KÝ ỨC SƠ SÀI
KỲ MƯỜI TÁM
Trong một bài phỏng vấn trên một tờ báo văn nghệ hải ngoại, hình như Tô Thùy Yên cho rằng không có thứ thơ gọi là thơ triết lý.
Vấn đề theo tôi, chỉ là danh từ. Thơ triết lý hay đượm màu sắc triết lý thì cũng vậy. Nếu không xây dựng trên những chủ đề nhiều ít liên quan tới những ưu tư của nhân quần về ý nghĩa đời người, tình yêu, cái chết...tôi e thơ Tô Thùy yên không có địa vị gần như độc tôn cho tới ngày nay. Toàn bộ sự nghiệp thi ca của mình, không có hoặc rất hiếm bài nào ông không đề cập tới khía cạnh triết lý gần xa nào đó đụng tới phận làm người. Võ Phiến nói rằng đọc một tác giả, ta có cảm tưởng tác giả đó nhỏ hay lớn dường như ngoài chuyện chữ nghĩa, nghệ thuật diễn đạt còn liên quan tới những vấn đề tác giả bị ám ảnh tức các chủ đề, đề tài nhỏ hay lớn nữa. Tất nhiên không phải hễ muốn lớn thì chỉ cần nói tới chuyện lớn mà phải nói tới với tài năng tới đâu và bằng cách nào mới là cốt lõi. Suy nghĩ tới cõi sống cõi chết thì trong đầu ai, lúc nào mà chẳng từng nhưng viết ra thành những câu thơ đẹp tới não lòng như ông thì xưa nay mấy ai? Tôi buồn bã nhận rằng nói tới thơ là nói trong chủ quan, ai thấy có lý phần nào thì chia xẻ, ai nghĩ khác thì cũng lẽ đương nhiên.
Một nhà phê bình văn học có viết rằng Góa Phụ là bài thơ hiện thực nhất của Tô Thùy Yên. Thật lạ, tôi lại thấy bài này có những hình ảnh hiện thực nhưng lại có ý nghĩa tượng trưng, nhiều ẩn dụ nhất của ông:
Con chim nhào chết khô trên cửa,
Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm,
Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.
Sao người khai giải chưa về thăm?
Điều thú vị, nếu để tâm ghi nhận, trong 37 bài thơ ở cuốn Thơ Tuyển, đã có trên 20 bài và ít nhất gần 30 câu ông nhắc tới chim muông, dường như loài chim xuất hiện với tần số cao nhất trong thơ ông. Rõ ràng chim muông là một ẩn dụ đa tầng đa nghĩa được nhìn theo tâm cảnh của thi nhân. Ngoài một lần sống giữa mùa hạn hỏa ngục xứ Quảng Bình khiến ông liên tưởng tới thế giới lâm chung với thiên nhiên cùng kiệt, xác người vương vãi nơi bờ bụi cùng bao nhiêu hình ảnh rùng rợn khác, tỉ như “Ác điểu ngày đêm gào xáo xác” và ma hoang cũng bỏ đi nhường chỗ cho chim kên thì hình ảnh chim muông trong thơ ông:
+ Luôn gần gũi thân thiết và có khi là niềm an ủi:
Chim đã bay quanh từ vạn cổ...Giữa tầng trời cao chim giục giã...(Đãng Tử),
Thấy nhành ớt động bóng chim quen...(Vườn Hạ),
Nghe tiếng chim quen bay trớt qua, Bóng thoáng như bàn tay dịu mát, Lau nhanh hơi mỏi mặt mày ta ...(Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai),
Ta đợi vì nghe ngoài ngõ trúc, Có com chim khách kêu chiều nay...(Mùa Hạn),
Ta về như bóng chim qua trễ... (Ta Về)...
