banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

  KÝ ỨC SƠ SÀI 

   KỲ HAI

Suốt khóa học, chúng tôi thực tập tại các trường trung học Sài gòn, nhiều nhất tại trường kiểu mẫu Thủ đức. Nếu tôi nhớ không lầm thì mỗi người dạy đâu chưa tới mươi lần.
Chúng tôi không đến nỗi tuân thủ năm bước lên lớp nghiêm nhặt như thời sau này, bài soạn, tức giáo án, không cần phải đưa thầy “duyệt”. Giáo án, chao ôi, tôi khiếp nó quá (nội từ giáo án thôi đã thấy nghiêm trọng rồi, nói bài soạn bộ chưa đủ nghĩa sao? Cũng như em chọn “phương án” nào thay vì câu trả lời nào, chắc nói phương án nghe oai hơn, hay chữ hơn) .
Năm 1980, tôi về dạy tại một trường trung học chuyên nghiệp, tôi mất “lao động tiên tiến”, chết lên chết xuống vì nó, ông tổ trưởng ngữ văn người bắc, hình như là bộ đội chuyển ngành, luôn tổ chức thi “giáo án tốt”, soạn năm bảy trang với đủ thứ câu hỏi, ghi rõ cả câu trả lời của học sinh (dự kiến!) mũi tên chỉ qua chỉ lại, dạy theo đó phải mất ít ra gấp đôi số giờ qui định, tôi thắc mắc thì ông bảo thi soạn giáo án tốt là một hoạt động khác, không phải để áp dụng 100% khi dạy. Tôi ngờ chuyện này là sáng kiến riêng của ông tổ trưởng chứ làm gì mà thi đua kiểu kỳ cục, cốt hành hạ giáo viên chứ ích gì đâu, nhất là nội dung những giáo án đó được chép từ sách hướng dẫn giảng dạy, có ai dám dạy cái gì khác.

Quả thật, khác nhau lắm. Ngày trước, trong thời gian thực tập, chúng tôi cũng chỉ cần viết một plan détaillé cho riêng mình, nhiều khi soạn một đường vào lớp dạy một nẻo theo ý tưởng mới nảy sinh. Xong đâu đó, giáo sư hướng dẫn mới chỉ ra những điểm hay dở, một cách nhẹ nhàng. Cho nên được đi thực tập, ai cũng vui vẻ, hào hứng. Sách giáo khoa thì có cả mấy chục tác giả, chẳng phải pháp lệnh pháp liếc gì cả, ai muốn dùng sách của ai tùy ý, chẳng qua đó chỉ là những độc bản mà thôi. Một hôm, tôi dạy bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, Gia định (Một mai, một cuốc, một cần câu...), tôi có nói với học sinh sự tiến triển của câu thơ Nôm, về hình thức, từ Trê cóc, Lục súc tranh công... đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là cả một bước tiến dài. Câu thơ chữ Nôm đã nhẹ nhàng, trong sáng lắm, so với ngày nay cũng không khác bao nhiêu. Cuối giờ, để “củng cố” bài dạy, tôi hỏi ý kiến, một nữ sinh nói rằng cô thấy thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều chỗ tứ thơ dễ dãi, lời hơi ngô nghê. Tôi nói phải trả những bài thơ đó vào thời điểm sáng tác cách nay đã năm sáu thế kỷ để đánh giá, đừng so sánh với thơ bây giờ theo từng lời từng ý. Tôi nghĩ bụng chắc cô này con nhà nòi văn chương thơ phú đây. Cao hứng và coi bộ dư giờ, tôi liền đọc cho cả lớp nghe mấy câu thơ của một tác giả trẻ vừa đăng báo Văn của Trần Phong Giao.

(ỨNG CHIẾN, đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm của Chinh Yên)
Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
Tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ
Huống hồ trên dưới mấy trăm năm

Hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
Máng đầu giường chạm gió kêu khan

Hiền sĩ có cây già tựa gối
Có chim ngàn ở ẩn chia vui
Tôi có gì đâu ngoài nón trận
Tránh đạn bom nhờ chút hên xui

Hiền sĩ nhẹ tênh đường danh lợi
Tôi ngược xuôi mòn nẻo phù sinh
Đôi khi cũng muốn như người trước
Xem đời như một giấc mơ tan.

