Chương 8
Chút nghĩa cũ càng
Mẹ Hồng đến chơi khi nàng đang lui cui dắt xe đạp ra cửa. Bà ngắm nghía nàng một hồi rồi nói:
- Bác Mười thấy con ốm nhom ốm nhách, sợ con bị bệnh lao phổi nên bác ấy bảo má khuyên con đi chụp hình phổi xem thế nào. Con phải ráng sống khỏe mạnh mà nuôi hai đứa nhỏ.
- Dạ, hôm nào rảnh con sẽ đi bác sĩ khám bệnh. Má cám ơn Bác Mười giùm con nghen. Hôm nay nếu má không bận chuyện gì, má ở chơi với hai cháu cho con ra chợ trời mua bán một lúc. Khi về, má nhớ bảo các cháu đóng cửa cài then kỹ lưỡng trước mặt má và nhắc chúng nó tuyệt đối không mở cửa cho bất cứ ai vào nhà, dù lạ hay quen cũng vậy.
Nói đến đó, Hồng nhìn quanh quất rồi nhỏ giọng:
- Má cũng nhớ đừng cho tụi nhỏ biết ba chúng nó vượt biên, cứ để chúng tưởng nhà con đi làm ăn xa. Con nít không biết giữ mồm miệng, nói hớ ra, e công an phường khóm biết được lại rắc rối.
- Má biết, con an tâm, cứ lo việc của con đi!
Đi được vài bước chợt Hồng dừng lại nói tiếp:
- Má chờ con một chút.
Hồng trở vào nhà lấy ít trụ sinh và những thuốc trị bệnh thông thường cùng một kí lô đường thẻ gói lại đưa cho mẹ mình và nói:
-Má đưa gói này cho bác Mười giùm con. Má bảo của con gởi anh Vũ gọi là “đáp lễ” mấy hũ mắm của ảnh hồi đó. Khi nào đi thăm nuôi ảnh bác đem giùm con và cho con nhắn ảnh hãy giữ gìn sức khỏe. Ảnh là Sĩ Quan Báo Chí đã viết nhiều bài Phóng Sự Chiến Trường rất chính xác, hào hùng, và cảm động về các trận chiến Mậu Thân Huế, Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị, Hạ Lào, Kontum Kiêu Hùng, Bình Long Anh Dũng... Những bài viết này được đưa lên báo, truyền hình, truyền thanh nên bọn Việt Cộng biết tên tuổi mặt mũi ảnh. Thế nào anh Vũ cũng bị tù “mút mùa Lệ Thủy” đó má! Không biết bác Mười thăm nuôi ảnh được bao lâu đây?
- Tội nghiệp! Thằng Vũ gan dạ, giỏi giang mà lại vô phước! Vợ nó đem đứa con vượt biển, nghe đâu đã có chồng khác rồi. Má còn nhớ ngày đám cưới con, nó gởi cho con một bài thơ buồn lắm. Vì không muốn con vướng bận quá khứ nên má cất, không đưa con đọc. Hôm nào má đưa lại con.
- Má ơi, mỗi người một hoàn cảnh, không ai vui trọn vẹn cả. Ngày xưa ảnh nổi tiếng, nhiều giai nhân vây quanh. Bây giờ thì… Luật bù trừ mà má. “Tài tình chi lắm cho Trời Đất ghen!” Bữa nào tiện, má đưa bài thơ đó cho con. Thôi con đi đây.
