáng thanh thanh e ấp với cặp mắt nai tơ buồn buồn của cô gái áo lụa càng đi sâu vào hồn Quang. Nhờ cặp kính mát, anh giả ngủ mà tha hồ ngắm em gái hậu phương này. "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?" Chưa chi mà anh có thắc mắc này với cô gái chưa quen đó. Lạ thật!!! Anh chưa từng có ý nghĩ này với bất cứ người con gái nào khác, ngay cả với Trang, bởi vậy nàng mới tìm bến đậu khác.
Bên tai anh, Hưng cứ lải nhải cô bé Áo Lụa Hà Đông thế này, thế kia... làm anh thật khó chịu. Quang tự hỏi: Không những Hưng mà cả anh cũng dính bùa của cô ta rồi hay sao? Ôi chao! Tiếng sét ái tình đến với con người dễ dàng như thế à? Có phải đây là chuyến bay định mệnh? Định mệnh đã xui khiến anh vung tay quá trán, hết làm chuyến "Sài Gòn du hí," đành ở lại Đà Lạt, đáp chuyến bay này về nhiệm sở để gặp nàng hôm nay?

Linh cảm mình bị "chiếu tướng" Hồng lúng túng, má và tai nóng ran, hai bàn tay nàng xoắn vào nhau không ngừng. Nàng tự giận mình, mặc chi chiếc áo lụa mỏng này để không thể giấu kín hai bàn tay, mặc tình cho hai anh chàng Không Quân này thấy chúng đang ngọ ngoậy. Chao ôi! Sao thời gian trôi chậm vậy! Nàng mong sao mau tới Đà Nẵng. Nàng sốt ruột liếc xem liên tục chiếc đồng hồ đeo tay của Minh Tuyết và rủa thầm: "Cái đồng hồ chết tiệt này, bộ Made in Cholon hay sao mà chạy chậm rì!" Nàng đếm từng phút một. Mỗi một phút qua dài bằng hai giờ kiểm tra bài Sử Tây Phương khó nuốt của thầy Châu… Rồi thì cũng tới bến bờ sau 45 phút dài như một thế kỷ. Hồng bật mỉm cười về sự so sánh này của nàng, sống chưa đầy một phần tư thế kỷ thì làm sao nàng biết một thế kỷ dài bao nhiêu!

Phi cơ đáp xuống Phi Trường Quân Sự Đà Nẵng. Mọi người lục đục rời máy bay. Mấy anh chàng phi công này còn ngồi lại, xuống sau. Để tránh cặp mắt của các chàng, ba cô đứng lên. Hưng cũng dợm đứng dậy liền bị Tiên kéo lại, chỉ chỏ lên phòng lái, bỏ nhỏ vào tai:
- Đừng vội, các em chạy đi đâu được mà gấp. Chờ xem có phải "người đẹp" của mấy cha vận tải không cái đã. Coi chừng bị mấy chả cự nự tội "xâm phạm chủ quyền" thì mất tình chiến hữu.

Các cô được anh Trung Sĩ "già" giúp mang hành lý, đỡ xuống máy bay. Trước khi đi, anh ta còn nháy mắt cười hóm hỉnh với các anh áo liền quần. Thái độ này làm sao qua được cặp mắt tinh tế của chị Hai đầu đàn này. Khi bước xuống đất rồi, Hồng nghe loáng thoáng tiếng cự nự của Hưng:
- Mấy thằng vận tải đi mất rồi. Mày cản tao, làm mất một dịp may. Uổng quá! Mà sao các em này không theo đoàn người ra cổng? Hay là đợi xe nhà ra đón. Con ông cháu cha đây mà ...
Sang lên tiếng:
- Tao nghe đồn em vợ ông Phi Đoàn Trưởng Trực Thăng là học sinh trường Trung Học Phan Chu Trinh, dễ thương hết biết. Chắc cô áo trắng này!
Tiên xen vào:
- Không phải đâu, cô áo tím đúng hơn, vì tao đã từng gặp bà ấy rồi, tao thấy em áo tím có dáng giống bà vợ của sếp hơn.
- Không phải, cô áo vàng giống hơn.
Thế là cả nhóm lao xao đòi làm anh em cột chèo với Ông Phi Đoàn Trưởng trong khi chờ đợi tài xế của phi đoàn đến chở về cư xá.

