banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

KÝ ỨC SƠ SÀI

KỲ HAI MƯƠI CHÍN

Tôi nhận được giấy mời trình diện ty cảnh sát Rạch Giá một buổi chiều chơi bóng chuyền với đám học sinh người Miên ở trường vừa về đến nhà. Lâu rồi không nhớ nguyên văn nhưng cảm tưởng chung nội dung chừng như nhẹ nhàng, có vẻ lễ độ nữa. Tuy vậy vợ tôi vẫn lo. Nàng nói cảnh sát triệu tập có khi càng nhẹ nhàng càng mệt, coi chừng không phải chuyện giỡn chơi.

Chúng tôi thuê một phòng của vị phụ huynh có con gái học lớp 11, là học trò của tôi. Bà người Bắc, hát hay, dáng bộ rất con nhà, cư xử tử tế, vốn là vợ của ông Trần Cảnh Được, danh thủ bóng bàn lúc hai người cưới nhau. Cuộc hôn nhân về sau có vẻ trắc trở, tôi không nghe bà nhắc tới ông, cũng không thấy ông về thăm. Căn nhà chúng tôi thuê nằm sát mé nước biển, ẩn dưới rừng cây mắm mát rượi trên đường Lâm Quang Ky, ngày đêm sóng vỗ rì rào, chim chóc líu lo rủ nhau về ngủ mỗi lúc bóng chiều len trong lùm cây lá. Nhóm giáo sư trung học trẻ Am Ông Địa thường ghé chơi, chè cháo, hồi đó chúng tôi không biết nhậu như thầy cô bây giờ. (Lúc vợ tôi còn ở Gò Công, tôi cùng họ ở chung ngôi nhà xóm Am Ông Địa).
Không ngờ những ngày vui ấy qua mau, chấm dứt khi tôi bị buộc phải rời nhiệm sở, đầu niên khoá 73-74. Sau 75, tai ương ghé lại chốn bình yên đó, mọi thứ đều bị bôi xoá không còn dấu tích. Bà chủ nhà dẫn ba đứa con nhỏ rất dễ thương vượt biên, mất tích ngoài vịnh Rạch Giá. Thật đau lòng nghĩ tới hình ảnh mấy đứa nhỏ thiên thần bị vùi thân dưới những con sóng dữ, chết chìm ngộp trong nước mặn, giạt trôi thối rữa trong mù khơi vô định. Ôi, cơn dâu biển khốc liệt mang đau thương chia lìa tan nát không ai có thể mường tượng trước. Đã đành nước mất thì nhà tan nhưng mỉa mai quá, cuộc thống nhất được mong đợi lại bất ngờ đem tới bao nỗi phân ly vô tận và hầu như chưa một ngày thảm kịch tan lìa ngưng nghỉ trên rẻo đất miền Nam.

Lý do trực tiếp khiến tôi bị bắt giữ ở ty cảnh sát Rạch Giá, tôi không được biết rõ, có điều khi hỏi cung, viên sĩ quan cảnh sát người Huế chú tâm nhiều bài văn xuôi của Nguyễn Tuân tôi đã đem ra giảng dạy. Tôi hơi ngạc nhiên vì bài này tôi từng trích giảng cho các lớp cấp hai vài năm trước, nay mới có …tiếng vang tai hại. Xin ghi lại vài đoạn :
Bây giờ ta nói chuyện về một con sông ở nước ta, con sông Bến Hải ấy, lạ thật đó. Lạ mắt, nghịch tai. Nhiều lần tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về dòng sông bình thường đó của cuộc sống giữa quê hương ta.
Sao mà không lạ được cho một con sông không đủ cả hai bờ mà chỉ có một bờ sông! Sao mà không ngạc nhiên đươc cho một con sông chỉ có một nửa cái cầu với với trên dòng sông như ống tay áo thõng anh thương binh cụt tay ! Sao mà không lạ được cho một con sông mà bất cứ người lái đò nào cũng đều thấy vướng vướng nơi đầu mũi chèo và cứ phải miết thuyền mình vào cái bờ duy nhất của mình. Thà nó là biển cả như Thái Bình Dương ngoài kia mà mình chỉ có được một bờ, một tí bờ thì cũng đành một lẽ. Đằng này hai cái bờ song hành cách nhau có một mái chèo mà sao biền biệt đằng đẵng như mù sương trên bể rộng.
.....................................................................
Một con sông mà hai dòng nươc, một nước mà hai cây cờ, bắc nam một nhà mà hai chế độ, một cái cầu bỏ trống, một cái bực đá bến nhớ người đi chợ sang ngang. Người rửa rau bến này lặng lẽ nhìn người vo gạo bến kia, hai gốc đa cổ thụ hai bờ im lìm đọ bóng nhau như chờ một cơn gió nó rung hộ cánh tay lá. Con cá rô biển chốc chốc lại quẫy mạnh vọt lên mặt sông mặn.”

