Article Index

   

KÝ ỨC SƠ SÀI

  KỲ NĂM

Vào học SP, tôi sợ không rảnh nên xin nghỉ chỗ Hội Ngữ Học, chỉ giữ lại vài buổi tối dạy tiếng Việt cho một ông thiếu tá bác sĩ Mỹ ở Bệnh viện 3 dã chiến trong phi trường Tân sơn nhứt, tên Thomas Benton. Chiến tranh lúc này gần như đạt đỉnh điểm ác liệt, Sài gòn liên miên bị pháo kích, rạp hát, chợ búa thỉnh thoảng bị đánh chất nổ, xe lửa bị đặt mìn.

Chuyến xe lửa em đi trúng mìn bật tung như con sâu
Như con sâu nhỏ mọn trợt chân trên cuống lá trơn lùi
Vậy là em đã chết
Em đã chết em đã chết
Ngoài miền trung
Xứ sở những cây dừa phù thủy xõa tóc hú cuồng phong
Những bờ cát thau, những trái núi chì
Con đường sắt dài xương sống quê hương
Em đã chết lẽ nào em đã chết
Em nào có biết gì đâu
Vậy sao em lại chết
Chết trên xe lửa trúng mìn chết vô tình cho lịch sử.
(Tô Thùy Yên)

Tình hình chính trị cũng hỗn loạn không kém, việc nước được tháo khoán cho quân nhân, bọn tướng tá bất lương kết bè kéo cánh gây đảo chánh, chỉnh lý liên tục tranh giành quyền lực hệt những vở bi hài kịch có quá nhiều diễn viên hề lố bịch, lắm lúc xem như trò đùa.
Thomas nói với tôi: “Đêm nào anh thấy máy bay trực thăng lên xuống nhiều trên phi trường thì khỏi đến dạy, họ chở lính Mỹ bị thương về, tôi bận mổ xẻ, tôi sẽ trả anh phân nửa số tiền hai giờ anh thực dạy”. Tôi nói: “Không sao, ông bắt buộc phài nghỉ, tôi thì đâu có dạy mà lấy tiền”. Ông vẫn nói: “không nên, phải... fair một chút, “fair là gì anh?” Tôi nói: “Công bình”, “à, phải công bình một chút”. Từ đó, hễ thấy trực thăng lên xuống nhiều là tôi... khỏe!
Có lần ông dẫn tôi vào phòng mổ xem ông làm việc, tôi cũng bận áo blouse màu xanh như ông, bữa đó vài người bị thương, nặng có, nhẹ có, đều Mỹ đen cả. Họ la khóc như trẻ con chứ không dũng cảm như lính tráng trong phim ảnh. Ngay từ những ngày đầu, ông đã than với tôi về sự vô ích của chiến tranh, đại khái ông nói dân tộc VN khá bất hạnh, nhiều ít cũng giống như cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, ông không thấy lý do gì chính đáng để Mỹ phải trực tiếp tham chiến, ông luôn miệng mong chiến tranh sớm kết thúc…để đem cô vợ VN xinh đẹp về Mỹ. Ông tỏ ra lo lắng vì chưa cưới được cô này. Cô là tiểu thư yểu điệu, ái nữ của một gia đình quí tộc gốc Huế, ông nói người VN trưởng giả còn “phân biệt chủng tộc” hơn Mỹ nữa, cha mẹ nàng cứ ngăn cản cuộc hôn nhân vì sợ thiên hạ đàm tiếu con gái mình là me Mỹ, một từ khá khinh miệt thời đó.

Miền Nam lúc này đã là một xã hội thực dụng, bấn loạn trước làn sóng nửa triệu quân Mỹ và đồng minh ập vào nhưng chuyện lấy Tây lấy Mỹ vẫn bị khinh thường chứ không đến như lấy Đài Loan, Đại Hàn trong thời CS vẫn được xem là vinh hạnh. Dân miền Nam gọi lính Mỹ là thằng, sau này họ ngạc nhiên nghe dân Bắc gọi người Nga là ông Liên Xô, gọi các viên chức chính trị ngoại quốc là ngài. Chỉ gần đây, đi tập thể dục ngoài công viên, tôi mới nghe mấy ông cán bộ về hưu gọi bằng thằng Gorbachov.