Lần đầu tiên trong đời đến Phi Trường Quân Sự Đà Nẳng, ba cô ngơ ngác nhìn quanh, thấy hàng hàng lớp lớp máy bay quân sự đủ loại đang đậu hoặc cất cánh, hạ cánh nhộn nhịp. Âm thanh rền vang. Không khí chiến tranh bao trùm. Minh Tuyết than:
- Chị Hai ơi, không thấy lối ra. Chúng mình bị vây khổn trong Bát Quái Trận Đồ của Khổng Minh rồi. Làm sao bây giờ?
- Đừng rối trí. Để xem nào.
Hồng tiếp:
- Sao mấy hành khách người thì đi lối này, kẻ lại đi lối kia? Theo ai bây giờ hả chị Hai?
Minh Tuyết ‘chuyên viên’ nghịch ngợm nổi cơn hờn mát:
- Mấy anh chàng Không Quân này cù lần thiệt. Không ai làm "hiệp sĩ cứu mỹ nhân" hết trơn hết trọi. Đứng đó xầm xì to nhỏ, liếc tới liếc lui. Thật dễ giận!
Chị Hai giọng cứng cỏi:
- Mấy anh này chờ xem có em gái hậu phương nào rơi nước mắt vì bị kẹt ở phi trường để các anh chạy lại lau giùm đây mà. Để tao tính. Tụi bây đứng đây chờ. Tao sẽ tìm xe cho tụi mình ra cổng.
Hồng nghĩ thầm: "Bà chị này giỏi thật, tìm đường ra là quý lắm rồi, còn tìm xe chở ra" liền hỏi:
- Chị có nói giỡn không đấy? Xe đâu mà có? Ai lái đây?
- Đừng lo. Đứng đây chờ.
Minh Tuyết nhanh trí, hiểu ngay ý của chị, phát ngôn một câu ranh mảnh hết chỗ chê:
- Cẩn thận! Bình tĩnh! Đừng run rẩy mà vấp té ngay bây giờ. Chờ tới nơi rồi vấp là đúng lúc nhất. Phải biết chọn cái vấp ngã nặng nghìn cân, đáng ngàn vàng mới là tuyệt chiêu!
Chị Cẩm Vân áo tím hít nhè nhẹ một hơi dài, rồi đi tới "mục tiêu" đang đứng chung một nhóm thì thầm to nhỏ nhỏ to. Bước chân chị không chút lấp vấp, lập cập.

5.

