KÝ ỨC SƠ SÀI
KỲ HAI MƯƠI TÁM
Tôi quen ông bạn Huỳnh Phương Đông, người Kiên Giang, nhà ở sâu vùng quê gần như mất an ninh, cách thị trấn Rạch Sỏi khoảng mười mấy cây số.
Năm đó tôi cùng đám giáo sư trung học Nguyễn Trung Trực Rạch Giá nhận sự vụ lệnh giám thị kỳ thi tú tài tại trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên. Xin mở ngoặc, Giáo sư là từ gốc Hán vô tội bị dằn vặt sau 75. Chế độ miền Nam cũ theo kiểu người Pháp gọi bọn người dạy các lớp phổ thông cấp 3, ngay khi ra trường, là giáo sư trung học, phân biệt với người dạy đại học là giáo sư đại học. Chế độ mới hạ giáo sư xuống thành giáo viên. Thì cũng chỉ cách gọi, không gì phải phàn nàn, nhớ khi nghe tôi học sư phạm, ông tôi cười "đánh giá" rằng "sĩ đáo cùng thời sĩ giáo nhi", ý coi thường nghề giáo thấy rõ. Chỉ thắc mắc chút đỉnh, ngườì kèm trẻ tư gia (précepteur) thì vẫn gọi gia sư, thầy cúng là pháp sư, thầy tu gọi thiền sư, dạy múa là vũ sư, dạy đánh nhau gọi võ sư… nhưng người dạy chữ nghĩa cho thanh niên thì chỉ là giáo viên. Phải chăng sư hay viên là những từ đã bị chính trị hóa? Chế độ toàn trị nên cái gì cũng chính trị. Đá banh với ngoại quốc mà cứ dương lên thụt xuống hình lãnh tụ ‘kính yêu’, thấy bắt ớn; chưa đủ đô, gở huề một trái liền lôi cờ ‘tổ quốc’ từ trong vớ ra trưng lên rồi chạy loanh quanh như phát cuồng, thiệt có một không hai trên cõi người.
Thời tôi còn học phổ thông, nhớ các thầy cô đi làm giám khảo giám thị rất xa nhiệm sở của mình, hầu hết đi máy bay, chẳng hạn từ Huế có khi phải đi tới Nha Trang, Phan Thiết. Họ lãnh công tác phí đầy đủ, rời rộng. Thời tôi ra trường chỉ còn phải đi các tỉnh lân cận, chính phủ xem ra ngày càng nghèo, chắc món tiền viện trợ Mỹ teo dần nên phải tiết kiệm tối đa.
Tôi nhớ bữa đó giờ thi môn toán, thí sinh vào lớp lai rai, ai tới trước cứ vào trước, ngồi ngay chỗ số ký danh ghi sẵn trên bàn chứ không phải xếp hàng và được giám thị gọi từ từ theo danh sách, kiểm tra giấy tờ ra bộ nghiêm túc ngay cửa lớp như sau này. Như thường lệ, tôi bê tập giấy thi đi phát sẵn tại chỗ trước giờ thi cho thí sinh. Một tay trung úy bộ binh đứng xớ rớ chỗ đầu bàn dãy bên trái, khi tôi đặt tờ giấy thi chỗ số ký danh, anh ta liền gom lại một cái rẹt dùng làm khăn, lau bàn lia lịa. Tôi làm thinh nhẹ tay đặt xuống một tờ giấy khác, anh ta lại tiếp tục vò tờ giấy lần nữa, lau ghế. Cô nữ sinh ngồi kế bên tròn mắt nhìn tôi trân trân, có vẻ như đợi xem tôi làm gì. Tôi vốn nhu hòa một phần, phần khác chết nhát, ngại bạo lực, đối phó các thứ. Từ nhỏ sống bên ông ngoại, hay nghe ông nói "liễu sự thì tâm an", vả