Article Index

 

 KÝ ỨC SƠ SÀI

  KỲ SÁU

ký ức sơ sàiĐã mấy năm tôi không có dịp ghé lại chỗ Hội Ngữ Học, không biết họ đã soạn xong cuốn Tự điển Anh-Việt-Ca Tu hay Việt-Anh-Ca Tu, tôi không nhớ chắc, cuốn sách lúc còn dở dang đã dày hơn tự điển Petit Larousse rồi.

Ca Tu là bộ lạc người thiểu số lớn nhất Quảng Nam, lúc còn bé, tôi vẫn hay thấy họ đi thành hàng vào các thôn xóm người Kinh giao thương đổi chác, vai mang gùi, tay cầm cây lao nhọn, ánh mắt ngờ vực, cái nhìn hiện rõ niềm u ẩn và sâu thẳm của núi rừng. Họ có tập tục đâm trâu rất rùng rợn, tôi đã từng được xem trong dịp Tết, con trâu bị cột vào cây cọc lớn, chạy lảo đảo vòng vòng quanh cây cọc, chảy nước mắt như khóc trước khi và cả trong khi bị đâm từng nhát lao cho tới chết, trò này gần giống đấu bò của Tây Ban Nha, nhưng đấu bò có vẻ “công bình” hơn chút đỉnh, ít ra còn cho con bò chiến đấu chống lại một cách hạn chế để nó đỡ uất ức chắc, hình như con trâu Việt nam nhẫn nhục đợi chết chứ không dũng cảm bằng con bò bên Tây thì phải.

Một buổi chiều ngồi chơi trước nhà, tôi thoáng thấy có người Tây phương nào thập thò ngoài cổng, tôi bước ra nhìn, ngạc nhiên nhận ra ông Fippinger. Tôi mời vào và hỏi ông đến có việc gì. Ông nói:”Lâu không gặp, tôi đến thăm anh, luôn tiện cũng có chút chuyện muốn nói, một chút thôi”. Tôi nói:”Không sao, tôi có bận rộn như mấy ông đâu, cứ ngồi chơi nói chuyện lâu lâu”. Đôi mắt ông mở to hiền hậu, lúc nào như cũng sợ người khác phiền hà, vẻ lương thiện, thực thà hiện ra trong từng lời nói, cử chỉ. Gương mặt ông tỏ rõ nét đẹp đạo đức toàn bích ít người có thể đạt tới. Cũng như người ta nói gương mặt Greta Garbo đã đạt tới điểm đỉnh sự trong sáng, kiều diễm của người nữ mà nhân loại có thể vươn tới.

“Một chút chuyện” của ông khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ông nói;” Anh còn nhớ mấy năm trước một lần đi Singapore tôi có mua giùm anh cái tape recorder nhỏ?” Tôi nhìn ông, vẫn chưa hiểu chuyện gì, tôi bảo rằng tất nhiên tôi nhớ. Lúc bấy giờ chưa có cassette, chiếc máy thu băng nhỏ đó là thứ quí hiếm. Ông nói một cách rụt rè: “Gần đây tôi mới được biết hàng hoá đem về qua phi trường đều phải đóng thuế, tôi nghĩ anh nên đóng thuế cho chính phủ, rồi Chúa sẽ cho lại mình tùy theo cách của Ngài”. Tôi giải thích cho ông hiểu rằng hàng lẻ xách tay qua phi trường thì được miễn lệ phí theo luật quan thuế lúc bấy giờ, không có gì mờ ám cả. Ông bảo ông có biết điều đó nhưng nghe nói nhiều người lợi dụng chuyện này để kiếm lời, mỗi lúc nhớ lại ông không được bình an. Tôi tự nhiên cảm thấy xấu hổ, ngượng nghịu. Trước mặt ông, tôi trở thành tên trốn thuế chỉ với một món tiền nhỏ mọn chẳng bõ bèn gì.Tình thế kỳ quái khiến tôi không thể nói gì hơn đành hứa với ông tôi sẽ làm theo ý muốn của ông (chiếc máy ghi âm đó đã sắp hư, sửa đi sửa lại mãi rồi!). Hẳn là “bức xúc” dữ lắm ông mới khổ công tìm tôi tận hang hẻm Sài gòn để nói chuyện này.