Hồng ra cửa, vui buồn lẫn lộn. Nàng hy vọng vài năm nữa Xuân có công ăn việc làm ổn định, khi ấy mấy mẹ con nàng không còn đói khát nữa. Nàng thương các con của nàng mấy năm nay thèm từng miếng thịt, miếng cá mà đau lòng. Hồng thì thầm, "Mẹ xin lỗi các con, mẹ đã tận lực. Thông cảm cho cha mẹ nghe các con." Hồng đang sống trong một xã hội mà mọi người phải đóng kịch khi ra đường hoặc tiếp xúc với nhau, niềm vui phải giấu kín, nỗi buồn càng giấu kỹ hơn. Đảng và Nhà Nước này đã tạo ra một xã hội đầy nghi kỵ. Những "Ông Bà Chủ" phải có bề ngoài rập khuôn tình cảm theo ý muốn của những "Đầy Tớ Nhân Dân." Hồng vừa đi vừa ca nhái theo bản nhạc Trầu Cau: "Ôi! Ta mừng, ta đi lang thang biết về đâu..." bỗng nàng nghe một giọng nói vói theo:
- Hồng! Hồng! Đi đâu đó? Chị Hai Cẩm Vân đây.
Hồng ngừng xe, ngoái cổ nhìn lại. Chị Hai Cẩm Vân, bà chị người dưng khác họ của nàng ngày xưa thân thiết như ruột thịt, đang vẫy tay lịa lịa ngoắt nàng. Có thể nói khi ấy chị là một người tri kỷ của nàng, vì bất cứ chuyện thầm kín nào Hồng không thể nói với ai được đều có thể kể với chị. Từ ngày ra trường, Hồng không gặp lại người chị này, chỉ thỉnh thoảng thư từ qua lại mà thôi, ngay cả đám cưới của hai người cũng không ai tham dự được của ai. Nàng biết tin chị kết hôn với một anh đồng nghiệp chung trường, rồi sau đó cả hai chuyển nhiệm sở tới Pleiku. Về phần Hồng, nàng nhận nhiệm sở ở các tỉnh Miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Mười lăm năm xa mặt, còn gì mừng vui hơn khi gặp lại nhau! Cả hai chị em vào một quán nước thưa khách chuyện trò. Sau khi thăm hỏi gia cảnh của nhau, hai người bắt đầu tâm sự chuyện thầm kín. Hồng hỏi:
- Chị có tin tức gì về anh Hai Đức hay không?
- Nghe nói anh ấy bị pháo kích chết hồi Mậu Thân 68 rồi.
- Tội nghiệp ảnh quá! Nếu hồi đó chị ưng ảnh thì thành quả phụ rồi.
- Lại ghép đôi bậy bạ nữa, cái tật ngày xưa không bỏ.
Nghe chị Hai Cẩm Vân rầy, Hồng lật đật nói:
- Thiệt ... em xin lỗi chị về những chuyện ngày xưa. Lúc đó em còn nhỏ, không biết gì nên có nhiều lần chỉ trích lắm điều về chuyện tình cảm riêng tư của chị. Bây giờ em mới biết mình hồ đồ quá đáng.
- Lỗi phải gì, bỏ qua đi. Cho tao hỏi nè, anh chàng Hưng của mi đâu?
- Tử trận lâu rồi, khỏi đi học Đại Hộc Máu. Khỏe!
- Còn anh chàng... tên gì quên mất rồi nhưng tặng mi sợi dây chuyền ra sao?
- Theo anh Hưng cũng lâu rồi.
- Sao buồn vậy. Hỏi tới ai cũng "vắng mặt" hết ráo. Còn anh chàng Quang, tại sao "đào kép" rã tuồng vậy? Ai bỏ ai? Lỗi tại ai?
Thay vì trả lời, Hồng hát khe khẻ:
- "Không phải tại anh, cũng không phải tại em. Tại trời xui khiến nên chúng mình chia ly." Thôi đừng nhắc lại buồn lắm chị ơi. Từ lâu lắm rồi "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi." Bây giờ người ta sống vui vẻ ở Miền Đất Hứa, nào có nhớ đến cố nhân này đang khổ như con chó đói bị nhốt trong củi sắt?
