banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

KÝ ỨC SƠ SÀI

KỲ HAI MƯƠI LĂM

Bài nói về trận bão Nari của tôi kỳ rồi không ngờ gây nhiều khen chê ngoài mong muốn.
Ông bạn Trần Hải Châu ở Mỹ nói:
“Viết như thế, đại loại như vậy người đời sau có thể hiểu được, và mình mới xứng đáng là bậc "tiền nhân" của họ ... 'KHẤP" trong câu thơ "Thiên Hạ hà nhân ..." của Nguyễn Du cũng là cách nói, cách hỏi chẳng biết người sau có thông cảm hiểu thấu cho lòng của Nguyễn chăng? Hỡi ơi, cái tài tình của văn chương là thế :"Ta hồ Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ !" (Viên Mai) há đâu phải là lời nói ngoa của các bậc tiền nhân !”
Xin cảm ơn những lời “động viên” hơi quá của ông. Ông Chân Diện Mục ở Rạch Giá, người Băc, nguyên giáo sư trung học Nguyễn Trung Trực thì có khen có chê:
“Đọc Ký Ức Sơ Sài của Nguyễn Anh Khiêm số 20 mà đã quá! Bạn mần văn Độc đáo quá! Dí dỏm quá! Đem cái Dỏm của thiên hạ Dí trở lại vào mặt thiên hạ! Lấy cái Độc của thiên hạ cho trở đầu Đáo lại tặng thiên hạ! Thật là Càn Khôn Đại Nã Di của Trương vô Kỵ!
................
Bạn nói tụi ra Bắc học tập cải tạo phải gánh cái thứ “đặc sản” để bón rau mà người ta gọi là phân Bắc, tức phân của tụi Bắc Kỳ!
Thực ra tụi Bắc Kỳ ăn rau mọc tại vườn, tại ao, ít săn sóc lắm. Sau này bắt chước mấy anh Chệt Rẫy, trồng đại trà thành hàng thành lối, xăm soi từng gốc cây, bón phân đúng liều lượng, đúng thời kỳ, mà cái quý nhất được sản xuất ra từ ruột dồi! Người ta gọi cái đó là phân Bắc bởi vì là phát minh của những người ở tuốt phương Bắc như thuốc Bắc, tế tân Bắc
..... Chính Trạng Quỳnh đã dùng cái đặc sản này mà chúa Trịnh sai lính tới ị ở nhà Quỳnh để chăm tưới những cây cải cho bự, tiến lên cho nhà chúa dùng. được chúa khen ngon lắm! (Không hiểu cái thứ rau được trồng như thế này, ngày nay có được gọi là rau sạch không?)
Cái “truyền thống“ xài đặc sản này đã kéo dài hàng trăm năm, nhất là ở nơi đã chế biến ra nó, đã rút kinh nghiệm và đúc kết nên một nền nông nghiệp “tiên tiến”.
Tôi vốn biết từ lâu sở học của mình chẳng hơn ai, viết lách là trò chơi chữ nghĩa nhằm giải khuây cho tuổi già trong một xã hội tan rã. Đọc Chân Diện Mục, tôi thấy mình phần nào nông nổi. Dẫn chứng của ông khó mà cãi. Nhớ quá những ngày trẻ trung dạy học cùng nhau nơi ngôi trường Nguyễn Trung Trực trên bãi hoang bờ biển ghe chài Rạch Giá, chẳng bao giờ quên những buổi chiều chơi bóng chuyền cùng mấy em học sinh gốc Miên thiệt thà chơn chất trên sân trường vắng.
Chưa hết. Cô Hảo, em tôi, còn trách tôi nỡ cay nghiệt chuyện gánh gồng phân cứt này nọ, người ta nghèo quá mới phải làm, nói cay là chọc vào nỗi đau của kẻ nghèo. Cô còn trách tôi dè bĩu đức tin tôn giáo trong đoạn so sánh chuyện tin Chúa cũng tương tự tin Đảng. Cách viết của tôi khiến người đọc nghĩ đức tin của cô cũng không khác chi thứ Hồi giáo cực đoan mê tín nhảm nhí. Thật ra, lòng tin của cô phần lớn hình thành và bền chặt chính do kinh nghiệm bản thân. Qua những tai ương, bệnh hoạn, thấy rõ ràng Chúa đã cứu vớt, nâng đỡ rõ ràng chớ không phải chỉ thuần vì đọc kinh thánh, nghe giảng mà tin. Cô bảo:
- Ưu điểm của anh hồi nào tới giờ vốn ít xét đoán, chỉ trích người khác. Bây giờ già bắt đầu sinh tật. Anh nên coi lại, suốt tuổi thanh niên anh là người khuynh tả, đừng đổ thừa hết do cái bóng của ba, phải biết chịu trách nhiệm tư tưởng của mình, nhiều ít anh cũng tin cái thuyết lạ lùng “làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu”. Không có đức tin tôn giáo nào huyễn hoặc bằng đức tin đó của mấy anh, nay nên bớt nói ra nói vào chuyện tin kính của người khác. Câu nói của cô khiến tôi có dịp “Nhìn lại mình như kẻ đáng ngờ”(TTY).
Thật khó biết chuyện đúng chuyện sai diễn ra trước mắt mình. Cuộc chiến tương tàn đã qua nay nhìn lại phần mình, mắc cỡ nhận ra bao nhiêu điều hối tiếc. Người bạn cùng lớp thấy nhóm chúng tôi ngược xuôi rầm rộ biểu tình chống chiến tranh, nói mấy ông có lý tưởng thiệt, nhưng lý tưởng chỉ là tưởng mình có lý đó thôi.

