banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

 KÝ ỨC SƠ SÀI

   KỲ TÁM

Ngay những năm đầu sau 75, đời sống vật chất, tinh thần của lớp người cũ hoàn toàn suy sụp. Những hy vọng và tin tưởng ban đầu mau chóng tan vỡ lặng tờ như bong bóng xà bong. Cuộc phân tranh nam bắc dằng dai ác nghiệt, đẫm máu và nước mắt, nay tới hồi kết thúc mà mình vẫn sống sót, dù bị thiệt thòi tới đâu, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Hầu như mọi người đều nghĩ đất nước sạch bóng ngoại nhân, dẫu cộng sản hay chế độ nào cai trị, khắt khe tới đâu rồi ra cũng chịu đựng được, bởi lẽ cùng là “đồng bào” cả. Sống sót là phước lớn rồi. Ăn muối cũng… sướng.

Nhưng rồi té ngửa hết. Sự đời đâu có đơn giản vậy. Mọi giá trị vật chất, nhất là tinh thần, đảo lộn dữ dội tới mức trước đó, không ai đủ trí tưởng tượng để có thể hình dung . Nhà giáo chúng tôi cũng đi từ ngạc nhiên này đến chưng hửng khác.

Ngôn từ thì lạ lẫm, danh xưng nghề nghiệp, các bậc học, các danh vị, cách thi cử, học sinh đậu rớt… đều khác lạ. Không lạ sao, nội chuyện gọi cấp hai bậc trung học phổ thông là phổ thông cơ sở, tại sao? Anh Trần Phong Giao hỏi tôi dịch sang tiếng Pháp chẳng hạn thì dịch sao, tôi nói không biết.
Cách chấm bài thi cũng lạ nữa. Bài nghị luận văn chương của thí sinh càng giống sách giảng văn (do bộ phát hành) chừng nào thì điểm càng cao chừng nấy. Cách chấm bài văn cũng độc đáo. Thang điểm chặt chẽ tới từng chi tiết, thí dụ thân bài có ba ý lớn, ý một gồm ba ý nhỏ, mỗi ý bao nhiêu điểm… Còn dạy thì tất cả tập trung dạy thế nào để học sinh “nắm” sách giáo khoa thật “nhuần nhuyễn” là dạy giỏi. Đi thi mà lý luận, thậm chí chép đúng sách giảng văn thì cũng là giỏi văn.
Tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông vô cùng rình rang, nặng trịch về hình thức. Số ký danh của thí sinh phải đánh số thay đổi vị trí ngồi từng buổi, giám thị ngồi sai vị trí thì bị phê bình. Hội đồng chấm cũng đầy những quy định nhiêu khê, mệt mỏi.

Tất cả những bày đặt rườm rà đó để dẫn tới kết quả gì ? Đó là học sinh năm nào cũng đậu gần 100%. Sở dĩ “gần” là tại có em bịnh hoặc bị tai nạn, (xe cộ chẳng hạn). Mấy chục năm rồi vẫn thi như thế và đậu như thế. Không lạ sao?
Đã biết học sao cũng đỗ, thôi thì “phân quyền” cho trường phổ thông lên danh sách học sinh “đạt yêu cầu” cho đỡ hao tốn tiền của, ham gì tấn tuồng thi cử chiêng trống rình rang chẳng chút lợi ích cho ai! Cũng không thể không ngạc nhiên khi thấy mãi cho đến hết mười năm đầu thế kỷ 21 mà chuyện thi trắc nghiệm, chuyện phân ban ở bậc phổ thông cũng vẫn còn ì ạch trong thử nghiệm và… tập huấn. Nghe đâu đã tốn mười mấy tỷ đồng mà vẫn chưa thực thi được, trong khi miền nam đã phân ban từ trước 1960 và thi tú tài trắc nghiệm trước 1970, chẳng nghe nói tập huấn và thử nghiệm hồi nào.

