banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

Phụ Lục

 

Tóc Mai
Tặng vhp.Hạ Vũ

Tóc mai thuở ấy chưa dài
Tóc thề ngày đó chưa ai để thề.
Tuổi mộng cất giấu cơn mê
Trong trang sách cũ đi về bỏ quên.
Tiếng lòng trở giấc nửa đêm
Vô thanh oà vỡ ngoài thềm mưa rơi.
Tưởng đâu hiện hữu với đời
Lại như chiếc bóng đơn côi lạc loài.
Người đi quên kẻ thiệt thòi
Ngây ngô khờ dại miệt mài dệt thơ.
Rượu say ru kiếp mơ hồ
Tình say phá vỡ cơ đồ mộng du.
Cho ta kiếp sống ngục tù
Cân đo đong đếm cộng trừ nhân chia.
Ngày dài chờ đợi đêm khuya
Canh thâu chờ sáng chia lìa kiếp mai.
nvs.Vũ Thuy
(31-10-2013)

Cảm nghĩ sau khi đọc Tóc Mai

Ở tuổi đời chồng chất, từng đi qua bao thăng trầm của cuộc đời, thời gian cứ đẩy mình đi tới, tôi có bao giờ nhìn lại đằng sau... Vậy mà khi đọc Tóc Mai của bạn tự nhiên tôi như sống lại những kỷ niêm êm đềm có thầy xưa bạn cũ đồng môn ở một nơi mang tên là Viện Hán Học của đất Thần Kinh. Bắt chước Đinh Hùng, tôi tự nhủ: "Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước." Vâng, câu chuyện Tóc Mai đã gợi lại khung trời cũ, có mái trường xưa tôi đã học và... có cô Hồng nhân vật chính ở trong truyện.
Bây giờ theo dấu chân cô Hồng tôi vào lớp. Tôi được học gì ở trường? Có thể nói, ngoài những môn học khác, tôi học một chương trình hình như... nửa Đạo (đạo lý Thánh Hiền) và nửa Đời qua thi văn. Tôi nhớ ngoài những bài học trích trong Tứ Thư Ngũ Kinh rất khô khan, tôi còn được nghe các vị thầy dạy cho những bài học đầy tính chất lãng mạn, trữ tình trong thi ca văn học. Tôi mê nhất giờ thầy Nguyễn Văn Dương, thầy Phan Văn Dật, và những lời bình giảng rất thú vị của quý thầy. Tôi nhớ mãi những câu thơ trong Kinh Thi mà thầy Dương đọc:

"Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Cầu chi bất đắc,
Ngụ mị tư bặc.
Du tai du tai,
Triển chuyển phản trắc."

Dịch thơ của thầy Nguyễn Văn Dương

Quan quan thư cưu,
Trên bãi sông Hà
Gái hiền yểu điệu.
Quân tử ước mong,
Ước mong chẳng đặng.
Mê mẫn nhớ người,
Lòng sầu ảm đạm
Thao thức không nguôi."

Và bài thơ Tương Tư Chiều của Xuân Diệu:

"Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em..."

Với thầy Phan Văn Dật, tôi nhớ hoài mấy câu thơ trích từ Nhặt Lá Vàng Rơi:

"Sớm vin cành liễu so màu tóc,
Chiều ngắt hoa lê đọ nụ cười.
Người đẹp bên sông sầu chẳng biết,
Bên sông ngày lượm lá vàng rơi."
(Quên tên tác giả)