Nói vậy cũng có lý nhưng phần ông vào học SP cũng chỉ là trốn lính. Tình hình hiểm nghèo như vậy, nếu ông tin mình có lý sao không xin vào quân ngũ cầm súng chiến đấu, trong khi hầu như chuyện này chỉ giao cho đám thanh niên ít học nông thôn, những bạn trẻ thi rớt tú tài. Vì sao mà cảnh bắt lính vụng về, đáng hổ thẹn cứ diễn ra ngày ngày trên phố không khỏi khiến mọi người nghĩ tới một thứ lính nô lệ đánh thuê.
Dường như sự đời cứ chậm rãi quay theo cái vòng qui luật nào đó mình không thấy ngay được. Lịch sử cứ từ từ phát ghét chứ không “dường như rất vội vã” như câu thơ trong bài Tàu Đêm của Tô quân. Cái gì mà phải đợi tới mấy chục năm sau, bao nhiêu nhà thông thái của nhân loại, bao nhiêu kẻ gọi là lương tâm của thời đại mới té ngửa ra rụt rè nhận mình lầm lạc ủng hộ bạo quyền, gây tai ương cho cả một dân tộc khiến ngày ra thoát chỉ là mơ mộng dông dài.
Không hiểu nổi cái thời chi lạ, vì cớ gì mà không một nhà báo quốc tế nào có thiện cảm với miền Nam, các nhiếp ảnh gia chỉ chực chờ công bố những hình ảnh đau thương ngầm đổ lỗi cho quân lực Hoa Kỳ và VNCH. Những phụ nữ văn nghệ sĩ trí thức, minh tinh màn bạc, ca sĩ lừng danh như Falaci, Sontag, Fonda, Baez…một mực chỉ lên án cay nghiệt phía chống cộng, tôi nhớ như bà Susan Sontag có viết rằng dân tộc VN có cảm hứng đặc biệt với chủ nghĩa Marx, nước Mỹ lấy quyền gì mà ngăn chặn, không cho họ thực hành khát vọng(?!) chính đáng của họ. Rõ ràng chuyện này ảnh hưởng vô cùng trên đám sinh viên tả khuynh non kém chúng tôi thời đó. Nay thì chỉ còn cách nghĩ cho đỡ xấu hổ rằng vận nước lâm vào hồi đen bạc, cả thiên hạ mù lòa chứ riêng gì đám trẻ chúng tôi. Ngay cả ông bạn tốt nghiệp cao học Quốc gia hành chánh làm tới trưởng ty thuế vụ một thành phố lớn nay cũng bẽn lẽn tiết lộ đã từng nuôi cháu bên vợ ông biết chắc là VC vì nghĩ ít ra “hắn cũng có lý tưởng của hắn”.
Tôi chưa quên chuyện hồi cuối thập niên 1960, nhà văn J. Steinbeck qua Sài Gòn bày tỏ ý kiến ủng hộ cuộc chiến chống cộng, báo chí miền Nam không chút mặn mòi với ông, kể cả các tờ nổi tiếng thân chính quyền. Tờ Văn của Trần Phong Giao viết mấy dòng ở trang tin Văn...vắn rằng họ định viết bài về Steinbeck hoặc phỏng vấn ông này nọ nhưng thấy không cần thiết nữa. Dường như họ có mặc cảm phạm tội gì đó nếu tỏ ra đồng tình với nhà văn được giải Nobel.
Cuối cùng rồi cũng có lẽ phải tin vào ý kiến một ông bạn già nói mọi chuyện lớn nhỏ xảy ra trên đời này đều nằm trong tay đám thượng đế quý tộc tài phiệt người… Anh. Bọn chủ ngân hàng đó, cách nay mấy trăm năm đã sở hữu cả ngàn tỉ đô la. Một bọn làm chủ ngàn tỉ phải tính xa và trí khôn hơn xa thằng chỉ có vài tỉ. Phải chăng thế lực tài chính vĩ đại đó chi phối tất cả. Chiến tranh hòa bình ở đâu đều do họ ấn định. Làm sao hiểu được chuyện Mỹ giúp Lenine chứ không giúp Sa hoàng, giúp Mao và bỏ mặc Tưởng, cũng như nếu thật lòng giúp Pháp chứ không ngầm giúp Hồ, họ ném bom chung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ là xong. Triều Tiên nữa, họ cách chức Mac Arthur vì ông muốn “thừa thắng xông lên” mà không vâng lệnh ngưng lại…Toàn những chuyện không thể không nghi ngờ đám tài phiệt nào đó luôn muốn mọi sự cứ dở dang vì một mối lợi lâu dài nào đó. Phải chăng đầu tư vào chiến tranh một vốn bốn chục ngàn lời, chỉ giữ xung đột ở mức vừa phải? Rồi chuyện biển Đông nay quá rõ mình cũng chỉ là con chốt trên bàn cờ đại cuộc.