Chị Hai Cẩm Vân trợn mắt ngó Hồng rồi hỏi:
- Mi nói ai ở Miền Đất Hứa? Cánh bướm Trung Úy Quang của mi ngày xưa hả? "Em" lầm rồi... em ơi! Chàng của em đang ngồi gỡ... xin lỗi không phải ngồi, được ngồi là còn có phước, mà vừa "đốn tre đẵn gỗ trên ngàn" vừa đang gỡ cuốn lịch thứ sáu. Không biết còn bao nhiêu cuốn lịch phải gỡ nữa. Cấp bậc cuối cùng là Trung Tá Phi Đoàn Trưởng, “giặc lái cao cấp thứ dữ.” Em ơi, "cổ lai, "ngục trung" hề, kỷ nhân hồi!" (Chị sửa chữ "chinh chiến" thành "ngục trung" cho hợp hoàn cảnh). Mi thấy đó xưa nay bên Nga, bên Tàu, bên ta mấy ai ở tù Cộng Sản mà còn mạng để trở về.
Hồng nghe tin, choáng váng mặt mày, tai nàng lùng bùng, tim đập thình thịch như sắp vỡ. Một lúc sau lấy lại bình tĩnh, nàng hỏi:
- Tin chính xác không? Tại sao chị biết?
- Tao có hai đứa em đều là pilots. Một đứa là đàn em dưới quyền của anh ấy. Nó rành quá mà. Tụi nó cũng đang gỡ lịch ở núi rừng Miền Bắc, rét căm căm vào mùa Đông, nóng tóe lửa vào mùa Hạ.
Hồng ngập ngừng hỏi:
- Chị có biết anh Quang ở tù cải tạo nơi nào không? Có ở chung với các em của chị không?
- Không biết. Chúng nó chỉ biết rằng anh ta bám đơn vị tới cuối cùng và bị kẹt lại, thế thôi. Với cấp bậc này thì chỉ lấy rừng thiêng nước độc miền Thượng Du Bắc Việt làm nhà, không còn chỗ nào khác ...
Hồng không còn tâm trí đâu mà nói chuyện nữa nên cáo lỗi cùng chị, hai người trao đổi địa chỉ với nhau rồi chia tay.
2.
Trên đường về, Hồng cứ loanh quanh thắc mắc sao trong tay Quang có bao nhiêu chiếc máy bay mà chàng không đi, để giờ đây "ngậm một mối căm hờn trong củi sắt" (thơ Thế Lữ). Quang đã gặp nạn, vậy mà bấy lâu nay nàng cứ tưởng anh ta sống sung sướng, an lành nơi xứ người và trách anh ta bỏ quên nàng. Một cảm xúc vừa xót xa vừa thương yêu bỗng bùng dậy trong lòng nàng. Bao kỷ niệm nằm yên trong ký ức nhiều năm, nay lại trổi dậy, ập tràn tới. Hồng gắng sức ngăn chúng lại nhưng hoài công. Cái quá khứ đã bị nàng đẩy lùi vào sâu tận đáy lòng, chặn thêm hai tảng đá to là hai đứa con để cho nó đừng ngóc đầu dậy, bây giờ "cơn địa chấn" này đã đánh tung tất cả.
Hình ảnh và kỷ niệm với Quang bừng bừng sống dậy. Ánh mắt trìu mến của Quang nhìn Hồng ở quán nước chợ Đông Ba khi kéo ghế chặn gió cho nàng, nụ hôn nóng bỏng đầu đời nơi bờ sông Hậu Giang quê anh, những cử chỉ tinh tế của Quang hiện về không thiếu sót. In đậm nét trong trí Hồng là hình ảnh của Quang trong bộ quân phục oai hùng. Hồng nhớ hình ảnh tà áo dài của nàng lúc đi bên cạnh Quang bị cánh quạt trực thăng thổi bay quấn lấy anh trong những buổi chiều vàng nghiêng nắng ở sân bay Tây Lộc thật là đẹp, thật là nên thơ. Rất tiếc lúc đó mọi người bận lo lên máy bay, không ai có thì giờ rỗi rảnh nghĩ đến giây phút lãng mạn này để chụp một tấm hình kỷ niệm.