Những giờ học này như làn gió mơ mộng thổi qua bao trái tim non trẻ...
Trước khi đến Huế học, nhân vật Hồng được mẹ dặn dò rất kỹ sợ nàng trẻ người non dạ mà hư thân. Rồi khi được học một chương trình như thế Hồng ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Nhờ vậy Hồng vừa thấm nhuần tinh thần Khổng Manh vừà sống rất đời thường chứ không phải "khổ hạnh" như nhà tu. Lúc yêu ai cô Hồng cũng yêu hết mình, sống thực với lòng mình, nhưng biết tự chủ chứ không buông thả. Cô Hồng đã biết "tri chỉ" dừng lại ở chỗ phải dừng như một câu trong sách Đại Học đã dạy ("Tri chỉ nhi hậu hữu định").
Tác giả đặt tựa truyện Tóc Mai là đã cho người đọc biết trước kết cuộc, nhưng với cách diễn đạt hấp dẫn, tình tiết éo le, truyện vẫn lôi cuốn người đọc cho đến cuối. Tác giả đã cho ta một câu chuyên tình xoay quanh hai nhân vật chính là cô Hồng và chàng Quang sĩ quan VNCH rất cảm động. Vì sợ thời chiến tranh người ra đi không có ngày về nên anh chàng Quang tránh né hôn nhân với cô Hồng để rồi sau lúc "đổi đời"1975 chàng bị vào "trại tù cải tạo," cô Hồng tìm kiếm địa chỉ trại tù và gởi quà cho anh, dù nàng nghèo túng. Bát cơm "Phiếu Mẫu" này đã khiến cho anh Quang suốt đời hát mãi bài nhạc Anh Còn Nợ Em của Anh Bằng làm người đọc vừa thương cảm vừa trân trọng mối tình này.
Bên cạnh mối tình của Quang và Hồng, còn mối tình của Lưu với Phương, Ân với Kim, và những mối tình một chiều của Vũ Thiếu Sinh Quân, Lữ sư huynh, Văn đồng môn, Điền học trò v. v... Những nhân vật này hiện ra rất dễ thương, có tư cách đáng khâm phuc. Tôi còn nhớ thời gian này những tiểu thuyết trữ tình lãng mạn như Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Yêu của Chu Tử... rất được giới trẻ hâm mộ nhưng tác giả đã xây dựng những nhân vật trong truyện biết dừng lại đúng lúc, không phá vỡ hàng rào luân lý của dân tộc.
Tác giả đã dựng lại một giai đoạn đau thương của dân tộc mà tuổi trẻ Việt Nam bị cuốn hút vào. Biết bao người đã nằm xuống cho Chính Nghĩa Tự Do của Quốc Gia Dân Tộc vẫn không làm sờn lòng thanh niên Việt Nam. Điều này đã làm nổi bật tinh thần Yêu Nước, Yêu Tự Do, Anh Dũng, Kiên Cường chiến đấu, và sẵn sàng Hi Sinh cho Tổ Quốc của người trai Nước Việt. Tôi thật cảm phục trước cái chết vinh quang của những quân nhân trong Quân Lực VNCH như Hưng, Đông, Sang, Vũ... và vô cùng xúc động trước thảm cảnh tù đày, gia đình khốn khổ, tan nát của chiến sĩ "Bên Thua Cuộc."
Nhìn chung chuyện có nhiều mối tình. Mỗi mối tình mang một sắc thái khác nhau nhưng tất cả đều là cuộc tình không trọn trong thời chiến, phù hợp với tựa đề Tóc Mai và làm người đọc nhớ đến mấy câu thơ của Hồ Dzếnh:

"Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở,
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa."

Cám ơn bạn rất nhiều đã cho tôi cảm giác lâng lâng mơ màng về một khoảng không gian, thời gian tưởng chừng đã mất hút.

Ngọc Khuê
Cựu SV Viện Hán Học Huế khóa II (1960 - 1965)


Cám Ơn Tác Giả

"Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau không đặng, thương hoài ngàn năm."
(ca dao)

Đọc Tóc Mai tôi vô cùng xúc động vì nó nhắc nhở tôi một thời tuổi trẻ mộng mơ với những con người có thật, với những chuyện tình buồn có thật... Tôi thấy tâm trạng, tình cảm, nỗi khắc khoải, đau khổ của nhân vật Hồng như là của chính tôi. Những cái chết đau thương của bao "cánh bướm" bên cạnh nhân vật chính nhắc nhở ta một Thời Chiến Tranh Cốt Nhục Tương Tàn đầy nước mắt khổ đau trên quê hương Miền Nam yêu dấu.... Đoạn nhạc cuối cùng Anh Còn Nợ Em của Anh Bằng kết thúc Tóc Mai một cách tuyệt diệu vì còn gì nữa đâu khi các nhân vật của chúng ta đều gần đất xa trời... Những gì Anh Nợ Em chính là những diễn biến, những cốt lõi của truyện tình trong tác phẩm của Hạ Vũ.
Cám ơn tác giả đã cho tôi sống lại những ngày thơ mộng đầy kỷ niệm ở Thành Nội và Bến Ngự của Cố Đô Huế năm nào, nhắc nhở tôi những người bạn đáng yêu thời Hán Học Huế (1961 -1963).

Triệu
(Cựu SV Viện Hán Học Huế khóa III)


Cảm Tưởng Khi Đọc Tóc Mai

Tóc Mai là thiên truyện tình "trăm lần vui vạn lần buồn" được vhp.Hạ Vũ viết theo thể loại bút ký phần lớn tôn trọng sự thật. Tôi hân hạnh đọc khá nhiều về thơ và truyện ngắn Viết Về Nước Mỹ rất đặc sắc của Hạ Vũ. Hôm nay thêm một lần nữa được đọc tập bản thảo Tóc Mai, thấy tác giả khéo minh họa các nhân vật trong truyện bằng những nét chấm phá, những cảnh xuất hiện khá đột ngột nhưng lại rất hợp tình hợp lý.