Quang bỏ mặc đám bạn muốn làm anh em cột chèo với sếp bằng miệng, tách đám đông, dợm bước tới bỗng thấy Cô Áo Tím đã đến gần liền dừng lại. Đám nam nhi này thua nữ nhi một bước rồi. Anh còn nghe mấy câu chọc ghẹo của các bạn tuy cháy túi nhưng vẫn tếu không ngừng:
- Ê tụi bây, ở đây nền của sân bay hiện đại nhất nhì Đông Nam Á hình như bằng đất thì phải, nên có cả "một rừng đầy hoa sim."
- Trời Đà Nẵng đang trong xanh biến thành "tím chiểu hoang biền biệt!"
- Để xem đứa nào trúng số ngày hôm nay nghe.
Cô Áo Tím tiến đến trước mặt Quang, cả đám đang ồn ào liền nín bặt như học trò tiểu học trường làng khi cô giáo bước vào lớp. Quang cười, nghĩ thầm: lúc nãy chúng nó ăn nói bạo mồm bạo miệng, sao bây giờ trước mặt cô gái xinh tươi, đứa nào cũng hiền lành, lịch sự, dễ thương cả. Nàng Áo Tím cất tiếng, giọng êm như ru:
- Tôi là Cẩm Vân, hai người kia là Hồng và Minh Tuyết. Mai là ngày khai giảng của trường. Chúng tôi cần ra cổng để kịp chuyến xe đò đi Huế. Trễ hơn nữa, quốc lộ 01 không an ninh. Xin các anh giúp đỡ phương tiện ra cổng.
Sau lưng Quang có tiếng của một ai đó vang lên:
- Được rồi, các em đừng lo, để các anh lo.
Quang lịch sự đáp bằng một câu sáo ngữ:
- Hân hạnh được quen biết cô. Cô an tâm về chỗ. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp.
Quang bảo khéo Cô Áo Tím về chỗ để còn bàn tính riêng với "bộ tham mưu" đang đứng đây. Nếu không thì sẽ chết với các "quan" một bông mai vàng này.
Khi Cẩm Vân quay lưng, tiếng ồn ào lại nổi lên. Sang nói trước:
- Mắm lóc, không phải mắm ruốc, tụi bây ơi!
Tiên thêm:
- Nam Kỳ mà sao khôn lanh quá chừng, không chỉ hỏi đường ra cổng mà còn xin phương tiện chở ra nữa. Cua các em coi bộ khó đa!
Đột nhiên Hưng la lên nho nhỏ:
- Ôi chao! Hỏng bét! Vậy là tài xế đưa các em ra cổng à. Còn một chỗ ngồi để tao đi theo.
- Không được. Ai cho phép mày cái đặc ân đó. Oánh tù tì cho công bằng.
Quang bỏ mặc đám bạn đang lao xao dành đi theo làm cận vệ cho các cô. Anh biết đám bạn này chỉ đùa cho vui chứ thật ra chỉ có Hưng và anh là thật sự muốn làm quen các nàng.

Cẩm Vân về lại chỗ đứng dưới bóng cánh máy bay, thở phào một hơi dài thậm thượt rất đáng thương, rồi nói:
- Ối chào! Tim tao đánh như trống trường làng thúc giục vào lớp, miệng tao "niệm kinh:" Bình tĩnh, bình tĩnh... liên tu bất tận.
Minh Tuyết trách:
- Chị "chụp" nhầm anh chàng mang kính mát, trông mặt lúc nào cũng như sắp hành quân, ít nói ít cười. Chắc hỏng việc rồi!
- Tao run gần chết, có thấy gì đâu, "chụp" đại, trúng ai thì trúng.
Hồng bật cười:
- Hai chị dùng chữ "chụp" thật gợi hình không chê vào đâu được. Đúng rồi, mặc áo liền quần giống con ếch thiệt. Nhưng chụp ếch khó lắm nghe, coi chừng "giơ tay vói thử trời cao thấp, Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài." (Nữ sĩ Hồ Xuân Hương)

Một lát sau có một chiếc Jeep đến rước các anh chàng Không Quân về cư xá. Quang biết đám bạn này chỉ lái giỏi máy bay, không ai lái rành xe hơi ngoài anh. Có đứa là "cậu ấm," ngày xưa đi học có tài xế đưa đón, chưa "lái" được xe đạp, lọ là xe hơi, nên anh đưa ra ý kiến:
- Ai biết lái xe hơi và có bằng lái thì chở các em ra cổng. Nếu không, Quân Cảnh hỏi thăm thì phiền phức lắm.
Thế là các chiến hữu của anh đành chịu thua. Riêng Hưng bắt anh hứa không được tán tỉnh em Áo Lụa Hà Đông, và xin địa chỉ của "em" cho hắn. Anh cười thầm, không cho tán tỉnh thì làm sao có địa chỉ. Anh lên xe, lái đến chỗ các cô đứng, bỏ lại tài xế cùng các bạn đi bộ về cư xá. Loáng thoáng anh nghe một bạn nói:
- Thằng Quang cho bọn mình đi bộ. Chưa chi mà đã vì các em gái hậu phương này vội liệng truyền thống của Không Quân "không bỏ anh em, không bỏ bạn bè" vào thùng rác rồi.
Sang nói vói theo:
- Muốn ăn mắm lóc thì ăn một con thôi. Để hai con lại cho bọn tao. Ăn hết, coi chừng uống nước chết vì bội thực.

