KÝ ỨC SƠ SÀI
KỲ MƯỜI HAI
Năm 1977 tôi làm hiệu phó lao động tại một trường cấp 3 vốn là trường tư Công giáo thuộc dòng Lasan. Một ông frère là giáo sư trường cũ vẫn được lưu dụng dạy môn tiếng Pháp hỏi tôi hiệu phó lao động thì làm những gì, tôi nói cũng không biết, để từ từ xem sao, chắc không đến nỗi thất nghiệp, ông lắc đầu nhè nhẹ nhìn tôi mỉm cười.
Ngôi trường lẩn khuất yên tĩnh trong hẻm gồm hai dãy lầu, một dãy trệt, bóng mát cây sọ khỉ và cây điệp hoa vàng cổ thụ mấy vòng tay ôm xanh um che rợp một khoảng sân rộng. Những buổi chiều muộn vắng bóng học sinh, tôi thường ngồi bên gốc cây xem lũ chim sẻ tụ tập rối rít kiếm ăn trên sân, nghe động, chúng bay vù mất hút sau mái ngói, giây lát cả bầy lại hạ cánh nhảy nhót, dòm dáo dác, mổ lia lịa không biết những gì trên mặt sân xi-măng khô; ngó qua phía nhà thờ Tân Định, trong ánh chiều nhập nhoạng, lũ dơi túa ra chao liệng rập rờn phía trên gác chuông cao vòi vọi. Trước mặt tiền trường có sân bóng chuyền, phía sau có sân bóng rổ rất đẹp.
Điều kiện thuận lợi vậy nên giáo viên và học sinh của trường luôn đoạt giải thể thao mỗi lần có tranh đua toàn thành phố.
Chính vì cái sân bóng chuyền này mà tôi thường bị mấy người trong ban giám hiệu phê bình tôi làm mất “nề nếp” hoạt động dạy và học, chỉ vì chiều nào cũng cho học sinh và nhóm thanh niên vốn là cựu học sinh của trường trong xóm chơi bóng. Bà hiệu trưởng và hai bà hiệu phó, toàn cán bộ tập kết về, luôn ám ảnh chuyện nề nếp, thấy rõ họ càng ngày càng thích kiểu giáo dục ngay ngắn cứng nhắc, gần như răm rắp biến trường học thành trại lính theo miền bắc XHCN, chẳng hạn ghi tên và mã số học sinh lên áo để mỗi lần gọi là phạm lỗi gì thì thầy cô hoặc đội sao đỏ, cờ đỏ dễ nhận ra đích danh thủ phạm; xếp hàng đúng vị trí cố định trên sân trường, phải tuân theo một kiểu cách duy nhất khi giơ tay phát biểu ý kiến… Đời tôi bỗng u ám dưới ách thống trị của ba bậc nữ lưu tập kết trở về Nam. Tôi bị phê bình chắc cũng tại tôi phụ trách lao động mà chỉ gần như thuần túy lao động… đánh banh.
Trước khi trường “giải thể”, tôi còn bị cắt “lao động tiên tiến” (chỉ tại trái bóng chuyền). Nghĩ cũng oái oăm, hiệu phó lao động tiêu biểu cho lao động lại bị… cắt lao động tiên tiến! Phải chi có chức hiệu phó thể thao văn hóa các thứ thì đỡ, ít nhất cũng được phần thể thao (chứ văn hóa thì tôi e lại cũng không có!).