Làm sao mà chính phủ của người ta trong mắt dân chúng tuyệt vời tới vậy, tôi thật không khỏi lấy làm lạ. Không rõ ông có biết chính phủ đang cai trị chúng tôi rất khác chính phủ của ông hay sao. Thì ra sống đúng luật vẫn chưa phải đạo đức, tiêu chuẩn đức lý của mấy ông này cao quá.
Giống như cô em gái tôi thuyết phục tôi đi nhà thờ, tôi bảo tôi ngại lễ nghi, thờ phượng, vốn tôi thiên về… vô tổ chức. Tôi sống đạo bằng cách cố ăn ở ngay thật, không chủ tâm chơi xấu ai… cô em tôi nói thẳng rằng sự công bình và lương thiện của tôi chỉ như tấm giẻ rách trước mặt Chúa mà thôi.

Hồi nhỏ, tôi ở với ông bà ngoại, theo đạo Tin Lành, thỉnh thoảng mới chạy qua nhà nội, hai nhà cách nhau có một lối đi cây cối um tùm, đêm hè đom đóm bay lập loè trong ngõ giếng, tôi tưởng tượng như ánh ma trơi. Ngày lễ Tết, ông nội tôi, mỗi khi cúng quải, khấn vái ông bà tổ tiên, tôi hay đứng sau lưng ông làm bộ tịch chòng ghẹo khiến không khí nghiêm trang, sùng kính vơi nhẹ đi, vì tôi là cháu nội đích tôn được ông cưng chiều, cũng có thể không tin mấy về cúng bái, chỉ làm theo lệ, nên ông chỉ cười hiền, cốc nhẹ vào đầu tôi mắng thương: ”Mẹ họ mi”.
Sao bỗng dưng nhớ quá tháng năm ông bà cha mẹ còn đông đủ, hôm nào ráng chiều đỏ rực trời tây, bà nội gọi đến bất ngờ cho ăn mỳ Quảng cá tràu với nước lèo ít ít, nhưn loe hoe mà sao ngon thấm tận ruột gan, cảm giác đó sau này không bao giờ gặp lại.
Ký ức tôi vẫn hằn sâu những buổi chiều cuối năm êm ả, tĩnh lặng như chiêm bao trong ngôi làng nhỏ bên chân núi, gió mùa đông bắc se lạnh xao xác bên vườn chuối âm u, trăng mọc sớm trên ngọn đồi thấp phía đông chiếu một vệt ánh vàng run rẩy lung linh trên đầm nước ven làng.

Nhớ ngày ông nội tôi bệnh nặng sắp qua đời, ba tôi công tác kháng chiến ở xa, tuổi nhỏ tôi hiếm khi được ở bên ba, má tôi nhắc nhở: ”Con phải năng đến thăm ông, ông còn không bao lâu đâu”. Tôi một phần ham chơi bắn chim, bắt dế gài bẫy chụp, đào trùn đặt ống trúm bắt lươn, một phần nghe nói ông sắp mất, tự nhiên đâm sợ sệt nên ít đến với ông. Khung cảnh nhà nội tôi lại đồ sộ, cây cột nhà ôm không hết vòng tay, bàn thờ tổ tiên âm u khuất tối khiến tôi càng ngại đi ngang đó vào buồng sau thăm ông. Năm kỉa năm kia, mỗi lúc phải lên nhà trên cao nghệu vắng tanh lấy vật gì do ai đó sai bảo, tôi khổ sở cầm theo cây roi mây, quơ liên tục sau lưng đuổi tà ma khi quay trở xuống nhà dưới, tim đập thình thình, kinh khiếp nhất là ngọn đèn dầu phụng trên tay bất ngờ phụt tắt, chạy nháo nhào va đầu vào cột vẫn không kịp thấy đau.
Ông nội, dường như hiểu tâm lý sợ sệt nơi tôi nên có bữa gọi lại nói, giọng đã hơi thều thào: ”Con có thấy người ta đang cưa ván đóng hòm cho ông không? Răng con ít vào thăm ông? Con nề, ông chết rồi thì cũng như cục đất, không thành ma cỏ chi đâu. Mà giá như có cái chi linh thiêng thiệt thì ông thương con cháu, phù hộ giúp đỡ con cháu chớ ai lại làm ma bắt con cháu đâu mà sợ.” Ra khỏi buồng ông, tôi vừa đi vừa lấy tay áo quẹt nước mắt. Không lâu sau, ông tôi qua đời, tháng chín mưa lụt xối xả từng cơn phủ trắng núi rừng một màu tang tóc, xôi nếp mới đám tang ông thơm lừng trong nhà ngoài ngõ.

