banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

KÝ ỨC SƠ SÀI

  KỲ MƯỜI LĂM

Tôi được gặp anh Thanh Tâm Tuyền tại nhà anh Tô Thùy Yên lần đầu đâu khoảng năm 85, 86. Lối dẫn vào nhà Tô thi hào có ngõ trúc mát rượi, hàng rào chè tàu quanh co, buổi chiều tối dế gáy rộn vang. Chắc là quê nhà ghi dấu trong thơ anh không ít, mỗi lúc qua đây không quên được những câu thơ của anh như:

Cây yên, cỏ lặng, trăng thiu ngủ.
Giường cũ, nằm nghe tiếng dế khuya.
(Lão Trượng)

Đêm tối êm ru lời thủ thỉ,
Bên hè có tiếng dế ca ran.
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu,
Mọc lại cho ta buổi xế tàn.
(Hề ta trở lại gian nhà cỏ)

Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải,
Hành nhân về bên giếng quê nhà.
Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
(Chim kêu bãi quạnh)

 

Gò vấp hồi đó còn sót chút nét quê giống hệt xóm làng vùng đất cát pha dọc sông Thu bồn ngoài Quảng, chắc vì vậy mà Bùi Giáng hay lang thang ăn đường ngủ chợ vùng này hẳn để đỡ nhớ về “cố quận”. Bữa đó có anh Nguyễn Xuân Thiệp, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Thanh Châu…Tôi ngồi im dựa cột nghe mấy anh nói về cuốn Antimémoire của Malraux, Thanh Tâm Tuyền còn đọc bản dịch của anh bài thơ Aux Arbres của Yves Bonnefoy, nghe đã lắm.

Mấy bữa sau, anh kêu tôi xuống nhà anh uống café sáng, ăn mỗi người nửa mẩu bánh mì Kinh đô mềm, hơi ngọt. Anh chép cho tôi bản dịch bài thơ Aux Arbres, mấy bài dịch thơ Emily Dickinson, bài lục bát "Trú mưa trên phố Hòa Hưng" mênh mang một niềm u uẩn. Thời gian dài về sau, cứ bốn năm bữa tôi tới anh uống café sáng một lần, coi bộ anh thích thứ bánh mì đó dùng với café nóng. Hạng tôi chẳng phải bạn anh trước kia nhưng chắc vì đi tù về, bằng hữu tan lạc, trong quạnh vắng anh cũng cần người chuyện trò văn thơ chữ nghĩa tàm tạm cho qua tháng ngày tẻ nhạt. Đề cập tới Phan Khôi, tôi thấy anh chỉ chú ý tới con người học giả, con người phản kháng thời cuộc mà ít quan tâm tới con người văn nghệ của cụ, tôi đưa anh mượn cuốn Chương Dân Thi Thoại có lời đề tặng cùng chữ ký của cụ Phan tặng ông dượng tôi. Vài bữa sau, anh đạp xe lên nhà tôi ở Phú nhuận, nói chuyện nhiều về quyển sách mỏng nọ. Anh bảo đọc cuốn đó thú vị không ngờ. Anh có vẻ đồng ý rằng tài thơ của Phan Khôi chưa chắc kém gì Tản Đà nhưng hồi đó cái bóng Tản Đà quá lớn nên Phan Khôi né. (Chính cụ có lần nói thẳng hãy dang ra cho Tản Đà tiên sinh đi mà!). Anh phục lối diễn đạt bằng một thứ tiếng Việt mới mẻ vượt thời đại khi Phan Khôi dịch thơ Tàu, cười thích thú khi biết cụ còn dịch cả thơ Tây nữa. Tôi nói với anh chính cụ Phan dịch mấy chương thi ca cổ Do Thái không chỗ chê như Châm Ngôn, Thi Thiên, Nhã Ca… trong Kinh Thánh của Hội Tin Lành. Anh đặc biệt thích hai bài bát cú Phan Khôi dịch từ cuốn Tùy Viên Thi Thoại. Tôi xin chép luôn ra đây, độc giả nào chưa có dịp, xin đọc cho vui.