Về nhà, Hồng lục tìm những tấm hình cũ lúc Quang và nàng đi chơi chung xem lại. Hình ảnh và thư từ của Quang, nàng đã nhiều lần mang ra định đốt trước ngày vu quy, nhưng do một sức mạnh tiềm ẩn nào đó đã giữ tay nàng lại. Cuối cùng, Hồng cho chúng vào một hộp nhỏ, và cất kỹ trong ngăn tủ lưu trữ kỷ niệm gia đình ở nhà cha mẹ nàng cả chục năm hơn không hề đụng tới. Bây giờ bị một lực vô hình thúc đẩy, Hồng lấy chúng ra xem, nước mắt nhạt nhòa. Lạ thay, sao không có một tấm nào Quang và Hồng chụp chung cả? Phải chăng đó làm điềm báo trước hai người sẽ không thành đôi?
Nằm ngay ngắn dưới xấp hình ảnh kỷ niệm là những bức thư của Quang. Trên chồng thư là hai lá thư vô cùng quan trọng với nàng. Lá thứ nhất, nơi đầu trang Hồng đã giận hờn chú thích hai chữ thật to bằng mực đỏ: "Hứa lèo." Trong thư, nàng đóng khung và đánh ba dấu hỏi to tướng cũng bằng mực đỏ hai câu: "Anh muốn bàn với em một chuyện quan trọng. Hôm nào rảnh anh sẽ viết thư nói rõ với em." Tuy nhiên “hôm nào” đó không bao giờ tới. Bức thứ hai là lá thư tuyệt tình, Quang bảo nàng kiếm người chồng dân sự để có một gia đình hạnh phúc trọn đời. Hồng đã dùng bút đỏ viết ba chữ "bạc tình lang" rất to ở đầu trang. Hồng đã giận hờn trách móc Quang lắm lần nhưng cũng lắm lần nàng đã tha thứ và biện hộ cho anh, rồi nàng nhốt kỹ tất cả kỷ niệm vào tận đáy lòng mấy năm nay, sao bây giờ chúng lại trồi lên. Quên một người khó đến thế ư?
Đang chìm vào quá khứ với những kỷ niệm yêu thương, Hồng bật tỉnh mộng khi Thanh, đứa con trai nhỏ năm tuổi của nàng đến bên nũng nịu nói:
- Mẹ ơi, con mệt quá! Mẹ bồng con một lúc nghen.
Hồng nhấc con lên, hơi nóng của nó ập vào người nàng. Nàng vội cho con uống thuốc, rồi lấy khăn nhúng nước lạnh lau khắp thân hình ốm yếu của con và chườm nước đá trên trán nó cho hạ cơn sốt. Thời điểm này, bác sĩ không được mở phòng mạch tư nhân, bệnh viện thì đông như chợ búa vào ngày lễ hội. Hồng đành phải chờ đến chiều, khi vị bác sĩ ân nhân trong xóm về nhà, nàng sẽ đem con đến nhờ khám bệnh. Nhìn con nằm thở mệt mỏi, nàng vô cùng đau lòng.