Quang sắp xếp các cô lên xe, cố ý để cô áo lụa ngồi bên anh. Theo yêu cầu của cô Cẩm Vân, lúc đầu Quang dự tính chở các nàng ra cổng phi trường, nhưng khi tới cổng thì anh đổi ý. Thấy rằng từ cổng tới chỗ đón được chiếc taxi để đi cũng còn xa, bỏ ba "con nai" này ngơ ngác ngoài cổng anh không đành lòng. Vả lại, trời không còn sớm nữa, đi chuyến xe chiều e không an toàn cho các nàng. Có thêm một lý do cũng quan trọng không kém là anh chưa ngỏ lời xin địa chỉ của "em". Anh quyết định chở các nàng ra bến xe, Quân Cảnh có "hỏi thăm sức khoẻ" hay không cũng mặc kệ. May là không. Anh ở Đà Nẵng hơn một năm rồi nên thèm nghe giọng nói Miền Nam ngọt ngào, chất phác để cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Cô Áo Lụa ngồi bên cạnh anh cứ im lặng, anh gợi chuyện:
- Xin lỗi cô nào là Hồng, cô nào là Minh Tuyết?
Cô Áo Lụa lên tiếng, nhẹ như gió thoảng nhưng anh vẫn nghe được:
- Dạ, em là Hồng.
- Cô học gì ở Huế?
Anh cố ý dùng chữ cô, không phải các cô để nghe em Áo Lụa nói, nhưng cô Áo Tím xen vào trả lời thay:
- Chúng tôi học ở Viện Hán Học.
- Ở Sài Gòn trường Văn Khoa cũng có ban Việt Hán. Sao các cô ra học tận nơi đây?
Thế là cô ấy liên miên kể về Viện Hán Học, về mộng xuất ngoại làm Tùy Viên Sứ Quán. Thấy cô lanh lợi, dạn dĩ, ăn nói hoạt bát, Quang nghĩ có thể xin địa chỉ được. Anh đánh đòn tâm lý:
- Các cô có thường đi Đà Nẵng không? Nơi đây có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh chắc thích hợp với ngành học của các cô. Vào cuối tuần, nếu các cô muốn vào Đà Nẵng chơi thì điện thoại cho tôi. Ngày nào cũng có trực thăng sáng 7 giờ đi Huế, chiều khoảng 4 - 5 giờ về lại Đà Nẵng. Chỉ mất nửa giờ là tới nơi. Các cô muốn đi bất cứ ngày nào cũng được. Cứ liên lạc với tôi, đừng ngại.

Thế là "mã đáo thành công." Tới bến xe, Quang trao đổi số điện thoại và địa chỉ liên lạc với Cô Cẩm Vân Áo Tím. Mọi việc diễn ra tốt đẹp như ý anh và Hưng.

6.

Mùa tựu trường năm cuối này lại không có ngày khai giảng. Sinh viên ngơ ngác, bàng hoàng nghe tin trường bị đóng cửa vĩnh viễn chỉ vì trường được thành lập do Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị. Bây giờ Tổng Thống đã mất, chính sự rối reng, Bộ Giáo Dục cũng rối reng, tìm cách đóng cửa Viện Hán Học. Khóa đàn anh ra trường rồi, chỉ có một anh Thủ Khoa được bổ nhiệm trông coi Cổ Viện Chàm ở Đà Nẵng, còn lại không ai được bổ nhiệm. Hết mộng Tùy Viên Sứ Quán! Cả trường phản đối bằng cách cử đại diện vào Sài Gòn yêu cầu phải bổ nhiệm những người tốt nghiệp đi dạy các trường Trung Học. Để ủng hộ đại diện của mình, toàn thể sinh viên lãn khóa. Lãng khóa khác với bãi khóa ở chỗ sinh viên vẫn bám trường, bám lớp, có điều không học hành mà thôi. Bài vở không có, thì giờ rảnh nhiều, ba cô tính chuyện đi chơi.
Cẩm Vân lúc nào cũng vẫn là người chỉ huy, kêu Minh Tuyết và Hồng ra một góc, hỏi:
- Ngày mai Thứ Bảy, hai đứa bây có muốn đi Đà Nẵng, ở chơi ngày Chúa Nhật, sáng Thứ Hai về sớm kịp buổi lãng khóa không?
Minh Tuyết đáp:
- Muốn, chứ sao lại không? Câu hỏi... hơi thừa đó, bà chị.
Hồng hỏi tiếp:
- Làm sao sáng sớm Thứ Hai về kịp giờ?
- Mình đi bằng trực thăng, hai "cưng".
Minh Tuyết nịnh chị:
- Đáng lý Bộ Giáo Dục phải giữ lại trường để đào tạo những "Nhà Ngoại Giao" giỏi như chị.
- Muốn đi chơi thì đừng móc họng tao nữa.
Hồng hỏi:
- Tối ngủ đâu, bà chị?
- Nhà chú thím Cảnh, bộ quên rồi sao?