Cùng Vợ Nhà Ngắm Hoa Mẫu Đơn
Dưới hoa người về, con cái reo,
Vợ già đem rượu thách thơ nghèo.
Nói rằng hôm trước hoa vừa nở,
So với năm kia nhánh lại nhiều.
Hương sắc ban đêm nhìn vẫn đẹp,
Gió mưa cơn sáng chịu làm sao!
Phải chi về sớm ba ngày trước,
Hàm tiếu coi còn thích biết bao!

Chúc Thọ Vợ Nhà
Vất vả vườn quê hai chục thu,
Ra tay rau cháo đỡ đần nhau.
Ngày không giờ rảnh hòng soi kiếng,
Năm mất mùa luôn đến bạc đầu.
Én liệng cửa ngoài hơi biển lạnh,
Nhà như xuồng nhỏ bóng khe chao.
Chúc mình mà tớ không mua rượu,
Vẫn cứ chìa tay: mẹ nó nào!

Theo lời cụ, hai bài này cụ phải dịch năm đêm trường và làm xong thì phát ngán vì thấy vô ích nhưng anh có cảm tưởng cụ dịch dễ dàng, mạch thơ trôi tuồn tuột, lời tự nhiên mà mượt mà nữa. Anh chú ý lối tính thời gian chính xác: Ông chồng về muộn một ngày sau khi hoa mãn khai nên bà vợ mới nói phải chi về sớm ba ngày trước thì được chiêm ngưỡng hoa hàm tiếu! Anh còn nói câu phá đề, thơ thật là thơ, chữ người hết sức tôn kính mà vẫn đầy thân ái. Bài thứ hai mới kỳ thú. Toàn bài giọng điệu bình dị, tình cảm thiết tha, chữ nghĩa thuần Nôm đơn giản. Hai câu thực thì tận cùng… hiện thực, cặp luận tân kỳ và đầy ảnh tượng… Đọc mà cảm phục Phan Khôi mới mẻ và tinh tế, cũng như thấy người xưa sao thanh cao quá đỗi!

Quả thật Thanh Tâm Tuyền cuối thập niên 80 khác nhiều thời trai trẻ. Anh tỏ ý tiếc nhóm Sáng Tạo đã làm cụ Nhất Linh buồn, cảm thông Nhất Linh ngán ngẩm chính trị nên trốn vào vẻ đẹp văn chương vĩnh cửu cũng có lý của cụ. Khi anh xuất cảnh qua Mỹ, tôi tặng anh luôn cuốn thi thoại đó. Chẳng là lúc còn ở nhà tôi hay biếu anh bơ đậu phộng tôi học được cách làm từ mấy ông bà giáo sĩ Hội Ngữ Học nên trong mấy bức thư gửi cho tôi lúc anh mới qua, anh nói có hai điều khiến nhớ đến tôi, ấy là mỗi lúc đi siêu thị Mỹ thấy bán đầy bơ đậu phộng và mỗi lần mở ngăn kéo nhìn thấy cuốn Chương Dân Thi Thoại.

Trước vụ Thiên An Môn hơn năm, Thanh Tâm Tuyền kể với tôi vừa đọc cuốn truyện tình đầu tay tuyệt vời của Nabokov, tên tiếng Anh là Mary. Tôi nói:

- Hay là anh dịch đi, tôi nhờ ông bạn Đào Hiếu đang làm nhà xuất bản in cho anh, kiếm tí tiền còm cho vui!

Chỉ mấy tuần sau anh đem bản dịch viết tay tới tôi, tựa sách là "Tình một thuở", anh nói đó là một đoản ngữ trong thơ Hồ Dzếnh, tên dịch giả ghi Từ Trí, theo tôi biết đó là tên hai con trai của anh. Tôi giao liền cho Đào Hiếu nhưng gần Tết năm 89 sách mới phát hành. Giấy đen thui, tối om như mọi cuốn sách lúc đó, hình bìa cũng in màu nhưng ai đó chép lại một bức tranh của Chagall cứng ngắt, vụng về, xấu tệ. Thanh Tâm Tuyền nhìn bìa sách, lật qua đọc lời nói đầu thấy sai mấy lỗi chính tả, anh cười méo xẹo! Sau ít hôm, người ta nhờ tôi chuyển cho anh tiền thù lao, nhớ đâu vài ba trăm ngàn gì đó, nay tôi không thể hình dung giá trị số tiền trong thời điểm đó thế nào, nhưng hình như anh thấy thế cũng đuợc rồi! Tết năm đó anh chạy xe đạp lên nhà, mang cho tôi hai chiếc bánh chưng. Ra giêng gặp lại, anh bảo:
- Này, ăn có được không đó? Mấy đứa nhỏ quên bỏ muối mất!