Thời gian này các giáo viên được lưu dụng cũng quen dần ngày 20 tháng 11, bắt đầu nhận quà của học sinh không ngượng ngùng như những măm mới mẻ sau 75. Thiếu thốn, cơ khổ quá rồi thấy học sinh biết ơn bằng quà cáp, bao thư… cũng tự nhiên. Đâu biết tư cách ông thầy, do đó cũng tự nhiên dần dần mất trắng. Một lần nghe con gái tôi kể cô giáo chủ nhiệm của lớp nó nhắc công khai, các em có cho cô áo dài thì cho vải này…màu nọ… Con nhỏ cũng biết phàn nàn: “cô kỳ thiệt”. Chẳng bù ngày trước, tết đến, thầy nào vào lớp cũng móc bóp cho tiền học sinh mua bánh kẹo ăn tất niên, cho nhiều, ăn phủ phê, dư tiền làm quỹ lớp. Thầy dạy trường tư thì xem sổ sách tìm em nào học giỏi giúp đỡ bằng cách đóng học phí cho em đó, có khi giấu tên, văn phòng chỉ việc báo cho em biết có người giúp em học phí rồi.

Một truyền thống tốt đẹp nay đã tuyệt đối bị loại bỏ là hằng năm, cứ sắp hè y như rằng các hãng buôn, thương gia, các tờ báo lớn, thầy cô đều tự nguyện đóng góp tiền bạc, phẩm vật giá trị để gởi đến các trường phát thưởng, chỉ thiếu sót một điều là không có…giấy khen.
Học sinh lãnh thưởng có khi phải về bằng cyclo vì quá nhiều từ điển, sách vở.
Nói ngay cũng phải thôi. Lương thầy cô bấy giờ quá khiếp. Sơ sơ giáo học bổ túc dạy tiểu học lương khởi điểm 4800 đồng , trong khi lương cán bộ xây dựng nông thôn và miền núi chỉ 600 đồng (vàng 500 đồng/chỉ).
Cũng chẳng hiểu cớ gì chính quyền hồi đó coi trọng ngành giáo quá đáng vậy nữa (trước 1965). Nhưng những năm tháng này hẳn là hào quang cuối cùng của những ngọn pháo bông chót của ngành giáo dục, bởi lẽ sau đó chỉ liên tục những thoái trào. Cho đến những năm sau 75 thì kết thúc hành trình để xuống tận đáy xã hội.

Hoàn toàn có thật, đi đâu ai hỏi hồi này làm gì, nói vẫn còn đi dạy học, tự nhiên thấy ngượng ngùng, thảm hại. Ông thầy bị xã hội miệt thị, giễu cợt thậm tệ. Tới thăm người bạn đồng nghiệp, cụ thân sinh anh nhìn chúng tôi cười ái ngại: “Sĩ đáo cùng thời sĩ giáo nhi”. Người xưa đã phán vậy, chẳng trật đường nào. Ngoài mươi năm lóe sáng bất thường, phải chăng ngành giáo dục đã được trả về với giá trị thật của nó? Thế thì chỉ nên tự trách mình thôi.
Nghe đâu bên Mỹ nghề giáo cũng là the last choice của thanh niên mà.

Hồi này mang túi xách đi lạng quạng trên lề đường thường bị người ta hỏi: “Gì đó ông thầy? Có gì bán không?” Đi xe đạp láng cháng trên phố, bị đứa nhỏ qua mặt hất hàm hỏi: “Đi gì kỳ vậy ông…thầy?” Thầy tuốt hết. Nghèo hèn, tả tơi là thầy. Quờ quạng, vụng về…cũng thầy. Mà đâu có sai.
Nhà tôi có gì coi được liền bị các bạn đồng nghiệp người bắc hỏi mua, tất nhiên nếu mình không bán thì thôi, khổ nỗi, mình cũng muốn bán. Bán rồi oán giận vu vơ. Lúc đầu là xe Suzuki, sau là tủ buffet, quạt để bàn rồi “tất yếu” đến quạt trần, cuối cùng là… nấu khoai mì chở xuống trường nhờ mấy cô căn tin bán giùm lớp đêm bổ túc văn hóa.