Thế là Cẩm Vân vào Văn Phòng của trường, mượn điện thoại gọi vào Phi Đoàn Trực Thăng ở Đà Nẵng liên lạc với Quang. Ba giờ chiều hôm sau, ba cô lấy chuyến xe đò Bến Ngự 3 đi Đông Ba, tiếp theo lấy xe đò Tây Lộc 14 để đến Phi Trường Trực Thăng Tây Lộc trong Thành Nội Huế cho kịp trước bốn giờ chiều. Đến cổng, xưng là người nhà của anh Quang các cô được vào ngay. Anh đã cẩn thận gởi gấm trước. Đất nước nghèo, phi trường cũng nghèo, Phòng Ghi Danh và Chờ Đợi chỉ là một phòng dài lợp tôn che mưa nắng cho quân nhân, thương binh, và thân nhân đứng chờ máy bay đến. Thấy các cô, Quang và Hưng tiến đến chào và đưa lên máy bay. Tới Đà Nẵng, Quang vẫn là người lái xe Jeep đưa các nàng đến nhà chú thím Cảnh.

Khi Hồng đi bên Quang, tà áo dài của nàng, dưới sức gió của cánh quạt trực thăng bay phần phật, quấn lấy bước chân anh. Mặc dù Hồng cố nắm chặn lại nhưng tà áo của nàng vẫn ngoan cố, cứ quấn quýt áo trận của anh không rời. Hình ảnh này làm cho nàng bâng khuâng. Thật lạ! Sao nàng lại mang vào lòng hình ảnh của Quang một cách lẩm cẩm, không bình thường như thế này trong khi lơ là sự nhiệt tình của Hưng, người hăng hái giúp đỡ các cô lên xuống trực thăng. Hình ảnh của Quang càng lúc càng đậm nét làm mờ dần hình ảnh ăn nói vui tươi dí dỏm của Đông trong tim nàng. Và trước mặt Quang, Hồng bỗng trở thành "thục nữ," mất đi tính tinh nghịch thường ngày của nàng. Từ đó, thỉnh thoảng cả ba cô vào Đà Nẵng chơi. Lần nào cũng được các anh mời đi thăm thắng cảnh ở Đà Nẵng: khi thì Cổ Viện Chàm, khi thì núi Non Nước, China Beach. Mấy chỗ này dù đến nhiều lần nhưng Hồng lại không chán, lần nào cũng cảm thấy vui chi lạ!

Một lần, Quang bận việc ở Văn Phòng, bảo các cô cùng đoàn người theo bạn anh ra phi cơ trước. Đang đi Hồng bỗng nghe văng vẳng tiếng anh réo gọi các cô dừng lại. Giọng anh chìm lỉm trong tiếng động cơ ầm ĩ của máy bay, vẻ mặt anh căng thẳng và lo lắng. Anh đến, dẫn các cô vào chiếc trực thăng bên cạnh. Sau khi tới Đà Nẳng, đáp xuống đất rồi anh mới cho biết:
- Xin lỗi các cô, tôi quên mất trên chiếc trực thăng kia có thi hài một chiến sĩ. Suýt chút nữa tôi đã để các cô sợ hãi.
Sự tinh tế của anh làm Hồng xúc động, nàng chưa kịp mở miệng cám ơn, Minh Tuyết hỏi trước:
- Người này tử trận bao lâu rồi hả anh?
- Hôm qua thôi, nay mới lấy được thi hài.
Hồng đáp:
- Nếu mới từ trần thì không sao đâu anh. Chúng em không sợ ma đâu. Chúng em chỉ sợ mình không chịu đựng nỗi mùi hôi thúi sẽ làm tủi vong linh người chiến sĩ đã hi sinh.
Cẩm Vân xen vào:
- Con nhỏ này lì lắm! Nó chỉ sợ ma sống thôi.