Bị phê phán bao nhiêu tôi cũng không chừa. Thời thế đó quả không có gì vui bằng những trò đơn giản dễ dãi như chiều nào đám bạn giáo viên thân nhau cũng tụ tập chia phe đánh banh uống nước mía. Hơn thua chỉ có thế mà chúng tôi cãi nhau, ăn gian nhau, banh out thì nói in và ngược lại, không có trọng tài nên không ai phân xử, phe nào già hàm thì thắng. Chúng tôi cười mãi chuyện một tên giáo viên trong nhóm vừa bị mấy cô mậu dịch ở “điểm” bán gạo xúm lại xỉa xói. Chẳng là anh ta đi mua gạo, mua hoài loại gạo hẩm lẫn đầy hột cỏ và cát sạn, anh chán quá bèn nói: “Cô ơi, cô làm ơn để riêng hột cỏ, cát sạn này nọ một bên, gạo hẩm một bên, tôi phấn khởi mua bằng hết các thứ, xin đừng “trộn” vào, tôi lựa cả ngày mệt quá”. Tay này nói chơi nhưng oan cho mấy cô nên bị giũa.
Trên đường đến trường, mỗi sáng xuống dốc cầu Kiệu tôi đều thấy anh Trần Phong Giao lom khom bưng hủ tiếu cho khách, bà vợ tần tảo của anh kê mấy cái bàn nhựa trên vỉa hè bán quà sáng, anh thì tự nhiên bưng tô rửa bát, anh có vẻ chu toàn bổn phận như lúc còn làm thư ký toà soạn báo Văn. Buổi chiều tôi ghé chơi thì thấy anh chăm chút ngồi lựa hột cỏ và cát sạn trong gạo, tập trung cao độ, kỹ càng như lúc chọn… thơ cho báo Văn hay ít ra đó là trò giải trí thảm hại giết thì giờ cho một quãng đời thừa trống trải.
Chúng tôi vừa thi đấu vừa trêu chọc, khích bác nhau, cười vui hả hê, thật sự quên đi giây lát những thiếu thốn vật chất triền miên. Lương lãnh ra, dè sẻn đến đâu cũng chỉ thu vén được giỏi lắm một tuần, ba tuần còn lại chạy vắt giò lên cổ, mua đi bán lại vặt vãnh, làm đủ trò khỉ lem nhem, sẵn sàng ngửa tay vay mượn từ ký gạo hẩm đến mớ mì khô, có điều ai cũng vậy nên chẳng biết mượn ai thôi. Nghĩ lại, không hiểu tại sao mình vẫn nuôi được mấy đứa con đi học, bằng cách nào mà qua được tháng năm kinh hoàng đó. Chao ôi, cái thời kỳ gọi là quá độ để tiến lên… quá độ nghĩa là qua đò, đến bao giờ mới qua xong con đò chiều cứu rỗi đầy nghiệt ngã với sóng to gió cả và triền miên bất ổn này!
Cái gọi là món ăn tinh thần cũng tệ hại không kém. Chúng tôi háo hức đi xem phim Chiến Tranh và Hòa Bình do Liên Xô dàn dựng, nghe nói vô cùng vĩ đại. Xem gần hết phim mà cứ quay sang hỏi nhau: “Ủa, Maria là bà nào? Thì bà đó đó… làm gì phải, sao già vậy? còn ông này là Pierre hay André?... Công nhận là họ dàn cảnh trận Borodino rất vĩ đại nhưng cũng chỉ có thế, phim thì gần như quay theo chương hồi trong sách nên không ai hiểu gì hết. Scénario của phim khác hẳn truyện, không hiểu sao không phân cảnh lại, kỳ thiệt chớ! Bọn Mỹ, vào phim chừng năm bảy phút đã thấy tài nghệ của diễn viên, đằng này, ai lại gần hết phim mà đám nhân vật vẫn chìm nghỉm, chẳng biết ai vô ai. Thôi, về giải trí đánh banh là thượng sách.