lại, tôi không lạ chi đám lính đang hành quân gian nguy chỗ bưng biền, có dịp về thành phố thấy thị dân nhởn nhơ đú đởn, xem chiến tranh như của ai, không dây dưa tới mình, các chàng đâm bực mình quạu quọ, nói năng cùng hành động ngang tàng bất chấp tất. Họ chỉ né đám quân cảnh, ngoài ra không coi ai ra gì. Tôi từng nghe trước kia quân nhân đi thi còn mang theo súng ngắn cùng lựu đạn, lôi ra để lên bàn hù dọa. Đến thời tôi không còn chuyện này. Giáo dục, thi cử vẫn được tôn trọng, dù là thời loạn vẫn không có chuyện kiêu binh. Con cháu ông tỉnh trưởng, bộ trưởng cũng thi rớt đệ thất, tú tài như sung rụng, chẳng có chút đặc ân hoặc có thể ỷ thế gian lận gì được. Hoặc cũng có cách gian lận nhưng chỉ năm khi mười họa. Chính quyền có bổn phận bảo vệ đề thi nghiêm ngặt, đề được cất giữ tại tòa tỉnh, chuyển tới trường thi có xe cảnh sát hụ còi rất oai nghiêm, chưa lần nào nghe chuyện lộ đề thi hoặc đề bị sai sót gì.
Tôi quá biết tâm trạng bất mãn của lính tráng về thành thi cử song cũng gợn chút tổn thương giống như bị xúc phạm nhưng nghĩ lại dầu gì mình cũng may mắn hơn anh ta, có chết vì bom đạn cũng chỉ do rủi ro bị VC pháo kích (nhưng riêng Rạch Giá hình như chưa bị pháo kích lần nào). Tôi tự thấy mình có chỗ may mắn hơn người. Bạn tôi tốt nghiệp quốc gia hành chánh, ra trường làm phó quận hẻo lánh, chết tức tưởi vì đạn pháo trúng hầm trú của anh.
Nghĩ tới chuyện lính tráng chết nay sống mai, tôi giữ giọng hòa nhã :
- Nếu trung úy muốn làm bài thi hay lau cái gì nữa thì tự ý lên bàn lấy giấy, tôi không nghe nói có bổn phận phát đến lần thứ 3.
Tôi ôm xấp giấy tiếp tục phát cho mấy người khác. Khi trở lại bàn giáo sư thì thấy anh ta chờ sẵn, xin tờ giấy khác, chìa ra cho tôi ký tên, gương mặt có vẻ dịu lại.
Buổi tối, tôi cùng với mấy người bạn dạy Nguyễn Trung Trực ngồi uống nước chỗ quán bờ sông. Dòng Hậu Giang mênh mông có bắc Vàm Cống chảy êm ả dọc theo thành phố Long Xuyên trù phú, mỗi lần qua sông tôi lại nhớ bài thơ ‘Đêm qua bắc Vàm Cống’ của Tô Thùy Yên. Qua Long Xuyên, chúng tôi hà tiện không ở khách sạn mà trú tại nhà chị Lương Kim Loan, tính tình rộng rãi và hiếu khách, bạn học của tôi qua ba bốn năm sư phạm. Tôi chợt nhìn vào phía trong, thấy tay trung úy thí sinh ngồi cùng hai quân nhân khác. Tôi ngó lơ làm như không thấy, định rủ mấy ông bạn ra về nhưng không kịp. Anh ta đứng vội dậy, đi về phía tôi. Tôi lo anh ta kiếm chuyện nữa, nhưng không, anh ta chìa ly ‘la de’ về phía tôi:
- Xin mời giáo sư một ly, xin lỗi ông chuyện hồi sáng, rất bất ngờ cách xử sự của ông, tôi nóng nảy vô cớ, xin bỏ qua.