Tôi ngạc nhiên là cho tới giờ này, những nhà phê bình văn học vẫn chỉ nói về thơ của tác giả này mà chưa một ai đề cập tới văn xuôi của anh cho tới nơi tới chốn. Cụ Nguyễn Hiến Lê thì chỉ đề cập tới ý nghĩa các tác phẩm của anh chứ không nhắc tới văn chương trong hồi ký của cụ. Tôi vốn không đủ sở học để có thể phân tích rốt ráo cái hay, nhất là cái mới trong văn xuôi của anh. Chỉ là độc giả bình thường, đọc thì cảm nhận được vẻ đẹp, lối văn tân kỳ, ngôn từ mới mẻ cùng nhạc điệu và nhịp điệu tinh tế, nghĩ văn xuôi đó chính là thơ trá hình. (Nhiều trang tùy bút của Nguyễn Tuân tiền chiến cũng có đặc điểm này nhưng theo một cách khác). Biên giới giữa thơ và văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền thật mờ nhạt. so sánh với bút pháp các nhà khác thì thấy rõ nhưng chỉ ra cho minh bạch thì quả gian nan. Không những anh mới lạ trong sáng tác, ngay như trong dịch thuật, đặc điểm tân kỳ cũng vô cùng nổi trội. Xin độc giả đọc đoạn anh dịch Nabokov tả chàng người Nga lưu vong kiếm sống trên một đô thị Tây phương:

Không có việc gì bị coi là hèn kém đối với anh; hơn một lần anh đã mang bán luôn cả hình bóng riêng của mình, như nhiều kẻ trên đời này cũng thường làm. Nói cách khác, anh từng lặn lội ra vùng ngoại thành làm chân tài tử chầu rìa của một cuốn phim xi-nê trong một phân cảnh, dàn dựng tại một nhà kho chứa thóc, ở đấy ánh sáng réo sôi phát tiếng kêu rít bí hiểm từ những mặt đèn khổng lồ rọi nhắm, giống như họng đại bác, chỉa vào đám đông chầu rìa, thiêu đốt như hỏa ngục. Một thác lửa bắn vãi thứ ánh sáng sát sinh, soi hiện lớp sáp môi trát trên những gương mặt chết trân, rồi phụt tắt ngấm sau tiếng khóa cách – nhưng một hồi sau trong những bầu đèn pha lê chế tạo công phu vẫn còn lóe vầng hoàng hôn đỏ ngầu hấp hối – lấp đi mối hổ ngươi của đời người. Việc thu hình hoàn tất và hình bóng của đám nhân quần lúc nhúc được tung hê khắp thế giới.” (Tình Một Thuở,trang 18,nhà xuất bản Đồng nai,1989)

Những câu văn dài, khó phân tích theo cấu trúc chủ - vị. (Có lẽ theo đề - thuyết của Cao Xuân Hạo thì dễ hơn). Hầu như tất cả giá trị miêu tả chỉ nằm ở phần phụ bổ ngữ và định ngữ. (xin để ý phần tô đậm). Câu dài nhưng đọc vẫn thấy gọn, cô đọng và hàm xúc. Nghe như mâu thuẫn nhưng quả đúng như vậy.