Có lần tôi về Hội an thăm nhà nghe cô em của người bạn là giáo viên tiểu học kể rằng trong giờ dạy, lợi dụng lúc học sinh làm bài, cô “tranh thủ”…lặt rau muống, bà hiệu trưởng nhìn thấy nhưng vẫn làm ngơ vì một lát bà được lấy phần rau già cho heo.
Lần về này tôi cũng ngạc nhiên thấy một banderole giăng ngang đường Lê Lợi thị xã Hội an “Thằng trời đứng qua một bên, để cho thủy lợi đứng lên làm trời.” (Cho đến trận lụt “lịch sử” 2009 thì thủy lợi làm trời thật, trời xả nước hồ thủy điện gây nạn hồng thủy, nhấn chìm nhà cửa, ruộng nương; lúa má, heo gà trôi giạt trong làn nước dữ đỏ ngầu chưa từng thấy bao giờ). Ở Sài gòn bọn tôi cũng đi làm thủy lợi nhưng không thấy câu này, chỉ nghe truyền nhau câu đối chơi chữ “Ra kinh thấy kinh sợ kinh”.

Em tôi dạy tại một ngôi trường nhỏ chơ vơ bên bờ sông Thu bồn, ngó mông qua bên kia, bãi cát trắng bát ngát nối tiếp bờ liễu xanh rờn vẽ một vệt đậm tới tận chân làng xa. Chắc ông Lê Trọng Nguyễn ghi lại cảnh này trong khúc hát Bến Giang Đầu: "Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu, mà nay bên sông liễu khuất bến giang đầu, mười mấy năm qua rồi, còn gì đâu…còn gì đâu…". Em tôi kể, có lần đang giờ học, thình lình nghe tiếng nổ ầm giật thót người, bỗng các em trai trong lớp đồng loạt, đứa chạy ra cửa lớn, đứa thoát ra cửa sổ. Cô hốt hoảng không hiểu chuyện gì. Chúng lao mình xuống sông bắt cá, vì có người đánh cá bằng lựu đạn, chúng nhào xuống bắt hôi. Cô thấy chuyện kinh khủng quá, đang giờ dạy, chúng thoải mái mưu sinh kiểu đó, có đứa chết đuối thì chính cô chịu trách nhiệm. Cô yêu cầu hiệu trưởng mời phụ huynh, ai cũng hứa sẽ la rầy chúng. Một bà tỏ ra thông cảm với nỗi lo của cô giáo, cũng ngỏ ý xin lỗi nhưng không quên nói thêm: “Mà thưa cô, cũng tội nghiệp cô hỉ, hắn bắt được một xâu cá dài cô nghe!” Cũng có đứa lên khỏi nước trở về lớp, áo quần ướt nhẹp, đưa xâu cá trước mặt cô cười cười: “Em cho cô nè”.

Đã đành rằng mỗi thời, mỗi xã hội đều có chữ nghĩa riêng phản ảnh học thuật, văn hóa, cách cai trị… của chính quyền thời đó, không ai hơi đâu bắt bẻ chuyện chữ nghĩa, danh từ, có điều không khỏi lạ tai khi nghe, ví dụ, dạy thêm cho học sinh kém thì nói rặt chữ Hán phụ đạo, (không thấy gọi giáo viên chủ nhiệm là đạo sư), ngạch trật là biên chế, bài soạn là giáo án, chuyện bịa, tưởng tượng, thành hư cấu,( thời gian lâu tôi mới hết khó chịu với chữ này, cái gì mà cấu cấu… nghe ghê!), vào lớp thành lên lớp, tiêu chuẩn thành tiêu chí, lưu dụng là lưu dung (tôi e người đánh máy văn thư quên bỏ dấu rồi chữ đó trở thành…pháp lệnh chứ lưu dung ở đây có nghĩa gì?). Không khỏi ngỡ ngàng lần đầu nghe kiểu nói như pháo nổ rất chất lượng, học sinh báo cáo…quân số, đi ăn đặc sản, bão đổ bộ vào đất liền (chắc lúc ngoài biển bão đi tàu thủy).

