banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

 KÝ ỨC SƠ SÀI

 KỲ HAI MƯƠI BẢY

Mỗi lúc buồn đời, hoang mang thời cuộc, tôi lại tìm an ủi nghe các bản concerto dễ dễ của mấy nhạc sĩ cổ điển từ thế kỷ 19 trở về trước, có khi tiếng hát của Joan Baez - tôi đặc biệt ngưỡng mộ cô trong các điệu dân ca Mể Tây Cơ và Ái Nhĩ Lan, chẳng hạn. Đó là những lời ru buồn nhưng không quá thảm của kẻ mất tình, của phận người lao tác nghèo khó. Hẳn cô cũng bị phụ tình mới phát tiết nỗi u hoài não lòng qua giọng ca chết người, nhất là những lúc hạ cường độ như thủ thỉ bên tai. Thì cũng có người nói Nguyễn Du, nếu không thất tình e không viết được truyện Kiều. Cũng vậy, không đau tình ắt không viết nỗi những câu
Ôi những con đường đến tự đâu
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình bụi của nhau.*

Thấy rõ văn hóa nghệ thuật đời nay đã khác nhiều, ca khúc thế giới hầu như chẳng còn bao nhiêu lyric nữa. Việt Nam càng tệ, sản phẩm gọi là âm nhạc, thật không thể chấp nhận được, gần như ai cũng thấy. Rất nhiều khi xót xa tưởng nhớ, lúc còn nhỏ nơi làng quê đèo heo hút gió, tôi thường nghe, những trưa hè oi ả, điệu hát đưa nôi lảnh lót khắp làng trên xóm dưới. Làn điệu dân ca độc đáo này đã hoàn toàn không còn dấu tích.

Xóm quê trải dài trên rẻo đất hẹp ven sông con, dựa lưng vào núi, thật ra cũng chẳng gì đặc biệt ngoài một dòng suối trời cho từ ba ngọn núi cấm chảy hiền hòa dưới những lùm tre xanh, cắt đôi cánh đồng lúa thành đồng trong đồng ngoài. Riêng đồng trong còn di tích lịch sử miếu thờ ông Lương bên gò Khe Cạn. Được biết ông là tướng nhà Nguyễn bị quân của Nguyễn Huệ rượt đuổi từ miệt dưới, cưỡi voi chạy vào núi, voi bị lún ruộng lầy, ông tử trận. Dân làng lập miếu thờ, dựng tượng voi ngay trước miếu. Tuổi nhỏ nghịch ngợm, có bữa tôi trèo lên lưng voi giả làm tướng, bị mấy đứa nhỏ trong làng dọa:
- Chết cha mi, tối ni thần linh về vặn cổ.
Tôi mất ngủ mấy đêm vì sợ.

Lưng chừng đồi phía tây, tổ tiên tôi xây chùa làng cùng một đền thờ lớn, sân rộng giống hệt cảnh ngoài Huế, gọi là Nghĩa Trũng, nhằm thờ cúng anh hùng liệt nữ vô danh, hình như nhằm vào công trạng nhà Nguyễn. Đó cũng là nơi diễn ra hội làng về mùa xuân nhưng sau 1945 gần như âm u hoang phế, lũ dơi treo lủng lẳng suốt ngày dưới mái ngói tối ám.
Nhà cửa những người khá giả thường giống nhau: ngõ trúc hoặc chè tàu quanh co mặt trước, sau lưng là vườn tược, cây ăn trái. Nhà ông nội tôi dựng theo truyền thống cổ, ông kêu thợ mộc từ cố đô Huế, nuôi cơm cả mấy tháng, có thợ chạm trổ chỉ mỗi cái đầu trính mất cả tháng trời. Đầu ngõ xây ngôi cổ miếu, tuổi nhỏ chạy chơi tôi ít dám lại gần. Riêng nhà ông ngoại tôi có vẻ Tây hơn vì chịu ảnh hưởng ông anh bạn rể Tây lai, con ông Tây trưởng đồn An Điềm. Nhà ngoại theo đạo Tin Lành chắc cũng ảnh hưởng từ ông dượng Richardson này. Vườn nhà ngoại trồng hàng chục thứ cây ăn trái, cam, quýt, xoài, mít ướt mít ráo, thứ bưởi quý nhỏ có núm gọi là thanh yên, có cả trái vải và hồng ngâm, cư dân gọi là thị đề. Với chúng tôi, nơi đó là địa đàng và thời đó vàng son. Nguyễn Duyệt bạn thiết buổi ấu thời, nhà ở cuối làng, viết mấy câu thơ giản dị, mãi còn trong trí nhớ:
Lạ gì tiếng chim kêu
Lạ gì cảnh quê nghèo buồng cau
Lạ gì ngõ trước vườn sau
Lạ gì trăng – vẫn nguyên màu trăng xưa
Lạ gì sớm nắng chiều mưa
Mà ta sầu tự ngàn xưa sầu về.