Thật ra lúc đầu tôi cũng cố chu toàn bổn phận, lăng xăng (như thằng mới tới) lo kiếm việc cho học trò làm. Tôi thuê xe tải lên mấy lò gốm Lái Thiêu mua loại lu phế phẩm rẻ tiền về cho học sinh tự kiếm đất cho vào để trồng cây làm vườn sinh vật. Tôi mê những dòng sông tràn bờ, những vườn cây rợp mát vùng Bình Dương nên hễ có dịp là tìm cách chạy lên đó. Thanh Tâm Tuyền cũng có thời gian dạy học ở Bình Dương, ông tả cảnh sắc vùng này bằng một thứ văn xuôi đẹp dị thường với niềm thiết tha trìu mến trong một truyện ngắn, đọc rồi không thể quên. Tôi không nhớ rõ giáo viên dạy sinh vật bảo các em trồng những gì, lúc đầu cũng có vẻ xôm tụ, rầm rộ nhưng chỉ qua năm sau cây lá héo khô vì không được chăm bón, vả lại những thứ cây đó rốt cuộc chẳng để làm gì, may ra chỉ có mấy bụi sả có ích cho mấy cô căn-tin thôi. Tôi còn đến chỗ hợp tác xã sản xuất mành trúc xin làm hợp đồng cho học sinh cạo sạch lớp vỏ mỏng trên thân cây trúc cho bóng, xong giao lại cho họ thành phẩm. Tiền công rẻ tệ nhưng ai quan tâm, miễn có việc cho học sinh làm là hay rồi.
Học sinh tụ tập, mỗi lớp một góc sân trường, ngồi lê lết trên hành lang, cạo cho bằng hết phần trúc được giao. Có lần một em hỏi tôi, lớp em cạo xong bó trúc lớn như vậy thì được bao nhiêu tiền, tôi nói cho em biết đại khái số tiền, em học sinh tròn xoe mắt: “Trời ơi, làm đúng một buổi vậy mà tiền công mỗi đứa chưa uống được li nước mía thầy! Sao tệ vậy thầy?”. Em cười nói tiếp: “Nếu vậy bọn em trả cho thầy gấp đôi tiền đó, thầy cho về đá banh”. Tôi bảo: “Tiền bạc không thành vấn đề, người ta chỉ cốt dạy cho mấy anh ý thức về lao động cùng giá trị của lao động các thứ”. Em học sinh nói tiếp: “Tức là giá trị rẻ bèo của lao động chứ gì thầy?”
Phải công nhận chuyện lớn nhất chính quyền Cách Mạng làm được lúc đó chính là việc công lập hóa tất cả trường tư thục ở đất Sài Gòn này, nó vượt quá sự suy luận thông thường, tiền ở đâu mà họ có thể trả lương cho từng ấy giáo viên cùng cán bộ quản lý rình rang…
Tôi vẫn nhớ gương mặt đầy tự hào của ông Mười Tân, phó giám đốc sở Giáo dục thành phố, khi ông phát biểu trong một cuộc họp “Ta công lập hóa tất cả trường tư thục của ngụy quyền Sài gòn, các đồng chí, bản chất chế độ ta là không chấp nhận lợi nhuận trong giáo dục, có khó khăn đó nhưng ta sẽ vượt qua”. Lý tưởng thật, đáng nể lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ bụng đây chẳng qua động tác phô trương thanh thế ngắn hạn, thế nào họ cũng phải có cách gì chớ làm sao chịu thấu gánh nặng ngân sách ngàn cân như thế. Quả nhiên chỉ một năm sau, họ bắt đầu “tổ chức lại” bằng cách bỏ hẳn một số trường cấp ba, số trường khác vẫn giữ lại nhưng chỉ có cấp 1,2. Trường tôi tồn tại cho tới 1980 thì “giải thể” hẳn.
Chuyện ít ai ngờ tới, từ đây về sau, và càng về sau càng nặng, đó là học sinh trường công bắt đầu đóng tiền. Tất nhiên họ dại gì gọi là học phí mà xào nấu chữ nghĩa để gọi tên các món tiền phải đóng bằng những thứ quỹ tự nguyện, có vẻ độc lập với chính quyền, nghe có vẻ chính đáng và nhẹ nhàng hết sức.