Sau một lúc chăm chú đọc lại bản cung khai tôi viết ngày hôm trước, viên cảnh sát lấy cung cho biết:
- Ông tỉnh trưởng rất bực cách giảng dạy của của giáo sư - lúc bắt đầu tra hỏi, ông vẫn lịch sự gọi tôi là giáo sư nhưng về sau, dường như thấy tôi không xứng đáng để ông chia cho chút trang trọng nào nên ông ít nhắc tới từ này nữa, hoặc có nhắc chỉ trong nghĩa mỉa mai - chúng tôi có đọc ghi chép của học sinh về bài giảng của ông, rõ ràng đây là bằng cớ ông tỏ rõ thân cộng. Tác giả này, ông dư biết, vốn là cán bộ văn nghệ gộc của CS Bắc Việt, ông vẫn ngang nhiên dạy bài của y cho học sinh của mình với mục đích gì? Cháu tôi nó đang học bài của ông đó!
Tôi trả lời rằng tác giả này vẫn có bài trích dạy trong sách giảng văn hiện hành. Ông nói:
- Mấy bài đó viết thời tiền chiến mà.
- Nhưng đại uý cũng thấy bài này chỉ có nội dung tả ước vọng thống nhất đất nước…
Ông ngắt lời tôi:
- Ngoài ra ông hay công khai chống đối chuyện Hoa Kỳ ném bom miền Bắc, giọng điệu như đài phát thanh Hà Nội, điều này liên quan gì tới chương trình giảng văn trung học, ông đem chính trị vào trong việc dạy học để làm gì?
Tôi chống chế:
- Mức độ ném bom tàn khốc, bừa bãi quá, tàn phá đất nước nặng nề quá, tự nhiên sốt ruột nên nói ra, “bất bình tắc minh” vậy thôi, thưa đại uý.
- Trở lại bài dạy của ông, tôi muốn biết ông lấy bài đó ở đâu?
Tôi nhẹ người hẳn nghe ông hỏi vậy, thấp giọng đáp lời:
- Tôi không lấy tài liệu của CS mà bài trích từ tạp chí  “Văn Học” của Phan Kim Thịnh, xuất bản trước đây ở Sài Gòn, không tin, đại uý cứ coi lại.
Tôi hơi ngạc nhiên thấy ông là người hiểu nhiều, có vẻ văn nghệ mà không đọc tạp chí đó, hoặc ông có đọc mà bỏ sót bài đó chăng.
Ông im lặng ngó đi chỗ khác, dường như thoáng thở ra chán nản. Ông chăm chăm nhìn tôi:
- Chúng tôi chán quá mấy người ra bộ trí thức như các ông, chuyên thọc gậy bánh xe, phá rối bao nhiêu công sức gian nan chống cộng. Nói thật, chúng tôi chưa có bằng cớ minh bạch ông là CS, nếu có thì khỏi nói gì nhiều. Có điều rõ ràng, ông thiên cộng công khai, tự thị, rất khó chấp nhận. Coi như chúng ta nói chuyện phải quấy, tôi muốn hỏi ông, ông có biết CS luôn kêu gào, đấu tranh cho mục tiêu thống nhất đất nước, nhưng thống nhất kiểu gì không? Kiểu của họ áp đặt, dưới chính quyền “nhân dân”, nhân dân là họ, họ giỏi nghĩ ra từ ngữ để lừa gạt mọi người, trong đó có các “bực thầy” như ông, kể luôn thầy của mấy ông. (Tôi không biết ông đại uý muốn ám chỉ ai). Các ông “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Tôi đọc tờ khai, biết ba ông cũng học ở Huế, tầm tuổi với ba tôi, ông cũng đậu tú tài tại Huế, nói ngay tôi lúc đầu có chút thiện cảm với ông dù cho quá biết kiểu người như ông vốn “ăn cơm quốc gia thích ma CS”. Nghĩ lại, người như ông thật đáng trách, cần phải loại trừ được người nào hay người nấy.
Trong tình cảnh của mình, tôi chỉ biết ngồi im nghe “chỉ giáo” chứ đâu dám nói gì. Ông nhìn vào mặt tôi, ra vẻ diễu cợt:
- Tôi thấy chẳng có gì “không bình thường” ở con sông giới tuyến mà chỉ không bình thường ở chỗ thay vì trích dạy “Dải khăn sô cho Huế” ông lại dạy văn tuyên truyền của cán bộ CS cho học sinh. Ông chưa quên vụ Tết Mậu Thân chớ hỉ? Vẫn chưa sáng mắt ra chút nào à!
- Tất nhiên tôi đau lòng cũng như đại uý chuyện nhiều người chết oan, vụ này mù quáng, rất đáng lên án. Bạn tôi cũng mất tích ở Huế.
Tự nhiên tôi nghĩ tới vụ tàn sát Sơn Mỹ. Thấy tôi có vẻ ấp úng, dường như đoán được ý nghĩ thầm kín của tôi, ông cao giọng một thôi một hồi:
- CS lem lẻm chối tội, cứ chăm bẳm chửi bới vụ Sơn Mỹ. Tôi không binh vực chuyện giết chóc dã man nhưng ông phải biết đơn vị đó bị bắn tỉa suốt mấy ngày hành quân, từ trong làng bắn ra. Lục soát thì toàn đàn bà, trẻ con, quay lưng ra là bị bắn lén. Đồng đội chết dễ dàng, vô lý, nên lính Mỹ họ nổi khùng. Họ biết lỗi, đưa W. Calley ra toà đàng hoàng. Mấy tay nhà báo Tây Mỹ ra cái điều trung thực, minh tinh màn bạc rững mỡ cứ bu vô xỉa xói vụ Mỹ Lai mà lờ tịt chuyện Mậu Thân. Thật ngu so bì hai vụ, chưa nói chuyện cố tình lờ tịt chuyện này, triệt để khai thác chuyện kia. Mậu Thân vượt hẳn độ dã man, phi lý. Phải chi đám CS Bắc Việt không biết gì địa phương xa lạ, ở đây, cầm đầu là bọn mệnh danh trí thức theo cộng tại chỗ, chúng giết người như say máu, giết toàn người vô tội, giết trong cơn điên choáng váng hận thù giai cấp, mà không hiểu được, chính chúng cũng “giai cấp” có học, thậm chí quý tộc chớ phải bần cố nông gì đâu! Sơn Mỹ dù gì cũng do ngoại bang gây nên, còn mình thì cùng dòng giống, bà con, bạn bè cùng thành phố… mà nỡ xuống tay bằng cuốc thuổng, dao rựa, chôn sống… ác ôn, mọi rợ không giới hạn. Tới giờ này tôi còn không hiểu được nguyên do, không muốn tin chuyện tắm máu say sưa, mù quáng đó có thiệt. Con người ta dù có học cũng dễ dàng trở thành ác thú vì lý tưởng trên mây cùng niềm tin khùng điên nung nấu.
Tôi hơi ngạc nhiên thấy cuộc tra hỏi không đúng với tính chất thường có mà giống như ông chứng minh tôi lầm lạc để thuyết phục tôi thay đổi quan điểm. Tôi cảm nhận chuyện của mình không đến nỗi nào và tự nhiên có chút thiện cảm với người đối diện mấy ngày qua. Từ trước, tôi vốn xem thường ngành cảnh sát, ai cũng biết đó là chỗ thanh niên chen vào để trốn lính, ông này khiến tôi thấy mình suy nghĩ có phần hồ đồ.
Im lặng một lúc, ông bắt đầu hỏi chuyện khác:
- Ông tỉnh trưởng nhắc tôi về việc ông luôn nói chế độ hiện hành là chế độ quân phiệt, có đúng không?
Chẳng cách gì chối chạy nên tôi nhận mình có nói như vậy. Không ngờ ông trở nên nhỏ nhẹ:
- Chuyện này không phải mình ông, mấy tờ nhật báo đối lập nằm vùng, thậm chí mấy tay quốc gia hành chánh trưởng ty, phó ty… trong chỗ riêng tư cũng cùng luận điệu. Tôi thấy các ông chủ quan, không công bình. Đất nước đang chiến tranh, quân đội phải đảm đương công việc, họ không vui sướng gì đâu. Thì cũng có kẻ bất tài, tham nhũng, nhưng đâu phải hết thảy. Họ bị chê không có kiến thức, không biết gì chính trị, chưa chắc đâu. Sĩ quan cấp cao làm tỉnh trưởng, tư lệnh vùng… sống lâu lên lão làng hiện nay vốn được Pháp đào tạo, lịch sử nó vậy, mà đâu đến nỗi tệ, họ giỏi tiếng Pháp, chắc gì lớp sau này so bằng. Nên nhớ bao nhiêu năm qua các đảng phái quốc gia, thân hào nhân sĩ… đâu có thiếu cơ hội tham chính nhưng cứ chia rẽ, gấu ó nhau, thanh toán nhau, phần đông trí thức phòng trà, kẻ thì trùm chăn giao việc nước cho lính, người có tư cách thì bức bối quá đâm ra tự tử. Tự tử có hay ho gì, phải sống để bằng mọi cách giúp nước đang bị giặc xâm lăng chớ. (chắc ông ám chỉ Nhất Linh).
Gần trưa ngày thứ tư bị bắt giữ tại ty cảnh sát, tôi lại được gọi lên phòng xét hỏi. Ông đại uý nhìn tôi từ đầu đến chân nói chậm rãi:
- Ông tỉnh trưởng cho lệnh phóng thích ông với điều kiện ông phải rời nhiệm sở ở đây. Chúng tôi sẽ có tờ trình với bộ quốc gia giáo dục, giải quyết cách nào tuỳ ở họ. Chuyện ông rời đi là lệnh. Theo tôi, giải pháp này khá nhẹ nhàng cho ông, đừng tìm cách ở lại làm gì, nếu phải… đón tiếp ông tại đây lần nữa, thật chẳng vui vẻ gì. Ông có thể thu xếp ra về được rồi.
Ra khỏi cổng ty cảnh sát, tôi thấy đảm đông học sinh đứng lố nhố bên kia đường nhìn qua, các em reo mừng chở tôi về nhà, cả chục em về theo, thầy trò líu lo đủ thứ. Sau đó tôi được biết mỗi ngày tan trường, trên đường về, học sinh hay nán lại bàn tán bên kia đường đối diện ty cảnh sát. Không chừng đó cũng là lý do họ mua đường vắng, thả và tống khứ tôi đi cho yên chuyện.
Việc này xảy ra đã non nửa thế kỷ, lời nói qua lại được ghi lại có thể không đúng nguyên văn phần nào nhưng nội dung hoàn toàn có thật và nó ngày càng khắc sâu trong tâm khảm tôi vết hằn kỷ niệm.