Tiếng Việt rối rắm chuyện đại từ nhân xưng, chuyện phân chia từ loại, cấu trúc câu... chẳng giống ai khiến các nhà ngữ học không tiếc lời mắng mỏ nhau . Không mắng nhau là gì, có lần tôi nghe ông Cao Xuân Hạo bảo: “Chúng nó bắt chước văn phạm các nước Châu âu, mà bắt chước cũng không ra hồn, có hiểu ngữ pháp Việt nam là gì đâu anh, chúng nó đọc sách của tôi có hiểu gì đâu, chúng dốt lắm!”. Chẳng là ông đến trường chúng tôi, chán nản thấy chúng tôi vẫn dạy thứ ngữ pháp ông hằng công kích, tôi không rõ “chúng nó” của ông là những ai nhưng chắc không thể không có mấy nhà giáo ưu tú, nhân dân gì đó chuyên soạn sách giáo khoa cho bọn tôi dạy, có khi cả những nhà ngữ học không theo kiểu của ông cũng nên.
Ngược lại, có lần tôi được nghe nhà phê bình văn học tiếng tăm ĐT ca tụng các nhà ngữ học miền Bắc, đại khái ông nói sau Nhân Văn Giai Phẩm, trí thức xuất sắc của họ không làm văn nghệ được nên quay ra nghiên cứu ngữ pháp, đội ngũ đông đảo, rất uyên bác, chuyên ngành hẳn hoi chứ không mằn mò, tự phát . Ngành này miền Nam chỉ loe hoe, khá nhất là hai ông Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê nhưng không bài bản mấy.

Ông ĐT, ông Hạo đều là các bậc thức giả, nói vậy hay vậy, bọn thợ dạy chúng tôi chỉ răm rắp theo pháp lệnh sách giáo khoa, gặp lúc bị quay (chẳng hạn sao sách này nói mấy tiếng đó là cụm từ, sách kia bảo từ ghép, sách giáo khoa bảo chim chóc, cây cối, bạn bè là từ ghép trong khi tự điển bảo là từ láy...) chúng tôi chỉ còn biết nói các anh chị chỉ nên theo sách giáo khoa là đủ, đừng hỏi lôi thôi- làm như mấy cuốn ngữ pháp kia là của... bọn xấu.

Né dạy văn thơ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, dạy ngữ pháp tưởng khỏe nhưng vẫn bực mình vì đọc những dẫn chứng gượng gạo người viết đặt ra cho phù hợp với quy tắc đã phát biểu, trong khi “nhân dân” ít hoặc không nói như vậy; phải lo tránh xa những vấn đề rất thiết thực, nhiều khi nằm gác tay lên trán không khỏi không thấy bẽ bàng. Phải chi lương lậu nhiều nhặn gì cho cam. Làm người thật khó lắm thay! Nhớ người bạn Quảng nam – Nguyễn Công Thuần – viết mấy câu thơ vịnh Kiều trước khi bỏ dạy: Bán mình không để chuộc cha, nuôi thân không đủ đời hoa ê chề, suy đi tính lại mọi bề, trả quách son phấn trở về làng xưa. Nghe đâu về quê xưa cũng không xong vì chính quyền sở tại đố kỵ, anh trôi giạt vào Sài gòn làm công nhân của một công ty chế biến khô mực (cùng “nghề” với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, người ta nói có lúc ông phụ trách phơi khô mực, bị kẻ gian ăn cắp hoài nên mất việc).