Quang nhìn Hồng mỉm cười, ánh mắt trìu mến như vừa khen tặng vừa thương yêu. Hồng tự hỏi mình có chủ quan không khi có nhận xét này. Nàng cảm nhận được một tình cảm đặc biệt anh dành cho nàng, bằng trực giác của người phụ nữ. Nàng cũng có một tình cảm đặc biệt với anh từ lần gặp gỡ đầu tiên trên chuyến bay Sài Gòn - Đà Nẵng. Nàng đã nhớ, nghĩ, mong, và chờ tin anh mỗi ngày. Từ trước đến nay không có một hình bóng thanh niên nào chiếm lĩnh được tim óc nàng như vậy cả. Kể từ hôm ấy, sự tinh tế của anh, nét mặt lo lắng, dáng đi hớt hãi gấp gáp đuổi theo của anh, đi vào tim óc nàng và trú ngụ tại đó mãi mãi không chịu rời.
Những khi các anh được biệt phái vài ngày ở Huế, Quang và Hưng lại đến chỗ trọ của các cô để nói chuyện. Có chuyện gì để nói, ngoài chuyện bay bổng của các anh và chuyện học hành của các cô. Ấy thế mà sao Hồng cảm thấy thú vị vô cùng. Trong câu chuyện, Quang và Hồng là người ít nói nhất, chỉ góp tiếng cười là nhiều. Người tạo nên sự hào hứng cho câu chuyện là Hưng, Cẩm Vân, và Minh Tuyết. Hồng biết Hưng yêu nàng qua lời nói cũng như cách săn sóc đặc biệt của anh dành riêng cho nàng nhưng mà nàng đáp lại Hưng bằng tình cảm như anh em. Còn Quang, nàng không biết được tình cảm của anh vì anh thật kín đáo, ít biểu lộ cảm xúc. Với ai anh cũng lịch sự như nhau, nhưng sao nàng vẫn có một linh cảm mình chiếm một vị trí không nhỏ trong trái tim của anh.

Từ ngày Quang xuất hiện trong đời nàng, cán cân phía Đông càng ngày càng nhẹ đi. Sợi dây chuyền Đông làm quà Giáng Sinh năm nào vẫn còn nơi cổ nhưng nhiều khi nàng tưởng chừng như nó không còn hiện hữu. Đông còn một năm nữa mới về nước. Thư anh càng lúc càng nhiều và lá thư nào anh cũng có một chuyện vui đem đến cho nàng sự thoải mái yêu đời. Nàng lại vui vẻ viết thư cho anh. Mỗi lần như thế nàng tự xấu hổ khi gặp mặt Cẩm Vân. Ngày nào nàng chê chị bắt cá hai tay, không thèm ăn bánh của anh chàng kỹ sư chạy theo tán tỉnh chị. Bây giờ nàng còn tệ hơn chị, với hai tay nàng đang bắt những ba con cá, ba con cá cứ chờn vờn quanh nàng. Đã có ai tỏ tình đâu để nàng có dịp nói "chúng mình có duyên không nợ, thôi thì đi chỗ khác kiếm người nào mắc nợ tiền kiếp mà trả nợ đời cho nhau". Vậy thì làm sao nàng bỏ bớt hai con cá đây? Người ta cứ ầu ơ ví dầu với mình thì nàng cũng cứ ầu ơi ví dầu trả lại... cho đến khi tốt nghiệp vậy.

7.