Cho đến những năm đầu thập niên 80, chuyện chữ nghĩa cũng vẫn còn gây hiểu lầm lôi thôi. Lê H.Dũng bạn tôi dạy Hóa có tiếng, một hôm ông cán bộ người bắc dẫn con đến xin học, ông bảo: “Xin thầy giáo cho con tôi đăng ký học thêm”. Ông thầy thong thả: “Tôi là thầy chớ không thầy giáo chi hết, bộ ông nói thầy giáo để phân biệt với thầy cúng, thầy tụng, thầy bói… hả? Ông dẫn cháu về đi, lớp hết chỗ rồi”. Người miền nam nghe ra trong chữ thầy giáo, cô giáo có ý xách mé, khinh miệt trong khi ông phụ huynh nọ hiểu theo nghĩa bình thường (cũng như chữ ý đồ, miệt trong hiểu theo nghĩa xấu). Chắc ông cũng ngạc nhiên sao ông thầy lại phản ứng bất ngờ như vậy.

Ngược đời một nỗi, ngôn ngữ mới đầy chữ Hán nhưng hầu hết giáo viên miền bắc “chi viện” hầu như không ai viết được chữ Hán, từ già tới trẻ. Bà hiệu phó chuyên môn trường tôi tên Bích, một hôm ngồi nói chuyện với năm ba người tại phòng giáo viên, không biết bà lỡ lời hay sao, nói mình có biết chữ Hán chút ít, Nguyễn V Thanh, anh giáo viên trẻ có tiếng đốp chát, hỏi thẳng ngay: “Tên chị là Bích, bích là hòn đá xanh, bích là ngọc, là màu xanh, là bức tường… tên chị là chữ nào, chị viết thử… ” Bà hiệu phó lúng túng : “À… à… lâu quá, tớ cũng quên”.

Có một chuyện khiến không thể quên được anh này. Năm 78, 79 gì đó, cuộc bầu cử quốc hội hay có khi hội đồng nhân dân, diễn ra rất rầm rộ. Các ứng cử viên gồm nhiều thành phần, kể cả một bà nào đó trong ngành vệ sinh đô thị, một ông thương binh cụt tay. Buổi học tập bầu cử rất trang nghiêm, giáo viên chỉ ngồi nghe, thấy ai cũng “tài đức vẹn toàn”, cũng được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu đàng hoàng, đâu ai dám có ý kiến gì nhưng riêng Thanh đưa tay xin “phát biểu”. Mọi đôi mắt đổ dồn về anh, tôi nghĩ bụng không biết tay này định giở trò gì. Anh nói chầm chậm: “Ai cũng biết nghề nào cũng cao quí, quét rác cũng phục vụ nhân dân rất thiết thực, tôi rất ủng hộ nhân vật này, nhưng riêng đồng chí thương binh cụt tay… ”. Thanh có vẻ ngập ngừng không dám nói hết ý. Bà hiệu trưởng giục: “Anh nói tiếp đi!” “Dạ, tôi chưa “nhất trí”, tôi thấy cụt tay rất bất tiện, làm sao… vỗ tay được?” Đám đông bùng vỡ trận cười nhưng bà hiệu trưởng dập tắt ngay: “Thanh không được phát biểu linh tinh, đây không phải chỗ anh châm chích nghe chưa!” Vẫn còn những tiếng cười khúc khích nho nhỏ đâu đó. Tôi nghĩ thế nào Thanh cũng bị lôi thôi nhưng sau đó mọi sự vẫn êm. Kể ra bà hiệu trưởng này cũng biết chấp nhận chút hài hước, không lấy gì làm nghiêm trọng. (Nhưng cũng có một chuyện nói lên bà là một con người khác. Thời gian này quân đội VN chưa tràn qua Campuchia, cuộc cách mạng vô sản đẫm máu của Khơ me đỏ gây kinh hoàng cho thiên hạ, giáo viên trường tôi cũng bàn tán xôn xao. Trong một buổi học tập chính trị, bà nghiêm khắc nhắc nhở mọi người rằng không được phê bình đảng bạn, bạn có hoàn cảnh của bạn, ta không hiểu thì không được phép bình luận).
Nhưng Thanh vẫn chứng nào tật nấy. Lúc bấy giờ còn lệ trực cơ quan, cứ mỗi đêm hai người. Có lần anh ghi vào sổ trực: “Tối qua không có “sự cố” gì, ngoại trừ con chó bên dòng tu cứ sủa… linh tinh suốt đêm, không tài nào ngủ được.” (Chắc anh cố tình dùng lại từ linh tinh của bà hiệu trưởng). Lại một lần khác: “Đêm qua có “sự cố”. Vào lúc 2 giờ sáng, tôi đi vệ sinh, bất ngờ gặp tên - chắc là ăn trộm - nhảy từ bờ tường xuống cái thịch, tôi hoảng hồn nhìn nó, nó cũng hoảng hồn nhìn tôi, rồi đồng thời hai bên đều quay lưng bỏ chạy”. Thời gian này ăn bo bo gãy răng, Thanh ngồi chơi chỗ phòng hội đồng, dùng thước gõ đều đều vào bàn theo kiểu gõ mõ tụng kinh: “Tàn nhẫn… vô nhân đạo… hết gạo còn bo bo… bó bo bò bo… bó bo bò bo… bó bo bò bo… ”

