banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chương 7

Thiên đường là đây

1.

Hồng sống ấm êm với chồng được năm năm, có một con gái đầu lòng và đang mang thai đứa thứ hai thì giông bão “Ba Dòng Thác Cách Mạng” từ Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa rầm rập tiến vào Miền Nam Tự Do của nàng. Gia đình Hồng hoảng hốt lo sợ đang tính hai đường: một là di tản ra ngoại quốc lánh nạn Cộng Sản, không di tản được thì tản cư về quê Hồng ở Vĩnh Long lánh nạn bom đạn. Hôm ấy, Xuân ra ngoài lo tìm đường di tản trong khi nàng mang đứa con gái đang bị sốt cao đi bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ nghi đứa bé bị sốt xuất huyết, cần đưa vào bệnh viện cứu chữa gấp.

Hồng đang quýnh quáng lo sắp quần áo để đưa con gái vào bệnh viện thì nghe tiếng gõ cửa. Ra mở cửa nàng ngạc nhiên khi thấy Kim, người bạn thân cùng học Gia Long với nàng và cùng trúng tuyển vào Viện Hán Học nhưng bỏ cuộc, không học. Cô ta đột ngột đến tìm nàng chắc có chuyện gì đây, không phải đến chơi bình thường. Bấy lâu nay, nàng biết Kim là một cán bộ Việt Cộng nằm vùng. Nàng đoán rằng Tổ Chức của Kim không bố trí cô ta hoạt động ở Huế mà cần Kim ở trong Sài Gòn nên cô ta không theo học ở Viện Hán Học. Hồng nhìn bạn với vẻ e ngại nhưng cũng lịch sự mời cô ta vào nhà và liếc mắt nhìn xem có kẻ lạ mặt nào lãng vãng quanh nhà không. Tại sao Kim lại tìm nàng vào giờ phút này? Kim muốn sách động nàng "vùng lên nhân dân Miền Nam anh hùng?" Nàng không dại đâu. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như thế này, quậy thêm cho mau mất nước hay sao? Thấy Hồng bụng mang dạ chửa và đang bối rối vì đứa con bị bệnh nên Kim hỏi thăm ba điều bốn chuyện rồi ra về. Nàng tiễn bạn ra cửa và thầm cám ơn Trời Phật đã độ trì, khiến cho bạn ra về sớm.

Một lát sau, Xuân về đến nhà với bộ mặt đầy thất vọng. Anh nói:

- Em bụng to thế này, con còn nhỏ thế kia làm sao chen lấn, leo trèo vào Tòa Đại Sứ Mỹ hoặc xuống tàu Hải Quân được. Anh có ghé qua nhà anh Quân xem có thể giúp chúng ta một chỗ trên máy bay không nhưng cả gia đình anh ấy đã vào ở trong phi trường Tân Sơn Nhất, anh không gặp ai cả. Chúng ta là dân sự, thôi thì đi không được mình ở lại chịu cực khổ mà sống đoàn tụ với nhau cũng tốt lắm rồi.

Hồng thiểu não đáp lại:

- Bỏ ý định di tản đi, anh ơi. Con bị bệnh sốt xuất huyết rồi, phải nhập bệnh viện gấp đây.

Thế rồi hai vợ chồng cho con vào nhà thương, ôm mền chiếu nằm ở hành lang, hi vọng địa điểm nhân đạo này không nằm trong mục tiêu pháo kích của quân Miền Bắc. Hồng chỉ lo sinh mạng của con nên nàng ở miết trong bệnh viện, chiến cuộc bỏ ngoài tai. Khi Tổng Thống Ba Ngày Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào 10 giờ sáng ngày 30-4-1975 cũng là lúc con nàng hết bệnh, được cho về nhà. Ra ngoài bệnh viện, Hồng ngỡ ngàng, ngơ ngác không tin Miền Nam mất nhanh như vậy. Cuộc chiến chấm dứt một cách thảm hại!