Sáng tạo nhất là đưa hội phụ huynh mà họ gọi là hội cha mẹ học sinh ra làm bung xung để kiếm tiền chi cho các hoạt động. Bao nhiêu năm trời phải đi họp phụ huynh cho mấy đứa con, buồn nhất là gặp mấy thầy cô giáo viên chủ nhiệm dạy môn văn mà hầu như không nói đúng tiếng Việt hoặc nói một thứ tiếng Việt nghèo nàn thảm hại, thứ đến hình như chỉ gặp ông hội trưởng, bà hội trưởng phụ huynh lăng xăng pha chút nịnh nọt chuyên khuyến khích đóng tiền, chẳng khác… nối giáo cho giặc (chắc cũng vì lo cho sự học của con).
Trong các món tiền phải đóng, tôi nhớ có thứ gọi là “kích cầu giáo dục”, đóng khá nặng nhưng không hiểu quỹ đó dùng làm gì, nghe nói dường như để sửa hoặc xây thêm phòng học mới. Lạ thật, nếu vậy thì chuyện này dây dưa gì tới kích cầu giáo dục. Muốn chính danh việc thu tiền, chỉ cần chế thêm danh từ (một cách lem nhem, đại khái, tùy tiện) như vậy đó. Thế là chỉ đôi ba năm sau tuyên bố hồ hởi công lập hóa tất cả trường tư thục, các đồng chí “kế thừa” của ông Mười Tân vượt qua khó khăn bằng cách… tư thục hóa tất cả trường công lập! Những năm đầu còn nhẹ nhưng càng về sau họ càng trượt dài trong chuyện thu gom tiền bạc để… củng cố lợi nhuận. Đến nay thì sự nghiệp đó tiến tới hoàn hảo: Từ Mẫu giáo đến Đại học, tất cả chỉ công lập trên danh nghĩa, thực chất từ tờ giấy thi học kỳ đến quyển sổ liên lạc học sinh đều phải trả tiền!
Họ ngồi không nên còn “động não” nghĩ ra nhiều cách làm tiền học sinh hết sức tài tình. Chẳng hạn mỗi dịp có thi cử các thứ, họ đều phát hành những tập tài liệu mỏng gọi là ôn thi, đại khái cho biết chương trình hạn chế, mỗi môn học đều có bài tập, bài làm mẫu… cho tất cả các cấp lớp, “trọng tâm” là các lớp cuối cấp. Những tập sách mỏng, giá lẻ không bao nhiêu nhưng nếu tính số cả triệu học sinh các cấp thì số tiền thu được khiến ta té ngửa kinh ngạc. Mà không phải chỉ mỗi kiểu thu thế này, còn khối cách kiếm lợi nhờ quyền lực và cách thức độc quyền trong lối tổ chức giáo dục nên từ năm này sang năm khác, quan chức to nhỏ trở nên giàu có dễ ợt. Những chuyện này có nhắc lại chẳng qua vì tính “lịch sử” của chúng chứ so với chuyện phát hành độc quyền sách giáo khoa cùng những tài liệu học tập vẽ vời sau này… như các loại vở bài tập in sẵn cho học sinh điền vào một lần rồi bỏ cực kỳ lãng phí thì chúng trở thành… chuyện nhỏ.
Vì liên tưởng lan man nên sau này, lúc dạy tại trường Cao Đẳng Sư Phạm, có lần tôi nghe một ông thạc sĩ sử bảo Trần Trọng Kim là Việt gian, làm bù nhìn cho Nhật, tôi ngứa miệng hỏi ông có đọc hồi ký “Một cơn gió bụi” của cụ chưa, ông thạc sĩ bảo chưa, tôi nói với ông rằng bán nước hay không là chuyện phức tạp của lịch sử, tôi chỉ thấy cụ Trần lúc ra làm Thủ tướng thì đang ở nhà thuê, ôm theo mỗi cái va-li mây, lúc thôi làm, lại tiếp tục ở nhà thuê và cũng chỉ ôm về cái va-li mây. Nay, một quan chức nhỏ ngành Giáo dục hoặc, chẳng hạn, hiệu trưởng trường tiểu học thôi… chỉ ít năm là mua được nhà, có người làm văn thư ở phường cũng kiếm được miếng đất bạc tỉ (tất nhiên không phải ai cũng được thế nhưng phải nói khá nhiều người… trúng mối như thế), mấy anh nói cụ Trần là bù nhìn bán nước này nọ, nghe bất nhẫn quá, e mang tội chết.
