KÝ ỨC SƠ SÀI
KỲ BA MƯƠI
Mấy bữa trước tôi đọc bài của Thận Nhiên nói chuyện hoà hợp hoà giải, bỗng nhớ lại phim "Bất Khuất" (Invictus) - Clint Eastwood đạo diễn, chiếu trên kênh HBO.
Khỏi nói tài diễn xuất của Morgan Freeman và Matt Damon, đặc biệt gương mặt M. Freeman giống Nelson Mandela kỳ lạ, ông như sống lại - các tài tử lớn đều vậy - chớ không phải diễn xuất đoạn đời khó khăn khi Mandela làm tổng thống - sau một cuộc bầu cử lương thiện - một đất nước đang tận cùng chia rẽ vì nạn xung đột sắc tộc.
Ta đều biết ông là lãnh tụ da đen miệt mài, không mệt mỏi chống nạn phân biệt chủng tộc (Apartheid) nhưng phim này lại chỉ kể chuyện tổng thống Mandela can dự trực tiếp giúp đội bóng bầu dục trừ khử nạn chia rẽ màu da, từ thất bại triền miên chẳng mấy chốc vô địch thế giới. Phim làm nổi bật một Mandela đầy cá tính, đức bác ái như thánh nhân, tâm hồn khoan hoà như Phật. Dường như ông quên đi 27 năm khổ nhục bị nhà cầm quyền da trắng đày đoạ trong tù, lúc cầm quyền, vẫn nung nấu quan niệm rằng dân tộc Nam Phi chỉ có một con đường sống và tiến bộ là hoà giải với nhau. Ông luôn nhường nhịn nhưng giữ vững nguyên tắc, xét đoán công bình, đầy tinh thần hoà hợp hoà giải khi lãnh đạo dân chúng Nam Phi, đa phần da màu, vốn căm hận người da trắng thâm căn cố đế. (Ước gì nhà cầm quyền CS xem phim này mà ân hận thấy ra sự đối xử tàn độc, mù quáng với người anh em đồng bào khác chiến tuyến với mình).
Hội thoại trong phim vô cùng tinh tế, thú vị. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông hỏi một viên chức thuộc quyền:
- Anh có biết những năm tháng bị người da trắng coi mình như thú vật trong tù, tôi vẫn giữ lòng tin mình xứng đáng làm người là nhờ cái gì không? Đó là nhờ tôi luôn đọc những bài thơ, chính những bài thơ nâng đỡ tôi đứng dậy.(Scenario không nói ông đọc thơ ai, nội dung gì, chắc vì giới hạn đặc trưng của điện ảnh).
Ôi, sao mà trùng hợp diệu kỳ. Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… nương nhờ thơ để tồn tại mà nói lên chí khí. Phùng Quán của chúng ta một đời bị đoạ đày, khủng bố kịch liệt, thi sĩ cũng nói tôi vịn câu thơ mà đứng dậy (làm người). Phùng Quán thì không bị nhốt trong nhà tù nhỏ nhưng tinh thần ông rõ ràng bị giam cầm lâu hơn Mandela! Quả thật thi ca có năng lực giúp những phận người trầm luân vượt qua định mệnh nghiệt ngã của mình.
Nói tới thơ, thơ tù, không cách gì không nhắc tới Tô Thuỳ Yên. Thơ ông nhìn chung viết toàn về phận người cô đơn, đau đớn mà kiêu hãnh:
Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn.
Thi ca ấy phong phú tới mức ai đọc cũng thấy nhiều ít phận mình trong đó và không khỏi nghĩ mình hạnh phúc, may mắn phần nào hiểu và cảm nhận đươc. Riêng tôi, đọc thơ ông để bớt thấy tuổi già vô vị và thỉnh thoảng quên đi đại hoạ khốn cùng đang xảy ra trên đất nước.
Thời gian dài bất tận bị lưu đày nơi rừng núi:
Mười năm mặt sạm soi khe nước,
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ.
(Ta Về)
Hoá ra những chế độ toàn trị khắc nghiệt đều không khác nhau ở chỗ muốn huỷ diệt nhân cách người tù, họ đầy tham vọng biến những con người giá trị thành thú vật, nỗ lực đưa sự đoạ đày tới… nghệ thuật tuyệt luân.