Như mọi người dân miền Nam, vợ chồng Hồng được nghe cán bộ Tuyên Giáo của “Nhà Nước Cách Mạng” tuyên truyền rằng: Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa là một chế độ ưu việt, một chế độ bình đẳng tuyệt đối, không có người bóc lột người, mọi người làm việc theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Thật là Thiên Đường nơi hạ giới! Vợ chồng nàng được nhà nước mới lưu dụng, nàng tiếp tục đi dạy, chồng nàng tiếp tục làm ở sở cũ. Song chuyện đời không như đầu óc đơn thuần của người Miền Nam suy nghĩ. Không bao lâu, lệnh "học tập chính sách của nhà nước" được ban hành: 10 ngày cho cấp úy, một tháng cho cấp tá và tướng. Không có tắm máu, chỉ có học tập thôi. Dù sao cũng là người Việt Nam với nhau cả mà. Vậy là tốt rồi, đòi hỏi gì hơn!

Ngày trước Xuân chỉ có thụ huấn quân sự mấy tháng ở Quân Trường Thủ Đức, sau đó anh được biệt phái về lại cơ quan cũ với cấp bậc Chuẩn úy, rồi sau hai năm tự động lên Thiếu Úy. Khi chàng mang lon Trung Úy thì Miền Nam mất. Thấy Xuân chưa có một ngày cầm súng ra chiến trận bắn chết một người nào thuộc Bắc quân cả, không có nợ máu với Cách Mạng cho nên nàng cũng không lo lắng gì mấy. Khi anh đi trình diện với “anh em” Miền Bắc, nàng sắp xếp cho anh chỉ một ít quần áo, thuốc men, không lương khô, không nhiều tiền bạc. Chỉ mười ngày thôi mà, xài có bao nhiêu! Nàng đang lo lắng cho đứa con sắp sanh và đang đối diện với thiếu hụt tiền bạc. Lúc trước, với hai đầu lương, gia đình nàng tiện tặn lắm mới đủ sống. Bây giờ chỉ còn một đầu lương nhà giáo của nàng thì làm sao cho đủ đây! Nàng lại sắp sanh. Lo thân và con còn chưa xong, làm sao lo được cho người đang "học tập" cho nên nàng chưa kịp mong chờ thì mười ngày đã qua. Quá ngày mà bóng chồng biệt tăm, nàng bắt đầu thắc mắc, tìm người đồng cảnh hỏi thăm. Bi quan ập đến. Theo sự đánh giá của chính quyền mới, Xuân thuộc loại “ác ôn”: Sĩ Quan Biệt Phái đồng nghĩa với tình báo CIA của Mỹ, sẽ bị tù không có ngày ra. Nàng bắt đầu nghĩ đến Kim, mong một ngày nào bạn đến chơi đột ngột như lần vừa rồi, nàng sẽ nhờ "cứu khổn phò nguy." Chờ hoài mà bặt vô âm tín, đành chấp nhận sống cùng hoàn cảnh với Ngưu Lang - Chức Nữ.

Thế là Hồng "đi biển mồ côi một mình," đơn độc nuôi con. Tiếp theo, Nhà Nước Cách Mạng đổi tiền: 500 đồng tiền của VNCH bằng 1 đồng cụ Hồ, và mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa trăm ngàn đồng cũ ra 200 đồng tiền mới. Vét túi Hồng chỉ đủ tiền để đổi được 100 đồng tiền mới, lương nhà giáo của nàng chỉ có 54 đồng một tháng. Ngân sách gia đình thiếu hụt trầm trọng. Từ những món trang sức ngày cưới của Hồng đến máy móc cần dùng trong nhà, chúng lần lượt đội nón ra đi để nàng có thể nuôi con, nuôi mình, và nuôi chồng trong tù. Nàng không giàu để có nhiều đồ vật giá trị mà "hô biến" thành cơm áo gạo tiền. Ở thời điểm đó, ai ai cũng thủ thân nên những món nàng đem bán xuống giá thảm khốc, nhưng nàng cũng đành bấm bụng mà bán. Tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng nàng tiết kiệm gởi trong ngân hàng coi như biếu không cho những “Người Thắng Cuộc.” Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến căm hờn trong lòng nàng nổi dậy. Hồng giận và căm thù những người tàn hại đất nước dân tộc. Nàng giận luôn Kim, kẻ tiếp tay. Lòng dặn lòng nếu có dịp gặp lại, nàng sẽ sỉ vả bạn một trận nên thân. Không còn là bạn nữa, chỉ là kẻ thù thôi!