Bao năm sau này phải dạy học để kiếm sống trong một nền giáo dục kỳ quái, lại ngày ngày đối diện một xã hội vạn ác, nỗi tuyệt vọng về những con người CS đưa đất nước dân tộc tới chỗ khốn cùng mà mình trót tin tưởng suốt buổi hoa niên khiến tôi càng nhớ tới người đối lập đáng trọng ngày trước.
Điều tôi tự trách mình mãi là không biết tên ông. Mấy ngày hỏi chuyện tôi, ông bận civile. Lúc được tự do, tôi vui mừng ra về, không nghĩ tới chuyện biết tính danh. Năm 76 tôi có về lại Rạch Giá một lần, hỏi thăm ông nhưng không ai biết. Tôi viết những dòng này bày tỏ chút tình tri ngộ và lòng biết ơn cách đối xử độ lượng của ông. Chắc chắn ông không thoát được trại tù “cải tạo”, may mắn ông còn sống đâu đó trên cõi đời đa đoan mà đọc được, thật hoan hỉ cho tôi rất nhiều.
Ông nói đúng, loại người như tôi chỉ “lý tưởng trên mây”, sau 75 đặt chân xuống đất, bẽ bàng nhận ra mình chỉ là hạng người trí đoản, nông nổi, lầm lẫn cả một thời trai trẻ.

Nguyễn Khiêm