Những câu thơ sau đây của một thi sĩ, người làm chứng những năm tháng khốc liệt nhất, sau chiến tranh mà đau thương vẫn không hề giảm thiểu:
Như tên phù thuỷ già điên loạn,
Lịch sử lên cơn dữ bất thường,
Treo ngược con đen trên lửa đỏ,
Quật mồ thánh đế phi tang xương.
Và ông đã sống trong hoàn cảnh:
Ở đây, địa ngục chin tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
Bước tới, chân không đè đá sắc,
Vai trần chin rạn gánh oan khiên,
Nước khe, cơm độn, than tàn rạc,
Sống chẳng khôn cầu được thác thiêng.
(Mùa Hạn)
Và những trải nghiệm kinh hoàng khó tin nhưng chính đó là ẩn dụ thi ca, vốn hiện thực …hơn sự thật:
Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không?
Ta khóc lẻ loi, cười một mình,
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
Thân loã lồ đau cháy khổ hình.
(Mùa Hạn)
Tôi không muốn trích thêm những câu thơ nói tới sự đoạ đày dưới chế độ lao tù hiện hữu vì làm vậy cũng như đẩy vào cánh cửa đã mở nhưng không quên được những câu thơ:
Kẻ mới tới bày toà giữa chợ,
Giải người ra, sỉ mạ ba đời.
Và tàn khốc, quái dị hơn nữa:
Chỉa súng đuổi người ra khỏi đất,
Đày đi biền biệt miệt thiên thu,
Đuổi cả người chết ra khỏi mộ,
Cày nghĩa trang, trả vói thâm thù
(Nỗi Đợi)
Và sau đây xin dẫn ít đoạn trong “Nỗi Đợi” và phần cuối bài “Mùa Hạn” gồm 47 khổ thơ thất ngôn (188 câu, dài nhất trong những bài thất ngôn của TTY).
Bao nhiêu năm ròng thân sơ thất sở, (đến nỗi thành vượn!),thi nhân chỉ còn làm chủ được “nỗi đợi”, (mặc cho “ta đợi nghe chừng thiên cổ mỏi”). Trong cô đơn, ông tự an ủi, hoàn cảnh mình âu cũng lẽ thường:
Hỏi ai, ai có là tri kỷ?
Ai có buồn chớp bể mưa nguồn?
Ta khóc, chẳng qua là khóc lại.
Lệ nào, ôi chẳng của tiền nhân?
(Nỗi Đợi)
Và thao thức cùng những ước mơ:
Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường,
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng.
Ta nghe cánh cửa lâu đời sập,
Những xích xiềng han rỉ đứt tung,
Sấm động một trời u uất vỡ,
Muôn nghìn năm thế giới còn rung.
Tất cả rồi đây sẽ đổi thay,
Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây,
Đổi thay cả mặt người tăm tối,
Những bớt chàm xưa được xoá trôi.
Ở đâu còn cụm mây hư ảo,
Bay tự ngàn năm trắng cổ thi,
Tưởng tượng ta gom vào hiện kiếp,
Trọn luân hồi ấy, một lần đi.
Ở đâu còn ngọn gió thênh thang,
Thổi mới trần gian mùa rộn ràng,
Tiếng biển lời rừng nao nức giục,
Ta về cho kịp độ xuân sang.
Và những hoài niệm chết lòng, thời thanh xuân diễm ảo chỉ còn trong mộng:
Mùa hè, em bới tóc lên cao,
Môi ửng son và má chớm đào,
Ngày nghỉ về vườn thăm họ ngoại,
Lòng như con sáo trong ca dao.
Trời cẩm thạch ngời, bông mía trắng
Ngoài đồng dậy tiếng trẻ thơ reo,
Con chuồn chuồn đó thong dong quá,
Mùa hết, còn bay dõi dõi theo.
Em mặc bà ba ra bến nước,
Đưa tay khoả nhẹ nhớ thương nào,
Đến nay, lòng ấy còn xao gợn…
Mùa trái cây nào hái tặng nhau.