Không hiểu thừa hưởng nét tâm lý nào, của ai, vì ba má tôi cũng là đảng viên trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng sao đến phiên tôi, khi phải sinh hoạt trong các hội đoàn, tổ chức này nọ, bao giờ tôi cũng ngượng ngùng, không nghiêm trang và tự nhiên nổi. Tôi không quên một lần may mắn được dự lễ kết nạp Đảng với một không khí thiêng liêng không ngờ ở một trường PTTH (thiêng liêng còn hơn làm phép Báp Têm, vì khi ông mục sư nhận đầu tín đồ xuống khỏi mặt nước, dù rất nhanh nhưng vẫn có người bị ngộp nên hơi buồn cười một chút). Đảng viên mới là bà hiệu phó gốc Sài gòn đi tập kết trở về, bao nhiêu năm gian khó trên đất Bắc, khát vọng được vào Đảng nung nấu quá mức hay sao mà đến lúc được thề thốt trung thành với Đảng, bà khóc rũ rượi, gần như té xỉu vì xúc động, không nói nên lời, tôi thì ngồi im như tượng, cảm giác lạnh lạnh cứ chạy suốt sống lưng.

Tôi nói một câu để khều nhẹ ông Fippinger chơi: ”Chúa Jesus ghét bọn thu thuế lắm phải không?” Ông cười cười bảo: ”Chuyện đó ở một hoàn cảnh khác”. Ông khoe vừa đi Quảng Nam về, gặp nhiều người Ca Tu thiểu số ở Đại lộc, nhiều người trong bộ tộc này nói được tiếng Kinh với cách riêng. Tôi hỏi:”Ông nói cách riêng là sao?” “Chẳng hạn họ luôn đặt tiếng “cái” chứ không tiếng nào khác trước các danh từ, thí dụ như cái sông, cái làng, cái chữ, cái ruộng, cái rẫy, cái bụng, cái buồn, cái vui…”. “À, tôi biết chuyện này, mấy ông giáo làng quê tôi mỗi lúc mắng đám học sinh quen thói dùng từ CÁI đặt trước danh từ thường bảo rằng mi nói (viết) như mấy thằng Ca Tu, chi cũng CÁI”. Thành thật xin lỗi đồng bào Ca Tu, tôi chỉ nhắc lại chuyện cũ.

Người Việt tự cao và kỳ thị ít ai sánh kịp, dường như tưởng mình văn minh hơn Châu Phi, hơn Ả Rập, thậm chí gần đây có mấy học giả sử gia nào đó chứng minh tổ tiên người Việt còn văn minh hơn Hán tộc. Chưa thấm, ta còn kỳ thị ngay với chính đồng bào mình nữa. Bạn tôi, chị Lương Kim Loan, vốn người Long Xuyên, tôi hỏi ở Mỹ chị có bị kỳ thị gì không, chị nói: ”Nói không hề bị kỳ thị e không đúng hẳn, có lẽ cũng có mà kín đáo lẻ tẻ lắm, phần lớn họ tế nhị hơn xa mình, cứ so sánh là mình thấy ngay, anh coi, tôi ở Long Xuyên, năm nào đó đồng bào mình ở Cao Miên bị “cáp duồn” chạy về lánh nạn, mọi người nhìn với nửa con mắt, coi khinh và xua đuổi ra mặt, thậm chí tránh thuê mướn họ làm việc gọi là “lao động giản đơn” nữa kia. Họ bồng bế lếch thếch ngơ ngác ngay trên đất nước mình, giữa đồng bào mình, coi thảm hại quá, nói thật, tôi nghi ngờ hai chữ đồng bào lắm nghe anh, y như mình nói nhiều tới cái gì là mình không hề có điều đó vậy nghe, nên chi mình được đối xử tử tế như vậy thì chẳng nên đòi hỏi gì hơn”.

