KÝ ỨC SƠ SÀI
KỲ BA
Thời gian học văn khoa nhàn nhã tôi lang thang tìm chỗ dạy. Sài gòn đầu những năm 60 còn là một rừng cây êm ả. Những buổi trưa tan trường Đức Tin số 6 Mạc Đỉnh Chi, đi dưới tàng cây dầu nghe tiếng cu gáy râm ran tưởng như tiếng chim gáy chốn quê nhà ngày cũ. Đường Phùng Khắc Khoan kế bên với hai hàng me tơ lá già xanh sẫm, lá non màu đọt chuối chen nhau từng mảng, lâu lâu mới có chiếc taxi hai màu xanh trắng chạy qua, con đường lại trở về tĩnh lặng , gần như không một bóng người. Con chim sâu màu vàng nghệ treo ngược đung đưa dưới cành lá thanh mảnh tìm mồi, thỉnh thoảng buông tiếng hót dài vi…i…xào…ào…nghe ra một điệu buồn kêu than vì cuộc mưu sinh vất vả.
Ôi, những hàng me Sài gòn của ông Bình Nguyên Lộc:
“Me đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh mơn mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như hòn non bộ dày sương dạn gió. Tàng me không thưa, không xơ rơ như tàng sầu riêng, không dày mịt như măng cụt. Vốn nó đã đẹp ngoài thiên nhiên rồi mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn thì nó lại càng đẹp hơn biết bao! Ôi, những hàng me Chợ cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng. Những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa. Những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá me nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàng xanh sậm quyến luyến tiếng dương cầm của ai từ của sổ vọng ra.”
Hình như tôi có đọc đâu đó sau này, nhà văn SN chê cây me, cho là thứ cây thô lậu, tầm thường; trong khi ông Bình Nguyên Lộc đồng ý: ”Me, cái tên nghe thô lỗ, cộc cằn, chẳng chút cao nhã như thanh tùng, anh đào” nhưng “chưa chắc thanh tùng, anh đào đẹp bằng me, nhất là me Sài gòn.” Dường như cái gì ông BNL khen thì ông SN chê. Người ta, vốn rộng lượng với thiên hạ nhưng có lúc cũng hẹp với đồng nghiệp. Tôi có “chủ quan” nghĩ bậy, xin hương hồn người đã khuất lượng thứ.
Văn xuôi Việt Nam, những đoạn hay tả cây cối, hoa lá có thể trích giảng cho học sinh tiểu học và cấp 2 xem ra hiếm hoi. Đoạn tả hoa súng của Đinh Gia Trinh thâm trầm sắc màu đạo đức, lời văn bóng bẩy nhưng diễn đạt cầu kỳ, đoạn tả hoa phượng của Xuân Diệu trong tập Trường Ca lời văn lộng lẫy, âm điệu nhịp nhàng nhưng ý tưởng kém phần cụ thể; riêng đoạn này xuất sắc vì văn phong giản dị, từ láy gợi hình, phép nhân hóa sử dụng tài tình, tự nhiên. (Đọc mà nhớ Sài gòn ngày cây cối chưa bị tàn sát hàng loạt, nhớ xe mỳ tàu Chợ cũ thơm lừng dưới bóng me mát rượi).
Yêu thích giá trị nghệ thuật của nó, may mắn sao tôi gặp được người quen đang tham dự vào việc soạn sách giáo khoa cải cách, tôi nói với anh nên đề nghị cho trích giảng bài đó. Gặp lại, anh nói: “Xong rồi, sẽ có bài "Những hàng me Sài gòn" của BNL”. Tôi mừng. Chẳng dây dưa gì bài này bài nọ trong sách giáo khoa (mà hạng như tôi ai cho mình dây dưa vào? vớ vẩn!) nhưng nghe thế tự nhiên tôi cũng mừng.