Trong năm học cuối cùng, nơi trường chánh Hồng lo lãng khóa cùng bạn bè, không học gì nhiều, nên nàng ghi danh hai chứng chỉ bên Văn Khoa. Một chứng chỉ thi khóa 1, còn chứng chỉ kia khóa 2. Vì vậy mấy tháng hè năm ấy Hồng và ba bạn khóa đàn em đành ở lại, chịu cái nắng nóng mùa Hạ của Huế. Nhìn chị Hai và Minh Tuyết sửa soạn để về, nàng nôn nao trong lòng nhưng vẫn quyến luyến không muốn rời Huế vì nơi đây có Quang. Minh Tuyết nhìn Hồng cười nói:
- Bọn tao về, mầy tự do dung dăng dung dẻ với anh Hưng. Anh ấy đẹp trai vui tính, ráng mà giữ nhá!

Hồng ậm ừ. Ai rõ được thâm tâm của nàng, nhưng nàng biết Quang hiểu. Khoảng thời gian này chỉ có nàng và anh, nhưng sao những buổi chiều cùng nàng đi dạo dọc dòng sông Bến Ngự hóng mát, anh vẫn tỉnh bơ coi nàng như một người em gái nhỏ. Hồng thắc mắc, quen nhau một năm qua rồi sao anh cứ giậm chân tại chỗ? Anh đang vướng bận chuyện gì? Vợ? Người yêu? Con rơi? Nếu không phải vậy, anh đến nàng với mục đích gì? Lời ăn tiếng nói, hành động cử chỉ của anh nghiêm túc như ông giáo già, không đùa giỡn cợt nhã, không đụng chạm sàm sở.

Rồi đến một ngày Hồng cũng phải rời Huế. Buổi tối trước ngày lên đường, Quang chở nàng trên chiếc xe Velo Solex đi qua chợ Đông Ba uống nước và hóng mát. Ở Huế khi trời sập tối, đường phố vắng vẻ, nhà nhà đóng cửa, các cửa hàng cài then khóa chốt, chỉ còn những quán cóc, gánh hàng rong bán cho thợ thuyền làm đêm, các cặp vợ chồng già, các cậu sinh viên học khuya. Những cô gái con nhà gia giáo không ai ra đường nữa. Thế mà Hồng ra đường với Quang. Nàng không ngại vì mai này nàng sẽ vĩnh viễn từ giã Huế, về Sài Gòn chờ nhận Sự Vụ Lệnh đến một nhiệm sở nào đó ở Miền Nam. Hồng buồn lắm vì nàng sắp phải xa anh, xa thật xa, không biết có còn gặp lại không? Phải lâu lắm, cả năm may ra mới gặp lại nhau nếu anh còn yêu nàng, không có bóng hồng khác. Ngồi sau xe, nhiều lần nàng muốn ôm lấy eo anh, nhưng rồi e ngại rụt tay lại.
Đến một hàng nước cạnh bờ Sông Hương, Quang gọi cho Hồng một ly nước cam vắt soda hột gà còn anh ly cà phê đen. Anh nhìn nàng với ánh mắt thật lạ, dường như muốn nói một điều gì quan trọng. Nàng e thẹn nhìn anh. Gió từ sông thổi vào mang hơi nước lành lạnh làm Hồng rùng mình, anh kéo ghế ngồi chắn gió cho nàng. Lúc nào Quang cũng tinh tế làm nàng xúc động, nước mắt sắp trào ra. May thay bà hàng mang hai ly nước đặt lên bàn, đon đả chào mời:
- Ông khéo gọi cho bà ly nước này thật bổ dưỡng. Tôi đã chọn cho bà hột gà mái tơ mới đẻ hôm qua rất tốt cho sức khỏe. Bà sinh mới dậy, khi ra ngoài nên mặc áo ấm.
Hồng thầm nghĩ, mình ra đường riêng lẻ với một thanh niên vào đêm như thế này là đã xâm mình lắm rồi, câu nói hiểu lầm của bà làm nàng ngượng chín cả người. Có lẽ bà thấy nàng xanh xao hốc hác sau kỳ thi, và ngồi co ro vì lạnh nên tưởng nàng vừa sanh con xong, còn trẻ nên chưa có kinh nghiệm. Giọng nói của hai người không phải giọng Huế làm bà nghĩ rằng hai người không có gia đình bên cạnh săn sóc nên bà tốt bụng truyền kinh nghiệm cho "cặp vợ chồng trẻ" này. Anh cười gật đầu ra điều đồng ý và cám ơn bà, anh nhìn nàng ái ngại, ngập ngừng như muốn nói điều gì, nhưng rồi lại im lặng.