Những thiếu thốn vật chất cũng không lường nổi. Cả vựa lúa miền tây nam bộ không hiểu biến đi đâu. Gà qué, heo quéo, gạo thóc… tràn ngập hang cùng hẻm tận vừa mới đây chứ có lâu la gì, tự nhiên sao bỗng dưng hiếm như chả phụng nem công. Tất cả giao thương trao đổi đều bị chặn đứng. Như nha phiến, một ký gạo cũng không lọt qua được trạm kiểm soát Tân hương tỉnh Tiền giang.
Cha vợ tôi từ Gò công lên Saigon thăm con, xách trong giỏ đệm năm ký gạo nấu cháo cho các cháu, qua trạm Tân hương không những bị tịch thu mà còn bị “quản lý thị trường” mắng nhiếc, đe dọa cụ già như kẻ trộm cắp. Cụ có tiếng cứng cỏi mà cũng rưng rưng : “ Thiệt lạ quá, ba chưa từng nghe nói chớ đừng nói thấy nhà cầm quyền nào ngang ngược, nghiệt ngã với dân vô lý vậy bao giờ. Chính sách gì mà lạ đời quá đỗi vậy con? Ngày trước thằng Tây cai trị chỉ lúc cấm rượu là hơi tầm bậy, ngoài ra nó chỉ phạt người chặt cây núi cấm, phạt người bán cá lóc có trứng… coi ra nó lo cho dân mình đó chớ?”
Sách báo nhắc tới giai đoạn này chất thành núi, chẳng cần phải gợi lại. Có điều trong cách nhắc lại thời “bao cấp”, thời “ ngăn sông cấm chợ ”, ai cũng có cảm tưởng như đó chỉ là một “sự cố” từ trời rơi xuống, không ai gây ra cả, chẳng ai chịu trách nhiệm hết. Bất quá cũng chỉ nói tại… duy ý chí, ai duy ý chí thì không biết rõ.

Ơi những ông quan nhỏ quản lý thị trường ngày nọ, nay chắc có người lên làm quan lớn nhờ thành tích của mình, đêm nằm còn nhớ chăng chính mình đã tích cực đóng góp cho “ một mùa địa ngục” trên quê hương đã thanh bình, đúng ra phải dễ dàng được cơm no áo ấm.

Cũng khó quên vụ chữ cái cải cách trong giáo dục thời đó - nỗi hổ ngươi khó nuốt - cũng từ trời rơi xuống, chẳng có ai ra lệnh cả. Chuyện cũng chỉ là … chuyện nhỏ, chỉ liên quan tới một ngành nghề, vậy mà “lịch sử” vẫn không thấy tên người chủ trương, trường hợp này chắc cũng tại duy ý chí rồi tiếp đến duy (trì)… giấu giếm.

Nguyễn Khiêm