+ Cũng có lúc tiếng chim vui:
Đông đúc chim về ấm cúng đêm... (Lão Trượng),
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh... (Hề Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
+ Cánh chim là một ảnh tượng đẹp và buồn, nhất là buồn và cô lẻ:
Con chim bói cá trong tàn tối, Soi vĩnh hằng xanh rợn mặt hồ... (Nỗi Đợi)
...Thăm hỏi con chim màu sặc sỡ, Lời ca u uất giấu nơi đâu? Biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc..., Bóng chim, tăm cá, cành trôi giạt... (Mòn Gót Chân Sương Nắng Tháng Năm),
Di điểu qua sông xẻ luống sầu... Núi xa chim giục giã hoàng hôn... (Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch),
Con chim nào hớt hãi kêu van (Bất Tận Nỗi Đời Hung Hãn Đó),
Con chim động giấc gào cô đơn... (Trường Sa Hành),
Con chim lạc bạn kêu trời rộng... (Vườn Hạ),
Giữa khuya có tiếng chim ai oán... (Nỗi Đợi)
+ Có khi phảng phất chút thần bí, siêu hình:
Con chim thần thoại mắt khoen sâu, Giật mình như đã ngàn năm ngủ, Giũ bụi lông, cất khản tiếng gào (Em Nhỏ, Làm Chi Chim Biển Bắc)
Ở đâu còn bóng chim huyền diệu, Hót gọi tiền thân ta tái sinh...(Mùa Hạn),
Con chim nào vỗ cánh, Động gợn thời gian... (Ánh Tàn Dư),
Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải... Chim vút lên như hòn đá ném, Rồi thôi, cái có chỉ là qua...(Chim Kêu Bãi Quạnh).
Tôi chỉ lược trích sơ sài chứ thật ra, mỗi câu thơ trên đây là một ảnh tượng riêng biệt có thể là một chủ đề cho một bài khảo sát. Nhất định mai nầy thơ ông phải được nhìn nhận công bình hơn, công phu hơn hầu đúng với giá trị cao cả nó vốn có.
Con chim nhào chết khô trên cửa là hình ảnh chim muông buồn thảm nhất trong thơ TTY. Vì sao con chim nhào chết khô? Ta không rõ. Chỉ biết ở đây chỉ còn nỗi chết. Chết trên cửa. Cửa nào? Đó là cảnh cửa âm dương mở ra cho cái chết nhưng đã đóng chặt rồi. Thiên thu. Im bặt. Vô âm tín. Không ai có thể hiểu gì. Đó là cánh cửa bị yểm bùa, vĩnh viễn không có người khai mở. Người ta chỉ biết sống và chết và không bao giờ biết tại sao. Phải chăng đây chỉ là hình ảnh ẩn dụ cái chết phi lý của người tử sĩ, người chồng của góa phụ trong bài thơ. Một triết gia hiện sinh có nói rằng chính vì con người tuyệt nhiên không biết tại sao mình sống và tuyệt đối mù tịt sau khi chết, chính vì cánh cửa âm dương đóng sập nên tử biệt trở thành tận cùng bi đát và là sự trừng phạt quá nặng trên số phận con người một cách phi lý. Người góa phụ khiếp kinh và không dễ chấp nhận nỗi đau tang tóc là có thật. (Phía sau nỗi chết, thấp thoáng cái nền xám xịt của cuộc chiến tranh phi nghĩa). Thế nên:
Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn,
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ,
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.
Thú thật tôi rợn người khi đọc khổ thơ trên. Ngoài cõi gió gợi nỗi buồn mênh mang, cô quạnh và lạnh lẽo. Thứ lửa oan nghiệt, tàn khốc nào lại mỉa mai giỡn cười trên số phận con người trầm luân, trên chết chóc bi thương? Lửa mà giỡn cười? Làm sao không ghê hồn cái thần bí ma quái ở đây? Câu thơ thứ 3 là “âm thanh cuồng nộ” vô cớ của trời đất hay tiếng kêu thương của hồn người vọng động cả càn khôn? Đá đổ, cát bay long thiên cổ, loạn muôn trùng cho ta cảm tưởng con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên rộng lớn không cùng và dữ dội vô tận. Và số phận con người, chung cuộc cũng bị xóa dấu chôn mà thôi. Thơ TTY nhiều lần nói tới bôi xóa, tới “mặt đất bôi trôi”. Người ta bảo TTY chỉ tin ở sự hư vô, họ có lý. Tôi liên tưởng tới mấy câu thơ ông nói với người chiến binh CS cuồng điên say sưa chiến đấu, mê tưởng “sự nghiệp” mình lớn lắm, ngỡ mình làm được chuyện “Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa”:
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại,
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
(Chiều Trên Phá Tam Giang)
Và nhất là mấy câu này trong bài Lão Trượng:
Cát vùi cả xương trắng lưu dấu...