Tôi nói đoạn thơ đó chỉ có “chốn ba quân” có vẻ cổ, ngoài ra làm sao bắt người xưa nói theo kiểu như “ngắm nghía đỡ buồn”, “nhờ chút hên xui”, “mòn nẻo phù sinh”... Cả lớp cười nhưng tôi không kịp thấy thầy Lưu Khôn phản ứng ra sao, tôi hơi lo vì mình “liên hệ” hơi xa. Nhưng lúc lên xe trở về, thầy nói “Anh dạy được”. Một chuyện về sách vở, giảng dạy, tôi chưa quên.
Cùng thời điểm này, tôi được dạy giờ tại trường trung học tư thục Thánh Mẫu, Gia định của linh mục Nẫm, (tôi quên họ của cha). Chỉ là sinh viên, tôi được xếp dạy lớp Đệ thất, Đệ lục. Một hôm, tôi chép lên bảng bài văn xuôi mình được học từ năm lớp Đệ thất, nguyên văn... theo trí nhớ như sau:
NHÀNH LÚA MỚI
Tôi tới một miền quê kề bên trận địa vào một buổi chiều hoe nắng.
Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông dân cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm, không thấy một bóng người, khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau, tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng ban mai, đố ai biết có gì đổi khác? Nhìn vào thôn xóm, vẫn không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm nhưng dải đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ đến bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên dải đồng rộng mênh mông. Trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát, trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên khắp đô thành và làng mạc, thì ở đây, người nông dân Việt nam vẫn thản nhiên gieo nguồn sống.
Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trỗi dậy, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc.
Vô Danh.