Thanh đúng là chứng nhân của thời cuộc. Trước ngày mất nước Hồng có mang nó được năm tháng. Nàng sống trong hồi hộp lo âu theo vận nước điêu linh, cho nên tình thần và thể chất của Thanh bị ảnh hưởng nặng nề. Khi ra đời cơ thể của Thanh đã yếu ớt, lại thêm thiếu chăm sóc đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần nên nó đau ốm liên miên. Lúc đó, ngoài công việc chuyên môn ở trường của một nhà giáo, Hồng còn phải vừa học tập chính trị và nghiệp vụ tại cơ quan, tối về lại phải tham gia họp tổ dân phố và học tập chính trị ở địa phương. Nàng tay dắt đứa con gái nhỏ, tay bồng đứa con trai còn nằm ngửa đi họp tổ dân phố để học tập Chính Sách Nhà Nước Cách Mạng bất kể lúc đó nắng hay mưa. Ban ngày, khi đi dạy nàng gởi hai con cho hàng xóm. Vì thế, thì giờ nàng dành cho con không đủ theo nhu cầu của chúng. Với lương nhà giáo chết đói, Hồng phải chia xẻ cho chồng ở trong tù, trả công cho người giữ trẻ, ba mẹ con nàng không còn được bao nhiêu để sinh sống. Ba năm đầu đời của một đứa trẻ là ba năm vô cùng quan trọng cần được săn sóc đầy đủ về tinh thần lẫn thể chất để phát triển toàn diện. Hồng biết điều đó, nhưng nàng bất lực vì nó vượt quá khả năng của mình cho nên Thanh suy dinh dưỡng. Vào những năm đầu của “Thời Giải Phóng,” bác sĩ và nhà thuốc tây bị cấm hành nghề tư. May là trong xóm có một ông bác sĩ từ tâm khám bệnh miễn phí và còn trữ một số thuốc nên mạng con nàng được cứu nhưng di chứng của sự suy dinh dưỡng đầu đời là cơ thể của Thanh èo uột và đau ốm liên miên mỗi khi trái gió trở trời.
Hồng cất hình và thư vào tủ, trở về thực tại với đời sống cơ cực của mình. Sau khi đem bé Thanh đến vị bác sĩ ân nhân, nàng vét hết tiền mua “thuốc chui” cho con. Vào thời điểm đó ở Miền Nam người dân đã được cho phép nhận quà từ nước ngoài nên chuyện tìm “thuốc chui” không khó lắm, chỉ khó là làm sao có tiền mà thôi. Hôm sau, Hồng và cháu lớn tiếp tục “ăn chay" để người bệnh có tí cháo thịt và có thuốc men mà chống chọi với bệnh tật. Trong mấy ngày con nàng bệnh, quá khứ của Hồng lùi ra sau đứng im, đến khi con hết bệnh, nó lại xồng xộc vượt lên trước. Kỷ niệm cũ lại quay về, thêm hình ảnh tù đày nơi rừng thiêng nước độc lấn chiếm đầu óc nàng. Hình ảnh người chồng với viễn ảnh tươi sáng, nhưng nó không sáng nỗi trong tâm trí nàng mà mờ nhạt rồi chìm lĩm. Nàng nghe tiếng nói văng vẳng bên tai: "Hồng ơi là Hồng ! Mi đã có người chồng tử tế, hai đứa con xinh xắn ngoan ngoãn. Hãy quên những gì mình đã đánh mất, cố gắng giữ hạnh phúc đang ở trong tay. Con cá xẩy bao giờ cũng là con cá to. Mi biết không?" Đêm về trằn trọc không ngủ được, Hồng lấy bông gòn nhét tai, lấy gối úp lên mặt để dỗ giấc ngủ, nhưng nàng không làm sao ngăn được hình ảnh và giọng nói của Quang đi vào tim óc nàng. Nàng bị lương tri và tình cảm giằng xé tơi bời về đêm, đời sống bầm giập te tua tơi tả vào ban ngày. Nàng vốn gầy gò hốc hác, giờ càng thêm xanh xao vàng vọt vì mất ngủ. Chịu đựng hết nỗi, nàng đi tìm chị Hai Cẩm Vân.
Gặp Hồng, Cẩm Vân kêu lên thảng thốt:
-Này, mi bệnh gì vậy? Trông mi như xác chết biết đi.
Hồng nhìn chị lắc đầu nói trong nghẹn ngào:
- Cứu em, chị ơi!
- Sao? Chuyện gì? Chồng mi mới đi được mấy tháng đã có người khác, bỏ mi rồi hả?