2.

Lịch sử tái diễn, chính sách “Phần Thư Khanh Nho” (đốt sách chôn học trò) của Tần Thủy Hoàng hơn 2000 năm trước lại xảy ra ở Việt Nam vào cuối Thế Kỷ 20! Hồng nhìn tủ sách của mình mà lòng xót xa. Nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền mua sách là chuyện nhỏ, nàng không tiếc, chỉ tiếc công phu, thì giờ nàng bỏ ra để tìm kiếm, góp nhặt từng quyển sách có giá trị. Đó là điều làm nàng đau lòng vô cùng. Đốt sách không khác nào hủy đi tim óc của các tác giả và thiêu rụi cả nền văn học của Miền Nam. Hồng rất đau lòng nhưng giữ chúng sẽ mang họa vào thân. Là một gia đình "ngụy quân ngụy quyền," nhà nàng sẽ là “đối tượng” cho các "quan" ở phường, khóm, quận dòm ngó, sẽ có ngày bị họ vào nhà kiểm tra. Nếu tìm được sách của Miền Nam, họ sẽ tịch thu và nàng bị bắt bớ hoặc làm khó dễ. Nếu nàng vào tù nữa thì ai nuôi con đây? Bỏ thì thương, vương thì tội hay là mình nhờ kẻ khác giữ giùm vậy. Nhưng ai là người có thể gìn giữ gia sản này của dân tộc đây? Suy đi nghĩ lại, nàng thấy chỗ an toàn nhất là nhà của các người Cộng Sản Trí Thức còn tâm huyết với nền văn học nước nhà. Cả tháng nay, các thầy cô giáo Miền Nam phải học tập Lý Thuyết Mác - Lê và chính sách của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa đối với nền giáo dục tại Miền Nam. Trong số giảng viên các khóa học, có một vị trông sáng sủa, không phải loại răng đen mã tấu mà thuộc giới trí thức bị kẹt lại Miền Bắc. Đây là một người quý sách, có thể tin tưởng để giao lại tài sản tinh thần quí báu của nàng. Hồng quyết định sẽ mang sách trao cho ông ta vào ngày bế giảng.

Những suy nghĩ trên làm Hồng nhớ lại những ngày học ở Huế, nàng đã bỏ công sưu tầm từ số đầu tiên bộ sách Đại Học, một số sách nghiên cứu, và sách dịch về Văn và Sử của các giáo sư Đại Học Huế. Khi về Nam, nàng bán đổ bán tháo chiếc xe đạp là vật có giá nhất của nàng, còn tất cả tài liệu về văn sử và sách vở này nàng giữ lại và nhờ Quang mang về giùm dần dần trước khi từ giã Huế. Hồng gói sách, bỏ chúng vào thùng giấy để cho đi mà rơi nước mắt, tiếc công mình sưu tầm và công của Quang đem về.

Hình ảnh Quang đèo thùng sách sau chiếc Velo Solex và bao nhiêu kỷ niệm Hồng cố gắng chôn sâu mấy năm lại rầm rập quay về, thật rõ rệt trong tâm khảm. Càng bị nàng xua đuổi, chúng lại càng ngoan cố không chịu rời. Bất lực, nàng để mặc chúng hoành hành, cho nước mắt tuôn rơi. Khi khóc đã chán chê, nàng thu dọn lại sách vỡ và phân loại quyển nào mang đi cho, quyển nào để chúng nó tịch thu lập thành tích, xếp thành hai đống. Vừa làm Hồng vừa cay đắng nghĩ rằng quả thật nàng không còn được chút tình nào trong tim Quang cả. Hồng đoan chắc anh đã ra đi, trong tay anh có cả một phi đoàn, thế mà anh đã không nghĩ tới nàng, không tìm cách giúp đỡ gia đình nàng để nàng thân tàn ma dại như thế này. Anh đã từng mang sách đến nhà cha mẹ nàng, làm sao quên địa chỉ được, chỉ trừ khi anh thật sự muốn quên. Trong khi đó, anh Quân của nàng đã chiến đấu tới cùng để giờ đây bóc lịch ở rừng già Miền Bắc. Nghĩ tới đó, nàng chua chát nhận thấy mình đã trao lầm tình yêu cho một người bạc bẽo. Lòng nhủ lòng phải cương quyết xóa sạch hình bóng anh chàng "bạc tình lang" đó, nàng đứng lên làm việc để tìm quên.