Lúc đó cha Nẫm đi ngoài hành lang, cha nhìn bảng đen, dừng lại đọc chừng mấy giây rồi đi về văn phòng. Giờ ra chơi, cha ghé phòng giáo sư ngồi nói chuyện với vài vị khác (hồi đó gọi thầy dạy bậc trung học là giáo sư trung học), làm như luôn tiện, cha tế nhị hỏi tôi bài dạy đó ở đâu, sao lại tác giả Vô Danh. Tôi trả lời bài đó tôi được học từ nhỏ, có trong sách giáo khoa, còn Vô Danh, theo ý tôi, chắc là người sao lục tránh nêu tên tác giả miền bắc chăng, có lẽ bài hay nên họ cứ trích cho học. Cha hiệu trưởng gật đầu, không nói gì thêm. Tôi nghĩ mình cũng đa sự, dạy bài đó làm gì để cha bận tâm, có khi năm tới không được mời dạy tiếp. Thế nhưng không, trước hè, cha giao cho tôi thời khóa biểu lớp cao hơn và nhiều giờ hơn. Tôi dạy ở đó cho tới lúc ra trường sư phạm, phải rời Sài gòn về dạy trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch giá. Tôi vào từ giả linh mục Nẫm, dẫn Đào Hiếu theo giới thiệu để anh thế chỗ. Hình như Đào Hiếu cũng không dạy được lâu, vì anh bị bắt trong vụ Huỳnh Tấn Mẫm chứ không phải tại nhà trường từ chối.
Trở lại chuyện bài văn xuôi nói trên, vì giá trị nghệ thuật cao của nó, (lời văn bóng bẩy, từ láy gợi hình, câu suông sẻ đầy nhạc điệu, ý hàm súc, tình yêu nước bày tỏ cách kín đáo nhưng thiết tha, đoạn kết so sánh tuyệt vời...) nên tôi nhớ nó suốt đời.
Tâm hồn trẻ thơ thế hệ chúng tôi được dưỡng nuôi bằng những bài văn như vậy, văn xuôi của Xuân Diệu (Phấn thông vàng, Trường ca), của Đinh Gia Trinh (Hoa súng, Một cảnh chùa...), đoạn tả buổi sáng mùa xuân tràn nắng mới của Bùi Hiển trong cuốn Nằm vạ là một đoạn tuyệt bút. Không cần gì nội dung phải thiết thực, phải “gắn liền” với cái này cái nọ. Chỉ cần văn hay, lời đẹp để nuôi dưỡng mỹ cảm nơi trẻ thơ, rèn luyện trực giác nơi tâm hồn chúng. Cái hay, cái đẹp cũng chính là cái tốt và đạo đức đó thôi.
Chúng tôi cũng đã học văn xuôi của nhiều tác giả khác phần lớn đều ở lại đất bắc, người ta không nề hà gì mà không sao lục cho học sinh học. Sau này, tôi có dịp hỏi mấy anh chị giáo viên người bắc dạy cùng trường về tác giả bài văn trên nhưng không ai biết. Càng ngạc nhiên hơn khi họ chưa hề đọc qua những bài chúng tôi đã học. Sách ngữ pháp thì đồ sộ mà dẫn chứng toàn danh ngôn của các lãnh tụ chính trị, còn văn thơ minh họa phần nhiều là dở, (ngoại trừ ông Cao Xuân Hạo, khi phải minh họa các qui tắc ngữ pháp, bao giờ ông cũng dẫn lời nói phổ biến nhất trong dân gian). Tôi có dịp hỏi học sinh được chọn giỏi văn lớp 5 của thành phố thử cho biết bài thơ bài văn nào em thấy hay nhất và đã thuộc lòng, kết quả là không. Các em đã không nhớ bài nào trong sách giáo khoa. Buồn chưa! (trong khi phải học thuộc lòng các bài văn mẫu kinh hoàng soạn cẩu thả tràn ngập trong mấy quyển tập làm văn – có dịp tôi xin “khảo sát” vài bài để quí bạn đọc chơi).
Một chuyện oái oăm dạy cho tôi bài học đích đáng về việc “tìm tòi” trong giảng dạy. Tôi vốn phụ trách phần giáo trình hướng dẫn giáo sinh dạy bài tác văn cho học sinh tiểu học. Dạy phần này đỡ lắm, khỏi giảng văn theo sách quá máy móc chặt chẽ, nhưng rồi cũng có chuyện. Một hôm, tôi đem bài văn xuôi trên ra minh họa về cách dàn ý bài văn theo trình tự thời gian, tôi đọc qua theo trí nhớ để dẫn chứng. Tôi tưởng vậy là ngon lành, ít nhất tiết dạy cũng “đạt yêu cầu”, nhưng không, người ta đem bài dạy ra mổ xẻ, hỏi tôi bài trích ở đâu, tác giả là ai (vô phước cho tôi, tác giả thì...vô danh, trích thì từ trí nhớ!) Nhờ nội dung “tích cực” của nó nên tôi được bỏ qua nhưng khuyến cáo không bao giờ được trích dẫn cái gì không minh bạch, không nguồn gốc, nhất là không được dạy cái gì ngoài sách giáo khoa. Người ta bảo thiếu gì bài trong sách hướng dẫn giảng dạy mà phải tìm ở đâu cho xa xôi để dẫn chứng(!). Tôi ngồi thẫn thờ nghe góp ý, buồn bã ngó ra ngoài tìm một chút thiên nhiên. Đầu mùa mưa Sài gòn, gió mang theo hơi nước thổi tung những trái dầu cánh mỏng bay lao xao, rộn rã như đám chuồn chuồn, bông điệp cánh vàng tàn úa rụng đầy một góc sân, nhìn lên nóc chuông nhà nguyện, thấy lũ dơi bắt đầu bay loạn trời chiều, tự nhiên nhớ tới cha Nẫm ngày trước, lòng bỗng rưng rưng. Chiều đó ra về, ghé bệnh viện nhi đồng (xưa là Grall) thăm con trai tôi đang bị bệnh phổi ngặt nghèo. Đứng dưới mái hiên bệnh viện, nhìn mưa rơi trắng xóa trên hàng cây cổ thụ. "Mưa như xưa xối khôn cầm, réo um gió bạt nhòe câm bóng hình" (Thanh Tâm Tuyền). Tôi cay đắng nhận ra mình yếu hèn cùng tận, khiếp sợ cuộc đời quá đáng, yếu đuối trong xử thế, bất lực trong mưu sinh, không dám bắt chước bạn bè ra chợ trời bán thuốc tây, làm kem đánh răng bạc hà, dầu gội đầu bồ kết (láo), bỏ mối café...