Năm 1978, tôi được huy động tham gia chiến dịch đánh tư sản đợt hai. Công tác có tính chất “đại trà”, thiếu cán bộ nên phải huy động đến loại cóc ké như tôi. Tôi gặp hầu hết mấy anh chị hiệu phó các trường PT, có người ngày trước là sinh viên phong trào đô thị tôi có biết mặt hoặc nghe tên. Chúng tôi được “tập huấn” mấy ngày trước khi chia tổ ba người bất ngờ thâm nhập tư gia các hộ gọi là tư sản mại bản. Người tổ trưởng của tôi là một cán bộ đoàn trẻ thuộc loại bảo hoàng hơn vua, lúc nào cũng như muốn chứng tỏ trung kiên, lăn lộn không mỏi mệt trên chiến trường đánh tư sản, anh tra vấn để khảo của chủ nhà anh phụ trách như công an hỏi tội. Anh còn theo dõi sát sao, làm như muốn chỉ đạo chúng tôi áp dụng biện pháp mạnh cho hữu hiệu. Mấy tổ kia không có chuyện này, đây là sáng kiến của riêng anh ta phát huy trong lúc làm tổ trưởng ba người, chúng tôi im lặng chịu đựng. Tôi nghĩ bụng anh chàng này mà làm lớn thì chết cha thiên hạ chớ chẳng chơi, đời thêm khổ vì khối người hám quyền quá đáng như anh ta. Lối nói theo kiểu cán bộ đoàn của anh tôi không biết tả làm sao, chỉ nghe mà ngán ngẩm. Không ngờ anh ta học cách phát biểu y chang lãnh đạo, nhuần nhuyễn không chỗ chê. Sau này tôi nghe phong phanh anh báo cáo rất xấu về tôi tại trường tôi đang công tác. Thật ra, không cần phải thông minh gì, ngay kẻ tối dạ chậm lụt mà nhìn thấy bản mặt chảy dài u ám của tôi trong đợt công tác đó cũng không thể báo cáo tốt gì về tôi được. Đây là chuyện đúng duy nhất anh làm được. Tôi không thể trách gì anh ta. Có điều ngạc nhiên (nhưng xem ra vô cùng lô gích) là chỉ vài tháng sau đợt công tác trở về, tôi nghe tin tay cán bộ đoàn trung kiên đó vượt biên trót lọt một cách ngoạn mục. Ngạc nhiên vì anh ta chuẩn bị quá chừng chu đáo và khổ công, thủ một vai diễn toàn vẹn trong vở kịch tự soạn kịch bản, không chút sai sót trong thời gian lâu dài, chỉ tệ ở chỗ anh ta sẵn sàng dẫm đạp những kẻ vô can một cách tàn nhẫn và không cần thiết. Phải công nhận anh ta khôn khéo quá mức, buồn một nỗi, nói như ông NGK, một dân tộc nhiều người khôn (kiểu đó) là một dân tộc đần độn. Nhiều năm sau, tôi muốn xóa nhòa gương mặt này trong ký ức sơ sài của mình để còn tin “nhân chi sơ tính bổn thiện” mà vẫn thất bại. Thế mới tệ.