Và đây là vài đoạn khác trích trong chương III của cuốn "Tình một thuở":
“Đêm ấy, giống như mọi đêm, một ông lão gầy gò, đội mũ dạ lưỡi trai nặng nhọc lê bước bên lề vỉa hè đại lộ hun hút vắng vẻ, khua đầu gậy quăn queo trên mặt nhựa như mò kiếm đầu mẩu thuốc lá, tiền, nút chai hay giấy lộn và xì gà liệng bỏ. Chốc chốc, rú rống như hóa dại, một chiếc xe hơi lao vút qua, hay có sự tình nào đó diễn xảy mà thường chẳng khách bộ hành nào của đêm phố thị để mắt thấy: một đóm sao, nhanh hơn ý nghĩ, lặng thinh hơn cả một ngấn lệ, băng rớt. Rạng rỡ, nô nức hơn những đóm sao dòng chữ bật cháy sáng từng chữ một liên tiếp nhau trên nóc nhà cao tối, diễu một hàng dài rồi vụt biến bay cùng lúc trong bóng đêm.”…
“ Và rồi trên những đường phố ấy, bấy giờ hoang vắng như biển im mướt, vào giấc khuya về sáng lúc những quán bia sau cùng đã đóng cửa, một kẻ sinh trưởng ở đất Nga, bỏ ngủ, đầu trần, trên mình chỉ khoác chiếc áo mưa cũ dạo bước trong cơn ngây tỉnh táo; vào giấc khuya về sáng, trên những đường phố hoang vu ấy chập chờn qua những thế giới lạ lẫm với nhau đến kỳ cùng; bấy giờ không còn phải là một dân chơi trác táng nữa, không còn phải là một người đàn bà nữa hay không còn đơn thuần chỉ là một khách qua đường nữa, mà mỗi con người là một cõi sống biệt lập, mỗi con người là một tổng thể những kỳ diệu cùng quỷ quái. Năm cỗ xe ngựa đậu trên đại lộ dài bên nhà vệ sinh công cọng hình trông giống cỗ trống cái khổng lồ; năm cõi thiêm thiếp, trùm ấm, xám xịt trong đồng phục mã phu; và năm cõi khác đứng trên vó chồn mỏi lim dim mơ màng chỉ nghe quanh quẩn tiếng dòng thóc tuôn chảy rào rào êm ru từ bao đựng xuống máng ăn.
Chính trong những lúc như bấy giờ mọi sự vật trở nên huyền hoặc, sâu kín khôn dò, lúc đời sống hiện dạng kinh dị nhưng cái chết lại còn kinh dị gấp bội. Và bây giờ khi người ta lang thang vơ vẩn phơi phới xuyên qua những quãng đêm của phố phường; ngửng trông ánh đèn sáng qua màn lệ mỏng, kiếm tìm ở đó kỷ niệm lộng lẫy chói chang của hạnh phúc ngày qua – một dung mạo mỹ miều đột hiện về sau bao năm quên lãng hờ hững – thình lình trên bước mê mải mù quáng người ta bị cầm chân đứng lại bởi một kẻ qua đường lịch sự hỏi thăm lối về phố này phố nọ, hỏi bằng giọng thường tình nhưng là một giọng nói người ta sẽ chẳng bao giờ nghe thấy lần nữa.”