Có người nhắc lại trên mạng xã hội ý kiến hóm hỉnh của W. Churchil rằng chế độ dân chủ cũng chỉ là thứ tồi tệ nếu ta đừng so sánh với tất cả chế độ từng có khác, khiến không khỏi nghĩ tới chuyện so sánh văn hóa văn nghệ các thời đại. Chẳng hạn chế độ toàn trị có tới tám mươi tờ báo trưng ra để tỏ rõ có tự do báo chí (ai biết được tám chục tờ báo đó chỉ có một chủ bút – tổng biên tập). Không khỏi không nhớ lại thời trước, lúc ông tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc cho lên giá gạo mỗi ký mấy đồng gì đó, bị tất cả báo chí tư nhân, kể cả báo thân chính quyền đồng loạt phản đối dữ dội, nhớ đâu tờ Sóng Thần vốn là tờ chống cộng hạng nhất cho đăng chân dung Phạm Kim Ngọc với lời chú: “Đồng bào ghi nhớ mà tẩy chay gương mặt này”.
Từ miền Trung vào Sài Gòn đi học, tôi không hết ngạc nhiên kiểu đọc nhật báo khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố, như một truyền thống văn hóa từ thời thuộc địa. Từ sang tới hèn, ly café đen nóng chấm giò chéo quảy (hoách hơn thì tô mì tàu 2 vắt) cùng tờ báo phát hành buổi sáng là đủ bộ cho một ngày mới hân hoan. Báo chí mà nhạt nhẽo, toàn chuyện không ai cần biết hoặc dư biết rồi thì ai bỏ tiền mua làm gì và làm sao được chào đón tưng bừng cỡ đó. Dân Nam kỳ luôn nhắc tới vai trò tiên phong của báo chí tư nhân thời Tây thuộc trong đấu tranh vang dội, bênh vực thành công người nông dân cô thế trong vụ Nọc Nạn. Tuy bị trị nhưng là thứ cai trị trong luật pháp và tuân thủ luật pháp, dễ chịu nhiều lần hơn…cái thời gọi là dân chủ ta đang sống.
Có người nhắc lại trên mạng xã hội câu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ bút báo Sông Hương viết trong số phát hành đầu tiên, đại khái, báo chí, nếu không được viết điều lương tâm nhà báo buộc phải viết thì ít nhất, quyết không viết điều chính quyền bắt phải viết. Đó là thời Pháp.
Miền nam trước 75 báo chí càng tưng bừng gấp bội, có đủ thứ báo tùy tạng mỗi người, tha hồ thụ hưởng “chất lượng” cuộc sống như kiểu nói ngày nay. Không bao giờ còn nữa cảnh đọc báo mà sợ hết, thấp thỏm trông chờ và mừng rơn thấy báo văn học, văn nghệ phát hành bày bán trên mấy chục quán sách hai bên lề đường Lê Lợi.
Lạ thật, chiến tranh thì vẫn ngày càng dữ dội, văn nghệ vẫn phát triển không ngừng. Có tin được chăng, mấy câu thơ này của một thi sĩ vốn là thiếu tá chiến tranh chính trị - có lẽ tương tự chính trị viên của một đơn vị bộ đội CS, đọc mà hình dung không khí văn hóa văn nghệ miền Nam:

Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi* khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử
Cùng mê say một con đĩ thập thành.
(Tô Thùy Yên)
*Bắc quân.

Nguyễn Khiêm