Cốt truyện có nhiều hồi được xâu thành một chuổi chuyển mạch tài tình. Lời đối thoại vừa thông minh vừa dí dỏm thật tuyệt vời và dễ thương. Với sự sàng lọc, tác giả đã miêu tả bằng những nét đậm nhạt, có cân nhắc, quý trọng những con người mang "bản sắc Liễu Hạ Huệ" rất chí tình nhưng vẫn thủ lễ, giữ tư cách.

Để kết luận xin mượn bốn câu thơ của Tô Đông Pha mong giải được những ẩn ức trong lòng người:

"Lôi sơn yên vụ Triết Giang triều,
Vị đáo thiên ban hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lôi sơn yên vụ Triết Giang triều."
(Mây khói trên núi Lôi tuyệt đẹp, sóng triều trên sông Triết Giang hùng vĩ.
Người đời đều ước ao được một lần đến nơi chiêm ngưỡng.
Nhưng khi đến được rồi thì cũng chỉ là mây khói trên Lôi Sơn và sóng triều trên Triết Giang mà thôi.)

Mai Uyển


Cảm Tưởng Của Một Cựu Thiếu Sinh Quân

Tôi rất vinh hạnh được tác giả vhp.Hạ Vũ gửi cho tác phẩm TÓC MAI trước khi xuất bản. Đọc truyện dài Tóc Mai tôi có cảm tưởng như đang được tác giả chính miệng kể chuyện cho riêng mình tôi nghe. Nó gần gũi lắm. Tôi nói gần gũi vì bóng dáng của một đồng môn Thiếu Sinh Quân tên Vũ. Nhân vật Vũ lúc ẩn lúc hiện có khi chỉ trong vài dòng, có khi vài trang, cuối cùng rồi máu Vũ đã tô thắm màu cờ sắc áo của binh chủng Thiếu Sinh Quân.

Tất cả các nhân vật trong Tóc Mai đều có một cuộc tình éo le trong thời chiến loạn và cũng kết thúc éo le như cuôc chiến. Truyện dài Tóc Mai đã được tác giả bố cục một cách khéo léo, móc nối nhau thật hay. Càng đọc Tóc Mai tôi càng thấy bị lôi cuốn. Xin mời các bạn cùng vhp.Hạ Vũ vào truyện.


nvs.Vũ Thụy
(Cựu Thiếu Sinh Quân 1046)



Chúc Mừng Tác Giả

"Truyện viết lôi cuốn sự tò mò của người đọc. Nhân vật chính của truyện là Hồng, một cô gái xa gia đình - có thể nói - dặm trường, xuất thân từ một gia đình nền nếp bước vào đời rối rắm lắm tình yêu.
Đối diện với tình yêu, Hồng không cao ngạo. Nàng chia xẻ tình yêu với tất cả mọi người quan tâm. Tuy nhiên, Hồng không phải là người "dễ tính, ba phải" để rồi về sau có thể bị đánh giá là "lừa gạt", không thật lòng. Cách xử sự của Hồng rất khôn ngoan. Nàng dùng lý trí, tình cảm và "kiến thức" về tình yêu tiếp thu được từ những bậc làm mẹ, làm dì, những bậc làm cô, làm chị mà đáp lại mỗi người tỏ tình (dù chỉ là tỏ tình thầm kín) bằng tình cảm, thái độ, cử chỉ khác nhau, người thì được đáp lại ít (sợi ngắn), người thì được đáp lại nhiều (sợi dài). Nhờ thế, không ai phải thất vọng ê chề, không ai phải cảm thấy mình bị "hạ thấp giá trị," không ai phải mang mặc cảm rồi tránh mặt nàng ở giai đoạn sau của cuộc đời. Cái khéo xử sự của Hồng là chỗ ấy.
Truyện còn viết về tình nghĩa giữa người và người. Cái quan niệm "ăn xổi ở thì," "tắm buổi nào buột mặt buổi ấy" hoàn toàn xa lạ với Hồng. Bằng chứng là nàng gặp Quang trong lúc Quang đang "huy hoàng" thì nàng không thể quên Quang trong lúc Quang khốn khổ. Nàng lo lắng, thông cảm cho Xuân, vì Xuân và nàng có cái nghĩa vợ chồng với hai mặt con. Nàng nhận và nuôi dạy Đông - con riêng của Xuân - với tình từ mẫu và nàng cũng được Đông đáp trả với tình cảm trìu mến như mẹ đẻ.
Truyện viết, đối với người ra đời sau, sẽ còn có giá trị về mặt thời sự, về mặt xã hội. Độc giả không những theo dõi những chuyện tình éo le mà còn nắm bắt được thời cuộc, tình hình đất nước, tình hình xã hội, thân phận "đáng thương" của một thế hệ thanh niên dù nam hay nữ trong một giai đoạn lịch sử.
Truyện kể vừa cay đắng, vừa ngọt ngào, vừa xót xa, vừa thân ái. Xét trong từng trường hợp, các nhân vật đã sống đúng theo cách tốt nhất có thể chọn được. Trong yêu đương, không ai đi quá đà, như thường thấy trong những truyện tình thời nay. Điều đó có thể suy đoán như sau: Về mặt khách quan, cô Hồng may mắn chỉ gặp những trải nghiệm "chừng mực," về mặt chủ quan, nhân vật chính này thấm nhuần luân thường đạo lý tiếp thu từ gia đình và trường học - Viện Hán Học Huế. Vì vậy, truyện mặc nhiên mang tham vọng "văn dĩ tải đạo".