Nghĩ lại và so sánh, không thể không thừa nhận văn học, giáo dục ngày trước có cái gì phóng khoáng, thoải mái lắm. Hiệu trưởng chỉ là người phụ trách về hành chánh, không có quyền gì về chuyên môn, không bao giờ được can thiệp vào việc dạy của người khác, muốn vào lớp nói gì với học sinh phải xin phép người đang dạy, không được quyền “dự giờ” ai hết, quyền hành còn thua xa ông tổ trưởng chuyên môn thời nay. Trường đại học sư phạm chịu trách nhiệm hoàn toàn về năng lực người thầy. Họ đã cho thi tuyển (năm tôi thi, hình như gần ngàn thí sinh, lấy đậu 30), kiểm tra hằng năm, cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp. Tự tin vào chương trình, lịch trình đào tạo của mình, tin vào người thầy mình đã rèn luyện, không việc gì phải kiểm tra lại, cũng không nhờ ông nào bà nào ở trường phổ thông kiểm tra, kiểm soát hộ. Đó thiết thực là tôn trọng thầy. Người thầy hoàn toàn độc lập trong giảng dạy, không hề bị bất cứ thứ stress nào từ người quản lý. Học sinh đậu tú tài bao nhiêu, nhiều ít là do năm này năm khác, lớp giỏi lớp dở, thầy không bị qui trách, không nghe nói từ “thành tích” bao giờ. Dạy dở thì...trường tư không mời dạy, rán chịu. Chữ nghĩa cũng là thị trường tự do, không có định hướng gì hết. Không có chuyện ông thầy năm nào cũng chiến sĩ thi đua nhưng học sinh xầm xì thầy dạy chỉ đọc chép, buồn ngủ muốn chết. Không nói nhưng người ta làm, người ta hành xử cách nào để thầy được tôn trọng đúng mức. Không bao giờ có cái trò tổ chức dự giờ bất nhơn như sau này.
Dự giờ là một trong những hoạt động tai hại chỉ tổ làm hạ giá tư cách giáo viên, theo suy nghĩ và quan sát chủ quan của tôi. Học sinh lớp một cũng dư nhận ra những chuẩn bị, sắp đặt thiếu ngay thật của thầy cô. Dần dần trẻ em từ lớp một tới học sinh cấp ba thấy chuyện đó tự nhiên như lửa thì phải nóng vậy thôi. Đoàn dự giờ vừa ra khỏi lớp, thầy trò nhìn nhau cười như đồng lõa, thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát nạn và đạt thắng lợi. Không gì tàn phá con người bằng quen thân với dối trá. Ai ơi, nỡ lòng nào “xây dựng cơ ngơi trên sự tàn phá con người”. Nói dự giờ để giúp nhau tiến bộ e chỉ là mục đích cao đẹp, chưa bao giờ đạt được, và không bao giờ đạt được. Nói dự giờ để đánh giá năng lực giáo viên e cũng lầm lẫn, đâu cần nhiêu khê như vậy mới biết khả năng thầy. Cứ hỏi học sinh thôi là đủ. Một vài em còn nói sai chứ bốn năm chục em thì không thể nghi ngờ. Tôi đã hơn một lần nghe ông tổ trưởng trường trung học chuyên nghiệp nói trên bảo, một tiết dạy, ông có thể đánh giá dạy tốt với đầy đủ dẫn chứng, và ngược lại, cũng tiết đó, ông đánh giá tiết dạy yếu cũng đầy đủ chứng cớ!

Xét giáo án thầy, kiểm tra chuyên môn thầy, dự giờ thầy... dần dần tạo nên hình ảnh ông thầy thật thảm hại dưới mắt học sinh. Thảm hại không kém gì đói cơm rách áo. Triển lãm thời bao cấp, chế nhạo thời bao cấp, cười cợt thời bao cấp, bảo đó là những kinh nghiệm đắng cay, tiếc mãi cho một thời mù quáng, sao chưa một lần nhìn lại xem ích lợi tới đâu của việc dự giờ thường trực, tràn lan. Đọc báo thấy nói ông bộ trưởng, ông giám đốc không thể đến chỗ này chỗ kia vì đang bận dự giờ, tôi không khỏi nén một tiếng thở dài.

Nguyễn Khiêm