Những câu văn dài thích hợp với kiểu độc thoại nội tâm, khó xác định chủ ngữ, nối nhau dìu dặt, một thứ poésie en prose không thể chối cãi. Thanh Tâm Tuyền đã chuyển ý của Nabokov sang văn xuôi Việt ngữ bằng ngôn từ đầy hình ảnh và nhạc điệu đẹp đẽ của thi ca.
Tất nhiên muốn nói gì về văn xuôi Thanh Tâm Tuyền thì phải nhận xét phần sáng tác chứ không phải dịch thuật. Chẳng qua nhắc tới một kỷ niệm với anh liên quan tới dịch thuật nên tôi dài dòng một chút, hơn nữa cuốn sách này cũng đang hiếm vì in đã lâu và chắc it người giữ, dù không ký tên thật nhưng dẫu sao cũng là công lao của thủ lãnh thơ tự do của miền Nam và tiên phong làm mới câu văn xuôi tiếng Việt nên tôi mạnh dạn nhắc tới.
Ngoài những tác phẩm văn xuôi đã in, Thanh Tâm Tuyền còn cho đăng trên bán nguyệt san Văn thời Trần Phong Giao hai truyện dài: Ung Thư và Đêm Xóm Lách Mịt Mùng. Ung Thư được độc giả hâm mộ tới nỗi tác giả đau bệnh nghỉ một kỳ, Trần Phong Giao phải chụp lại (hay thời đó phải làm bản kẽm?) thư viết tay xin nghỉ của tác giả rồi in lên báo để độc giả tin! Cả hai tác phẩm đều bị anh bỏ dở, tuy Ung Thư được đăng nhiều kỳ hơn. Theo tôi, Ung Thư thể hiện xác thực nhất thiên tài Thanh Tâm Tuyền. Đọc Ung Thư, ai rồi cũng phải tin vào khả năng diễn đạt kỳ diệu của ngôn từ tiếng Việt. Thanh Tâm Tuyền mới mẻ với Bếp Lửa từ thuở đôi mươi, cùng với thời gian, anh càng ngày càng mới mẻ. Tôi tiếc chẳng còn giữ được tờ Văn, chỉ kiếm được một số, xin ghi ra đây một đoạn bất kỳ trong truyện Ung Thư:
“Lân đến đón Ngọc đi phố. Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt bội bạc, nước da xanh mái trác táng, cặp mắt nhỏ lanh lẹn, đôi môi mỏng, cử chỉ không thành thật, chẳng mảy may nào giống cái hình ảnh mơ mộng của Ngọc thường tâm sự, trên toa tàu bẩn thỉu trống gió và nắng triền miên như cơn buồn bã hiu quạnh trong tiếng động quen tai nối liền ngày tháng.”
Thử đặt đoạn văn này cạnh một đoạn tả người nào đó của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, ta có thể thấy được khoảng cách cũ mới. Có lần đọc câu này, tới nay tôi chưa quên: “Trời mùa thu lao đao với những cơn heo may tẩm lạnh”. Không biết có phải không quên chỉ tại chữ lao đao và chữ tẩm lạnh không nữa. (Cũng xin ghi chú, đoạn văn trên là nhận xét của người bạn gái của Ngọc cùng đi buôn chuyến hằng ngày trên xe lửa, phần phụ cuối đoạn văn là cảm tưởng của người bạn này?)
Thanh Tâm Tuyền còn có những đoản văn xuất sắc in rải rác trên báo Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan, báo Thời Tập của Viên Linh…nay, đau xót thay, hẳn đà tuyệt tích.*
Thế hệ thanh niên, sinh viên VN bây giờ không biết Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên là ai. Một bà giảng viên nào đó còn bảo Tự Lực Văn Đoàn là tên một đoàn cải lương. Thế thì thôi!

Biết bao giờ đất nước có tự do, con quái vật chính trị ngừng nhai xương văn học. Các nhà phê bình, nhà biên khảo hiểu được lẽ công bình, còn chút lương thiện cùng trách nhiệm, thôi cố tình chôn vùi danh tính những con người hiếm hoi vốn xứng đáng là tinh hoa, ưu tú nhất của văn học nghệ thuật nước nhà.

* Một đoạn văn ngắn của TTT trong cuốn Tạp Ghi:
Không biết ai đã bày trò cho bọn trẻ nhỏ lấy cái dọc đu đủ nhúng một đầu vô nước xà-bông để thổi thành những chiếc bong bóng.
Những quả tròn đủ sắc cầu vồng rung rinh trên đầu ống rồi bay bổng lên không trung trong một vài giây trước khi vỡ tan không còn một dấu tích nào. Em bé chơi trò ấy thích thú vì cái vẻ rực rỡ giản dị của những chiếc bóng nối nhau bay lên, tan vỡ êm đềm trong bóng nắng ngoài sân. Đó là trò chơi mùa hè. Trời thường cao và nhẹ gió nhưng những chiếc bong bóng mỏng manh chẳng bao giờ bay cao. Em nhỏ ngây thơ cố công thổi cho thật khéo, giữ bóng trên đầu ống cho nó phồng to bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trái cầu lớn có thể vỡ trước khi bay nhưng nếu nó bay được lên thì chính đó là niềm vui sướng của trò chơi. Trẻ nhỏ đùa với những chiếc bóng. Chúng không chơi một mình, chúng reo hò cùng nhau và đuổi theo những chiếc bóng bay, quơ tay đập vỡ nếu chiếc nào dai dẳng hoài – của đứa khác và của chính mình.
Trẻ con chơi đùa hồn nhiên nhưng bọn người lớn nhìn để thấy trong trò chơi cái ý nghĩa ngậm ngùi: bong bóng xà bong, niềm vui của đứa trẻ - hạnh phúc của đời người - mong manh, dễ vỡ biết bao! Sự rực rỡ, sự huyền ảo của bảy sắc cầu vồng chỉ là những sự thật thoáng chốc.

Nguyễn Khiêm