Chúc mừng tác giả đã có một truyện đầu tay hay ...

Hoàng Đằng


Cảm Nghĩ Sau Khi Đọc Tóc Mai

Của Nhạc Sĩ Huỳnh Trọng Tâm

TÓC MAI đã đưa tôi về khung trời quá khứ, với tâm tư muôn lối ngỡ ngàng, với tình cảm bàng hoàng quay quắt không nguôi của một thời tao loạn, với tiếng máy bay trực thăng, tiếng pháo kích, với hình ảnh nhà xác, poncho còn rõ nét tưởng chừng như mới hôm qua.
Là một người lính quân y, tôi ra đơn vị vào những tháng ngày dầu sôi lửa bỏng : Mùa Hè Đỏ Lửa.
Đã từng với đồng đội khiêng poncho gói xác các anh hùng hy sinh vì Tổ Quốc chuyễn xuống từ phi cơ. Đã từng nghe tiếng khóc nức nở, nhìn những giọt nước mắt tuôn rơi trên quan tài phủ kín màu cờ. Đã đêm từng đêm ôm súng dưới giao thông hào, ngước mặt nhìn trời để rồi :

Bâng khuâng lòng rỗng tay sờ tóc
Đạn nổ lưng trời, vai ướt trăng.

Tôi cũng có cùng chung ý nghĩ như anh Quang, anh Đông, anh Hưng :

Chúng mình đi mang theo trời dĩ vãng
Cả quê hương sầu hận chất trên đầu
Xa hết bà con, chỉ cỏn bè bạn
Từng thương đau nên biết mến thương nhau.

Từ buổi quê hương chiến trường réo gọi
Chúng mình đi là hiến cả tuổi xuân
Khi bếp ấm máu hồng rơi tắt lửa
Vạn hồn oan nhớ Tết khóc vang rừng.
Trích từ nhạc phẩm : GỌI XUÂN VỀ
của Huỳnh Trọng Tâm

Và cũng như sư huynh Lữ, yêu mà không dám nói, chỉ lặng lẽ nhìn theo tà áo em bay dưới nắng sân trường:

Vạt áo em dài bên cửa lớp
Mắt nai chưa nhuốm bụi xanh hồng
Guốc khua chợt vấp làm tim mẻ
Dù nắng sân trường trong rất trong.
Trích từ nhạc phẩm: NẮNG HẠ TRƯỜNG XƯA
của Huỳnh Trọng Tâm

Là một trong những cô gái thời chinh chiến , Hồng đã ôm trọn mối tình thầm kín lớn dần trong tim, ngày tháng nhìn quê hương nhỏ lệ, thay nụ cười bắng ánh mắt sầu thương; Để rồi :

Người ta yêu không về như ước hẹn
Trái sầu đau trùm kín cả hồn hoang.
Người ta yêu chôn đời trong lửa đạn
Một chiều Thu tan tác giấc mơ vàng.
(Trích từ nhạc phẩm HOANG LỘ MÙA THU
của Huỳnh Trọng Tâm)

TÓC MAI không quá 200 trang nhưng đã diễn tả trọn vẹn nỗi niềm của tuổi trẻ Miền Nam thời chinh chiến., như một cuốn phim với những tâm tư tình cảm của người Việt tha hương.
Cùng với hơn 2 triệu người dân Việt đang lạc loài khắp nơi trên thế giới, TÓC MAI đã có chung một niềm đau, cái đau của người mất nước, cùng chung một nỗi buồn, cái buồn của kẻ tha hương. 38 năm qua, cái hận quốc phá gia vong vẫn còn chồng chất trong ta với niềm đau ngập hồn. Đọc TÓC MAI làm sao khỏi thấy lòng mình quặn đau mỗi khi nghĩ đến quê hương điêu tàn, một quê hương còn bỏ lại.

Huỳnh Trọng Tâm

tacgia