Tôi vào ở chung với một gia đình người Hoa gần chợ Kim Biên. Ông chồng Tàu rặt, bà vợ Việt, người Rạch giá. (Lúc xong công tác trở về trường, bà đãi tôi một bữa cơm canh chua nấu theo kiểu Rạch giá, món ăn quen của những ngày dạy học vui vầy một thuở, tôi nhớ bữa ăn đó tới giờ). Tôi ngạc nhiên thấy họ không có gì gọi là giàu, chuyên bán vỏ ruột và phụ tùng xe gắn máy, chủ yếu là bộ phận đánh lửa (vice platiné). Hàng hóa lúc này chẳng còn gì nhiều nhưng họ có bổn phận điền vào một bản kê khai in sẵn rất chi tiết của nổi, của chìm họ đang có. Theo chủ hộ, ông không phải nhà nhập cảng mà chỉ là phân phối hàng cho một đại công ty, gần như vốn rất ít, bán hàng tới đâu thì trả tiền cho công ty tới đó, hết thì họ lại bỏ hàng mới, thậm chí số phần trăm lời của cửa hàng cũng do công ty định đoạt, do vậy ai đó xếp loại tư sản mại bản cho họ là oan. Tôi có nói là mình chỉ đến đây theo lệnh, làm những việc theo lệnh như giao nhận bản kê khai, ở lại đây để xem xét thực tế rồi báo cáo lại, không biết gì chuyện xếp loại tư sản này nọ… Nghe vậy họ còn nhờ tôi trình với cấp trên đừng bắt họ đi kinh tế mới, họ không có tội tình gì, không bóc lột ai, chỉ có căn phố trệt một lầu là mồ hôi nước mắt cha mẹ để lại cho con cháu. Tất nhiên tôi không cho biết đã được lưu ý là phải tra gạn, kể cả hăm dọa khéo léo để họ khai ra của chìm, chủ yếu là vàng (tức kim loại màu vàng, theo cách ghi trong biên bản). Có người thắc mắc vì sao ghi như vậy thì được trả lời rằng chưa xác minh nên không thể biết vàng thật hay giả nên không thể nói chính xác là vàng mà chỉ có thể nói kim loại màu vàng. Láu cá chưa! Ngạc nhiên thứ nhất là nếu người ta cấu kết với nhau đổi vàng thật ra kim loại màu vàng thì sao? Ai biết? Ngạc nhiên nữa là khi nộp biên bản kiểm kê, chúng tôi phải nộp hết, không được giữ lại phó bản nào, như vậy, biên bản đó có giá trị gì đâu, muốn làm bao nhiêu biên bản theo nội dung nào chẳng được? Tôi chán nản nghĩ tới trăm điều khuất tất, càng không muốn làm hại gì cho chủ nhà. Tôi ngượng, chưa một lần mở miệng cóc nói với chủ gia về vàng bạc các thứ. Tôi thấy rõ nếu có cũng chỉ là mồ hôi nước mắt của người ta, mình chẳng lấy quyền gì chính đáng hỏi tới mà tâm vẫn an lành được!
Suốt đợt công tác, hằng tuần chúng tôi tập trung tại hội trường một buổi để nghe báo cáo tình hình, chủ yếu là các tổ được kể là xuất sắc lên báo công, đồng thời rút ra những kinh nghiệm để các tổ khác học tập. Trong những lần đó, “ấn tượng” nhất là báo cáo của một tay cán bộ gốc ngành giáo dục. Ông ta hào hứng tường thuật gần như chi tiết quá trình “đấu tranh” tại một hộ người Hoa bề ngoài không có vẻ gì giàu (theo ông chỉ là ngụy trang). Ông đã kiên trì áp dụng những biện pháp “nghiệp vụ” riêng ông nghĩ ra, (tôi thấy đầy mùi bạo lực, chẳng có gì khéo léo nhẹ nhàng như ông tự nhận, mà cũng đúng, nhẹ nhàng thì làm sao khảo được vàng). Cuối cùng thì bà già Tàu phải xì ra nộp cho ông 10 lượng vàng hay nhiều hơn, tôi không nhớ chắc. Ông này có lối phát biểu đúng kiểu cán bộ chỉ đạo thường thấy lúc đó. Ông hay nhấn giọng những từ ông cho là quan trọng, thường khi nói hết câu rồi thì hạ thấp giọng để lặp lại từ hoặc nhóm từ quan trọng đó lần nữa. Chẳng hạn như: “Cái này rất cơ bản các đồng chí”, ông hạ giọng lặp lại: “Rất cơ bản”. Kiểu này cũng là cách ăn gian thì giờ để chuẩn bị nói câu kế tiếp. Ngồi ở hội trường nóng bức nghe hoài những điệp khúc như vậy, cộng thêm đói bụng, thời điểm đó cứ triền miên đói bụng, lại càng sốt ruột tợn. Sau đợt công tác, ai về ngành nấy, ông cán bộ trung kiên, tấm gương sáng trong công tác cũng như chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách lọt vào mắt xanh của tổ chức nên sau này trở thành quan chức trọng yếu của ngành giáo dục. Với thành tích “ấn tượng” của mình, tôi nghĩ ông công tác bất cứ ngành nào miễn không phải giáo dục thì thích hợp với khả năng ông hơn.