Hồng lắc đầu, cố ghìm nước mắt. Cẩm Vân chăm chú nhìn nàng một chập rồi hỏi:
- Lại anh chàng Không Quân Quang hành hạ trái tim mi nữa chứ gì?
Không kềm chế nỗi xúc cảm được nữa, Hồng bật khóc. Cẩm Vân đưa cho nàng một chiếc khăn cũ, bảo vò xé đi cho hả cơn buồn phiền, rồi chị ngồi yên nhìn nàng. Một lúc sau, cơn xúc cảm lắng dịu, nàng buông thỏng một câu:
- Làm sao bây giờ hả chị?
- Còn biết làm sao! Không khéo mi chết bỏ con. Thôi thì viết thư hỏi thăm, coi như một người bạn cũ vậy. Không tình cầm sắt thì ra cầm kỳ cũng được.
- Bạn? Có thề làm bạn bè trong trường hợp này được không, chị?
- Được hay không là tùy nghị lực của mi. Ngày xưa mi kiên cường lắm mà, sao bây giờ yếu như sên vậy! Bộ xài hết nghị lực rổi sao? Viết thư thăm hỏi, khuyến khích nhau đi. Thư viết vào trại cải tạo còn nói được gì ngoài mấy câu khuôn mẫu: “Anh ơi, ráng học tập tốt, lao động tốt để được Cách Mạng khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình sớm. Ở nhà ai ai cũng hồ hỡi phấn khởi xây dựng đất nước giàu mạnh bằng mười năm xưa..." Như vậy có gì đâu mà áy náy? Dù chỉ là một bức thư "hô khẩu hiệu" nhưng nó cũng sẽ mang lại nhiều an ủi cho người trong tù.
Ngưng lại một chút chị nói tiếp:
- Chàng sẽ phấn chấn tinh thần vì hi vọng một ngày ra tù gặp lại người "Em năm xưa."
- Biết bao giờ mới ra tù?
Chị đáp:
- Mi không nghe thiên hạ đồn rùm rằng Mỹ đang tìm cách cứu đám tù cải tạo sao? Yên chí đi, không lâu đâu.
Nàng cũng nghe mấy tin đó nhưng không tin người Mỹ có trách nhiệm và lòng nhân đạo như vậy. Cẩm Vân còn nói nhiều điều nữa, hứa sẽ hỏi hai người em trong tù của chị và những người quen biết xem có Quang ở tù chung hay không để xin địa chỉ. Hồng thấy chuyện tìm địa chỉ kiểu này phải chờ đợi lâu lắm và hi vọng cũng rất mong manh. Thật là như tìm kim dưới đáy biển! Hồng biết Cẩm Vân hứa không ngoài mục đích câu giờ để nàng vượt qua cơn sốc và giúp nàng lên tinh thần để sống mà nuôi con trong khi chờ chồng định cư, ổn định cuộc sống. Dù sao đi nữa, sau khi trút nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai với chị rồi, Hồng cũng cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều. Khi Hồng ra về, Cẩm Vân gởi cho con nàng hai hộp sữa đặc có đường, cho hai Phiếu Gởi Quà vào trại cải tạo, và ghi cho nàng địa chỉ mua phiếu lậu này. “Cám ơn chị, người chị tốt của em,” Hồng thầm nói.
3.