Sách phát hành, mở ra xem, thấy chỉ có một đoạn ngắn ba bốn câu, đề bài là ”Những hàng me” cụt ngũn. Trời đất, “Những hàng me” thì khác xa “Những hàng me Sài gòn” chứ? À ra vậy. Người ta... né chữ Sài gòn, ghét chữ Sài gòn vì chữ này gợi tới... ngụy quyền Sài gòn, văn học đồi trụy Sài gòn chăng? Hèn gì mấy năm trước, nghe ông tường thuật đá banh cứ nói đội Cảng thành phố Hồ Chí Minh một cách dài dòng thay vì chỉ nói Cảng Sài gòn cho lẹ. Ông ta không biết Cảng Sài gòn là tên riêng, Cảng Sài gòn của thành phố Hồ Chí Minh, (nếu muốn nói đủ). Tò mò, tôi lật ra xem mấy cuốn Tiếng Việt của bậc Tiểu học thử “cải cách” tới đâu so với sách cũ. Trước hết và dễ thấy hơn hết là những cái bìa sách rất khác, khổ in khác, sắp xếp các chủ đề, chủ điểm cũng khác; giấy tốt hơn và giá... mắc hơn. Sách bỏ đi khái niệm từ ngữ, ngữ pháp, thay vào đó là luyện từ và câu, chắc là tránh tên gọi môn học gây cảm giác nặng nề. Văn thơ được sao lục giảng dạy hầu hết lấy lại từ sách cũ. Tât nhiên cũng có bài mới nhưng đặc điểm chung là chia đều mỗi người một hoặc hai bài.
Hình như được trích in vào sách giáo khoa là một vinh dự lớn, một quyền lợi hay chứng thực cho giá trị tác phẩm của tác giả đó chăng? Có lần tôi nói chuyện này với Đào Hiếu, Đào quân cười bảo thì cũng như phân phối cho công nhân viên theo tiêu chuẩn nửa ký thịt, mười ba ký gạo.
Xem thử một bài học thuộc lòng trong sách Tiếng Việt lớp BA:
Rừng cây trong nắng. Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời như những cây nến khổng lồ. Từ trong biền lá xanh rờn, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời. Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm. ĐG
Đoạn văn trên đây nhiều khuyết điểm quá. Trước nhất là ý. Nói ánh nắng mặt trời là thừa. Nắng mà không từ mặt trời thì là gì? Nói rừng khô rất dễ hiểu lầm rừng cây khô, có lẽ nói khô ráo sẽ ổn hơn. Mà rừng khô thì có gì uy nghi tráng lệ? Tưởng thành quách lầu đài thì mới tráng lệ uy nghi chứ? Tác giả so sánh thân cây tràm như những cây nến khổng lồ e không thích đáng. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng Xuân Diệu trong Phấn Thông Vàng chăng? (Chín mười cây cau song song vụt lên giữ ánh sáng trên đầu như những cây nến khổng lồ), nhưng có “giữ ánh sáng trên đầu” thì mới so sánh được với cây nến khổng lồ, còn ở đây, cây tràm với tán lá xanh rì làm sao so sánh như vậy cho được? Rồi cách dụng ngữ nữa. Đoạn văn chỉ có bốn câu ngắn mà lặp đủ bốn lần từ TRỜI, câu nào cũng có trời, hai lần lên trời, hai lần mặt trời, đọc nghe vụng về, chướng tai... quá trời!
Lỗi không ở nhà văn, nhà văn dù giỏi cũng có lúc sơ sót vì nhiều lý do. Lỗi thuộc người trích tuyển không cẩn trọng, không biết chỗ dở chỗ hay. Nghe nói việc đổi sách giáo khoa được tổ chức khoa học, ban bệ đàng hoàng lắm và tiền cũng nhiều lắm. Còn nhiều điều trong sách có thể nói tới, nhưng thôi, không phải chỗ.
Buồn một nỗi nghe đồn sắp đổi đợt mới, tất nhiên là tiền của dân. Chữ nghĩa, giáo dục xứ này coi bộ ngày càng mắc tợn.
Nguyễn Khiêm