Ở lại trong nhà cả tháng nên tôi và ông chủ bắt đầu thông cảm, thân tình, nhất là nói chuyện với ông rất thú, không hiểu học lúc nào mà ông sành tiếng Việt, đọc được cả thơ tiếng Việt nữa chứ. Tôi phạm nội qui là đi uống café với ông, (chuyện này không qua mặt được tay tổ trưởng tổ tam tam mặc dù y nằm tại một hộ cách tôi mấy căn), ông là thổ địa nên biết chỗ café thật, tất cả café vỉa hè lúc đó đều giả, ông cũng lấy làm lạ mọi thứ vật chất đều trở nên hiếm một cách vô lý không hiểu được, do vậy người ta tìm cách làm giả để đáp ứng nhu cầu. Người Tàu tập cho dân Sài gòn uống hạt bắp rang với vài thứ hạt khác cùng một ít café, riết rồi họ quen, khi được uống café pure, họ sẽ chê cho mà coi.
Gia đình này sống gần như đạm bạc. Bữa ăn ngon nhất của họ tôi chỉ thấy vài lần là một tô thịt heo quay đặt giữa bàn, đĩa dưa cải chua, tô canh móng heo nấu với đậu phộng lột vỏ. Bàn thờ Phật, thờ tổ tiên đặt trên gác, nhỏ xíu và bày biện đơn giản, sơ sài, họ cũng ít cúng vái lâu lắc, rình rang, thấy chỉ xá xá rồi cắm nhang. Tôi không khỏi so sánh với bàn thờ gia tiên đồ sộ, rực rỡ đèn đóm, nhan nhản hình ảnh ông bà chú bác và tượng thờ lớn nhỏ của gia đình ông bạn Bắc kỳ di cư của tôi.
Cách thờ cúng của người Việt chắc cũng bắt chước người Tàu nhưng không hiểu sao chính họ lại có vẻ qua loa, đơn giản trong khi người Việt câu nệ, rườm rà hơn hẳn. Chắc vì mặc cảm bắt chước nên khắt khe và cố làm cho trang trọng hơn chăng? Cũng như đạo Khổng, đạo Mác xít, không một chút hơi hám gì liên quan đến mình nhưng người Việt cũng thực hành nghiêm túc và “kiên định” dai dẳng hơn hẳn thiên hạ!