Lịch sử phân chia Nam Bắc ở sông Gianh kéo dài tới ba trăm năm. Tôi chưa đi nhiều miệt Bắc đèo Hải Vân nhưng tôi chắc từ bờ Nam sông Gianh vào tới tận Rạch Giá Cà Mau dân chúng tuyệt đối tôn thờ nhà Nguyễn với tâm lý mang ơn sâu nặng. Quảng Nam vẫn tương truyền trái quí bòn bon còn in dấu móng tay của vua Gia Long khi ngài bôn ba tẩu quốc những ngày gian nan dựng nghiệp. Đến mấy hòn đảo ngoài khơi Rạch Giá, nơi nào cũng có đền thờ và dấu tích triều Nguyễn. Vũng nước ngọt kỳ diệu múc hoài không cạn từ mạch nước ngầm bên chân núi, cách mép nước mặn có mấy mét ở đào Phú Quốc, dân chúng cũng gọi giếng Gia Long. Chuyện phân chia Nam Bắc, phân biệt người Nam người Bắc dường như định mệnh dân tộc. Chia cách lần trước tuy dài tới mấy trăm năm nhưng có vẻ sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa các thứ không nặng nề bằng cuộc chia cắt hồi hai, 1954, ở sông Bến Hải. Có lẽ chia đất đai sông núi chỉ ấn định địa phận cai trị chứ học thuật văn hóa vẫn tương đồng. Vua Lê chúa Trịnh hư hỏng sa đọa, chính quyền thối nát, chính sự rối ren nhưng tiếng nói, chữ nghĩa thơ phú vẫn phát triển, và là của chung, ngôn ngữ hai nơi không bị vong thân, chữ vẫn còn nghĩa, vì chính quyền không phải lừa phỉnh, tuyên truyền áp đặt một thứ chủ nghĩa xa lạ như cuộc qua phân lần hai. Chỉ hai mươi năm mà văn chương chữ nghĩa khác nhau tới khó tin, lòng người cũng xa nhau vời vợi. Mãi ba mươi năm sau nữa, người phương Nam còn chưa hết ngỡ ngàng!

Những khúc ru em nhắc qua ở đoạn trên gắn liền với chiếc nôi đan bằng tre có bốn tao cùng điệu hát à ơi đẫm tình nay đà tuyệt tích, may ra chỉ còn trong ký ức người già. Lời ca của Joan Baez chắc gì mượt mà và huê tình bằng dân ca Quảng Nam, mặc dù phải nhận làn điệu dân ca mấy xứ tây phương tuy buồn bã nhưng ít vẻ thảm thiết như xứ sở ta. Ca dao diễm tình xứ Quảng tinh tế và sâu sắc, là mẹ, là gốc của thơ tình, phần lớn nói theo thể hứng. Ta vẫn hiểu “những câu mở bài lung khởi chỉ là giả thác, không có quan hệ gì với ý nghĩa những câu sau, tức những câu mượn để dẫn tới cái bản ý tiếp đó” (Phạm Quỳnh).

Thanh Tâm Tuyền có lý khi cho rằng đó là một cách hiểu sai. Ông nhận ra phần nhiều những câu mở theo thể hứng đều có ý nghĩa kết nối nhau với phần chính không gần thì xa, không chối cãi được. (Ông đi trước lý thuyết liên văn bản thịnh hành hiện nay?)
Tôi thấy ông sâu sắc khi đọc lại những câu như:
Con chim trả, ai vay mà trả
Ngọn rau sưng, ai vả mà sưng
Đây người dưng, đó cũng người dưng
Mà sao trong dạ rưng rưng nhớ người
Hai tay nâng vạt áo dài
Chặm lên đôi mắt, chặm hoài chẳng khô

Ta dễ thấy sự đằm thắm và thiết tha ẩn trong từng ý từng lời. “Trả” và “sưng” trong hai câu hỏi ỡm ờ vốn khác từ loại, tất nhiên khác nghĩa nhau, gợi ý sự xa lạ của hai người dưng trong câu kế.
Nói chuyện tinh tế, tôi lại nghĩ tới tuổi thơ thường nghe người trong xóm hát đưa nôi bài này:
Ba với ba là sáu
Sáu với bảy mười ba
Bạn nói với ta không thiệt không thà
Cũng giả như buồng đủng đỉnh trên già dưới non
Bạn nói với ta chưa vợ chưa con
Con ai đang khóc đầu non tê tề.
Bạn nói với ta chưa có hiền thê
Chớ hiền thê mô đứng đó
Bạn trả lời thề lại cho ta !