Trở lại chuyện chữ nghĩa, bây giờ thì khỏi lo, người Kinh đã học tập nhuần nhuyễn từ CÁI của các bạn Ca Tu rồi. Cứ ngồi trước TV vài phút sẽ thấy “tần số” cao ngất của tiếng này. Tôi từng nghe một quan chức giáo dục thành phố nói: “Những cái người giáo viên đó họ có cái bức xúc vì họ có cái khó khăn của họ, cái lo lắng của họ là rất lớn, chúng ta phải có cái quan tâm và có cái giải quyết thích đáng”(!) (Thật ra tôi ghi… gọn hơn lời nói của ông, vì lẽ khi nói, lúng túng kiếm không ra chữ, ông cứ lặp lại cái… cái… cái… bộn hơn nhiều).
Thấy chưa, quan chức phụ trách giáo dục ở đô thị văn minh bậc nhất đã bỏ xa các bạn trong chuyện dùng chữ này rồi còn gì. Cách ăn nói thời còn lạc hậu, chưa “tiến bộ” như ngày nay coi ra chẳng cần CÁI với CÓ dữ thần vậy. Có thể diễn ý thượng dẫn chỉ với nửa số từ: “Những giáo viên đó quá lo lắng và bức xúc, chúng ta phải chú ý tìm cách giúp đỡ để họ bớt khó khăn”. Nhiều hướng dẫn viên du lịch nói một câu thì đã có gần phân nửa số từ là từ CÁI, làm sao nghe cho lọt! Các anh cứ thử một lần bỏ hẳn TẤT CẢ TỪ CÁI đó đi sẽ thấy nghĩa của câu vẫn không hại gì mà lời nói lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Có lần tôi còn nghe người ta nói “Chúng ta đã có… cái bầu (cử) nghiêm túc”. Không tin được! Trong những câu chuyên gẫu với bạn bè, ai đó lưu ý ông Nguyễn Tuân cũng hay dùng từ CÁI, nhưng chúng ta thấy ông dùng trong một văn cảnh khinh bạc, không ai bắt chước, cạnh tranh được, gần như CÁI là ”hàng độc”, độc quyền của riêng ông.

Chiều đó đám mây đen u ám về chuyện thuế má tan đi phần nào khi chúng tôi nói về chữ nghĩa với chút ít hào hứng. Lúc này tiếng Việt của ông đã khá hơn nhiều, có thể nói với ông vài đặc điểm của ngôn ngữ này. Chẳng hạn tiếng đứng trước danh từ trong Việt ngữ chính là một thứ mỹ từ làm đẹp lời nói nếu ta dùng có ý thức. Từ CÁI nghĩa rất rộng, rất chung chung, gần như đặt vào đâu cũng được do vậy mất tác dụng miêu tả. Thay vì nói CÁI, tổ tiên chúng tôi đặt trước danh từ những tiếng vô cùng biến hoá, tuỳ theo hình trạng của sự vật, ví dụ gương mặt, vẻ mặt, bộ mặt, bản mặt (Trưa đi ra phố mua gương, về soi bản mặt dễ thương của mình- Nguyễn Đức Sơn). Má thì má, môi thì làn môi, vành môi, vành tai, cánh mũi, lồng ngực, bờ vai, ngọn đồi, quả đồi, chỏm núi, trái núi, dãy núi, rặng núi, ngọn núi, sườn non, cánh hoa, đoá hoa, thậm chí đoá trăng (Thấp thoáng sườn non ngày mới chớm, một đoá trăng tàn lẩn lút bay, mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện, lòng ta quạnh vắng như cỏ cây – Thanh Tâm Tuyền), mây thì đám mây, tầng mây, dải mây, vầng mây, sợi mây, cụm mây, dòng sông, con suối, ngọn thác, túp lều, ngôi nhà, toà biệt thự, nỗi lòng, nỗi nhớ, niềm vui, cõi đời, nền độc lập… Câu thơ của Tô Thuỳ Yên viết về cây dừa trên đảo Trường Sa: “Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi”, nếu thay chữ NỖI bằng CÁI thì còn gì chăng? Diệu kỳ thay chữ nghĩa!