Ly nước cam trông rất hấp dẫn ngon lành nhưng uống vào Hồng cảm thấy sao lạt nhách. Quang nhìn nét mặt và cử chỉ của nàng ngượng ngùng trông thảm quá nên anh bảo đi về, bỏ dở ly nước mới uống có vài hớp. Quang lúc nào cũng tinh tế. Điều này làm tăng thêm tình yêu thương và lòng kính mến trong nàng. Trên đường về, bên anh, Hồng cảm thấy sự ấm áp vây quanh, nhiều lần nàng muốn áp mặt vào lưng và ôm lấy anh, nhưng rồi e thẹn, ngại ngùng, lại thôi. Đưa Hồng về tới nhà, Quang móc bóp lấy ra một cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu của Mỹ, đặt vào bàn tay Hồng. Đó là cuốn Medic First Aid - Wallet Skill Guide. Anh dặn dò:
- Em sắp làm cô giáo rồi. Trẻ em hiếu động, chạy nhảy không chừng, dễ bị té ngã. Đây là cuốn Hướng Dẫn Cấp Cứu, em cứ theo chỉ dẫn mà cứu học sinh nếu gặp trường hợp có tai nạn xảy ra. Sách viết bằng tiếng Anh, có hình ảnh chỉ dẫn, không khó hiểu đâu. Anh thuộc hết các cách cứu nạn rồi, không cần nữa. Em giữ lấy, coi như quà kỷ niệm của anh.
Hồng nghẹn ngào không nói ra lời. Quang tiếp:
- Em nhận nhiệm sở bất cứ đâu, nhớ cho anh địa chỉ. Keep in touch, nghe em.

Lại cùng câu nói của Đông khi chia tay với Hồng năm xưa. “Cùng một câu nói, cùng một chuyện tình giậm chân tại chỗ”. Hồng thầm nói, khẽ gật đầu thay cho câu trả lời, mắt ứa lệ. Quang vội vàng quay đi. Hồng nhìn theo dáng anh chìm dần trong bóng đêm mà nghe lòng mình tràn ngập nỗi buồn. Hồng mong ở anh một lời tỏ tình hay một lời đính ước. Đã có hai lần anh ngập ngừng định nói nhưng rồi thôi. Chuyện gì lấn cấn trong lòng để anh dừng lại? Dù sao đi nữa câu tiếng Anh đã gởi một tín hiệu cho nàng biết trong lòng anh có nàng, nó đã cho nàng một hi vọng làm hành trang lên đường.

Khi Hồng vừa quay lưng vào, Hà người bạn chung nhà trọ, học khóa sau, đứng im lặng bên cạnh, ái ngại đưa nàng một bao thư dán kín nói:
- Anh Văn nhờ em đưa tận tay chị.
Hồng mở ra. Lại một bài thơ đề tặng nàng, cuối bài ký tắt tên anh.
Tình Một Chiều
Em sắp đi xa rồi
Lòng anh buồn vời vợi...
Thôi mất người con gái
Yêu thương của một đời!

Em đi là đi mãi
Biết bao giờ trở lại
Lối xưa anh đi về
Trong nỗi niềm tê tái...

Ôm ấp một mối tình
Mà đành phải lặng thinh
Nhìn thôi không dám tỏ
Để hận mãi cho mình...

Em đương bước về đâu
Cho ai nặng gánh sầu?
Một trời ôi nhung nhớ!
Trằn trọc những canh thâu...

Ngàn trùng bao xa cách...
Ngàn trùng bấy cảm thương...
Ngàn trùng muôn hệ lụy...
Ngàn trùng vạn vấn vương...

Trần V.

Hồng tự hỏi bài thơ này nói lên tâm sự của anh Văn hay tâm sự của chính mình đây? Nàng lặng lẽ vào phòng nằm khóc một mình, ước sao có một bờ vai ấm áp để tựa đầu...