Nghe lời Cẩm Vân, Hồng sẵn lòng viết một bức thư "hô khẩu hiệu" cho Quang, nhưng phải chờ Cẩm Vân tìm địa chỉ trước đã. Kiểu này, nếu may mắn tìm được, cũng phải mất thời gian nhiều tháng. Hồng lại phân vân, liệu anh có hồi âm cho nàng hay không? Năm xưa, nàng viết bao nhiêu thư cho anh mà như gởi cho gió mang đi vào không gian vô tận. Hồng tẩn mẩn đọc lại đống thư từ cũ và tìm được lá thư Quang mô tả địa điểm căn nhà của cha mẹ anh. Nàng sực nhớ mình đã từng cùng với Phương, người bạn đồng nghiệp thân thiết, đến ngôi nhà này rồi. Phương lại có người thân ở cùng thị xã với cha mẹ Quang. Nàng mừng rỡ vì hi vọng Phương có thể là người cứu tinh của mình. Kể từ năm 1975 Hồng không biết Phương đã lưu lạc nơi nào: về quê? di tản? hay vượt biển? Nàng lục tìm địa chỉ của Phương và viết cho bạn một lá thư với hi vọng mong manh người bạn này còn ở lại quê nhà sẽ hồi âm cho mình.
Hồng không phải chờ đợi lâu, một sáng Chúa Nhật Phương đột ngột bước vào nhà khi Hồng định ra chợ trời, mang theo một số trái cây tươi vườn nhà. Hồng bỏ buổi "phe phẩy" ở nhà tâm tình cùng bạn. Sau bao năm ăn độn bo bo, mì sợi, khoai sắn, rau cỏ... Hồng được thưởng thức lại hương vị ngon lành của các loại trái thông dụng và bình dân của Miền Nam. Hai đứa con nàng lần đầu mới biết tên của các loại trái cây này và hương vị của chúng ra sao.
Bao nhiêu chuyện xưa được hai người bạn cũ nhắc lại. Hồng biết được sau khi mình theo chồng thuyên chuyển đến nhiệm sở mới, Phương cũng rời Châu Đốc về Sài Gòn. Thầy Kim thất tình cũng xin đổi đi nơi khác và sau đó lập gia đình với một cô giáo ở nhiệm sở mới của thầy. Vì hai gia đình bất hòa với nhau nên chuyện hôn nhân của Phương và Lưu cứ bị trì hoản mãi cho đến ngày tàn cuộc chiến. Lưu ôm áo quần lên đường “đi bóc lịch” ở núi rừng Miền Bắc, Phương đổi nhiệm sở về lại quê Mỹ Tho. Sau một lúc thăm hỏi, Phương thắc mắc:
- Sao Hồng không vượt biên cùng với ông xã?
- Không tiền bạn ơi, vét sạch hồ bao, cộng với một số tiền vay mượn mới được một chỗ cho ổng đi đấy.
- Coi chừng xa mặt cách lòng đó nghen! Mau mau vọt theo đi. Còn nhớ anh Quang của mi không, xa mặt nên mất nhau đấy.
Nghe bạn nói, Hồng thở dài đáp:
- Chịu, ngoài khả năng! Cái gì thuộc về mình dù đi năm non bảy núi vẫn còn của mình. Nếu không phải thì đối diện cũng bất tương phùng.
- Bây giờ anh Quang đang ở đâu? Có di tản được không?
Hồng buồn rầu trả lời:
- Ở núi rừng Miền Bắc. Xin lỗi Phương nghen, đây chính là động lực khiến mình tìm lại địa chỉ và viết lá thư vừa rồi cho bạn đó.
Không chờ phản ứng của bạn, Hồng nói tiếp:
- Mình muốn viết thư thăm hỏi và an ủi anh ấy, Phương thấy có được không?
- Sao không được? Hãy lập một lằn ranh và đừng vượt qua ranh giới đó thì không sao cả. Không duyên nợ vợ chồng thì duyên nợ bè bạn cũng được, cớ sao lại coi như người lạ "gặp nhau ghé nón, chạm vai, chẳng chào?”
- Như Phương biết đó, ngày xưa thư của mình có đi mà không có về. Bây giờ bỏ công tìm kiếm địa chỉ rồi viết thư, liệu có phí công không?
- Ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa anh chàng quyền cao chức trọng nhưng vì bi quan với cuộc sống của mình cho nên đi tìm quên, rồi mắc kẹt trong cái bẫy rập trăng hoa, đành phụ "em gái hậu phương." Bây giờ anh ấy đang ở đáy vực, mi giơ tay tiếp sức vớt lên thì hãy suy nghĩ xem, anh ta sẽ vui sướng đến mức nào? Theo mình thì trong hoàn cảnh này, lắm kẻ bị người yêu, ngay cả vợ quay mặt, ngâm câu: "Anh đi đường anh (trong rừng già âm u), em đi đường em (trên đại lộ thênh thang), tình nghĩa đôi ta... thôi thì thôi nhé... có ngần ấy thôi," vậy mà chàng của mi được người "em gái năm xưa" vẫn còn nhớ tình nhớ nghĩa viết thư thăm hỏi thì có cảm động không? Mình mà rơi vào hoàn cảnh đó thì sẽ khóc lên vì sung sướng, khóc vì ân hận, và sẽ mất ăn, mất ngủ, sẽ yêu người "em gái hậu phương" này vô cùng tận. Yên chí đi, lần này mi sẽ có hồi âm.
- Vậy thì phải có bàn tay của Phương nhúng vào mới thực hiện được.
- Giúp thế nào? Cố vấn viết thư hả? Xin chị tha cho… em!
Hồng cãi chính:
- Không. Tìm giùm địa chỉ thôi. Phương có nhớ ngôi nhà ngói đỏ ở khúc Đèn Bốn Ngọn không? Phương nhờ người nhà tới đó xin địa chỉ giùm, được không?
- Tưởng chuyện gì khó. Tuần tới mình có chuyện cần phải về Long Xuyên lo một số việc trước khi đi Úc, đích thân mình đi lấy địa chỉ cho Hồng, không cần phải nhờ ai cả. Nhớ đón thư.
- Đi Úc định cư hay đi du lịch vậy?
Phương tâm sự:
- Anh Ba mình bảo lãnh sang chơi vài tháng. Nếu thuận tiện, mình sẽ tìm cách ở lại.
- Tốt quá, chúc bạn thành công. Nhớ đừng quên bạn bè nghe.
- Yên tâm, sẽ giữ liên lạc. Mình sẽ lo xong việc bạn nhờ trước khi đi mà.
Được bạn tích cực giúp đỡ, Hồng viết trước một bức thư "hô khẩu hiệu" đúng theo chủ trương, chính sách của "Nhà Nước Cách Mạng" để gửi cho Quang ngay khi nhận được địa chỉ. Nàng nhuần nhuyễn chính sách lắm rồi, nên không sợ thư bị cán bộ trại kiểm duyệt liệng thùng rác, chỉ sợ rủi ro là khi thơ tới nơi Quang đã bị đổi đi trại khác thôi. Trong thư, phần nói về mình Hồng viết bằng những ẩn dụ. Không lâu sau đó, nàng nhận được thư Phương có địa chỉ của Quang, mới biết anh đang ở trại cãi tạo Vĩnh Phú.
Hồng liền gởi bức thư đi và mong đợi hồi âm từng ngày giống như ngày xưa nàng đã từng chờ thư của Quang. Nàng phân vân không biết Quang có cảm nhận được tấm lòng của nàng ẩn trong lá thư "hô khẩu hiệu" chán phèo đó hay không? Ở trại tù không phải muốn viết thư lúc nào cũng được, khoảng một hoặc hai tháng mới được phép viết một lần, còn có nạn bị cúp thư nếu phạm nội quy. Liệu Quang có hi sinh một lá thư gửi cho gia đình để hồi âm thư của Hồng không? Lá thư hồi âm này là thước đo tình cảm của Quang đối với Hồng. Nếu Quang hồi âm có nghĩa là trong lòng anh còn có nàng và nàng cũng không nhẹ ký lắm. Nàng đếm lịch hằng ngày: từ một ngày, hai ngày… tới một tháng rồi hai tháng... Hi vọng trong lòng Hồng tỉ lệ nghịch với thời gian...