Một trong những cách tàn phá tiếng Việt hữu hiệu và nhanh chóng nhất là tìm mọi cách DANH TỪ HOÁ động từ, tính từ, tức là những thuật từ của nó. Nhiều người đã nói, nói rõ nhất và tha thiết nhất là nhà văn Võ Phiến, ông cho rằng Việt ngữ cốt lỏi diễn ý bằng động từ, tính từ, đặc biệt các tính từ láy. Tìm cách biến động từ, tính từ ra danh từ là từ bỏ sở trường, chọn sở đoản, nghĩa là lìa bỏ ưu thế, đặc điểm vượt trội nhất của mình để chọn cái mình yếu kém nhất. Nhờ nói bằng động từ, tính từ mà tiếng Việt sinh động, tươi tắn, vô cùng gợi tả, tràn đầy vẻ tượng hình và cảm xúc. Nói bằng danh từ, tiếng Việt trở nên vô hồn, như chỉ còn cái xác, dài dòng mà lại khô cứng, chán ngắt. Nếu diễn ý bằng động từ, viên chức giáo dục trên chỉ cần nói: “Những giáo viên đó gặp khó khăn, họ bức xúc và lo lắng quá nhiều, chúng ta phải quan tâm giải quyết…” như thế có vẻ Việt ngữ hơn, đâu cần phải CÁI nhiều vậy?
Nghe người ta nói trên TV, cả trên BBC, thú thật tôi buồn bã tiếc nuối BBC của Xuân Kỳ, Xuyến Như, Nguyễn Phúc, Hồng Liên… ngày trước, mới đây thôi chứ có xa xôi gì, sao tiếng Việt ngày đó sang trọng, tế nhị, hóm hỉnh tới vậy. Ngày đó người ta chỉ nói ”họ gặp nhau” chứ đâu có nói chướng kỳ “họ có cuộc gặp”, chỉ nói “tôi nhận định rằng…” chứ đâu có nói “tôi có cái nhận định rằng thì là…”.
Thủ phạm chính khiến lời nói chúng ta trở nên vụng về, luộm thuộm, dài dòng phải chăng do thói quen tai hại hay tại nghèo nàn về “tư duy” đến nỗi lúc nào mở miệng cũng đeo chữ CÓ trên môi, luôn phải đặt CÓ CÁI trước động từ rồi LÀ sau động từ. Thì đây: Tôi có cái suy nghĩ là… tôi có cái khẳng định là… ta phải có cái quan tâm là… ta nên có cái nhìn lại là… ta nên có cái thông cảm với….Luôn luôn vậy. Nói thêm… chết liền!
Tôi biết mình nói gì cũng chẳng qua như chó sủa lỗ không, tuyệt vô âm vọng, người ta cũng sẽ độc quyền chiếm diễn đàn tha hồ kênh kiệu nói “Hôm qua, đã diễn ra lễ… chị X, anh Y đến từ Hà nội… ta có cái dân chủ của ta…” Phải chăng tôi chỉ là kẻ thành kiến, lạc hậu, ôm khư khư quan niệm cực đoan, không chịu chấp nhận việc pha trộn cách diễn đạt có tính toàn cầu, cứ nói lảm nhảm về đặc trưng này nọ? Đã tới lúc Anh ngữ hoá, Âu hoá tiếng Việt rồi sao? ( Nói hoá hoá khiến nhớ tới mấy từ bê tông hoá, ngọt hoá… đúng là cẩu thả hoá, khổ quá!).

Nhưng thầy cô dạy văn giỏi, sẽ dạy những gì và cách nào? Có nói gì về đặc điểm nghệ thuật diễn ý của tiếng Việt không? Có bảo các em hãy học tập cách diễn đạt của nhà văn này, nhà thơ nọ hay nói học vậy biết vậy, nay ta phải hiện đại hoá tiếng Việt bằng cách cứ học tiếng Việt người ta nói trên TV là mẫu mực, cụ thể nhất? Rồi học sinh giỏi Việt văn là giỏi những gì? Hoang mang quá. Thôi, hãy xem những từ láy tác dụng thế nào trong bài thơ ngắn của cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền một chút để tâm hồn ta thơ thới phần nào:

Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Ẩn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng xem tù qua thôn

Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta, chiều cuối năm.

(Chiều cuối năm qua xóm nghèo)

Nguyễn Khiêm