Điều đáng ngạc nhiên là những vấn đề từ ngữ, ngữ pháp phức tạp còn tranh cãi vẫn được giảng dạy kỹ từ cấp tiểu học.
Trẻ con trên dưới 10 tuổi đã phải biết các khái niệm như từ ghép phân loại, từ ghép tổng hợp, từ láy âm láy vần, động từ làm định ngữ, bổ ngữ, câu đảo vị ngữ (cha đẻ kiểu nói “rất Tây” hằng ngày trên TV: “Hôm qua ờ Hà nội đã diễn ra lễ ký kết...”); câu đặc biệt (là những câu không thể phân được chủ ngữ – vị ngữ, tức hầu hết các câu tục ngữ phương ngôn, tức lời nói đầu môi của nhân dân – theo ông Cao Xuân Hạo – ông còn nói ngôn ngữ một dân tộc mà câu đặc biệt nhiều hơn câu bình thường thì quá... đặc biệt). Đây là một câu hỏi khá tiêu biểu trong một kỳ thi giỏi văn lớp 5: “Em tìm tiêu chí để phân loại các từ ghép sau đây thành nhóm, hãy đặt tên cho mỗi nhóm: bánh nếp, bánh ngọt, bánh gai, bánh rán, bánh nướng, bánh mặn.*
Dạy chu đáo vậy nhưng hình như người ta chỉ gặt hái được những hư hao. Học sinh vẫn viết câu sai, từ tiểu học tới đại học. Làm gì có chuyện càng học nhiều ngữ pháp càng viết sai, câu khô ran, cứng ngắc... nhưng xem ra tình hình đúng như vậy mới quái lạ.
Tất nhiên một số ít vẫn viết đúng, viết hay nhờ... trời cho. Một thứ ngữ pháp dù uyên bác, chuyên nghiệp tới đâu khi đem ra giảng dạy chỉ đạt được kết quả ít oi, hoặc đáng ngạc nhiên hơn, một thứ effect ngược thì cũng là thứ ngữ pháp đáng ngờ. Còn chưa nói công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu vậy mà không gây được chút ảnh hưởng nào trong xã hội lại càng quái lạ hơn. Cứ nghe cách nói tiếng Việt tùy tiện kinh hoàng hiện nay thì ai có từ tâm tới mấy cũng phải oán giận những kẻ có trách nhiệm về học thuật, giáo dục, ngôn từ của dân tộc.
Năm khi mười họa xem TV, thấy người ta đọc thì còn đỡ phần nào, nhưng khi buộc phải nói vói nhau thì bất cứ ai có học hành đôi chút cũng thấy tiếng Việt bị tàn phá, rơi vào hỗn loạn hơn lúc nào hết.
Cái gì mà các nhà chính trị từ cao tới thấp “phát biều chỉ đạo” lúc nào cũng chỉ có mấy “từ khoá” như nỗ lực, phấn đấu, bức xúc, hoàn thành, trăn trở, mạnh dạn...; câu thì chỉ hai ba “câu khoá” như “Không được để..., phải hoàn thành..., phải đẩy mạnh...”. Xem ra nói đi nói lại chưa tới một trăm từ! Các MC, BTV, BLV thể thao... gần như những tấm gương soi cho cộng đồng về ngôn từ trên TV thì muốn nói kiều gì cũng được, cùng một tiếng khi đọc âm này, lúc đọc âm khác, nói sai bậy mà mặt mày đầy tự tin phát ghét. Có thứ tiếng Việt nào trong lịch sử mà nông dân chỉ cần nói: “Bưởi rất ngon nhưng đất hẹp, trồng không đủ bán”, đến phiên quan chức sẽ thành ra “Chất lượng bưởi rất là đạt nhưng diện tích nuôi trồng là không nhiều vì chưa có hướng phát triển đúng đắn nên khả năng tham gia thị trường là còn hạn chế”.
Tôi không thể tin vào thính giác già nua của mình khi nghe một ông đại uý công an giao thông thay vì chỉ cần nói “đụng xe ngoài ngã tư” thì thành: “Các phương tiện xung đột tại giao lộ”, phải chi ông mỉm cười một chút là tôi khoẻ vì nghĩ ông giỡn thôi. Báo chí thì chính thức từ lâu nói “tham gia giao thông”. Gì mà “tham gia” trời! Kinh hoàng nhất là BLV bóng đá. Nghề đó phải nói nhanh và càng gọn càng hay nhưng sao ngược lại mới lạ đời. “Anh ta chạy cực nhanh” thì bảo “Tốc độ chạy của anh ta là rất lớn”, “Anh ta có kỹ thuật khéo léo” thành ra “Anh ta đã sở hữu những phẩm chất kỹ thuật rất là tốt”, “Đội A thay người” thì lại nói: “Đội A có sự thay đổi người”. “Cú đánh đầu vừa rồi là của A” tức “A vừa đánh đầu”, lại “đánh đầu chiến thuật” tức chuyền banh bằng đầu. Chiến thuật ở đây là gì? Luôn luôn nói “Thời gian còn lại là không nhiều” trong khi chỉ cần nói ”sắp hết giờ”.
Sao người ta say mê từ “là” quá trớn trong khi từ này cấm kỵ trong tiếng Việt ngày trước, nhất là không được đặt trước tính từ làm vị ngữ, bổ ngữ vì nó thừa thải, dở tệ.
Cũng không thiếu hài hước khi nghe các từ ngữ phát sinh theo nhu cầu bẻ quẹo tin tức như “nới rộng biên độ giá xăng” tức “xăng tăng giá”, “điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng” tức “tăng vật giá, “khiếu kiện đông người” là “biểu tình”, “ngưng việc tập thể” là “đình công”, “nông dân có khó khăn” là “nông dân điêu đứng”, “chi tiền chưa đúng đối tượng” là “ăn chặn tiền tết của người nghèo...”