Rõ ràng sự đời không đơn giản chính xác như bài tính cộng, có khi ngược ngạo bất thường như buồng đủng đỉnh trên già dưới non. Thi sĩ vô danh thật tài tình từ con tính dẫn tới hình ảnh hết sức điển hình của sự vật khác thường nhằm diễn nỗi đau bị lừa phỉnh của nàng thôn nữ.
Cũng như phải có liên hệ rõ ràng giữa thiên nhiên với tâm cảnh trong mấy câu :
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ nhỏ bỏ bè con thơ.

Phải chăng ngọn gió xao xác thâu đêm sau vườn chuối cũng thổi se lòng người nữ bị phụ tình, bị bỏ rơi với gánh nặng một mình nuôi ‘bè con thơ’ ? Chữ ‘bè’ giản dị nhưng đắc địa quá chừng đỗi.
Trời mưa bong bóng bập bồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai ?

‘Bong bóng bập bồng’ nhiều ít không gợi tới số phận long đong bất hạnh của đứa bé mồ côi sao? ‘con ở với ai’ thật bình thường sao khiến buồn man mác se lòng, thiệt diệu kỳ chữ nghĩa ca dao.
Nói ca dao của xứ này xứ khác e cũng chỉ tương đối vì dễ gây ý kiến bất đồng. Một lần tôi cho mấy câu này xuất xứ từ Quảng Nam, bạn tôi nói Bình Định Phú Yên của anh cũng có câu đó, dâu tằm thì nhiều xứ chứ riêng gì Quảng Nam, chỗ dị bản là bậu chứ không phải bạn:
Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Ghé vô thăm bạn nhức đầu khỏi chưa
Chưa khỏi, bẻ một nồi lá về xông
Phải chi nên đạo vợ chồng
Đổ mồ hôi ta quạt, ngọn gió lồng ta che.

Tôi biết mình bắt đầu lẩm cẩm cứ ngồi mà tiếc một điệu ru xưa cũ, một làng quê trong trí nhớ tàn phai. Năm rồi ghé về thăm mộ, canh trưa quay quắt mê mệt trên đồi nắng lửa, không một bóng cây. Khu vườn cũ nhà nội ngoại chỉ còn mấy cây chuối xác xơ, rũ rượi trong hơi nóng hừng hực. Năm bảy đập thủy điện đầu nguồn cùng bọn cướp phá rừng và đám tội phạm giang hồ đào vàng san lấp núi, chúng bất chấp biến dòng sông trong như mắt mèo thành vũng bùn đỏ, nước lờ đờ không chảy nữa, nhưng qua mùa mưa tháo đập, nó trở nên một dòng thác ác thần cuốn phăng nhà cửa lúa má trâu bò. Ông chú họ tôi kể:
- Chú nói chuyện này, cháu có tin được không ? Cây lụt năm ngoái, trời không mưa bao nhiêu, ai cũng tưởng nước có lớn cũng ít thôi, không dè chiều tối ngó ra sông con, sảng hồn thấy nước dưới hạ nguồn chảy ngược ào ào lên phía thượng du. Cha sinh mẹ đẻ chưa thấy chuyện này, giống phép lạ làm đất trời đảo lộn. Sau mới suy ra, chẳng là mưa to lụt lớn trên nguồn sông Vu Gia, bọn chúng xả đập thủy điện nên nước lớn hỗn tràn qua nhánh sông con mới có chuyện nước chảy ngược lạ lùng như rứa.

Nghe nói Hội An sắp chuồi xuống biển, nguyên cớ cũng thủy điện mà ra. Điện khí hóa nông thôn, hiện đại hóa đất nước, tưởng ngon ăn, nay phải trả giá mắc nhãn tiền. Người cai trị, vốn kiêu ngạo, nhiều tham vọng và thừa tham lam, tưởng làm chủ được thiên nhiên, sở học chẳng bao nhiêu, cứ nhắm mắt ‘hoàn thành kế hoạch’, lợi ít hại nhiều, mặc kệ dân điêu đứng trăm đường, nói không bao giờ cho đủ.

Chuyện của một dòng sông con, một thành phố nhỏ bên bờ biển ngàn đời tĩnh lặng bỗng đối mặt với nguy cơ bị xóa bỏ khiến nhớ lại Ngô Thế Vinh (Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng). Tôi nể phục viễn kiến chính xác của ông. Nghe nói sông Đồng Nai cấp nước sạch cho Sài Gòn đã bắt đầu dơ bẩn. Châu thổ mênh mông, không xa nữa, chỉ là hoang mạc.
Mặc kệ những lâu đài hành chánh ngàn tỉ nhan nhản khắp nước, mặc kệ những khu chế xuất, khu công nghiệp, những đường cao tốc, building chọc trời, những biệt thự lộng lẫy toàn gỗ quí của quan tham…tôi không khỏi lờ mờ thấy chúng ta đang chắc chắn trên nẻo đường tự hủy.

*Tô Thùy Yên, Em Nhỏ Làm Chi Chim Biển Bắc, Thơ Tuyển.

Nguyễn Khiêm