3.

Trong lúc đấu tranh với xã hội để tìm đường sống, con người có nhiều sáng tạo. Nhiều nghề mới được xuất hiện và phát triển như: nghề bơm viết bi, lộn cổ áo, dán bao bì, mua đồng sắt vụn, bôm xe đạp, lộn xích xe đạp, bán đá cục, xe đạp ôm, may áo bằng bao bột mì, đan giỏ mây tre v.v... Riêng Hồng, nàng tìm được một nghề phụ bên cạnh nghề chính dạy học. Đó là nghề "phe phẩy." Nghề này phát triển mạnh nhất vào thời “Bao Cấp Hậu Giải Phóng.” Thành phần "hồ hỡi phấn khởi" tham gia đội ngũ "phe phẩy" này đủ hạng người từ trí thức tới dân ngu khu đen, từ già tới xồn xốn và tre trẻ. Hai chữ "phe phẩy" này là chữ được các "quan Cách Mạng" sáng tạo gán cho những người ra chợ trời đứng tìm mối có hàng lậu, hoặc đồ vật cũ để mua đi bán lại kiếm chút tiền lời mà sống. Bù đầu tìm cách sinh tồn trong hoàn cảnh chồng tù, con dại, Hồng vất tất cả quá khứ sau lưng, vừa chèo vừa chống để con thuyền gia đình khỏi bị chìm trong cơn bão dữ đó. Nhờ vậy mà nàng không còn hơi sức và thì giờ để nhớ tới quá khứ lãng mạn nên thơ của nàng nữa.

Tháng năm trôi qua Xuân vác tấm bằng "tốt nghiệp Đại Hộc Máu khóa Cử Nhân 4 năm" về nhà "khoe" với Công An Phường Khóm để được "các quan nâng đỡ," tìm cách giữ an ninh cho khỏi bị đồng bào ''trả thù" vì tội làm CIA cho địch. Vốn là "cháu ngoan Bác Hồ," vợ chồng nàng lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe theo lời Bác dạy: “Không gì quý hơn độc lập tự do” nên tìm cách khước từ "sự ưu ái" này bằng cách làm một nghề mới. Đó là “nghề” Tìm Đường Đi Chui. Nàng tiếp tục vay mượn, bán cả áo dài đẹp, chiếc Honda làm chân, để làm lộ phí cho anh "hành nghề." Bài học vỡ lòng Có Chí Thì Nên và Thất Bại Là Mẹ Thành Công từ thuở tiểu học được vợ chồng nàng áp dụng triệt để. Quả thật, sau vài lần “chui” không lọt, Xuân đến được nước láng giềng có nhiều người sùng Đạo Phật nhưng cũng lắm kẻ cướp biển. May nhờ phước đức ông bà cha mẹ để lại Xuân an toàn lên bờ và được định cư ở nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Anh đã liều mạng với sóng to gió lớn nơi biển cả có đầy dẫy hải tặc mà tìm cách từ giã “Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa” để ôm chân “Đế Quốc Đầu Xỏ” và tình nguyện chịu cho bọn Tư Bản đang “giẫy chết” bóc lột anh. Vì không đủ tiền nên mẹ con Hồng đành ở lại với “Thiên Đường Hạ Giới,” chờ anh bảo lãnh hoặc gởi tiền đi chui sau.

Toc mai

Một số thầy cô giáo trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa
và thân hữu thuộc Tòa Hành Chánh tỉnh Châu Đốc
vào khoảng năm 1968-1969