Mặt đất vô danh, ký ức lòa.
Hai khổ thơ tiếp sau là cảnh tượng người vợ góa một mình canh xác chồng.
Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu, khuya mỏi, nén nhang tàn.
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa.
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn.
Tác giả chỉ nghe mà thấy được lời kinh ánh xanh (Cũng như Phan Khôi Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc, Nghe trong tiếng ếch một màu xanh),giác quan ông cũng chuyển đổi chức năng khiến câu thơ rõ ràng có tính tượng trưng. Ngoài ra lời kinh ánh xanh cũng gợi chút gì bí hiểm rờn rợn. Câu kế chỉ là liên tiếp ba cụm chủ-vị đơn giản nhất, có tính từ làm vị ngữ trong tiếng Việt, vậy mà tài tình thay, lại là câu thơ nhiều hình ảnh nhất gợi nơi lòng người một nỗi tàn phai thê thiết. Đọc câu này tôi không thể không so sánh với một khổ thơ trong bài Ta Về:
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách,
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.
Cấu trúc ngữ pháp câu cuối y hệt câu 2 khổ thơ thượng dẫn, nhịp điệu và nhạc điệu cũng tương tự. Và ngữ nghĩa nữa, toàn động từ, tính từ hàm nghĩa xiêu đổ, điêu tàn, phôi pha, mờ tối, tàn phai. Thanh điệu của 3 từ cuối trong cả 2 câu giống nhau, chùng xuống những thanh bằng diễn một niềm đau thương, cô quạnh.
Nguyễn Bắc Sơn có câu thơ hay: Khu phố quận những đời người đã mỏi, cụ thể, chính xác nhưng không mới lạ bằng khuya mỏi. TTY có biệt tài dùng những chữ vốn già nua và sáo mòn đặt vào một văn cảnh bất ngờ tạo hình ảnh mới, chẳng hạn cũng từ này: Ta đợi, nghe chừng thiên cổ mỏi... Tàu đi, lúc đó đêm vừa mỏi, Lúc đó sao trời đã ngủ mê. Kiểu dụng ngữ này nhan nhản trong thơ ông tạo thành điển hình cho phong cách, thật thú vị nếu để tâm khảo sát.
Ta thấy, trong khổ thơ, tác giả ghi nhận ba thứ âm thanh, ta có cảm tưởng các giác quan ông nhạy bén không cùng và tưởng tượng thì vô tận, ông nghe thấy những gì giác quan người thường không hề cảm nhận được tới cường độ đó: Cát loạn muôn trùng, đá lở long thiên cổ, Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa. Tuyệt vời từ thăm thẳm và ngây. Quả thật chỉ mình ông thấy đất trời cũng ngây dại nghe tiếng chó tru buồn thảm trong đêm tang tóc đó. Trong xã hội nông nghiệp tối tăm ngày trước, tiếng cú và chó tru đêm điển hình cho điềm báo chết chóc, tai ương - quái, kinh nghiệm bản thân tôi thấy đúng, mới ghê! (Đọc câu này tôi không thể không nhớ lại một scène trong phim Doctor Zivago của David Lean, xem rồi, mấy chục năm sau còn nhớ. Giữa cuộc CM loạn ly bạo liệt, vợ chồng bác sĩ Zivago lánh nạn, trở về làng quê Variquino, đêm đầu tiên ngụ trong ngôi biệt thự hoang tàn, khuya muộn, họ thảng thốt nghe tiếng chó sói tru quanh nhà. Hé cửa nhìn ra, dưới ánh trăng bạc trên đồng tuyết lạnh lẽo, những con sói ốm đói đầy hung tợn ngửa mặt lên trời gào tru thê thiết mà cũng đầy đe dọa. Tôi tin không phải tình cờ David Lean đưa cảnh này vào phim mà không gửi theo một ẩn dụ; tiếng chó tru ghê rợn đó cùng với bản nhạc nền Lara theme u uẩn của Maurice Jarre cứ âm vang ray rứt trong lòng khán giả cho tới hết phim và, với tôi, mãi nhiều năm sau nữa; tiếc cho các thế hệ sau này không được xem phim nầy với màn ảnh rộng).