Bao giờ, cho đến bao giờ nữa,
Em gánh vui về họp chợ đông,
Lòng ngát như hoa còn kịp buổi,
Áo chưa người giữ để xin buông.*
Sau bao nhiêu cay đắng, phẫn nộ, ngậm ngùi, cuối cùng ông viết:
Lòng ta nay vẫn lòng ta trước,
Vẫn chảy về con nước thuở nào,
Sợi tóc mai kia dù có rụng,
Ba sinh còn để nhớ cho nhau.
Ông tự nhủ đồng thời dường như nhắn hỏi người bên kia chiến tuyến:
Cát bụi, sao quên mình cát bụi,
Đành hanh nhau tàn khốc màu xương.
Mấy mươi năm chiến tranh, tù rạc,
Cười rộ vô thường một tiếng suông.
(Nỗi Đợi)
Thấy như “Đất trời không có chi còn mất”, chuyện đã qua như “Vòng ngừng quay, kẻng khựng một mùa chơi”, “coi dâu biển cũng đã rồi dâu biển”, cuối cùng ông quên hờn giận, mở lòng ra “hoà hợp và hoà giải” (khác nào Nelson Mandela):
Những ai hôm trước từng gây tội,
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình,
Tự tại, thời gian chôn chính nó,
Đời lên lại mãi tựa bình minh.
Sẽ lo chẳng những cho người sống,
Lo cả cho người khuất mặt kia.
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khóc trên bia.
Con ta giờ đã làm cha mẹ,
Lớp lớp truyền lưu máu một dòng,
Không cạn nguồn tình thiên bẩm ấy,
Đời đời nhân loại sống như sông.
Định tâm chỉ viết ít dòng về một phim, thật sự là bom tấn. Xem xong cứ bị ám về tư cách, tài năng của vị cha già (thứ thiêt!) của xứ Nam Phi, (những phim được quảng cáo bom tấn phần nhiều khá nhảm). Nhưng vì một lời thoại của kịch bản dẫn tôi đi xa đến quên đường quay lại.
Lần này tôi chỉ dẫn nội dung thơ ông Tô và tránh nói tới nghệ thuật. Chỉ ra nghệ thuật có người bảo mình dạy đời. Người xưa có nói thơ hay như rượu ngon, chỉ nhấm đã thấy ngon, dễ thấy khác xa rượu dở. Và thơ hay cũng vậy thôi. Người biết đọc – cũng như biết uống – đọc câu đầu đã thấy hay, khác xa thơ dở! Lý do thơ nọ hay vì nó vốn hay, vậy thôi. Ai không thấy hay thì thôi! Xin nói thiệt, 188 câu thơ trong bài Mùa Hạn thì chỉ vài câu không hay chớ không đến nỗi dở.
Đôi lúc chính mình cứ nghĩ ngợi tìm lý do tại sao thơ hay. Thí dụ lần đầu đọc Ta Về, ngay câu đầu tiên đã thấy hay: Ta về, một bóng trên đường lớn. Câu thơ với những thanh trắc rắn rỏi, không chút êm đềm, lãng mạn như “anh về qua xóm nhỏ” chẳng hạn. Nhưng rắn rỏi đâu thích nghi với văn cảnh tác giả đang vui được về nhà? Hay tất cả cái hay nằm trong “từ khoá” một bóng? Rõ ràng từ này khiến hình dung một hành giả cô đơn lầm lủi trên đường, không phải một người mà bóng người, bóng là cái gì không thật, có thể vì tác giả không tin được vế nhà sau bao kiếp nạn quá kinh khiếp. Tôi bỗng nhớ tới khổ thơ này:
Thảo hoa trường tại bế thiếu thất,
Thầm thầm vách lõm bóng ngồi yên…
Giữa khuya có tiếng chim ai oán
Tạt hỏi thăm thần trí bỏ quên.
Bóng ngồi yên chớ không phải người ngồi yên.
Tôi cũng hay ngồi yên vẩn vơ nghĩ tại sao thơ hay, và biết không bao giờ trà lời cho chính mình được.
Nguyễn Khiêm
https://www.facebook.com/khiem.nguyenanh.3