Ông Tàu này là người buôn bán mà có học như đã nói, nhưng có lần tôi viết mấy câu chữ Nôm truyện Kiều đưa ông, ông chịu thua, không đọc được. Tôi hỏi ông có người Hoa học thức nào biết chữ Nôm không, ông bảo rằng theo ông, chắc là không, vì người Hoa thường rất tự cao, không coi trọng chữ nghĩa, văn chương các lân bang nhỏ hơn mình nên ít khi để ý tìm hiểu nghiên cứu. Có thể ông nói thật lòng nhưng tôi không khó nhận ra cái vẻ Đại Hán trong tâm lý ông ta. Tôi cũng nói với ông chuyện dịch thơ Đường ra tiếng Việt, ý kiến ông “cực đoan” cách không ngờ. Ông nói rằng chuyện rất khó, không bao giờ dịch được cái hồn của bài thơ ra tiếng Việt, may ra dịch được ý nghĩa thôi, mà cũng ít khi vẹn toàn vì bị hiểu lầm. Dịch mất công mà không chuyển được cái hay cho người khác thì dịch làm gì cho mệt. Muốn thì bỏ công học chữ Tàu cho giỏi để thưởng thức thi ca đó chớ khó có con đường tắt nhanh gọn nào khác. Có lẽ ông không đúng trong trường hợp thơ Đường với ngôn ngữ Việt. Con trai lớn của ông năm 1975 đang học cao trung, kẹt lại ở Đài bắc, gia đình không thể gởi tiền từ ngày nọ, nay nghe nói tìm cách đi làm thêm để có thể tiếp tục học đại học.
Cũng năm biến động đó, cô con gái kế đang học sơ trung ở Chợ lớn, chương trình trung học của người Hoa bị bãi bỏ, cô phải theo chương trình cấp 3 tiếng Việt. Lúc đầu gặp khó nhưng rồi từ từ cũng vượt qua, sắp sửa thi tốt nghiệp. Cô không hay nói, đi học về là lên lầu vào phòng, nghe nói tôi dạy học, cô cũng chào hỏi tôi bằng thầy. Một lần hiếm hoi cô nói với tôi: “Xin thầy nói với chính quyền địa phương giùm đừng bắt bọn em đi kinh tế mới, mấy người bà con đi rồi nói khổ lắm, chỉ có bịnh mà chết thôi!”. Lẽ thường cô phải hỏi tôi chuyện văn chương chữ nghĩa, nay cô chỉ nói chuyện sống chết nhãn tiền, nghe không khỏi mủi lòng. Tôi thành thật nói với cô rằng không ai nói với ai được gì, nhất là hạng bét bẹt như tôi, mọi sự được quyết định ở đâu đâu, có điều cứ hy vọng, gia đình cô rõ ra không phải tư sản mại bản, chắc cũng không đến nỗi nào. Nói vậy chứ tôi cũng linh cảm một cái gì chẳng lành rình rập đâu đây. Căn nhà của họ ở vị trí quá thuận lợi cho việc buôn bán, e là đích nhắm của những người thế lực. Tôi chưa nói cô là một thiếu nữ Hoa lai Việt đẹp nhất tôi từng thấy. Mày không xếch như phần nhiều thiếu nữ người Hoa khác, mắt nhung đen mở to giống mẹ, dáng gầy, cao dong dỏng nhưng cân đối như cha cô, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ lại kiệm lời. Tôi có nói nhỏ với ông chủ nhà dù có gì xảy ra cũng tìm cách ở lại thành phố quơ quào sống đỡ qua ngày hay về quê bà ở Rạch giá. Nói hờ hững cho có chứ tôi biết gì hoàn cảnh của bà đâu mà khuyên với nhủ… Tôi tự nhiên thương cảm cho đóa hoa hương sắc trong giá trắng ngần rồi ra sẽ tan tát dập vùi trong phong ba của “lịch sử lên cơn dữ bất thường”.
Tôi không quên những đêm khuya bỏ nhiệm sở trốn về ngủ nhà, đạp xe một mình qua những con phố hoang tàn đèn mờ hiu hắt vùng Chợ lớn, phố xá tấp nập ngày trước nay vắng hẳn bóng người, không buôn chẳng bán, lặng chìm quạnh quẽ như cảnh trong phim Dernier rivage. Gió thốc trên hàng cây dầu, thổi tung bụi cát tấp vào hẻm tối, mấy con chó đói lang thang quanh quẩn bới tìm vỏ tôm ruột cá trong thùng rác. Tô Thùy Yên dù gì cũng nhận ra được “vinh dự lầm than của kiếp người”. Riêng tôi thấy phận mình cũng chẳng khác nào thứ chó đói lang thang.
Nguyễn Khiêm