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em.
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh.
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm.
Mấy câu trên đây, cảnh thì hiện thực nhưng được nhìn qua nhãn quan...siêu thực. Ngọn đèn thức canh quan tài có thật sao gọi là hư ảo? Mái tóc góa phụ hẳn cũng chưa bạc trắng và tim làm sao duỗi đập ngoài thân? Thời gian trong thơ TTY là một thứ ký ức lòa, bị lãng quên, bị bôi xóa. Câu trên nếu thuận nghĩa thì phải là thời gian thắp trắng mái tóc em, nhưng thế thì còn gì thơ! Tôi chưa quên mấy câu thơ khác của ông về thời gian, thứ thời gian trắng không lưu dấu, không ký ức:
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ.
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Bay tự ngàn năm trắng cổ thi...
Đêm tối triền miên chốn ruộng vườn, ánh lửa ma trơi và ánh sáng lập lòe của đom đóm trên đồng hoang gợi cảnh tượng lạnh lẽo của cõi âm, chính tác giả cũng tưởng tượng hồn người lạc loài theo ánh sáng xanh bí mật của con đốm. Thứ ánh sáng ma quái chỉ làm đêm tối càng thêm tối và chỉ là không gian đe dọa.Tiếng Việt chỉ có thâu đêm, không có sâu đêm. Sâu ở đây vừa có nghĩa trong không gian và cả thời gian, nghĩa thật rộng và thật mới. Đọc đoạn này, ta còn nhớ tới mấy câu rợn lạnh trong bài Lão Trượng:
Mơ màng có một hồn xiêu lạc
Ngoài tối tăm, nhờ chỉ nẻo về.
Bài thất ngôn ngắn nhất của TTY trong tập Thơ Tuyển kết thúc với khổ thứ 5:
Cỏ cây sống chết há ta thán.
Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?
Thảng như con ngựa già vô dụng,
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình.
Làm sao ta biết cỏ cây sống chết không hay có ta thán? Chẳng là giác quan ta hạn hẹp nên chỉ nhìn ra vậy; ý thức ta chỉ biết được chết là hết, là vĩnh viễn xa lìa nên tử biệt là điều ghê khiếp quá sức chịu đựng của cõi người. Góa phụ chắc cũng biết tới lẽ diệt sinh nhưng không thể âm thầm chấp nhận được nên phải “khóc hoài”.
Hai câu kết gợi hình vô kể là ảnh tượng của buồn đau, bị bỏ rơi, bị hất hủi; ẩn dụ của phận làm người phi lý. Con người mù lòa bị ném vào đời với đam mê vô ích, loay hoay với lao khổ, cô đơn, rồi chết. Chẳng để làm gì. Ngựa ở đây gợi nhớ tới con ngựa trong bài thơ nổi tiếng của TTY thời trai trẻ “Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu”. Chúng nhiều ít nhất quán ở tính bi đát.
Như đã nói, bài thất ngôn nầy ngắn nhất trong tập Thơ Tuyển nhưng theo tôi, vì cô đọng và hàm xúc nhất nên phải ngắn. Cô đọng và hàm xúc về nội dung, chặt chẽ về bố cục, Phong phú về hình ảnh. Ngôn từ thì tinh xác và mới mẻ, càng đọc càng thấy chưa hiểu đủ nên phải cứ đọc hoài.
Nguyễn Khiêm