Tôi hơi ngạc nhiên kiểu sorry của anh ta vì vẫn thường nghe chuyện lính tráng về thành tán gái sỗ sàng, nhất là ngang tàng, ưa gây sự đánh lộn. Tôi mừng vì không bị uýnh lại được xin lỗi nên nói lí nhí gì đó không còn nhớ. Anh ta ngồi nán lại bàn chúng tôi một lát, nói đang hành quân nhưng được phép về thi. Về chơi là chính, thi đậu rớt không bận tâm. Anh có vẻ vui khi biết bọn tôi đều dạy học nơi quê Kiên Giang của anh, nói có dịp mời chúng tôi về nhà anh chơi.
Cuộc giao thiệp bất đắc dĩ chỉ vậy, không ngờ một hôm đang giờ dạy, nhân viên văn phòng báo tôi có ông lính nào hỏi thăm. Tôi bước qua chỗ phòng giáo sư, ngạc nhiên thấy Đông đeo lon đại úy đang ngồi đợi. Tôi cười nói chơi:
- Thi đậu rồi lên lon phải không ?
Từ đó chúng tôi trở thành bạn bè. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, đi lính lâu mà vẫn chỉ trung úy. Tôi không hỏi nhưng anh khai ưa cãi cấp trên ngu dốt nên bị đì. Ngu dốt thì cũng có thể nhưng đâu phải ai và lúc nào cũng ngu. Tôi nói thế anh ta mới nhận mình thuộc loại ba gay. Tôi cười nói như dùng giấy làm bài thi lau bàn ghế, ngang phè phải không.
Càng quen thân, tôi có dịp bày tỏ ác cảm của mình về cuộc chiến với Đông, anh chăm chăm nhìn tôi hỏi :
- Bộ thích Mặt Trận Giải Phóng hả ?
Không để tôi kịp trả lời, anh nói ngay :
- Phải cẩn thận nghe, mà không được đâu, không ra gì đâu, họ cũng tàn bạo, ẩu tả, tuyên truyền láo toét ghê lắm.
Anh hỏi tôi có đọc chuyện ‘Bạch Hóa’ của Cung Tích Biền không. Tất cả miền quê mất an ninh đều sống trong run sợ, vô tội hay có tội, sống chết chỉ đơn giản từ ý muốn của một ông du kích vốn nghề chăn vịt, thả câu…Một người phát thơ đi ra đi vào huyện lỵ nhận phát những phong bì thư từ, bị nghi CIA chỗ tôi, mới bị cắt cổ chôn sống để cảnh cáo hồi tháng trước. Hoàn toàn dã man vậy, ông nhà văn đó không nói thêm cho họ đâu, bớt đi thì có. Họ không biết CIA là cái gì, cứ nghĩ ai không theo họ là CIA, chắc cũng do cấp trên tuyên truyền vậy, thảm hại lắm.
Tôi được nghe anh kể về chuyện hành quân, tướng tá vô trách nhiệm, binh sĩ tử trận phần nhiều chỉ thanh niên nhà quê ít học, sĩ quan mới ra trường thiếu kinh nghiệm trận mạc chết oan rất tội nghiệp. Anh kể chuyện lính Mỹ thơ ngây và phần nhiều tốt bụng, đồng đội tử trận thì khóc như ri, đánh đẩm thì bài bản vớ vẩn theo bài học quân trường, họ luôn không lường được kiểu đánh du kích. Tiền pháo hậu xung coi bộ dữ dội nhưng bọn du kích lẩn trốn như lươn vào thôn xóm đông dân nên chẳng thiệt hại bao nhiêu. Anh có vẻ bi quan về cuộc chiến, nói CS dai dẳng tận mạng, nhắc thơ Nguyễn Bắc Sơn, họ "ăn muối đá mà điên say chiến đấu", còn mình thì "đi hành quân rượu đế vẫn mang theo…xem cuộc chiến như tai trời ách nước", muốn ngưng đổ máu chắc chỉ còn cách phải buông cho họ thôi. Ý nghĩ của một viên sĩ quan trực tiếp tác chiến có khi diễn tả đúng tâm trạng phần nhiều tầng lớp tiểu tư sản có học đương thời.
Nguyễn Khiêm