Những nhà học thuật, họ uyên thâm đáo để, sắc sảo mọi bề, chẳng hiểu vì cớ gì không nhìn lại đôi chút kết quả việc mình làm mà thay đổi chương trình, thay đổi não trạng trong việc trích tuyển tác phẩm, nội dung văn thơ trích giảng. Cái gì cũng chăm bẳm rằng chỉ văn học của phe ta là giá trị, đáng học, rồi ra chỉ thu hoạch một “mùa gặt trên hư không” mà thôi.
Lũ chúng tôi, suốt thời kỳ trung học, có học giờ ngữ pháp nào đâu, đó chỉ là những câu hỏi cho có vào cuối bài giảng văn, học sinh không kịp soạn thì thầy cũng không la rầy gì. Thế nhưng lên đến lớp 11, 12 chúng tôi chỉ mắc lỗi về ý tứ trong các bài nghị luận, hiếm khi thầy phàn nàn về lỗi từ ngữ, ngữ pháp. Không phải lúc đó trẻ con thông minh gì hơn bây giờ – dân tộc càng ngày càng khôn lanh hơn chứ – nhưng có lẽ nhờ chương trình chỉ chú ý dạy thứ tiếng Việt thực hành cốt rèn luyện cho trẻ em dùng từ ngữ đúng và viết trôi chảy các kiểu câu tiếng Việt thông qua các văn bản có giá trị thật về văn chương.
Văn thơ thật sự có giá trị nghệ thuật, cái gì là tinh hoa của văn chương Việt nếu được trích dạy đúng lúc sẽ ở lại hoài trong tâm hồn trẻ, lời hay ý đẹp, mỗi ngày một ít, sẽ thấm dần trong các em, cách diễn đạt đặc trưng của ngôn ngữ dân tộc trong các áng văn thơ đó đâu khó khăn gì mà không gây được ảnh hưởng trên các em, rồi các em sẽ viết sáng sủa mà không cần phải học ngữ pháp quá nặng nề, vô bổ, mất thì giờ.

* Chia ba nhóm từ ghép:
Danh từ + danh từ : bánh nếp, bánh gai
Danh từ + động từ : bánh rán, bánh nướng
Danh từ+ tính từ : bánh ngọt, bánh mặn

Nguyễn Khiêm